Trong năm 2014, thế giới và một số nước sẽ kỷ niệm 100 năm ngày khai hỏa Đại chiến thế giới lần thứ I, 25 năm ngày kết thúc Chiến tranh lạnh và 40 năm Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Điều này cho thấy, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột và thế giới cần cảnh giác trước những mưu đồ bất chính.
Nhận định kể trên xuất hiện cùng thời điểm tờ Eleven Media của Myanmar cho rằng, những diễn biến gần đây có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán và ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đồng thời cảnh báo, Biển Đông sẽ là thách thức lớn nhất đối với Myanmar trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2014 bởi nước này được cho là “có quan hệ lâu đời với Trung Quốc”.
Trong khi đó tuyên bố nhân kỷ niệm 1 năm nắm quyền của Thủ tướng Nhật Bản (19/1) cũng đang khiến căng thẳng tại biển Hoa Đông thêm gia tăng khi ông Shinzo Abe khẳng định: Quyết không nhượng bộ tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe cũng kêu gọi Trung Quốc và Hàn Quốc họp thượng đỉnh với Nhật Bản để giải quyết những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền hoặc do các vấn đề về lịch sử.
Không tìm được tiếng nói chung
Ngày 19/1, tờ Manila Standard Today cho biết, hôm 18/1, Philippines đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc với các nước liên quan ở Biển Đông về một cuộc đối thoại, gặp gỡ để thỏa hiệp xung quanh cái gọi là quy định nghề cá do chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tuyên bố áp đặt (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Lacierda cho biết, đối thoại chắc chắn là tốt, nhưng Manila không chấp nhận cái gọi là quy định nghề cá của tỉnh Hải Nam.
Cũng trong ngày 18/1, Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã tố cáo Trung Quốc đưa ra quy định tàu thuyền nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào Biển Đông (có hiệu lực từ 1/1/2014) và coi đây là một phần của kế hoạch độc chiếm toàn bộ khu vực này. Đồng thời bác bỏ gợi ý từ Bắc Kinh đối với thỏa hiệp về lệnh cấm đánh bắt cá phi lý ở Biển Đông bởi Manila coi lệnh cấm đánh bắt cá của tỉnh Hải Nam nhằm củng cố lập trường “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Philippines cũng tái nhắc lại đề nghị Trung Quốc cùng ra Tòa án Trọng tài Quốc tế để giải quyết tranh chấp biển đảo.
Trước đó (17/1), phát biểu trước các nước thành viên ASEAN, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi “khu vực đoàn kết” để đối mặt với “luật mới” của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời chỉ trích Bắc Kinh về hành động thành lập ADIZ ở biển Hoa Đông (từ 23/11/2013). Manila cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ thành lập ADIZ ở Biển Đông. Theo ông Albert del Rosario, Trung Quốc đang có những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, đe dọa đến sự ổn định khu vực và những động thái gần đây nhất của Bắc Kinh đã vi phạm các quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển và những nước khác theo luật quốc tế.
Cũng trong ngày 17/1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã kêu gọi Bắc Kinh và Seoul họp thượng đỉnh với Tokyo để giải quyết bất đồng. Bởi theo Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, các vấn đề Nhật Bản vấp phải với Trung Quốc và Hàn Quốc là những lĩnh vực khó giải quyết một sớm một chiều, do đó các lãnh đạo cần ngồi lại với nhau, cùng nỗ lực để giải quyết, nếu không có thể dẫn tới những tình huống ngoài mong đợi. Ông Fumio Kishida từng kêu gọi Bắc Kinh tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó (15/1), khi phát biểu với báo giới sau cuộc gặp tại Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới Trung Quốc với người đồng cấp Mỹ William Burns. Ngày 16/1, GMA News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, ngư dân nước này nên bỏ qua các quy định của Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài xin phép khi đánh bắt ở Biển Đông. Theo ông Voltaire Gazmin, Manila có năng lực để bảo vệ ngư dân nước này - sẽ phái tàu hộ tống tàu cá của ngư dân Philippines nếu cần thiết.
Mưu sự tại nhân
Ngày 16/1, Tạp chí The Diplomat đăng bài phân tích của Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia, theo đó một cuộc xâm lược đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) bởi lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ là một sai lầm bi thảm đối với Bắc Kinh. Bởi theo Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc có thể dễ dàng đánh chiếm đảo Thị Tứ một cách bất ngờ, chớp nhoáng dưới vỏ bọc một cuộc tập trận ở Biển Đông. Nhưng hậu quả chính trị của việc này sẽ khôn lường khi trở thành quan ngại lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trước đó (13/1), tờ “Tin tức Quốc phòng” của Mỹ dẫn thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẽ chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và kiểm soát quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong 30-40 năm nữa.
Ngày 15/1, Tạp chí US News & World Report của Mỹ nhận định, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông đã vượt xa ranh giới khu vực và trở thành bất đồng chính giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc chương trình Đông Á (thuộc Hội đồng Chính sách ngoại giao Mỹ) Jeff M.Smith cho rằng, bất đồng Mỹ - Trung xuất phát từ cách hiểu khác nhau đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy có ít nhất 16 nước trên thế giới hiểu UNCLOS theo cách của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất thách thức Mỹ, thậm chí ở mức đối đầu nguy hiểm. Do đó, Mỹ cần thể hiện lập trường đối với vấn đề này bởi liên quan đến lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Cũng trong ngày 15/1, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Samuel Locklear cho biết, nguyên nhân khiến tàu tuần dương USS Cowpens của Hải quân Mỹ suýt va chạm với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông hôm 5/12/2013 là bởi Hải quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những nguyên nhân suýt gây ra va chạm kể trên. Theo ông Samuel Locklear, Trung Quốc sẽ trỗi dậy và Mỹ sớm biết điều này.
Ngày 15/1, một quan chức Trung Quốc đã kêu gọi Đài Bắc bắt tay với Bắc Kinh chống lại Nhật Bản trong cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đài Loan từng nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc trong vấn đề nhạy cảm này bởi “chẳng biết đâu mà lần”.
Trả lời chương trình “Global Watch” của đài CCTV, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đóng vai trò “đạp cửa” trong tác chiến và động thái triển khai 12 máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất F-22 Raptor và điều khoảng 300 binh sĩ đến căn cứ Kadena, Okinawa, Nhật Bản (từ trung tuần tháng 1), chắc chắn nhằm răn đe Trung Quốc “không được động thủ tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch mua thêm 42 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ để tăng cường bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc.
Quyết không về nhì
Ngày 18/1, giới truyền thông Trung Quốc cho biết, tàu sân bay thứ hai được đóng tại cảng Đại Liên và sẽ mất 6 năm mới hoàn thành. Cũng trong ngày 18/1, Hãng Kyodo dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh Vương Dân cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo tàu sân bay đầu tiên sản xuất trong nước tại thành phố cảng Đại Liên.
Ngày 17/1, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biết, Tokyo đã xác nhận trong năm 2015 nghiên cứu phát triển các bộ cảm biến hồng ngoại gắn trên các vệ tinh cảnh báo sớm trong không gian, nhằm thu thập thông tin về các vụ phóng tên lửa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Trước đó (14/1), tờ Sankei Shimbun cho rằng, Nhật Bản đã nghiên cứu và kiểm tra thử nghiệm đảo nổi nhân tạo siêu lớn và công nghệ này có khả năng làm thay đổi chiến lược quân sự của Tokyo.
Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho biết, nước này đang cân nhắc áp dụng mô hình thủy quân lục chiến của Mỹ để tăng cường hơn nữa năng lực hàng hải của lực lượng vũ trang Malaysia. Trước đó (15/1), quân đội Philippines cho biết, có kế hoạch tuyển 20.000 lính mới trong 3 năm tới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và khủng bố ở trong nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Hãng thông tấn ABS-CBN, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Emmanuel Bautista cho biết, việc tuyển thêm lính sẽ tốn khoảng 10 tỉ peso (223,53 triệu USD).
Ngày 15/1, tờ Moskovsky Komsomolets đặt câu hỏi: Ai là kẻ địch hung ác nhất, ai là bạn tốt nhất và trong cuộc đối đầu tương lai, Nga sẽ đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc? Theo học giả kinh tế, xã hội và hoạt động chính trị Nga Vladislav Inozemtsev, Nga cần liên minh với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, chống lại Trung Quốc mới giành được lợi ích tối đa - không hợp tác với Trung Quốc để trở thành người tiên phong chống Mỹ.
Ngày 14/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, chiến lược ngăn chặn Bắc Kinh của Washington thay đổi - vũ khí tiên tiến áp sát Trung Quốc. Có người nói rằng, Mỹ đang tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ và các đồng minh khác để ngăn cản Trung Quốc trở thành quốc gia có tiềm lực hải quân ngang hàng với Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngày 19/1, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời Giáo sư Ngô Kiến Dân, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Quản lý Trung Quốc nhận xét, ngoại giao mới là chìa khóa an ninh quốc gia của Bắc Kinh, chứ không phải sức mạnh quân sự. Theo ông Ngô Kiến Dân, việc sử dụng vũ lực có thể gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc bởi tranh chấp giữa các quốc gia nên thông qua thảo luận và tham vấn lẫn nhau. Nhưng quan điểm của ông Ngô Kiến Dân mâu thuẫn với giới quân sự diều hâu Trung Quốc khi họ muốn sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã có “cơ hội chiến lược” để tăng cường khả năng quân sự của mình và coi xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông là “cơ hội để thử sức”.
Vai trò Chủ tịch ASEAN của Myanmar
Ngày 16/1, người phát ngôn của Tổng thống Myanmar Thein Sein, ông U Ye Htut khẳng định, Chính phủ Myanmar sẽ cố gắng tìm một giải pháp không thiên vị có thể được chấp nhận từ các bên có tranh chấp lãnh thổ. Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin cũng nhấn mạnh, là Chủ tịch ASEAN, Myanmar sẽ đóng vai trò không thiên vị trong các vấn đề khu vực.
Ngày 18/1, tờ Burma News dẫn lời người phát ngôn U Ye Htut cho rằng, mối quan hệ chặt chẽ giữa Myanmar với Trung Quốc sẽ là một lợi thế trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Ông U Ye Htut cũng nhận định, rất khó ký COC, nhưng điều quan trọng là phải có sự hiểu biết giữa các bên liên quan.
Ngày 18/1, Channel News Asia đưa tin, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải, tự do hàng hải, tự do hàng không ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngày 14/1, tờ Sankei Shimbun cho rằng, cũng giống như việc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc có ý đồ thúc đẩy mở rộng “sự thực đã rồi” trên biển và Nhật Bản không thể ngồi yên. Tờ South China Morning Post từng nhận định, tình hình Biển Đông thời gian tới có thể sẽ tương đối tĩnh lặng khi các nước ASEAN đàm phán với Trung Quốc về COC. Nhưng tình hình Biển Đông sẽ khó lường trong năm 2014.
Ngày 16/1, tờ Inquirer của Philippines đưa tin, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr đã phàn nàn về sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Jose Cuisia Jr cho biết, Manila muốn quan hệ tốt với Bắc Kinh, nhưng không thể chấp nhận việc Trung Quốc đang ngăn chặn ngư dân Philippines hoạt động “trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của mình”. Đồng thời cho rằng, việc khởi kiện về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là một cách hợp pháp và thân thiện để giải quyết vấn đề. Trước đó (15/1), Đài ABS-CBN News dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg tiếp tục nhấn mạnh lập trường của Washington về việc cần bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông và thúc giục các bên nhanh chóng cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Theo tờ "Tân Hoa kiều báo", Nhật Bản quyết định cải cách lớn về biên chế của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, tăng cường khả năng cơ động và thiết lập thêm lực lượng chuyên tác chiến đổ bộ 3.000 quân. Tờ Chinese Times cho rằng, nếu Trung Quốc khai hỏa với Nhật Bản, cuộc chiến đó sẽ lớn hơn nhiều so một cuộc chiến tranh Trung - Nhật đơn thuần, vì thế, Mỹ - Nhật nên hợp tác với Trung Quốc để duy trì hòa bình khu vực.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, quân đội Trung Quốc đang lên phương án cải cách, rút từ 7 quân khu xuống 5 quân khu và thành lập 5 Bộ Tư lệnh có quyền điều hành, chỉ huy lực lượng hải - lục - không quân và tên lửa chiến lược. Trước đó (tháng 11/2013), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân từng khẳng định, Bắc Kinh sẽ thành lập hệ thống bộ tư lệnh tác chiến liên quân "đặc sắc Trung Quốc". Đây là bước đi chiến lược nhằm củng cố khả năng tác chiến, tăng cường tính chuyên nghiệp của quân đội, cũng như nỗ lực tái cơ cấu quân đội Trung Quốc từ chuyên phòng thủ thành lực lượng năng động.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo: Petrotimes
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!