Eiffel trong một ngày mưa ở Paris năm 1889. Ảnh: CNN.
Hôm nay ở Paris đang là một ngày ít mây và nắng. Bầu trời có thể không giống như trong bức ảnh mà tôi với bạn thấy trên đây, nhưng đó là bức hình đẹp nhất về Eiffel mà tôi biết.
Bức ảnh chụp Eiffel trong một ngày mưa rào năm 1889 được CNN đăng tải. Tòa tháp trong mưa như những tất yếu của tự nhiên không thể tránh khỏi, nhưng ở bên dưới con người vẫn vô cùng lạc quan say sưa trong tình yêu đôi lứa và cả tình yêu cho Eiffel nữa. Với nhiều người, Effel đã là một tình yêu!
Đúng 13 giờ 30 phút ngày Chủ nhật 31 tháng 3 năm 1889, dưới chân tháp là Gustave Eiffel - vị kiến trúc sư, người khai sinh ra Eiffel đang tiếp đón khách mời. Còn trên cao là một lá cờ, phấp phơi trong những tiếng hoan hô, rượu sâm panh,...
Thế là Eiffel đã vắt mình qua một phần tư thời gian đầu tiên của thế kỷ thứ hai tồn tại.
Một người yêu Paris!
Đã 125 năm trôi qua mà tháp Eiffel vẫn là tình yêu lớn giữa lòng Paris hoa lệ. Và khi đã yêu thì ai chẳng muốn giữ là của riêng mình!
Nhiều người cất giữ Eiffel của riêng họ trong những tấm ảnh. Nhiều người khác gửi tình yêu trong những tấm bưu thiếp mà tiếng Pháp gọi là Carte Postale. Nhưng có lẽ chẳng ai như ông thầy của tôi - đã mang cả mô hình tháp Eiffel đặt lên nóc nhà, để ngày ngày đi dạy học chỉ cần ngoái nhìn sang phía bên cửa sổ là có thể nhận ra cái nóc nhà đặc biệt của mình.
Bạn có quyền hoài nghi về điều tôi vừa kể, nhưng nếu muốn bạn có thể kiểm chứng bằng cách đến khu nhà B trường đại học của tôi (đại học Ngoại thương Hà Nội), vào một lớp học bất kỳ phía hành lang phải (từ tầng 3 trở lên) để đảm bảo bạn có thể nhìn thấy tháp Eiffel thu nhỏ mà tôi vừa kể.
Hoặc có cách khác đỡ tốn công hơn, hãy hỏi bất kỳ ai từng học tiếng Pháp tại trường tôi, họ sẽ kể cho bạn nghe về người thầy tuyệt vời đó - chắc chắn sẽ nhiều và kỹ hơn những gì tôi có thể kể trong bài viết này. Bởi hôm nay, tôi muốn dành thời gian cho một điều tuyệt vời khác - La tour Eiffel.
Eiffel: Yêu và ghét
Với một người yêu mến nước Pháp và trân trọng Eiffel đến tận cùng, chắc hẳn thầy tôi sẽ không ưa gì nhà văn Guy de Maupassant và cũng phải "ngán ngẩm" vì một thời đã có nhiều người không hề thích Eiffel.
Guy de Maupassant là một trong những người nổi tiếng ghét công trình này, đến mức ông thường lui tới ăn trưa ở nhà hàng ngày bên trong tòa tháp vì cho rằng đây là nơi duy nhất ở Paris giúp ông không phải nhìn thấy tháp Eiffel. Ý nghĩ đó thật là lạ, ít nhất với những ai yêu Eiffel. Nhưng chính ý nghĩ có phần điên rồ ấy lại hé lộ một sự thật, đó là ở bất kỳ nơi nào tại Paris, bạn đều có thể nhìn thấy Eiffel.
Bỏ lại mọi tiếng cười chê như cách thời gian bỏ lại những gì là quá khứ, Eiffel hiên ngang đứng giữa trời thủ đô, sống giữa đời thường bận rộn của những người Paris và dần dần cũng trở thành trái tim của Paris, bên cạnh những Bảo tàng Louvre, Khải hoàn môn, đồi Montmartre,... Để rồi từ hiện tại, người ta nhìn lại và thấy rằng, đó còn là một biểu tượng của cách mạng công nghiệp, như những đường ray xe lửa được xây dựng khắp nước Pháp và nhiều nơi khác trên thế giới.
Vậy Eiffel đã bao nhiêu năm tuổi mà vĩ đại đến thế? Sẽ không khó để tìm ra câu trả lời nếu chịu khó lướt qua những tờ báo lớn của Pháp trong ngày hôm nay 31/3/2014 - đúng 125 năm sau ngày ra đời của tòa tháp cao nhất thế giới (cho đến tận ngày bị soán ngôi bởi tháp Burj Dubai tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất).
Chuyện về tòa tháp nổi tiếng nhất thế giới - biểu tượng của các "Parisiens" (dân Paris) - nhiều đến nỗi, dẫu có không được đặt ở vị trí bắt mắt nhất của một tờ báo nhưng những gì viết về nó, cả về số lượng lẫn sức nặng gửi gắm trong từng con chữ, vẫn có thể dư sức làm cho độc giả phải choáng ngợp.
Trong sự say sưa của những niềm tự hào và cả những hoài niệm về những câu chuyện sử mà cuối cùng đã đến lúc được kể, thi thoảng vẫn bắt gặp những mẩu chuyện nhỏ đầy thú vị xung quanh những lầm tưởng của không ít người rằng, Eiffel chỉ đẹp ở bề ngoài hay nhờ những khung hình ánh sáng lộng lẫy mà ai cũng có thể cảm nhận bằng mắt thường.
Đo độ cao bằng... bước chân!
Ai cũng biết tháp Eiffel cao 324 mét nếu tính cả ăng-ten trên đỉnh, nhưng trong buổi khánh thành hôm đó, người ta đã nghĩ ra một cách đo chiều cao mới. Không cần máy móc và cũng chẳng cần phải là kỹ sư công trường, một khách mời được bịt mắt và bước đi từng bậc từ chân tháp cho tới đỉnh. Tổng cộng 1792 bước chân. Quả là một kiểu đo đạc kỳ công để tương xứng với một công trình vĩ đại. Kể từ đó về sau, cái tiền lệ tốn công ấy được duy trì cho đến hiện tại khi phần lớn những ai đến tháp Eiffel rồi cũng sẽ trèo lên tới đỉnh tháp mới chịu quay về (theo Le Monde).
Từ khi đi vào hoạt động, Eiffel đã đón 250 triệu khách tham quan, kể từ 10 năm nay trung bình có từ 6 đến 7 triệu khách tham quan mỗi năm.
Sống hơn một cuộc đời
Cùng với lượng khách đến càng đông, năm tháng cũng dần nhiều thêm, khiến cho tôi tự hỏi liệu Eiffel có đang ổn hay không bởi dẫu sao đó cũng chỉ là một công trình. Thật bất ngờ, hóa ra tòa tháp được Gustave Eiffel thiết kế chỉ để tồn tại trong vòng 20 năm, mà tính đến nay đã 125 năm trôi qua.
Đến đây có hai câu hỏi mấu chốt cần đặt ra: thứ nhất, chính quyền Paris đang làm gì để Eiffel có thể tiếp tục tồn tại và thứ hai, điều gì khiến cho Eiffel đứng vững lâu đến vậy, ít nhất đối với khả năng tồn tại 20 năm của nó?
Eiffel còn là chốn của những người thích "riêng tư"
(Ảnh: Bảo Thanh).
Trả lời cho câu hỏi đầu tiên, có thể thấy Paris hiện vẫn duy trì việc sơn lại định kỳ 7 năm một lần cho tòa tháp nhằm chống rỉ và trang trí lại màu với khoảng 60 triệu tấn sơn được sử dùng mỗi lần.
Hiện tại, nhiều công trình bên trong vẫn đang được tu sửa và nâng cấp để việc tham quan trở nên thuận lợi hơn. Chẳng hạn như xây thang máy bên trong, nhưng đây lại là công việc tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn người ta tưởng.
Năm 2008, khi quyết định nâng cấp thang máy phía Tây tòa tháp được quyết định, kế hoạch dự kiến chỉ mất 2 năm và 12 triệu euro nhưng cho đến hiện tại công trình này vẫn chưa thể đi vào hoạt động, dự kiến sẽ phải mất 6 năm và 36 triệu euro để hoàn thành.
Với chi phí như vậy, đây có thể sẽ trở thành chiếc thang máy đắt nhất thế giới. Vì thế mà nhà báo của tờ Le Monde, Denis Cosnard trong bài viết gần đây đã gọi đó là một "công trường thảm họa". Trước đó, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích số tiền để sơn cũng như trùng tu lại công trình tháp Eiffel là rất tốn kém. Nhưng chính từ những phê phán đó, mà câu hỏi thứ hai được đặt ra ở trên cũng tìm ra câu trả lời.
Dẫu khoản chi phí bỏ ra không nhỏ, nhưng Paris vẫn luôn làm mọi cách để Eiffel tiếp tục tồn tại. Đó là vì Eiffel đã trở thành biểu tượng không thể thiếu và quan trọng là vì tình yêu, sự tôn kính mọi người dành cho nó.
Người ta tin rằng, vì tình yêu và sẽ bằng tình yêu mà Eiffel tiếp tục tồn tại!
Cách để Eiffel, từ một công trình được thiết kế để tồn tại trong 20 năm nhưng được giữ gìn suốt 125 năm chính là tình yêu. Paris không thể không tu sửa Eiffel bởi hàng triệu người vẫn đến mỗi năm. Chẳng phải vì tình yêu và sẽ bằng tình yêu của cả thế giới mà Eiffel tiếp tục tồn tại sao?
Vậy mỗi người đều có thể là "người hùng" giúp cho Eiffel tiếp tục sống 125 năm và lâu hơn. Nếu coi 20 năm đầu là một cuộc đời trên bản vẽ, thì việc Eiffel đã sống 115 năm nữa là nhờ tình yêu của tất cả. Eiffel đã tồn tại nhờ tình yêu lớn của mọi người. Vì vậy, 20 năm có trở thành vĩnh cửu hay không còn phụ thuộc vào tình yêu mọi người dành cho Eiffel những năm về sau.
Quay trở lại câu chuyện đầu tiên. Thực ra, tôi không rõ ông thầy kính mến của tôi còn có ngụ ý gì sâu xa nữa không khi đặt mô hình tháp Eiffel thu nhỏ trên nóc nhà, nhưng với nhiều sinh viên Francophone, nó đã trở thành thứ nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Pháp và cả nước Pháp nữa.
Đã là người yêu cuộc sống, thì ai cũng sẽ muốn sống nhiều hơn một cuộc đời. Và hãy để tình yêu đó lan tỏa như mối tình với tháp Eiffel mà người thầy đã truyền cho thế hệ học trò.
Theo: Gafin.vn
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!