Powered By Blogger





Monday, 26 November 2012

Để được thổn thức






Lâu rồi mình không khóc. Dường như cảm súc của mình đã trở nên trai sạn. Chẳng tìm ra lý do gì để khóc. Hôm nay tim những mẩu chuyện ngắn ngồi đọc, để được thổn thức, để được tủi và cay cay sống mũi, mắt rưng rưng, rồi con tim thắt lại, muốn vỡ oà....
Cuộc sống có những điều rất đỗi giản đơn nhưng mình lại không nhận ra được.
Có những điều tưởng như nhỏ nhặt, bình thường nhưng lại có thể là thương yêu vô bờ bến mà cũng có thể là sự vô tâm đến đau lòng
Những chuyện ngắn mà suy nghĩ về nó thật dài. Lắng đọng một vài giây , lau giọt nước mắt chực chảy ra, cố nén lại để tìm tòi bản thân mình trong đó .... nghiền ngẫm cái sự đời ...
Giá như mình được oà khóc thật lớn như ngày xưa.....
                                                                             Hoàng Thanh Hải


 
Ước mơ 
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...


Phấn son



Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh."
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. 
Em bảo: "Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…"
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.


Nghỉ lễ


Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa…


Ngày cưới của cha 
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường quành quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng
như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...


Lòng tin


Xe ngừng…
- Mận ngọt đây! ...
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho


Lời hứa


Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi…cả năm qua con ngoan…không hư một lần nào…”


Ba


Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.


Tình bạn
 

Hai người đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kềm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: " Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi ".
Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị
chuột rút và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: " Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi ".
Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: " Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá? " 
Mỉm cười, anh trả lời: " Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta lên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được... ". 
.....Hãy học cách viết trên cát và đá ...


Khoe


Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?" .... Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"
Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố ...


Chuyện của nội
 

Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...
Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...


Nhạt


Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
...Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...
...............................................

Anh Hai


Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm ĐH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”


Đưa đón


Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá.
Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.
..............................

Cua rang muối


Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!
..........................................

Đợi 
Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…
...........................................

Xa xứ


Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"
.................................................. ....

Bàn tay 
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... Mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
.................................................. ..

Ba


Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…
...........................................

Ăn cơm

Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng :
- Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :
- Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!


 

Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.
Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành : "Ngoại có đi đâu!Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo :"Mẹ có đi đâu!Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.


Cái bóng 


Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm.
Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra vào ngẩn ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khỏang trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà..


Bố và con 
Anh phụ trách công việc giao tế ở một công ty, lúc nào cũng tươi tắn, lịch sự và hòa nhã. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối tắm rửa xong, đang nằm đọc báo trên giường trải drap trắng toát thì con bé bốn tuổi, mồ hôi mồ kê, chân tay lấm láp trèo lên. Anh cau mặt gắt con sao không chịu đi rửa chân tay trước. Con bé mếu máo :" Bố ơi, từ sáng tới giờ bố chưa mi con cái nào!"


Cha tôi 

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ..."...




                                            Những chuyện của thuykhuc sưu tầm

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên