Gg
Cả nước phải chia sẻ với thông điệp của Thủ tướng, bắt tay vào cùng thực hiện. Những thách thức sống còn đối với đất nước đòi hỏi chúng ta phải làm như thế“.
Cựu Đại sứ Nguyễn Trung
Tôi đọc Thông điệp Thủ tướng trong tâm trạng một con nai đã bị mắc bẫy nhiều lần. Nhiều câu chữ trong Thông điệp nhắc lại cho tôi những tiểu xảo trong việc đổi trắng thay đen những danh từ thiêng liêng đối với chúng tôi, nhưng chỉ được xem là những con chữ với đảng như: Dân Chủ (“dân chủ XHCN cao hơn gấp triệu lần dân chủ TBCN“), Ngọn cờ(“Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ”),Nhân dân (“phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”), Đầy tớ (“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” tức là của Đầy tớ).
Tuy nhiên, sau khi đọc một số bài bình luận của những bậc đàn anh trong dòng báo lề trái với những bác bỏ, khen chê, biết lấy cái mới tích cực chắp vá cho cái cũ giáo điều (dù bản thân tôi bị sập bẫy nhiều lần về cái chuyện này), nên tôi cố gạt bỏ các thành kiến quá khứ để tìm xem sự thực thế nào ở cái Thông điệp đầu năm của Thủ tướng.
Đúng là Thông điệp Thủ tướng có vài cung cách viết mới, dội ra, né tránh quan niệm giáo điều bảo thủ đã từ lâu truyền nhiễm, lây lan trong đảng. Một trong quãng cách với giáo điều bảo thủ ấy là lần đầu tiên Thủ tướng nhìn nhận động lực đổi mới từ Đại hội Đảng lần VI đã hết nhiên liệu và đang ỳ ạch (“động lực ấy không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển”), khác xa với những khẳng định ngoa của thế lực bảo thủ giáo điều rằng đảng vẫn luôn luôn đổi mới. Thông điệp cũng nhìn nhận cần có một động lực khác là “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Những lời phát ra từ Thông điệp có lẽ giúp tôi chấp nhận một cách hồ hởi hơn nếu như thay chữ Thông điệp bằng chữ Sám hối. Vì đã mắc bẫy nhiều lần nên tôi cẩn thận hơn đặt lại câu hỏi “Đổi mới thể chế” là cái gì? Có hai cách hiểu: Đổi mới thể chế chính trị và Đổi mới thể chế kinh tế.
Đổi mới thể chế chính trị
Nếu “đổi mới thể chế“ thuộc phạm trù đổi mới chính trị là khẳng định chế độ hiện nay không còn phù hợp. Mất một năm trời thảo luận thay đổi Hiến pháp để đúng cái ngày Hiến pháp đi vào hiệu lực thì lại nói ngược rằng cái thể chế được Hiến Pháp quy định chưa kịp thực thi nên cần phải đổi mới. Phí của! Phải chăng trong một năm thảo luận Hiếp pháp đã có một cuộc đấu tranh ngầm giữa các phe phái mà chúng tôi không được biết đến, nay phe thất thế, có vẻ ít bảo thủ hơn, công khai quan điểm của mình trước cả nước. Nếu thế, có thể suy luận ra rằng người thứ hai, ngoài ông Dương Trung Quốc, không chịu bấm nút đồng ý Hiến pháp 2013 là đại diện của phe thất thế. (Nhà giáo Phạm toàn ngờ rằng người đó là Thủ tướng, còn tôi thì tin vào cái ngờ của Phạm Toàn). Cũng có nhiều nguồn tin cho rằng phe thất thế đang tìm cách dựa vào dân chúng. Điều này có lẽ thiếu cơ sở vì đảng cộng sản không cần dân chúng, họ bầu bán giữa họ với nhau, dân chúng không có phiếu đi bầu trong đảng. Cùng lắm là phe này tung ra để đảng viên chứng giám nhằm tìm hậu thuẫn trực tiếp trong đảng viên và nếu quả thật như thế, thì sự kiện này chứng tỏ đảng viên có thể đang tự đổi mới, tự diễn biến, không còn chấp nhận tư tưởng giáo điều nữa. Trong trường hợp đó, họ nên theo chân Thủ tướng để bùng lên một phong trào thảo luận giữa giáo điều bảo thủ và tầng lớp tiến bộ trong đảng, đòi hỏi thực thi dân chủ. Hãy gửi ngay các ý kiến lên trang mạng xã hội dân sự để không bị ém nhẹm.
Đổi mới thể chế kinh tế
Nếu Thông điệp chỉ đòi đơn giản là thay đổi thể chế kinh tế thị trường, nghĩa là : “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh.” lại là chuyện khác. Phần trên Thông điệp chỉ nói kinh tế thị trường, nhưng phần dưới lại nói “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chúng tôi muốn Thông điệp khẳng định cho rõ chứ không nhập nhằng là kinh tế thị trường/kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Có người cho rằng ở vị trí Thủ tướng cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa là chỉ lập lại cho phải đạo! Tôi chưa tin và không muốn sập bẫy lần nữa! Có một hình ảnh đơn giản biểu hiện đất nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: một chiếc máy bay nằm trên 4 bánh chiếc xe bò. Ai cũng hiểu xe bò không thể lăn bánh giúp máy bay cất cánh. Kinh tế thị trường chạy theo quy luật riêng của nó mà chính trị khó lòng cột chân nó được. Hoặc kinh tế thị trường, hoặc kinh tế Mác-Lê. Làm gì có kinh tế thị trường “định hướng XHCN“.
Trong Chính phủ hiện nay có ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông này tuyên bố thẳng thừng rằng: “Phải khẳng định kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, là thứ chúng ta phải áp dụng từ việc thị trường hóa giá cả, đến cạnh tranh thị trường. Phải mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân không phải là con đẻ của đất nước này à?” Tuyên bố của ông bộ trưởng Vinh cho ta một phán đoán về não trạng hiện nay của những người đang ngồi trên máy bay mong được cất cánh nhưng cứ vướng mãi bánh xe bò.
Tôi sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu thay hẳn định hướng XHCN bằng sự điều tiết của Chính phủ. Sự điều tiết này có nghĩa là nhà nước chỉ đầu tư trong những lãnh vực có lợi ích trực tiếp xã hội mà tư nhân không đủ vốn. Có nghĩa là mục tiêu của một doanh nghiệp không đơn thuần là lợi nhuận mà phải được thêm vào tiêu chí xã hội chỉ vì doanh nghiệp nào cũng phải dựa lưng xã hội để tồn tại. Khuynh hướng Tân tự do thường nói “các bạn đừng hỏi chia cái bánh như thế nào mà phải đặt câu hỏi làm sao cho cái bánh lớn lên“, khi có sự điều tiết xã hội thì phải nên nói rằng “chúng ta phải làm sao cho cái bánh lớn lên đồng thời, cùng một lúc, mọi người đều biết cái bánh sẽ được chia như thế nào “. Có điều tiết nhưng không giáo điều, mù quáng mà phải biết uyển chuyển với thời cuộc. Các chính phủ ở Anh, ở Mỹ dù có khuynh hướng Tân tự do nhưng cách đây vài năm đã không ngần ngại quốc hữu hóa ngân hàng, doanh nghiệp để cứu nền kinh tế.
Tuy nhiên kinh tế thị trường không thể nào đi đôi với thể chế cộng sản. Không thể nào tiếp tục để máy bay lên bánh xe bò.
Nếu Thông điệp chỉ đổi mới thể chế kinh tế mà lờ đi đổi mới thể chế chính trị thì sự thất bại là cầm chắc trong tay. Không nên mất thì giờ bàn tiếp.
Kết luận
Trong bài viết Đừng để người dân nghĩ chính trị phần lớn là dối trá!, tác giả Tô Văn Trường kêu gọi “toàn dân và toàn Đảng phải nắm lấy Thông điệp quan trọng này để đòi thực hiện, cùng chung tay thực hiện, và quyết tâm thực hiện. Không có dân chủ cho không đâu, lại càng không có những thành tựu đáng mong muốn nào tự trên trời rơi xuống. Còn như chỉ nghi ngờ hoặc khoanh tay chờ đợi, cây sung của đất nước hầu như chẳng còn quả nào đâu để mỗi chúng ta có thể há miệng chờ nó rụng vào cổ họng". Với những người có đủ tin tức để tin vào sự thành tâm của Thông điệp thì đúng như tác giả Tô Văn Trường kêu gọi: “toàn dân và toàn Đảng phải nắm lấy Thông điệp…”. Riêng tôi không có đủ cơ sở thông tin để được tin tưởng hoàn toàn vào Thông điệp. Tôi có nghi ngờ, nhưng không khoanh tay, để kêu gọi toàn thể mọi người, nhất là đảng viên, nhân Thông điệp của Thủ tướng, bùng ra một đợt phát biểu ý kiến của mình công khai trên các trang mạng, đặc biệt là trên trang mạng xã hội dân sự này để tránh bị ém nhẹm.
Nguyễn Trung Chính
Theo DĐXHDS
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!