Powered By Blogger





Tuesday, 11 September 2012

Các Bố Gìa Nga một thời lũng đoạn chính trường






Kỳ cuối: V.Putin: “Việc này phải chấm dứt, ngay lập tức!”  

Vladimir Putin nhìn xuống bàn hội nghị. 30 đại gia tài chính và công nghiệp ngồi quanh. Đó là những gương mặt từng xem trời bằng vung.
Cuộc đối thoại giữa Tổng thống Putin (trái) và nhà tài phiệt Khodorkovsky tại điện Kremlin năm 2002. Nhìn ánh mắt của V.Putin, người ta đã đoán ông sẽ làm gì với ông trùm này sau đó: bắt giam!
Các vị đã xây dựng đất nước này - Putin với gương mặt lạnh như tiền cố hữu bắt đầu lên tiếng - bằng những cấu trúc chính trị và bán chính trị nằm dưới sự giám sát của các vị. Những hình thái này cần phải chấm dứt, ngay lập tức!”.
Đó là những gì nhà báo John Lloyd (New York Times) thuật lại phiên họp tại Kremlin với các doanh nhân có máu mặt ngay những ngày đầu ngồi ghế tổng thống (nhiệm kỳ 1) của Putin...
Hệ lụy kinh khủng!
Cấu trúc chính trị và bán chính trị mà Putin đề cập là gì? Thử xem mô hình làm ăn của Mikhail Fridman và Pyotr Aven. Hai đại gia này chính là những người sáng lập Tập đoàn Alfa Group, có những mối quan hệ thân thiết với chính khách chóp bu Kremlin. Họ thừa nhận rằng cựu tổng thống Boris Yeltsin đã làm ngơ cho phép các doanh nghiệp “muốn làm gì thì làm”. “Luật lệ này không chính thức. Không bao giờ được viết ra nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu” - Fridman nói với The Moscow Times. 
Oleg Deripaska
Thời hoàng kim, Fridman từng thuê giang hồ giúp thực hiện các phi vụ bất hợp pháp cũng như hối lộ viên chức cảnh sát từ Nga đến Kazakhstan! Trong khi đó, Pyotr Aven nhúng tay vào những vụ buôn ma túy đến độ nội vụ vỡ lở và cuối cùng bị sa thải khỏi ghế bộ trưởng thương mại... Mô thức “cấu trúc chính trị và bán chính trị” mà Putin đề cập còn thể hiện ở việc Berezovksy từng ngồi ghế phó bí thư Hội đồng an ninh quốc gia, rồi bí thư Tổ chức điều phối Cộng đồng chung các nước độc lập (CIS) và thậm chí được “bầu” vào Hạ viện (Duma) năm 1999. Đó còn là trường hợp tỉ phú công nghiệp luyện kim Oleg Deripaska, người có mối quan hệ với Kremlin thông qua việc cô vợ mình là con gái cựu chánh văn phòng tổng thống Yeltsin mà ông này lại lập gia đình với ái nữ của Yeltsin! Với những quan hệ như vậy, làm thế nào có thể tránh khỏi cái gọi là “nhóm lợi ích”!
Sự tệ hại của các nhóm lợi ích đã thể hiện ở những con số cụ thể, cho thấy “khả năng” tàn phá kinh khủng nền kinh tế Nga như thế nào trong giai đoạn họ kết bè kết đảng để tư túi riêng dẫn đến sự suy kiệt đất nước. Vào những ngày gần chấm dứt “kỷ nguyên Boris Yeltsin” (1999), các thống kê ở Nga như sau: 
  • GDP 184,6 tỉ USD - giảm 45% kể từ năm 1991
  • Khoảng 40% dân sống dưới mức nghèo khổ (51 USD/tháng)
  • Tỉ lệ lạm phát 86% 
  • Tỉ lệ thất nghiệp 11,5% 
  • Chi phí quốc phòng giảm 80-85% từ năm 1991-1999...
Thời Yeltsin, Nga vay 40 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như nhiều tổ chức tín dụng quốc tế khác. Gennady Chuffrin, nguyên phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế kinh tế thế giới (Matxcơva), đã kết luận: “Mục tiêu chính của Yeltsin là phá nát tất cả và đó là điều mà ông ấy làm rất giỏi. Không có giai đoạn nào mà Yeltsin nỗ lực xây dựng bất cứ điều gì. Tất cả đều tuột khỏi tay ông ấy và bị cướp đi bởi bọn trùm doanh nghiệp, bọn lãnh đạo địa phương và các nhóm tội phạm. Nguyên tắc tôn chỉ của kỷ nguyên Yeltsin là hỗn loạn!”. 
Một cuộc phỏng vấn vẫn còn giá trị 
Năm 2007, Vladimir Putin được tuần báo Time bầu là “nhân vật trong năm”. Một cuộc phỏng vấn dài đã được thực hiện. Vài đoạn trích dưới đây, liên quan cuộc thanh trừng các bố già cùng các nhóm lợi ích từng thao túng và biến nước Nga thành một quốc gia mà công lý trở nên xiêu vẹo và pháp luật chỉ là trò hề. Điều đó cũng cho thấy rằng những sai sót trong hệ thống tưởng chừng bám rễ sâu đến mức không thể chặt phá, nhưng nếu được thực hiện với sự quyết tâm thì chẳng có gì là bất khả hay muộn màng, trong việc đưa đất nước trở lại con đường sáng sủa minh bạch.
* Time: Ông có thể nói về vai trò nhà nước trong việc điều phối hay kiềm chế giới công nghiệp Nga? Đã có vài vụ nổi cộm với chiến dịch bắt giữ và tịch thu các công ty. Tại sao chúng bị thâu tóm và những ông chủ của chúng bị bắt?
- Putin: À, anh không thể là kẻ trộm cắp (Putin nhắc một câu trong Kinh thánh, “Thou shalt not steal” - ND). Những vấn đề đó không khó đối với tôi. Chúng khó đối với người dân và với luật. Khi người ta không còn thượng tôn pháp luật; và họ mải mê làm giàu, trong khi hàng chục triệu người Nga khác, cùng lúc, lại mất đi những khoản tiết kiệm ít ỏi để dành cả đời mới có được, thì điều đó sẽ tạo ra sự mất niềm tin và căm hận.
Trọng trách của tôi, như tôi thấy, đầu tiên là khuyến cáo mọi người biết sống theo luật, tuân thủ luật, bất luận độ dày quyển sổ tài khoản của họ như thế nào. Điều thứ hai là phải làm sao cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi có trách nhiệm xã hội hơn, phải đập bỏ bức tường căm hận giữa dân chúng và giới doanh nghiệp. Chúng tôi cần các doanh nghiệp hiểu về trách nhiệm xã hội, rằng nhiệm vụ và mục tiêu chính đối với một doanh nghiệp không phải là hùng hục kiếm tiền để trở nên giàu có rồi chuyển tiền ra nước ngoài, mà phải biết nhìn nhận và đánh giá những gì mà một doanh nhân cần làm cho đất nước, cho người dân. Cuối cùng, chúng tôi phải làm tất cả để đánh bại đói nghèo.
* Time: Có phải thập niên 1990 là một thời điểm của nghịch lý đối với ông? Một mặt, ông nói nó cho ông sự tự do mang sắc màu Gorbachev; mặt khác, trong những phát biểu đó đây, ông lại nói rằng đó là một giai đoạn sụp đổ toàn diện và là bi kịch của sự tan vỡ Liên Xô?
- Putin: Tôi chẳng thấy nghịch lý gì ở đây cả. Hệ thống cơ chế hoạch định quản lý nhà nước từng chiếm ưu thế trong đời sống kinh tế (Liên Xô) đã đưa đến hậu quả sụp đổ đất nước. Khi người dân không còn bận tâm về đất nước mà họ sống, không còn cần một nhà nước như thế, thì tất nhiên sẽ chẳng có gì ngạc nhiên trước việc người dân không còn quan tâm về nhà nước đó. Có lúc họ tự đánh lừa mình bằng cách ráng tin rằng sự việc không thể tồi tệ hơn, nhưng rồi cuối cùng họ cũng biết chẳng tin như thế thì cũng chẳng làm gì được.
Bi kịch ở chỗ người dân đã hoàn toàn bất mãn và vỡ mộng, bởi khái niệm “tự do cho tất cả” đã được tuyên xưng dưới màu áo dân chủ; sự trộm cắp hàng tỉ đôla đã được miêu tả như là “cái phải như thế” của thị trường tự do, và sự bòn rút hàng đống tài sản thuộc về nhân dân đã được tuyên bố như là hình thái của chính sách tư nhân hóa. Trước khi quyết định làm gì, người ta phải tham khảo nhân dân. Anh có muốn sống tách khỏi đất nước mà anh đang sống không? Ấy thế mà nhân dân có bao giờ được hỏi gì đâu. Như thế chẳng phải là một bi kịch sao?...”.
*** 
Hơn một thập niên qua, báo chí phương Tây không còn nói đến “mafia đỏ”, không còn đề cập các thương vụ mua bán chính trị trong Kremlin và không còn nói nhiều đến sự bi đát trong đời sống dân chúng Nga. Nước Nga mới của Putin vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhớ lại thời điểm mà mafia chính trị còn thao túng đất nước này, bất cứ người Nga nào cũng rùng mình kinh hãi. Đó là thời mà một khoảng trống trong hệ thống đã bị biến thành một “hố đen” cho tội phạm kinh tế, với sự tác oai tác quái của những bố già cùng những nhóm lợi ích của họ được thắt chặt bằng sợi dây quan hệ chính trị.
Đó không chỉ là bi kịch thương đau đối với nước Nga. Nó còn là bài học đầy giá trị đối với không ít nước khác. Đặc biệt ở những nước có nhiều du học sinh đến Nga và Đông Âu thập niên 1980-1990. Nhiều người trong số họ đã học được cách kiếm tiền, cách buôn lậu, cách thâu tóm của cải và quyền lực chính trị... Và họ đang mơ trở thành những Khodorkovsky, những Berezovsky châu Á.
                                                                            Ngọc Trí


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên