Bằng việc đặt giàn khoan “khủng” và đưa nhiều tàu quân sự, liên tục có các hành vi gân hấn với lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã leo một nấc thang nguy hiểm trên biển Ðông, trắng trợn xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Ðất nước đang đối mặt với hiểm nguy.
Song, cũng chính khi thế nước chông chênh, chúng ta dường như càng có dịp nhìn lại chính mình. Trong bối cảnh thế giới mới, Việt Nam sẽ phải làm gì để giữ được độc lập, tự chủ và bảo vệ toàn vẹn biên cương, bờ cõi quốc gia?
Từ Tokyo (Nhật Bản), TS. Vũ Minh Khương trao đổi với Người Ðô Thị những trăn trở của ông trước các thách thức mà dân tộc đang phải đối mặt.
........
Thưa tiến sĩ, ông bình luận gì về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi ngang nhiên đưa giàn khoan, tàu quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc tự công bố thuộc chủ quyền của mình là một bước đi táo tợn, nguy hiểm nhưng có tính toán kỹ. Ðằng sau bước đi này là ba yếu tố đã được cân nhắc, như sau: lợi ích lâu dài, phí tổn trước mắt và niềm tin chiến lược.
Về lợi ích lâu dài, họ nghĩ rằng bước đi này sẽ là một bước tiến để họ tiến tới kiểm soát vùng biển Ðông. Từ đó họ sẽ làm chủ được đường hàng hải huyết mạch này ở Thái Bình Dương, tăng thêm nguồn dự trữ tài nguyên và khẳng định vị thế thống lĩnh trong khu vực.
Về phí tổn trước mắt, họ đã lường tính theo phương pháp đơn giản. Về phí tổn vật chất, Việt Nam không đủ nguồn lực để chấp nhận đương đầu lâu dài với Trung Quốc trên biển; do vậy, phí tổn sẽ không phải là quá cao. Về vị thế quốc tế, có lẽ họ nghĩ rằng tổn thất này có, nhưng chỉ là ngắn hạn và không lớn.
Ðiều đặc biệt đáng lưu tâm là người dân Trung Quốc sẽ rất đồng lòng với chính phủ của họ nếu người dân Việt Nam vơ đũa cả nắm, lấy oán báo oán, thoá mạ người Trung Quốc để đôi bên cùng rơi vào vòng xoáy thù hận.
Về niềm tin chiến lược, có lẽ họ tin vào ba điều: thứ nhất, việc này cần phải làm vì lợi ích lâu dài của một đại cường quốc như Trung Quốc; thứ hai, việc này có thể làm được vì phí tổn không lớn, Việt Nam với cấu trúc chính trị-xã hội hiện tại không có khả năng trỗi dậy, và Việt Nam không có đồng minh chí cốt nào; thứ ba, họ thấy rằng họ đang có cơ hội quý để làm được việc này vì thế giới đang bối rối về biến động ở Ukraine và sự lệ thuộc của Nga vào mối liên minh với Trung Quốc.
Với những diễn biến như hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xuống thang xung đột. Chúng ta sẽ phải làm gì?
Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ nếu chúng ta có một chiến lược hiệu quả trong đấu tranh và hợp tác với Trung Quốc. Chiến lược này cần có khả năng bẻ gãy ý chí chiến lược của Trung Quốc. Trong số các điểm chính yếu của chiến lược này, ta cần chú ý các yếu tố sau:
1. Tạo bất ngờ. Hành động khác hẳn với các kịch bản mà các chiến lược gia biển Ðông của Trung Quốc đã trù tính. Làm những điều mà chính trí thức và người dân Trung Quốc phải cảm phục. Người Trung Quốc, với nền văn hoá thâm thuý của mình, rất giỏi trong việc xét đoán ai là quân tử, ai là tiểu nhân; ai xứng đáng với niềm tin của người khác, ai phải hổ thẹn với lương tâm của chính mình.
2. Chứng minh rằng Việt Nam có khả năng biến hoạ thành phúc: sự chèn ép đe doạ của Trung Quốc chỉ làm Việt Nam tăng thêm sức mạnh trỗi dậy.Chúng ta chưa có chiến lược và năng lực tốt để sử dụng và phát huy một vũ khí vô song ngàn đời của dân tộc, đó là ý chí quật cường và lòng yêu nước của nhân dân.
3. Hiểu rõ nội tình phức tạp trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc và sự bất bình của người dân về tham nhũng, bất bình đẳng, thiếu tôn trọng nguyện vọng chân thành của người dân. Trung Quốc sẽ rơi vào thế bị động choáng váng nếu Việt Nam khởi xướng cải cách chính trị với những bước đi quả cảm vì tương lai phồn vinh của đất nước, hoà bình của khu vực, và sự thượng tôn quy luật phát triển văn minh của nhân loại.
Cải cách thể chế, xây dựng xã hội dân sự, tìm kiếm trọng dụng người tài. Ðặc biệt, mau chóng thử nghiệm xây dựng các đặc khu kinh tế - chính trị để làm điểm tựa chiến lược cho phát triển và bảo vệ đất nước, coi đây là một hiệu triệu thiêng liêng đến nhân dân và là một thông điệp cao quý tạo xúc cảm sâu sắc đến cộng đồng thế giới.
4. Không ngây thơ mà cần hiểu rõ phương châm và mưu lược mà vua chúa Trung Quốc thường sử dụng hàng ngàn năm qua trong các cuộc đối đầu với nhau và với các nước láng giềng, trong đó có:
(a) Làm vô hiệu vũ khí mạnh nhất của đối phương. Với Việt Nam, đó là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
(b) Không đánh mà thắng: vặt lông khỉ (đổ nước nóng để khỉ tự vặt lông mình), tạo đám cháy gây rối ren.
(c) Hành động ngang nhiên, giấu kín ý đồ. Nói to những điều ai cũng biết, nhưng ngấm ngầm làm những điều không ai biết ai ngờ; thực thực hư hư, làm đối phương không biết đâu để đối phó, đặc biệt ngầm thay dầm xà tốt bằng gỗ mục mọt để đến khi nhà sụp rồi mới biết.
(d) Ðánh tỉa song phương; không giải quyết đa phương.
(e) Giết gà doạ khỉ.
(a) Làm vô hiệu vũ khí mạnh nhất của đối phương. Với Việt Nam, đó là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
(b) Không đánh mà thắng: vặt lông khỉ (đổ nước nóng để khỉ tự vặt lông mình), tạo đám cháy gây rối ren.
(c) Hành động ngang nhiên, giấu kín ý đồ. Nói to những điều ai cũng biết, nhưng ngấm ngầm làm những điều không ai biết ai ngờ; thực thực hư hư, làm đối phương không biết đâu để đối phó, đặc biệt ngầm thay dầm xà tốt bằng gỗ mục mọt để đến khi nhà sụp rồi mới biết.
(d) Ðánh tỉa song phương; không giải quyết đa phương.
(e) Giết gà doạ khỉ.
Cán bộ và nhân dân Việt Nam nên thành tâm trao đổi với cán bộ bộ ngoại giao Trung Quốc xem bạn có áp dụng các phương cách trên với Việt Nam không. Nếu có thì ở phương cách nào. Thẳng thắn, không né tránh là cách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng niềm tin.
5. Tăng cường liên minh với trí thức và nhân dân Trung Quốc. Người dân Việt Nam không nên trút uất ức và ngờ vực của mình vào người dân Trung Quốc. Sẽ là dại dột vô cùng nếu người dân Việt Nam không tiếc lời nói những điều xúc phạm đến dân tộc Trung Quốc. Chúng ta phải coi nhân dân Trung Quốc là người đồng minh vô giá và tiềm tàng của mình. Chúng ta có thể thấy rõ điều này nếu hỏi họ những câu hỏi chân thành là tại sao chính phủ họ làm những điều tồi tệ với bè bạn. Rất nhiều người trong số họ sẽ nói đó là điều họ không muốn nhưng không thể làm gì hơn được. Trung Quốc đang say máu cường quốc.
Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng lưu tâm là người dân Trung Quốc sẽ rất đồng lòng với chính phủ của họ nếu người dân Việt Nam vơ đũa cả nắm, lấy oán báo oán, thoá mạ người Trung Quốc để đôi bên cùng rơi vào vòng xoáy thù hận. Chúng ta cần hiểu rằng tuy có xung đột gay gắt hôm nay nhưng hai nước sớm muộn cũng quay lại hợp tác với nhau, vì nó sẽ làm công cuộc phát triển của mỗi nước trong tương lai thuận lợi và tốt đẹp hơn nhiều.
Chúng ta mong nhân dân Trung Quốc sẽ được lãnh đạo bởi một hệ thống chính trị dân chủ trung thực, tôn trọng ý nguyện người dân và thực lòng mong muốn sống hài hoà với các nước láng giềng. Ðiều đáng lưu ý là biển Ðông không tạo cảm xúc máu thịt với người dân Trung Quốc như với người Việt Nam; vì vậy người dân Trung Quốc không chấp nhận chiến tranh để hy sinh những người con trai một của gia đình và dòng họ mình cho cuộc chiến vô nghĩa này. Xã hội Trung Quốc sẽ rối loạn nếu Trung Quốc gây chiến ở biển Ðông.
Theo ông, vai trò của các tổ chức quốc tế như thế nào trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc?
Vai trò của các tổ chức quốc tế là quan trọng nhưng không có ý nghĩa quyết định. Trong thế kỷ thông tin và toàn cầu hoá ngày nay, bên nhỏ yếu có thể chiến thắng nếu được cộng đồng dân chúng thế giới đồng cảm sâu rộng và ủng hộ áp đảo. Nếu không tạo được cục diện này thì Việt Nam sẽ ở vào thế rất khó khăn, dù có cố gắng bao nhiêu trong đầu tư mua vũ khí và chuẩn bị lực lượng. Vì vậy, mỗi lãnh đạo và người dân phải thấy hết trách nhiệm của mình trong nỗ lực giúp nước. Cùng với nỗ lực vượt bậc trong cải cách thể chế, nâng cao tầm giá trị của dân tộc Việt Nam dựa trên nhân bản, nhân cách và nhân hoà là nền tảng để đất nước đứng vững và vượt lên mọi hiểm hoạ trong sự tin cậy và ủng hộ của cộng đồng thế giới.
. ............................
P/s: Vũ Minh Khương tốt nghiệp tiến sĩ tại đại học Harvard (Hoa Kỳ). Từng giảng dạy tại đại học Suffolk (Boston) và Keio (Tokyo). Từ 2005 đến nay ông giảng dạy và nghiên cứu tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (đại học Quốc gia Singapore). Lĩnh vực nghiên cứu chính: chính sách công, kinh tế phát triển, thống kê...
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!