Powered By Blogger





Tuesday, 17 June 2014

Kê khai tài sản hình thức không chống được tham nhũng






Một nội dung quan trọng mà các đại biểu Quốc hội đặt ra với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là kết quả của việc kê khai tài sản và tác dụng của giải pháp phòng ngừa đã được như mong muốn chưa?

Ông Huỳnh Phong Tranh trả lời: “Có thể nói việc kê khai tài sản của các đối tượng đến thời điểm này đã được thực hiện tương đối tốt”. Ông Tranh cũng cho biết đã có 3000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực rõ ràng đã được kiểm tra làm rõ, có 88 cán bộ trong đó đã bị xử lý...

Còn tác dụng của nó, theo ông Tranh, các cơ quan có thẩm quyền đã nắm được tài sản của cán bộ công chức trong đơn vị mình để quản lý, kiểm tra; xem xét theo dõi được việc biến động tài sản của cán bộ, có tăng bất thường thì phải giải trình.

Thưa với ông Huỳnh Phong Tranh, tác dụng của kê khai tài sản là chống được tham nhũng, không phải chỉ để nắm được tài sản của cán bộ công chức.

Việc kê khai tài sản các đối tượng đến nay đã được thực hiện tốt hay chưa có lẽ dân biết rất rõ. Nếu cán bộ có tài sản đồ sộ sờ sờ trước mắt, liệu họ có kê khai và giải trình minh bạch số tài sản đó không?

Gần đây, báo chí thông tin nhiều vụ về tài sản của cán bộ, trong đó có cán bộ của Thanh tra Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ, vậy thì không thể nói là “tương đối tốt”. Ngay cả trường hợp Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, báo chí nêu rất nhiều tài sản cụ thể, nhưng cho đến nay vẫn chờ kết luận sau.

Nếu còn có những cán bộ có tài sản lớn nhưng kết quả xử lý cũng tương tự như ông Ngô Văn Khánh, vậy thì dân chưa tin vào cái gọi là kê khai tài sản còn nặng về hình thức này. Chưa kể, không ai dại dột đứng tên hết khối tài sản khổng lồ của họ, mà có nhiều cách để phân tán. Chỉ xác minh cái bản kê khai trên giấy rồi tính được “hơn 910.000/930.000 người phải kê khai đã thực hiện kê khai, đạt 98%” thì cũng chưa nói lên được gì. Cho nên, câu trả lời “tương đối tốt” là thiếu thuyết phục.

Việc kê khai tài sản gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng, làm không tốt việc này thì không bao giờ chống được tham nhũng. Theo ông Tranh thì tham nhũng có nhiều dạng khác nhau, trong đó có tham ô tài sản, tham nhũng, nhũng nhiễu, cố ý làm trái… diễn ra trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên trong việc tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp…

Dù tham nhũng kiểu gì thì cuối cùng cũng biến thành tài sản, vậy thì, xác minh được tài sản minh bạch mới vạch mặt được tham nhũng.

Nếu con cái của một vị quan chức nào đó mới ra trường đã có xe hơi, biệt thự sang trọng thì có đặt câu hỏi tiền ở đâu ra? Những trường hợp đó đã được xác minh chưa?

Nếu có cô cậu nào chưa nuôi nổi mình mà đã có một đống cổ phiếu trong các tập đoàn, công ty thì tiền ở đâu ra? Đã xác minh những trường hợp này chưa?

Cho nên, không thể kê khai theo kiểu hình thức, mà phải được luật hóa mới mong tăng cường thêm sức mạnh và công cụ để chống tham nhũng.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ban soạn thảo (Bộ Luật Hình sự sửa đổi) sẽ bổ sung một số tội phạm tham nhũng, luật hóa một số tội theo Công ước chống tham nhũng như có thể bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp. Có tài sản nhưng không chứng minh được nguồn gốc thì dứt khoát tài sản đó có vấn đề.

Hiện nay, nếu có cán bộ ở biệt thự xa hoa liệu ai đã hỏi và kiểm tra nguồn gốc tiền từ đâu mà có. Vậy thì chống tham nhũng sao đặng!



Lê Chân Nhân
Theo Dân trí 


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên