Có một mối liên hệ giữa Ba điểm Chín chưa chắc đỗ Đại học Y và “Ba mươi Chín” đời Bộ trưởng Y tế có chắc giảm tải được bệnh viện?
Trong những ngày này, chủ đề điểm thi đại học là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều của xã hội. Trong đó, nổi lên là câu chuyện 3 điểm 9 chưa chắc đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Là một cựu sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, vào trường cách đây gần 30 năm, học sau đại học, gắn bó với ngành từ đó tới nay, tôi không thể không liên tưởng câu chuyện này với câu chuyện gây tốn nhiều giấy mực của báo chí, của các diễn đàn ở Quốc hội cũng như các diễn đàn trên mạng.
Đó chính là câu chuyện “giảm tải bệnh viện” của không biết bao nhiêu đời Bộ trưởng Bộ Y tế. Từ câu chuyện này chúng ta có thể thấy được nguyên nhân chính dẫn tới quá tải bệnh viện mà không hiểu các đời Bộ trưởng Y tế có nhìn thấy không?
Trở lại câu chuyện 3 điểm 9 chưa chắc đỗ vào Đại học Y Hà Nội, có thể tóm tắt như sau: Theo số liệu Trường Đại học Y Hà Nội công bố, tuyển sinh năm nay có 493 em đạt điểm từ 27 trở lên. Nhưng sau khi cộng điểm ưu tiên, số em đạt điểm 27 trở lên là 718 (đa số đều đăng ký vào ngành Bác sĩ đa khoa với chỉ tiêu là 550). Với 111 em được ưu tiên vào thẳng, chỉ tiêu ngành Bác sĩ đa khoa chỉ còn lại 440.
Với hơn 400 chỉ tiêu ngành Bác sĩ đa khoa mà có tới hơn 700 thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên thì dự kiến điểm chuẩn có thể từ 27,5 hoặc cao hơn một chút. Như vậy có khả năng 27 điểm cũng không đỗ Đại học.
Các em thi được 27 điểm chắc chắn là các em có trí tuệ, có sự đam mê học tập và phần lớn cũng có lòng yêu nghề, vì các em biết rằng thi vào trường này là rất khó. Vậy mà các em không có cơ hội thực hiện giấc mơ của mình, nhưng các em lại nhìn thấy hàng năm có rất nhiều bác sỹ chuyên tu, tại chức ra trường về làm việc tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh. Các ngành nghề khác có thể học chuyên tu, tại chức được nhưng riêng ngành y, tôi cho rằng số người giỏi bằng con đường này rất hiếm, thậm chí là ngược với giỏi, hơn nữa bác sỹ mà dốt, nguy hiểm thế nào thì ai cũng biết.
Sức khỏe chắc chắn là vốn quý nhất, nên khi cần quan tâm đến sức khỏe, mọi người đều muốn tìm tới người thầy thuốc giỏi, tới nơi có điều kiện tốt, trong đó quan trọng nhất là người thầy thuốc giỏi. Trong nhiều năm qua, các cựu Bộ trưởng đã được nhà nước đầu tư rất nhiều tiền nhưng đã đầu tư sai về chiến lược, đó là đầu tư cho tuyến y tế cơ sở (năm 2006 tôi đã có bài viết cảnh báo về vấn đề này). Cho đến nay, cái mà chúng ta thu được từ sự đầu tư này là rất nhiều nhà cửa khang trang từ tuyến xã đến tuyến huyện nhưng bác sỹ lại là chuyên tu, tại chức nên người dân vẫn phải tìm đến nơi quá tải.
Hãy chuyển ngay kinh phí đào tạo bác sỹ chuyên tu, tại chức cho hệ chính quy với đầu vào có chất lượng. Ngày nay phương tiện giao thông và thông tin liên lạc đã rất tốt nên chỉ cần đầu tư y tế dự phòng và cấp cứu tốt ở tuyến cơ sở, xây dựng các trung tâm điều trị chất lượng cao tập trung bằng cách xây dựng các bệnh viện tuyến trung ương với các thương hiệu đã có chất lượng như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ Sản TW, Chợ Rẫy, Đa khoa Huế … ở các khu vực. Với cách này, trong thời gian không xa chúng ta sẽ khắc phục được quá tải bệnh viện, còn với cách như hiện nay thì "Ba mươi Chín" đời Bộ trưởng Y tế nữa tôi nghĩ rằng cũng khó!
Trở lại vấn đề 3 điểm 9 của các em năm nay vẫn trượt Đại học Y Hà Nội, tôi cho rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nên tạo điều kiện cho Trường Đại học Y Hà Nội có thêm chỉ tiêu để đào tạo.
Có người sợ rằng cơ sở vật chất không đảm bảo, nhưng điều đó không đúng vì sau gần 30 năm, chỉ tiêu tuyển sinh tăng không đáng kể, trong khi số bệnh viện mới, khoa phòng mới đủ điều kiện thực hành tăng lên rất nhiều. Số Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành thì Đại học Y Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều nhất. Nếu các Bộ trưởng cần phải có ý kiến đề nghị từ Đại học Y Hà Nội thì xin Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh hãy quan tâm đến các em.
Theo: BS. Tạ Văn Sang
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!