Powered By Blogger





Monday, 27 August 2012

Các Bố Gìa Nga một thời lũng đoạn chính trường






Bố Gìa - trong trường hợp này hoàn toàn không giống như “phiên bản” bố già trong tiểu thuyết The Godfather của Mario Puzo mà là một biến thái nguy hiểm hơn nhiều lần. Thao túng và lũng đoạn kinh tế quốc gia, họ có khả năng thọc sâu vào hệ thống tài chính - kinh tế với sự giúp đỡ của các nhóm lợi ích. Những bài học của nước Nga khi được soi rọi lại vào giai đoạn thập niên 1990 sẽ chẳng bao giờ cũ, càng không cũ với một số nước cũng đang vật lộn với cơ chế chuyển đổi và khi mà nền kinh tế quốc gia bắt đầu bị thâu tóm bởi những nhóm thế lực ngầm...


Kỳ 1: Mảnh đất màu mỡ cho thế lực ngầm


Có hai cột mốc đáng chú ý trong lịch sử nước Nga đương đại. Thứ nhất: tháng 4-1985 (tổng thống) Mikhail Gorbachev lần đầu tiên nói đến chính sách perestroika (tái cấu trúc) và glasnost (công khai). Hai chủ trương mang tính “cách mạng” này đã dẫn Liên Xô đến sự tan rã. 
Thứ hai: năm 1994 (thủ tướng) Anatoly Chubais tiến hành chương trình tư hữu hóa.Sự kiện thứ hai là hậu quả trực tiếp của sự kiện thứ nhất và cả hai sự kiện đưa đến sự ra đời một nhóm tài phiệt, tạo ra cái mà báo chí phương Tây gọi là “mafia đỏ”. Chỉ đến thời Putin, sự lũng đoạn của nhóm oligarch (tập đoàn đầu sỏ chính trị - thuật từ chính trị học thời Hi Lạp cổ đại) mới bắt đầu bị hạn chế.....

Thế hệ các bố già Nga ra đời như thế nào?
Nước Nga nói riêng và Liên Xô nói chung bắt đầu thay đổi từ một ngày chủ nhật 10-3-1985, khi vị bác sĩ Kremlin Yevgeny Chazov gọi điện báo Mikhail Gorbachev - thành viên trẻ nhất Bộ chính trị - cho biết Tổng bí thư Liên Xô Konstantin Chernenko vừa từ trần. Trong vòng vài giờ, hàng đoàn xe Limousine đen đậu kín trước Kremlin và phiên họp khẩn đã đưa Gorbachev lên quyền lực. Lúc đó, sáu nhân vật mà sau này trở thành “tập đoàn quyền lực” còn chưa dính dáng đến chính trường.
Alexander Smolensky


Tại căn hộ tầng hai ở Matxcơva, một tài xế xe đổ rác tên Alexander Smolensky 30 tuổi đang ngồi trong xó bếp rủa xả số phận. Smolensky trưởng thành trong gia đình không có cha và cuộc đời đầy những nỗi lo cơm áo gạo tiền...







Mikhail Khodorkovsky
Tại Viện kỹ thuật hóa Mendeleev, Mikhail Khodorkovsky 21 tuổi còn một năm nữa thì tốt nghiệp. Tuy theo ngành hóa nhưng Khodorkovsky bắt đầu thích kinh doanh khi dùng phí đoàn viên để mở một quán cà phê nhỏ trong viện...




Boris Berezovski
Còn ở Viện khoa học kiểm nghiệm, nơi các nhà toán học và lý thuyết học nghiên cứu tên lửa đạn đạo và hạt nhân nguyên tử, Boris Berezovsky 39 tuổi - chuyên gia lý thuyết về tư duy quyết định và có một phòng thí nghiệm riêng - đang mơ mộng về một giải Nobel...



Vladimir Gusinsky
Trên một xa lộ gần phi trường quốc tế Matxcơva, một thanh niên gầy đang đánh taxi lòng vòng kiếm khách. Đó là Vladimir Gusinsky 33 tuổi. Gusinsky rất điên tiết trước thế giới mình đang đối mặt. Mơ tạo dựng sự nghiệp từ sân khấu bởi từng được đào tạo nghề đạo diễn, nghệ sĩ tài năng Gusinsky lại phải kiếm sống bằng nghề lái taxi “chui”...





Yuri Luzhkov
Còn ở văn phòng thị chính Matxcơva, Yuri Luzhkov 48 tuổi đang chán nản ngồi giữa các viên chức bàn giấy già nua chẳng làm được tích sự gì, trừ việc nhốn nháo vào cuối tháng trong đợt lĩnh lương. 






Anatoly Chubais
Cuối cùng, tại một viện kinh tế ở Leningrad, Anatoly Chubais 30 tuổi - con một người theo Chính Thống giáo từng dạy tại học viện quân sự - cũng đang “ca” bài ca thân phận cuộc đời...
Sáu nhân vật trên không quen biết nhau nhưng đều có điểm chung: tận dụng kẽ hở thời perestroika và glasnost để chiếm quyền lực và tiền tài. Bốn người trong số đó - Smolensky, Khodorkovsky, Berezovsky và Gusinsky - đã trở thành trùm tài phiệt, làm giàu trong bóng tối với những quan hệ chính trị mờ ám và biến Boris Yeltsin thành công cụ của mình. Hai người còn lại - Luzhkov và Chubais - trở thành những chính khách quyền lực. Tại một ”nước Nga mới” thời Mikhail Gorbachev và sau đó là Boris Yeltsin, có quá nhiều khoảng trống - trong hệ thống chính trị lẫn kinh tế - để sáu nhân vật trên lợi dụng.
Boris Yeltsin
Kẽ hở trong hệ thống chính trị là nơi trú ẩn lý tưởng cho các bố già
Sau khi thoát nạn từ vụ đảo chính hụt tháng 8-1991, Mikhail Gorbachev tiếp tục ngồi ghế lãnh đạo bốn tháng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng tránh Liên Xô không bị tan rã. Tuy nhiên, cú đấm cuối cùng đã xảy ra vào tháng 12-1991, khi Boris Yeltsin và các nhà lãnh đạo Ukraine cùng Belarus tổ chức cuộc họp tại khu đi săn Belavezhskaya Pushcha và tuyên bố thành lập liên minh đối lập với Gorbachev.
Ba tuần sau, ngày 25-12-1991, cờ Liên Xô được hạ xuống khỏi Kremlin, ngay sau khi Gorbachev tuyên bố từ chức. Vài tháng trước, Yeltsin đã bắt đầu lập một “nội các” riêng với sự tham gia của những bộ não trẻ, trong đó có Yegor Gaidar 32 tuổi, tác giả một số bài phân tích kinh tế từng gây chú ý đăng trên tạp chí cộng sản Kommunist. Yeltsin ủng hộ lý thuyết “big bang” (vụ nổ lớn) của Yegor Gaidar (ám chỉ sự nhảy vụt sang nền kinh tế thị trường tự do như trường hợp Ba Lan sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ).
Yegor Gaidar
Nói tóm lại, lý thuyết Yegor Gaidar là một liệu pháp sốc và Yeltsin muốn đảm bảo rằng mình đã hoàn toàn phá hủy nền kinh tế - chính trị thời Liên Xô. Tuy nhiên, nền kinh tế - chính trị Nga thời hậu Liên Xô hoàn toàn chưa chuẩn bị bất cứ gì cho giai đoạn quá độ và liệu pháp sốc cuối cùng đem lại vô số hậu quả bi kịch.
Sau loạt thất bại trong chính sách tư hữu hóa, nhà cải tổ Yegor Gaidar bị đá đít khỏi Kremlin dưới sức ép quốc hội. 
Viktor Chernomyrdin
Để thỏa mãn giới công nghiệp, Boris Yeltsin đưa Viktor Chernomyrdin lên thay. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa Yeltsin và quốc hội càng lúc càng nghiêm trọng. Cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý kiến về chính sách cải tổ Yeltsin dự kiến tổ chức ngày 25-4-1993. Trước thời điểm này, Anatoly Chubais đã thực hiện chiến dịch tuyệt mật giúp Yeltsin, bằng cuộc gặp kín với nhà tài phiệt George Soros. Một đại diện Chubais - người phương Tây - đã đến Thụy Sĩ dàn xếp việc lập nguồn quỹ cho cuộc vận động hậu trường giúp Yeltsin thoát nguy cơ rớt đài.
George Soros
Kết quả, chiến dịch đánh bóng trên các phương tiện truyền thông đã giúp Yeltsin “thoát chết” với 58% ý kiến bày tỏ lòng tin và 52% ủng hộ chính sách cải tổ kinh tế. Lúc này nền chính trị và kinh tế Nga đã trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Chính sách tư hữu hóa bước sang giai đoạn hai. Bất cứ ai có tiền đều có thể mua được gần như bất cứ gì.
Đây là thời điểm mà những Khodorkovsky, Berezovsky, Gusinsky... xuất hiện, trong bối cảnh giá trị hàng hóa - đặc biệt các công ty nhà nước - được bán với giá rẻ mạt. Zil - hãng sản xuất xe tải nổi tiếng với 100.000 công nhân - chỉ có giá vỏn vẹn 16 triệu USD! Giá thị trường của Gorky Automobile Works (còn được gọi là GAZ), nơi sản xuất xe hơi Volga - chỉ 27 triệu USD. Và trong khi công ty Mỹ thường tính giá thị trường 100.000 USD/công nhân, công ty Nga lúc đó chỉ tính 100-500 USD/đầu người.
Đúng là bi kịch!
                                                      
                                                        Ngọc Trí
(Nguồn: The Oligarchs - Wealth and power in the new Russia, David E.)
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên