Những con số thống kê dựa trên 2.000 phiếu điều tra tại 68 doanh nghiệp được đưa ra trong hội thảo này đã củng cố thêm hiện trạng mức lương tối thiểu của công nhân không thể đủ sống với nhu cầu tối thiểu. Đặc biệt khi các chi phí cứng cho cuộc sống thường nhật đều tăng chóng mặt như: điện, xăng, học phí, viện phí. Theo đề xuất của Viện Công nhân - Công đoàn, sang năm 2014, mức lương tối thiểu cho công nhân cần tăng theo hai phương án: tăng khoảng 24-36% so với mức lương tối thiểu năm 2013 (400-850 nghìn đồng), đáp ứng 77-84% nhu cầu tối thiểu hoặc chỉ tăng khoảng 21-32%. Bên cạnh đồng lương eo hẹp, việc phải thường xuyên làm việc trong tình trạng thiếu chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến 80% tai nạn lao động xảy ra trước bữa ăn do bị đói. Kết quả nghiên cứu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy bữa cơm công nhân rất kém chất lượng.Phần lớn công nhân phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, 98% không có bếp nấu, 70% không có tivi và các thiết bị khác. Riêng tháng 8, ít nhất hơn 1.000 công nhân tại Công ty TNHH May mặc Ivory (Thanh Hóa) nhận được mức hỗ trợ, phụ cấp không đủ cho chi phí sinh hoạt. Hôm qua, ngày 4/9, 3.000 công nhân Công ty May Wondo Vina (Tiền Giang) đồng loạt đình công khi không được thưởng nhân dịp Quốc Khánh 2/9, phụ cấp tăng ca không thỏa đáng. Nghiêm trọng hơn, trưởng phòng nhân sự của Wondo Vina còn dùng roi điện tấn công nữ công nhân đang có mang.Xem ra, khi đời sống của công nhân chưa được cải thiện, tình trạng ngược đãi người lao động vẫn tiếp diễn, thì có lẽ tình trạng “thiếu thợ” sẽ còn kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Bởi chẳng ai muốn gia nhập giai cấp từng được tung hô là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam để rồi “vặt mũi chẳng đủ đút miệng”.
P/s: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân..." trích Điều 4 - Hiến pháp 1992.
Hải Sơn SM
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!