Thực ra, dù giải thích ngày 1 tháng Tư là gốc Pháp hay gốc cổ La Mã hay từ bác Ba Phi Cà Mau nhà ta thì sinh ra và duy trì mỗi năm một “ngày nói dối” cũng có thâm ý lắm.
Vì có triết lý sâu sắc mà ngày này đã sống và chắc sẽ còn sống lâu nữa với thời gian. Ấn tượng sâu nhất là nhân loại “đành” phải công nhận nói dối là “thuộc tính” khó gột bỏ nếu không muốn nói “không thể gột bỏ được” của loài người. Mà hình như càng văn minh thì con người càng ham nói dối và gây ra những vụ nói dối tày đình, có khi nói dối để lấy trộm cả nước người ta, không chỉ thời Chiến Quốc bên Tàu mà cả trong thế giới thời nay.
Trong ngôn ngữ Việt “nói dối” thật đa dạng: bịa, điêu, ngoa, láo, khoác, bốc, phét, trạng, xạo, bỡn, lừa, méo, thách,dóc, nổ… đấy không chỉ là khẩu ngữ từng vùng miền mà còn là sự đong đếm mức độ, cung bậc dễ thương hay nguy hại của việc nói dối.
Từ nói dối … dễ thương
Người Quan họ Bắc Ninh chính thức thừa nhận có những lời nói
dối vô hại, thậm chí dễ thương như “cởi áo cho nhau” rồi dối cả cha lẫn mẹ là “qua cầu gió bay” ai cũng biết.
Còn người Tây Nguyên? Đam San tả nhà sàn của mình “dài hơn cả tiếng chuông” thì đâu có thật như đếm?
Cà Mau, nơi con người chất phác, nổi tiếng đôn hậu vậy mà cũng đã sinh sản ra một bác Ba Phi nổ văng miểng, nổi danh nói khoác. Rồi những câu chuyện nói dóc có hạng của Trạng Quỳnh, rồi ở Quảng Trị có nguyên cả một làng nói trạng.
Còn chúng ta, xin quý độc giả thật thà một phút, chắc chưa có ai không hề có một lần nói dối trong đời. Những người lương thiện
nhất thì bỏ qua chuyện nói dối vô hại kiểu bị cao huyết áp mà được gọi đi nhậu, đành từ chối rằng hôm ấy vắng nhà.
Chưa nói tới có nhiều kẻ, lỡ nói dối một lần thì buộc phải tiếp tục nói dối suốt đời như hoàn cảnh những người xài bằng giả chẳng hạn.
Dối trá rất mắn đẻ, sinh sôi nẩy nở nhanh
Vì công nhận nói dối là một “nét văn hóa” khó sửa nhiều khi gây ra “hậu quả nghiêm trọng” nên từ rất lâu “con người khôn ngoan” đã đẻ ra một ngày nói dối trong năm, cho phép dối trá thả cửa.
Trong ngày này con người luôn cảnh giác và do đó, dù lời nói dối
tệ hại đến đâu cũng không thể gây ra tai nạn. Người ta hy vọng ngày này sẽ xả được cái xu páp nói dối cho mọi người, tức là đáp ứng nhu cầu một thứ nói dối được kiểm soát và có giới hạn thời gian.
Quả thật, ví như trong ngày cá Tháng Tư có báo nào đưa tin tháp Eiffel bị gió quật đổ làm thị trưởng Paris bị gãy giò thì cũng chẳng hề hấn gì vì ai cũng biết đó là lời nói dối được cấp phép.
Nhưng một ngày thì được, cả năm thì không thể, thậm chí phải lên án và tuyên chiến với bất kỳ sự dối trá to nhỏ có hại nào. Biết vậy, nhưng tệ nói dối và làm dối hay dối trá nói chung xem ra vẫn có đất sống và thực sự đang sống tốt trong xã hội ta hiện nay.
Người ta vẫn nói: sự thật đi trên hai chân còn dối trá thì luôn phải nhảy lò cò, ngã lúc nào không biết. Nhưng dối trá ngày nay “siêu” hơn cái dối trá một chân thường tình. Vì con người ngày nay khôn ranh và lọc lõi hơn.
Có lần ngồi ăn thịt dê trong quán ở Gia Lâm (Hà Nội), tôi chú ý bàn bên cạnh có một ông đang nói chuyện điện thoại, bên ông là một cô chân dài khá xinh. Ông ấy hét to:
“Được rồi, anh nhớ rồi! Sẽ về sớm, đồng chí vợ ơi! Anh đang bị kẹt xe ở Hải Dương!”
Một ông bạn trong nhóm tôi vốn có nết hài hước, cầm ly bia đứng dậy, bước sang bàn ông nọ. Anh bạn tôi nói: “Xin cám ơn ông bạn,
nhờ ông mà chúng tôi biết mình đang lạc đường, đang ở Hải Dương chứ không phải ở Hà Nội!”.
Không ai trách nặng nề những lời dối trá của ông ăn thịt dê kia. Vì đã “lỡ” thì dối một chút có thể cứu vãn một gia đình, thậm chí một sự nghiệp đang hồi lên hương. Ngay cả những loại nói dối như Cuội vì thành tích, vì để mát mặt với chị em, với láng giềng hoặc nhiều khi không vì cái gì hết cũng đáng trách nhưng dễ dàng được tha thứ. Bởi vì những tràng pháo tay, những tấm bằng thành tích tuy vẫn lấp lánh nhưng không làm ra tiền, không tạo được quyền lực như trước đây.
Đến nói dối dễ ghét
Nói dối đã được update hàng ngày và đang ở mức rất có hiệu quả để đưa lại danh và lợi. Không chỉ những lời nói dối tự vệ kiểu “anh đang ở Hải Dương” mà đã được nâng thành nghề dối trá, với những kịch bản có lớp lang ngang tầm những cú lừa có tính chuyên nghiệp.
Có muôn hình vạn trạng của dối trá, chỉ ra chúng không khó vì ai cũng biết nhưng chấm dứt được là cả một nan vấn lâu dài. Thầy Đỗ Việt Khoa đã làm nên chuyện khi tìm được chứng cứ về những mảnh bằng “tú tài thật nhưng thực chất là giả hiệu”, một tệ nạn ai cũng biết nhưng không dám nói vì không có chứng cứ.
Từ những tấm bằng, chúng ta đương nhiên phải chấp nhận một đội ngũ sinh viên không giống ai và không bằng ai, giữ chân một nền đại học lẹt đẹt ngay ở vùng trũng Đông Nam Á.
Rồi dối trá giúp người ta cái bàn đạp đổ bộ vào guồng máy quyền lực bằng sự lừa dối đầu tiên là “tấm bằng thật, kiến thức giả” nhờ thuê được người học thay hoặc tiện lợi hơn, tờ bằng giả có thể đặt hàng qua mạng hay bọn môi giới.
Đã có một ngày nói dối có lẽ quá đủ. Nhưng hãy tôn trọng sự thật quanh năm. Đó chính là thông điệp rất thật của ngày nói dối.
Dối trá rất mắn đẻ, sinh sôi nẩy nở nhanh, cái dối trá sau được chế tạo để che đậy hay bào chữa cho cái dối trá trước. Vì luôn bị săm soi, lên án nên dối trá có khả năng đề kháng mạnh. Chuỗi dối trá liên hoàn ấy cứ tiếp tục cho đến lúc không thể dối trá được nữa, bị phơi trần trước luật pháp hoặc tòa án lương tâm.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì một nhà đạo đức có tên tuổi đã từng nói vui rằng “các nhà đạo đức sở dĩ được gọi là đạo đức vì không còn khả năng vi phạm đạo đức nữa mà thôi”.
Nguy hiểm nhất là khi dối trá được đảm bảo bằng… vàng. Không cần đến “ba trăm lạng việc này mới xuôi” mà chỉ cần vài tờ xanh (trả cho một bản tham luận) đã có thể khiến một nhà phê bình văn học biến thơ con cóc thành thơ của thánh hiền. Tiền đẻ ra quyền rồi ngược lại, quyền lại sinh ra tiền trở thành nguyên lý vận hành của chuỗi dối trá.
Cũng như bọn hacker có thể xóa hẳn rồi thay da đổi thịt một trang web, thay luôn cả ông chủ trang ấy mà không ai hay. Sự thật không còn biết ở đâu mà mò. Có quá nhiều dẫn chứng tệ nói dối đưa lại thiệt hại về kinh tế. Như các gói thầu giá rẻ, như nói dối về kinh phí kiểu 150 triệu nhưng rất có thể là 1.500 triệu để đưa người ta vào ma trận ngân sách, sau đó buộc người phóng lao phải chạy theo lao khi giá bị đội lên mà không biết làm sao!
Nhưng điều tai hại nhất không phải là kinh tế, tiền hay chuyện tầm phào biến thơ con cóc thành thơ thiền. Điều tệ hại nhất của dối trá là tạo ra sự băng hoại của tinh thần và chao đảo, đánh mất niềm tin,
một sự không tin vạn sự sẽ không tin nữa là chân lý của người dân vạn đại.
Đồng thời xin cảnh tỉnh một ông bạn tôi khi đề xuất đã có “ngày nói dối” thì cũng nên có “ngày làm dối” vì nói dối có thể là một chuyện vui nếu nó vô hại còn làm dối thì dù chỉ một giây thôi, dù chỉ một lần thôi cũng có thể đủ để gây tai hại cho một đời người thậm chí có thể đủ gây tai hại cho cả một dân tộc. (GNA: Một người dối trá làm cả dân tộc khốn khổ vài chục thập kỷ? Ai dzậy cà?)
Vậy mà với nhiều trường hợp khoảng cách từ nói dối đến làm dối chỉ là một đốt ngón tay.
Nguyễn Quang Thân
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!