Powered By Blogger





Thursday, 8 May 2014

Đọc và nghĩ về Trung Quốc








Khi Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan khổng lồ vào cắm hạ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển quốc tế, chúng tôi thử đọc lại một số lời cảnh báo tâm huyết của nhân sĩ trí thức về dã tâm của nhà nước Đại Hán. Một trong những chuyên luận khá công phu theo chủ đề này là của nhà văn Tạ Duy Anh: Sống với Trung Quốc. Chuyên luận dài gần 20 ngàn chữ, mang dáng dấp của một kế sách. Đựợc biết (qua trả lời báo Tiền Phong) ông đã cặm cụi viết trong gần một năm (tất nhiên là không có bất cứ một xu thù lao nào). Một số người thắc mắc về đại từ chúng ta trong bài viết là tầng lớp nào, thì ông trả lời đó là NGƯỜI DÂN VIỆT, chứ không chỉ riêng một lực lượng xã hội nào.

Chúng tôi cũng biết thêm là ông muốn cả người Trung Quốc đọc chuyên luận đó để họ phải tự rút ra bài học cho riêng họ.

Mỗi người khi đã đọc chuyên luận này sẽ có những suy tư khác nhau. Kể từ khi công bố trên mạng Bô-xít Việt Nam ngày 01-01-2013, nhiều vấn đề Tạ Duy Anh dự đoán đang trở thành thực tế, có thể sớm hơn cả tính toán của ông. Sau đây là một số luận điểm của tác giả mà chúng ta đang thấy nó hiện hữu trong mấy ngày qua:

“Chúng ta, trong bất cứ khoảnh khắc nào đều không được phép sao lãng công việc để ý ông bạn láng giềng. Bỗng dưng nó mạnh lên là phải cảnh giác. Nhưng đột nhiên nó có nguy cơ tan vỡ cũng lại là mối nguy hiểm. Thấy họ cãi nhau với người hàng xóm khác (chẳng hạn như những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay Philíppine), phải nghĩ ngay đến việc họ đang giương đông kích tây, đánh lừa dư luận khỏi chú ý đến mục tiêu chính ở biển Đông, tức là có thể bất ngờ đánh úp mình bất cứ lúc nào”.

“Nếu xét kỹ thì chiến lược “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc là vì mục tiêu lớn nhất thâu tóm biển Đông. Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng ở châu Phi, có thể chi phối Nam Á…nhưng đó chỉ là những chi phối mang mầu sắc thương mại nhất thời, khi các khu vực này còn mông muội. Tại đó Trung Quốc thực hiện cuộc “bòn vét”, “tận thu” thuộc địa mà không phải xua quân đội chiếm đóng, cai quản. Trên thực tế Trung Quốc thực hiện thứ chủ nghĩa thực dân kiểu Hán: Không chiếm đất mà chỉ cần chiếm của cải, sau đó rũ tay phủi trách nhiệm về vô vàn hậu quả họ để lại. Sẽ đến lúc những nền chính trị ở những khu vực đó trưởng thành, họ sẽ xua đuổi Trung Quốc, y như các thuộc địa xua đuổi thực dân châu Âu đầu và giữa thế kỷ trước. Khi đó người Trung Quốc sẽ thay chân người Mỹ trở thành mục tiêu khủng bố của những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Biển Hoa Đông, với vài hòn đảo tranh chấp, không quá quan trọng với Trung Quốc về kinh tế cũng như mở rộng không gian sinh tồn. Vả lại họ biết rằng không thể vượt qua bức thành trì Nhật Bản có Hoa Kỳ luôn ở phía sau, một cách dễ dàng. Cuối cùng chỉ có thâu tóm biển Đông, Trung Quốc mới tạo ra được sự chi phối mang giá trị địa chính trị, chi phối về an ninh, tạo bàn đạp để Trung Quốc vươn ảnh hưởng ra toàn cầu. Thiếu cái bàn đạp định mệnh này, giống như Trung Quốc chưa có điểm dậm chân hữu hiệu cho cú nhảy quyết định xem mình ở tầm cao nào. Điều đó giải thích vì sao Trung Quốc giành mọi ưu tiên chiến lược lãnh thổ cho biển Đông. Để làm điều này, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chính trị. Một trong những thủ đoạn thành công nhất của họ là đã khiến cho những đối thủ tiềm tàng mất cảnh giác. Đầu tiên họ tìm cách qua mặt Hoa Kỳ bằng cú lừa “trỗi dậy hoà bình”, chờ Hoa Kỳ sa lầy họ mới lộ diện. Với Việt Nam, đối thủ chính cần tiêu diệt đầu tiên nhưng lại khó nuốt nhất, họ đánh lừa bằng 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt, lấy lợi ích đại cục mang tính ý thức hệ làm chính.

“Tuy nhiên, việc Trung Quốc nuôi ý đồ quyết chiếm đoạt biển Đông là điều không còn gì phải nghi ngờ. Đừng ai ảo tưởng tin vào thiện chí của Trung Quốc, được quảng bá bằng đủ thứ lời lẽ ngoại giao hoa mỹ. Vấn đề cần quan tâm là họ có khả năng làm được điều đó hay không và phương pháp mà họ sẽ tiến hành?”

“Từ những phân tích ở trên, có thể đưa ra phỏng đoán, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ “doạ” là chính, tìm cách gây áp lực, mua chuộc, ve vãn, chèn ép…để các nước có liên quan đến biển Đông lâm vào khó khăn phải tìm cách thoả thuận với Trung Quốc theo những điều kiện Trung Quốc đặt ra. Cách Trung Quốc làm vẫn sẽ là tạo ra những sự cố ồn ào rồi nhân đấy áp đặt quan điểm của họ hoặc nếu có thể thì gặm một miếng-như miếng Gạc-ma năm 1988 và miếng Vành khăn năm 1995, 1998. Khi các quốc gia kịp phản ứng thì việc đã ở vào chuyện đã rồi. Nói rõ ra thì Trung Quốc sẽ vẫn chỉ áp dụng biện pháp tằm ăn dâu, gặm từ từ, đánh lấn, quấy nhiễu, chủ động làm phức tạp hoá tình hình để can dự và gây áp lực. Cách làm này của Trung Quốc có lợi thế tuyệt đối với họ. Thứ nhất họ chỉ có thắng mà không thua, chỉ được mà không mất, vì đối phương vốn ở thế yếu, sẽ phải kiềm chế, không dễ có hành động tương ứng đáp trả ngay tức khắc.

Thứ hai là họ phân hoá được đối tượng làm áp lực với họ. Vì lợi ích quốc gia, nhiều nước sẽ dĩ hoà vi quý để hưởng lợi.

Thứ ba là chỉ dừng lại ở những phi vụ “vặt vãnh” như vậy, chưa đủ là cái cớ để đối phương hoặc những quốc gia liên quan coi là chiến tranh. (…) Cái lợi thứ tư là Trung Quốc cho thấy họ liên tục đòi hỏi chủ quyền một cách quyết liệt ở những vùng mà nước khác cũng đòi hỏi. Đây là cách pháp lý hoá những việc bất hợp pháp sau này theo kiểu Trung Hoa. Bước chuẩn bị mà họ vừa làm là thành lập tỉnh Tam Sa. Chúng ta không nên coi thường động thái này. Đầu tiên chỉ là cái tỉnh trên giấy, bị Việt Nam, Philippine… coi là vô giá trị. Nhưng sau đó, họ sẽ ấn cái tỉnh đó vào đầu hàng tỉ người Trung Quốc, tạo ra những giao tiếp thương mại, ngoại giao với các nước láng giềng không bị ảnh hưởng quyền lợi bởi hành động của họ, thông qua Tam Sa. Chẳng hạn hành động mời thầu thăm dò dầu khí vừa rồi. Hay những phi vụ buôn bán thương mại với lợi nhuận hấp dẫn, gắn với cái địa danh Tam Sa? Những hội nghị, triển lãm, thi đấu thể thao nhỏ…do Trung Quốc đăng cai được tổ chức ở Tam Sa! Dần dần cái tên Tam Sa sẽ thành một địa danh quen thuộc với thế giới. Nó sẽ đi vào các văn bản giấy tờ mang tính quốc tế. Nó cứ từ từ là một đơn vị hành chính hiện thực của Trung Quốc. Khi đó những hoạt động trên biển Đông của chúng ta, được mặc nhiên coi là hoạt động ở tỉnh Tam Sa của Trung Quốc! Thế giới không bị buộc phải nhớ Tam Sa thực chất là cái gì, gây tổn hại cho ai, mà họ chỉ cần biết Tam Sa mang lại cho họ cái gì. Giống như thói quen thế giới gọi biển phía nam Trung Quốc là biển Hoa Nam, tết Âm lịch là tết Trung Quốc, đến lúc nào đó, họ chỉ còn biết Tam Sa là một tỉnh của Trung Quốc! Về phần mình, Trung Quốc sẽ dựa vào đó để coi hành động tuyên chiến của họ là quyền tự vệ, cụ thể ở đây là bảo vệ Tam Sa!

Đây là một mưu đồ rất thâm hiểm và nguy hiểm cho Việt Nam.

Chúng ta đang ở vào thế khó khi phải đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với Trung Quốc. Đó là thực tế hiện nay đặt ra trước cả dân tộc chứ không chỉ đối với đảng cộng sản. Những người cộng sản đương nhiên là rất bí bởi họ tự nguyện quàng thêm vào cổ cái ách ý thức hệ để tự trói tay mình. Trong khi ý thức hệ là cái bẫy chiến thuật của người Trung Quốc, thì với nhiều lãnh đạo cộng sản Việt Nam nó lại được coi là giải pháp mang tính chiến lược.

“Nói thẳng ra thì giải quyết tranh chấp với Trung Quốc vào thời điểm này, mặc dù cực kỳ khó khăn nhưng vẫn thuận lợi hơn phải làm điều đó với họ sau vài chục năm nữa. Vì vậy không cẩn thận chính người Việt đang tạo thuận lợi cho việc câu giờ của Trung Quốc. Chúng ta cứ hay quên rằng chính Trung Quốc mới là phía cần sự yên tĩnh xung quanh hơn chúng ta để thực hiện chiến lược trỗi dậy và ổn định nội tình. Chúng ta, do quá tự ti về tầm vóc, mà không dám tận dụng vị trí lợi hại của mình để chủ động áp đặt điều kiện ngược lại với Trung Quốc. Nói khác đi trong tay người Việt không thiếu “con bài” mà Trung Quốc phải dè chừng. Nếu không tỉnh táo, tự bịt mắt nhau, tự làm nhụt chí nhau, người Việt Nam sẽ mắc vào chính cái lưới do mình giăng ra với mục đích kìm chân đối phương. Cái lưới đó là viện vào ý thức hệ; cái lưới đó là không làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm; cái lưới đó còn là tự bưng bít thông tin vì sợ làm xấu mối quan hệ hai đảng anh em, sau đó là làm suy yếu tư tưởng cộng sản chủ nghĩa”.

“Nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chiến đấu một mình, đó là điều có thể thấy trước. Vì vậy trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, Việt Nam chỉ có một chỗ dựa chắc chắn, đáng tin duy nhất là sức mạnh toàn dân tộc. Theo hướng đó, chúng tôi thấy hiện tại Việt Nam có sáu lợi thế quan trọng và đi kèm với nó là sáu bất lợi cơ bản sau:

Lợi thế và là điểm mạnh tuyệt đối của Việt Nam trong tranh chấp biển Đông chính là ở vị trí địa lý và tâm lý dân tộc: Có bờ biển dài và không ai trong số 90 triệu dân sợ và chấp nhận quyền lực Trung Quốc. Dọc 3000 km con đường hàng hải huyết mạch của Trung Quốc để qua eo biển Malắca, đều có thể nằm trong tầm khống chế của các lực lượng quân sự Việt Nam. Trong khi đó lượng vận tải của Trung Quốc rất lớn, chủ yếu phải đi qua khu vực này. Trung Quốc chỉ có thể an toàn trong hai trường hợp: Hoặc chiếm giữ toàn bộ biển Đông, đủ sức kiểm soát nó bằng quân sự và được quốc tế thừa nhận; hoặc chấp nhận hiện trạng đó là vùng biển quốc tế, thừa nhận chủ quyền của các nước khác. Trường hợp thứ nhất là điều Trung Quốc mong muốn nhưng không bao giờ thành hiện thực. Vì vậy, trên thực tế, chỉ Việt Nam mới có thể đảm bảo an toàn hàng hải cho Trung Quốc.

Lợi thế thứ hai là chúng ta ở về phía phòng thủ, có thể bị động về thời gian xảy ra chiến sự nhưng lại hoàn toàn chủ động trong việc chi phối chiến cuộc, tránh được tổn thất vì vậy có thể duy trì chiến tranh trong thời gian đủ dài để lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc mất hết nhuệ khí. Điều Trung Quốc lo sợ nhất là không thể thắng chớp nhoáng, phải đánh nhau giằng dai thì lại đúng vào sở trường của phía Việt Nam: Lấy ít đánh lại nhiều và đánh trường kỳ, không cho kẻ thù kết thúc có lợi.

Lợi thế thứ ba là hầu hết các cường quốc còn lại và Liên hiệp châu Âu đều công khai hoặc ngấm ngầm đứng về phía Việt Nam vì họ không chấp nhận Trung Quốc quản lý biển Đông.

Lợi thế thứ tư chính lại ở cái yếu thế của Việt Nam: Nước nhỏ hơn trong cuộc đối đầu, là nước bị bắt nạt, là phía chính nghĩa cả về pháp lý và tình cảm, sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước. Trung Quốc không thể coi thường những cuộc biểu tình phản đối với hàng chục triệu người xuống đường trên khắp thế giới.

Lợi thế thứ năm là chúng ta có kinh nghiệm chiến tranh, với một quân đội thiện chiến, được khích lệ bởi những chiến thắng trong lịch sử, có giá trị như một điểm tựa tinh thần chắc chắn.

Lợi thế thứ sáu đó là khả năng chịu đựng tốt của kết cấu xã hội trong tình trạng thời chiến nhờ đã được tôi luyện. Ngoài ra do chúng ta nhỏ hơn nên khả năng chuyển đổi để thích nghi nhanh hơn.

Còn đây là sáu bất lợi:

Bất lợi thứ nhất là tiềm lực kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, ít tích luỹ, hậu quả là tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là hải quân và không quân thua xa đối phương cả về số lượng và công nghệ. Trong khi đó chúng ta vẫn đang tiếp tục lãng phí những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước khiến hạn chế khả năng huy động tổng lực cho chiến tranh-nếu nó xảy ra.

Bất lợi thứ hai là người dân bị bưng bít thông tin, kém hiểu biết về tình hình đất nước, tình hình lãnh thổ, lãnh hải, nếu chiến tranh xảy ra dễ ở vào thế hoang mang, bị động.

Bất lợi thứ ba là mâu thuẫn dân tộc còn khá nặng nề, không phát huy được tối đa sức mạnh trong và ngoài nước.

Bất lợi thứ tư là hạt nhân tập hợp lực lượng không còn đủ sức hút cần thiết, hạn chế khả năng lãnh đạo, động viên mọi tầng lớp xã hội trong tình trạng đất nước nguy cấp.

Bất lợi thứ năm là tiếng nói của Việt Nam ít gây chú ý với cộng đồng quốc tế do bị Trung Quốc thao túng dư luận, xuyên tạc sự thật quá lâu.

Bất lợi thứ sáu là Việt Nam không có đồng minh quân sự.

Đất nước không thiếu những người tâm huyết, chỉ tiếc là phần lớn tiếng nói chân thành và nóng bỏng tình yêu tổ quốc của họ vẫn chỉ như ném vào khoảng không mù mịt.

Đáng tiếc thay!

Hà Nội những ngày nóng bỏng chuyện Trung Quốc xâm lược
BẠN ĐỌC GỬI TTXVA.NET

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên