Powered By Blogger





Monday, 7 April 2014

Từ khái niệm vật thể hóa phụ nữ …









Báo chí gần đây rộ tin các người đẹp bán dâm. Từ đó báo chí và dư luận vội vã đưa tin, tìm kiếm trong quá khứ các người đẹp để viết bài với rất nhiều hình ảnh, phỏng vấn người này người kia…Cách làm đó có đúng với cách ứng xử có văn hóa hay không?


Khái niệm “người đẹp” …


Khái niệm về cái đẹp của người phụ nữ chỉ có giá trị tương đối. Thế nào là một phụ nữ “đẹp” thay đổi tùy theo thời điểm, tùy theo xã hội, …
Ai cũng biết bài ca dao “Mười thương”. Thế nhưng tóc bỏ đuôi gà, má lúm đồng tiền, ăn nói mặn mà có duyên, … hiện không còn là những tiêu chí cho các hoa hậu ở xứ ta.

Các người đẹp phải cao, phải có vòng 1 và vòng 3 thật to, phải da trắng, … Sự “độc tài” của các tiêu chí này “lây” sang các lĩnh vực giải trí khác. Rốt cục, các nữ diễn viên, ca sĩ cũng cố gắng mang giày có đế cao, kín đáo (hay ồn ào) nhờ giải phẩu thẫm mỹ để “đẹp”. Có cô còn tuyên bố là “đẹp giả còn hơn xấu thật”. Bất cứ nhà giáo, nhà tư tưỡng nào cũng không thể chấp nhận câu này.

Khác với các sắc diện phụ nữ các nước láng giềng, đi du lịch ở nước ngoài, khi gặp người đồng hương, ai trong chúng ta cũng nhận ra ngay. Thế nhưng, nếu nhìn các người mẫu và hoa hậu Việt Nam hiện giờ, họ giống bất cứ hoa hậu hay người mẫu nào trên thế giới và đồng thời họ khác xa với cái kiều diễm mộc mạc của các thiếu nữ Việt Nam- vì họ đã được chọn theo tiêu chí “quốc tế”.. Rất nhiều các cô gái trẻ hào hứng tham dự các cuộc thi Hoa hậu, Người đẹp, Hoa hậu học đường… Thật không ngoa khi nói là hoa hậu hay người mẫu Việt là những phụ nữ tình cờ hội đủ các tiêu chỉ hiện thời của thị trường khai thác vóc dáng của các cô.

Bên cạnh các cô, đại đa số phụ nữ khác cũng đẹp, nhưng không sống vì hào nhoáng và không bỏ suốt thời gian mỗi ngày để ngồi trước gương trang điểm..Cái đẹp là một giá trị, đồng hàng với các giá trị khác như sự thật, công lý và bác ái. Ta nghiêng mình trước các kiệt tác của thiên nhiên, của các nghệ sĩ và cái đẹp của tri thức. Nhưng cái đẹp của phụ nữ mà một số thành phần đang tôn vinh là một cái đẹp bề ngoài của thể hình, một cái đẹp nhuộm nhiều sắc màu tình dục giới tính, tạo ham muốn cho phái mạnh chứ không phải cái đẹp thuần hậu mặn mà mà ta có thể tưởng tượng khi ta nghĩ đến một hình ảnh phụ nữ vừa đẹp nết vừa đẹp người..

Đến ý thức về thân thể và bản năng bảo vệ thân thể.


Có thể nói trẻ sơ sinh đã có ý thức về thân thể mình : chúng khóc khi bị lạnh, chúng hét khi bao tử bị dày vò bởi cơn đói, chúng thoải mái khi được săn sóc bồng bế, …Ý thức về cái riêng tư của thân thể cũng phát hiện rất sớm : có nhiều nghiên cứu cho thấy, ở nhà trẻ, các cháu, 6 – 8 tháng tuổi, “từ chối” một cô bảo mẫu lạ thay tả cho mình, bỏ ăn khi đau nhức ở đâu đó trong thân thể.. Về liên hệ giữa cá thể và người khác, trẻ đã có nhận định từ 8-9 tháng tuổi nên bắt đầu sợ người lạ. Bắt đầu 6 tuổi, ý thức giới tính đã rõ rệt, … môi trường xã hội trong suốt thời niên thiếu ảnh hưởng rất lớn trên trẻ, chứ không phải đợi đến lúc dậy thì.. Các cô người mẫu và hoa hậu không thoát khỏi các “luật phát triển tâm sinh lý” đó. Có khác chăng là quá sớm, nếu không nói là từ bé, bởi ảnh hưởng của báo chí, internet, các phương tiện truyền thông khác và các khuôn mẫu chung quanh, nên các cô, có khi từ 13-14 tuổi đã bắt đầu “ hành trình” của hotgirl, người đẹp tuổi học trò, … tạo dáng, chụp ảnh, cả những ảnh phô trương những phần nhạy cảm của thân thể. “Mới lạ sau quen”, dần dần các cô xem việc trút bỏ quần áo là bình thường..

Nhìn các ảnh của các người đẹp, nhiều người … lo sợ..


Trước nhất là các kiểu tạo dáng cong lưng ưỡn ngực, những tư thế không bình thường chút nào (các cô sẽ thế nào sau này nhỉ, đau lưng, vẹo sống ?).
Thứ nhì, khoe thân thể, không tôn trọng cái riêng tư của cá nhân, chụp những ảnh phòng ngủ, giường chiếu là đánh mất cái tự trọng căn bản..
Ăn mặc đẹp, đồng ý, nhưng ăn mặc hở hang không có nghĩa là đẹp, nhất là khi cái hở hang đi ngược lại nhu cầu bảo vệ thân thể mình.
Tôi không quan niệm phụ nữ phải che mặt hay phải vận áo quần đen từ đầu đến chân như người theo đạo Hồi, nhưng tôi muốn bảo vệ tính riêng tư của thân thể người phụ nữ, một cái riêng tư bất khả xâm phạm. Đó là chưa nói tới luân thường đạo lý của Việt Nam..
Có người bảo ở bên trời Âu còn “hở” hơn thế nữa. Nhưng sự thật khác hẳn : Ở miền Nam nước Pháp có vài bãi biển “top less” (không mặc áo ngực) nhưng chỉ hạn chế ở đấy thôi và hạn chế trong bối cảnh của mùa hè. Ngoài ra, các “người đẹp” không nhởn nhơ trên các báo chí hàng ngày (trừ vài báo lá cải chuyên đăng chuyện người nổi tiếng) và không ăn mặc khêu gợi ngoài đường phố để gây ảnh hưởng trên giới trẻ. Cách ăn mặc của học sinh, sinh viên các trường bên này hoàn toàn khác với cách ăn mặc của các Lady Gaga. Giới trẻ bên này cũng không mơ túi xách Louis Vuiton hay Chanel như giới trẻ bên Trung Quốc hay ở xứ ta đến nỗi phải cần bán thân để xài hàng hiệu. Các em cũng không bị ám ảnh bởi giải phẫu thẩm mỹ nâng mũi, độn cằm hay nâng ngực….

Vật thể hóa phụ nữ.


Các phương tiện truyền thông thì tặng cho các người đẹp những mỹ từ như “gợi cảm”, “nóng bỏng”, “khó cưỡng”, … toàn là những từ thuộc giới tính. Một người đẹp chỉ là một vật thể giới tính thôi sao?. Người ta còn tóm tắt những “sở hữu” của các cô bởi chiều dài của đôi chân, vòng đo của bộ ngực – chữ “sở hữu” thông thường để chỉ “vai trò làm chủ một vật dụng”? Các bộ phận của thân thể các cô, như thế, được xem như những vật vô tri chứ không phải là một phần không tách rời được của các cô..
Lại các chữ như “khoe hàng, lộ hàng” được dùng để tả cách ăn mặc của các cô và các bộ phận của cơ thể. Như vậy thì một người đẹp chỉ là một hàng hóa ?.

Nữ hoàng sắc đẹp nhiều khi còn được cho là một “thương hiệu” – tức là một cái gì kinh doanh được, bán được, làm ra tiền được.
Ngôn ngữ tải biểu tượng : trong ngôn ngữ hiện thời, các người đẹp đã bị vật thể hóa từ từ, mà không một ai lên tiếng phản đối. Khi đã bị vật thể hóa thì nhân phẩm các cô có còn hay không ?. Bị vật thể hóa, không còn phản ứng tự bảo vệ vẹn tròn cơ thể, không còn “vùng riêng tư”, nói ra thì có vẻ nghịch lý nhưng các cô không yêu cơ thể mình (đây là giải thích theo tâm thần học), sẵn sàng phơi bày trước mắt mọi người, dùng cơ thể như một phương tiện mưu sinh. Như thế, đi đến bán thân chỉ còn một bước. Một bước ngắn. Trước sức mạnh của tiền bạc, phải có bản lĩnh để giữ một cái “đầu lạnh”. Trước cám dỗ của …đô la, phải có khả năng suy nghĩ, cân nhắc, phải có đạo đức. Một chuyện dễ cho những người lớn tuổi nhưng cho một thiếu nữ 18, 20 tuổi, còn nông nổi…chuyện không đương nhiên chút nào..

Ở châu Âu, nhóm chữ “được bảo bọc” (protégée) để chỉ một thiếu nữ không phải lo sự sống mà được một người đàn ông chi tiền giúp, là một cụm từ có ý nghĩa xấu xa. Bên ta thì dịch ra là “sống bám” nhưng nhiều khi người sống bám không lấy đó làm hổ thẹn. Đúng ra, lòng tự trọng cá nhân không cho phép cô ấy núp bóng một người đàn ông như thế – trừ khi người ấy và cô ta sống trong một liên hệ gia đình với bổn phận tương trợ lẫn nhau..

Cách đây gần nửa thế kỷ, phụ nữ Âu Tây nổi lên chống lại hình ảnh phụ nữ “vật cảnh”, “búp bê”, “đồ trang trí” để giành quyền … làm người, đòi được đi học, đi làm, tự lập, …. Hiện nay, một số tựa bài báo của ta trên mạng mời độc giả ngắm “vẻ đẹp búp bê” của vài phụ nữ trẻ. Quả là phản bội những đấu tranh của các bà các mẹ và các chị của chúng ta..

Vai trò của truyền thông ?

Báo chí trên mạng phần đông đi theo thị hiếu của độc giả : chuyện các người đẹp, các đại gia, … ăn khách nên báo nào cũng có chuyên trang về mục này, kể cả những báo “nghiêm chỉnh” nhất..Thế nhưng cũng nên đánh hồi chuông báo động, kêu gọi giới truyền thông chú ý đến tầm ảnh hưởng của mình trên quần chúng nói chung và trên giới trẻ nói riêng. Trách nhiệm của các cơ quan truyền thông rất lớn. Phơi bày cơ thể phụ nữ trên các phương tiện truyền thông không những xúc phạm phụ nữ mà còn lung lạc trẻ con, ám ảnh trí tưởng tượng của người lớn, thậm chí có thể đưa đẩy tới những chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục, hay vi phạm luật pháp (những hiện tượng như cướp, hiếp, mại dâm… mà ta vẫn chưa nghiên cứu nguyên nhân, hậu quả )..

Kết luận

Nhiều người hay viện cớ “có cầu thì có cung” hay ngược lại. Theo lý thuyết này, không ai có trách nhiệm hết mà trách nhiệm đó là do một bàn tay vô hình (khái niệm này của Adam Smith) của thị trường..
Trách nhiệm ở đây liên hệ tới rất nhiều người và cơ quan : những người xem việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như một hoạt động văn hóa (bán thân thể hay ít nhất bán hình ảnh của thân thể phụ nữ là văn hóa thật à ?), những người sống nhờ những sinh hoạt liên quan đến sắc đẹp phụ nữ, những phương tiện truyền thông ăn theo, sự thiếu cẩn mật và suy nghĩ của một số cha mẹ và sự thiếu chín chắn của một số các cô người đẹp..
Sự kiện một số hoa hậu, hay một số người thuộc giới giải trí chọn cách sống “lạ đời” là quyền của họ. Họ chỉ là một thiểu số. Nhưng có thể cũng cần giúp họ nhìn rõ hơn trước khi họ lựa chọn (để tránh cho họ những “sụp đổ” của ngày mai)..
Trong khi đó, phải làm sao để các cách sống ấy không được đưa ra như khuôn mẫu, không “bình thường hóa” những cái “bất bình thường” để bảo vệ giới trẻ. Để chúng không nghĩ rằng trở thành người mẫu và hoa hậu là một trong những cứu cánh trong đời.
———

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai
(Ảnh trong bài chỉ mang tính minh hoạ không liên quan tới bài viết)





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên