Powered By Blogger





Thursday, 3 April 2014

Làm thế nào để Việt Nam có nhiều Putin









                                                                        


Có thể nói con chim đầu đàn của nước Nga là Putin, của Singapore là Lý Quang Diệu… Tất cả các quốc gia đó đều được dẫn dắt và định hướng bởi những người lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán. Thế còn Việt Nam thì sao? Làm thế nào để Việt Nam có nhiều Putin? Những ai sẽ là người được nhắc đến để dẫn dắt và định hướng đàn chim Hồng, chim Lạc bay xa?



Nhìn lại những gì mà Putin đã và đang làm cho đất nước Nga, rất nhiều người Việt Nam và cả người dân phương Tây ngưỡng mộ. Bởi đàn sếu Nga làm nên những điều thật phi thường khi tiến về phương Nam tìm nơi ấp áp được dẫn dắt bởi Putin, một nhà lãnh đạo khôn ngoan, tài tình, quyết đoán và bản lĩnh.



Những diễn biến khó lường ở phương Nam Ukraine trong hơn hai tuần qua thu hút sự chú ý của nhiều người trên thế giới và người Việt Nam. Một số nhà bình luận đã nhìn hành động khôn ngoan và quyết đoán, đưa nước Nga tiến lên phía trước của Putin như tấm gương để Việt Nam soi vào. Tâm lý chung của người dân Việt chúng ta là đang khát khao chờ đợi một nhà lãnh đạo, một con chim đầu đàn có tầm nhìn xa, xuất chúng như Putin, Lý Quang Diệu hay ít ra được như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thuở nào để đủ khả năng đưa đất nước Việt Nam bay ra thoát khỏi vũng lầy nghèo nàn, tụt hậu.



Ai sẽ là con chim đầu đàn của Việt Nam?



Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để Việt Nam có Putin và ai sẽ là Putin của Việt Nam? Ai sẽ làm con chim đầu đàn đây? Tôi có thể đưa ra đây một hai cá nhân với đầy đủ ưu khuyết điểm đủ khả năng ở thời điểm hiện tại:



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin


Có thể nói Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một nhà lãnh đạo được lòng dân. Ông xuất thân là người miền Nam nơi đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi, người dân có tính cách hào phóng và thẳng thắn. Là người có Tâm và có Tầm, nên ông đã dễ dàng nắm giữ chức vụ cao tại Tp.HCM. Khi ra Trung ương, tại đất Bắc Hà, nơi hội tụ quá nhiều sĩ phu, nhân sĩ. Ngày xưa Vua Quang Trung biết mình có Tài và Tầm đều thừa, nhưng cũng không dám “bước qua” sĩ phu Bắc Hà, mà chỉ dám “Phò Lê diệt Trịnh”, Vua Nhà Nguyễn có đủ Quyền và Lực từ Bắc vào Nam nhưng vẫn ngại sĩ phu Bắc Hà, nên không dám định đô ở Thăng Long. Vậy mà ông vẫn tự mình xé gió bay lên mạnh mẽ trở thành nhà chính trị khôn ngoan và đầy bản lĩnh. Chỉ có điều, để đạt được nền tảng bền vững ấy, bản thân ông đã phải trả giá khá nhiều. Từ khi còn là Thường trực Ban Bí thư, ông đã tỏa sáng với hình ảnh một vị lãnh đạo năng nổ và nhiều ý kiến sáng tạo với tầm nhận thức sâu rộng. Ông ngày đêm đau đáu lo cho dân cho nước thông qua các hành động mà chúng ta có thể thấy. Với chất giọng nhỏ nhẹ, từ tốn, chân thật nhưng thẳng thắn, Chủ tịch nước chia sẻ: “Chủ quyền biển đảo quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng ta vẫn tiến hành bảo vệ thường xuyên, không có gì thay đổi. Nhân dân và Đảng đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, thấy mình làm không hoàn thành thì xin rút, chứ không phải lấy lý do trình độ có hạn. Chúng tôi luôn nhớ trước mặt và sau lưng chúng tôi là 90 triệu đồng bào. Chúng tôi mong muốn các đồng chí giúp chúng tôi tăng thêm trí tuệ, năng lực. Khi được bầu đến cương vị này, chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì. Còn thấy rằng mình làm nhu nhược, thì làm đơn xin nghỉ”.


Trước tình cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh tham vọng nuốt trọn biển Đông, lấn chiếm lãnh hải, lăm le đảo chìm đảo nổi, hà hiếp ngư dân Việt Nam. Với tinh thần “Quốc gia hữu sự, Sĩ phu hữu trách” học được từ bao năm ở đất Bắc Hà, ông đã lăn xả vào các điểm nóng. Ông đã đến tận nơi và nói chuyện với ngư dân cởi mở ngay trên bến cảng nắng gió xứ Quảng. Để ngư dân an tâm bám biển, ông nhiều lần nhấn mạnh: “Không có tình trạng để ngư dân ra biển một mình”! và ngay sau đó là các cuộc làm việc với bộ đội biên phòng, cảnh sát biển.



Cũng không phải tự nhiên mà ông đã trực tiếp thị sát tuyến đê và kiểm tra khả năng quốc phòng an ninh ven biển tại hàng loạt các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây là tuyến đê biển xung yếu không chỉ ngăn xâm nhập mặn, triều cường, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn giúp phòng thủ an ninh quốc phòng. Điều đó cho thấy tầm nhìn xa của ông và cũng là tố chất của một con chim đầu đàn cần có.



Về chống tham nhũng, ông là người khá quyết liệt với bản chất Nam bộ: “Thậm chí khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, tôi xin nguyện rằng sẽ không lấy cái vila nào đâu, kể cả khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào hết. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy. Đừng hòng tôi lấy thêm một milimét vuông đất nào của Đảng, của Nhà nước. Đảng và Nhà nước phân công mình thì mình phải làm tròn chức trách. Tính tôi nói rất là thẳng, chứ khiêm tốn cái kiểu mà về nhà ấm ức là không được. Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”. Để khuyến khích nhân dân, và tinh thần dân chủ ông đã từng nói: “Tôi đề nghị cô bác, anh chị nào phát hiện thì chỉ cho chúng tôi những vụ tham nhũng lớn, những cán bộ nào to liên quan đến cấp Trung ương tham nhũng… Những vụ tham nhũng đã xử rồi mà thấy chưa thỏa đáng thì cũng nên bày tỏ chính kiến”. Dũng cảm trong đấu tranh chống tham nhũng, ông từng tuyên bố: “Một số cán bộ nói với tôi rằng, nếu tôi đấu tranh thì chúng tôi có tồn tại được không? Tôi đã trả lời họ, nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”. Luôn khẳng định lập trường của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển đảo, đau đáu lo cho nước, gần gũi thân tình, lắng nghe bà con nhân dân, … đó là những gì mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy ở ông, một con chim đầu đàn thực thụ.


Ông đã có nhiều cố gắng để tự hoàn thiện bản thân, nhưng ở vai trò Chủ tịch nước thì theo quy định của môi trường chính trị hiện hành thật khó cho ông biểu hiện quyền lực, và thực tế là ông không đủ quyền tương xứng để định hướng và đưa dàn chim Lạc bay lên. Ông chỉ có quyền trong các sự kiện mang tính chất nghi thức, còn khi đi vào thực tiễn đời sống xã hội thì gần như ông không đủ quyền để giải quyết ngay một việc mà phải yêu cầu, đề nghị…. trong khi với tầm của ông là phải ra lệnh! Đơn cử như, Chủ tịch nước là người thống lĩnh vũ trang nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều bất cập chồng chéo chưa thực sự là thống lĩnh. Làm sao ông có thể thống lĩnh chỉ huy quân đội hay công an tiến ra biển Đông, lùi sang nước bạn, tiến ra Bắc, đi vào Nam được? Điều mà Putin có toàn quyền “đánh Đông dẹp Tây”. Đó là một trong những lý do tại sao tại các buổi dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất việc tăng quyền hạn của Chủ tịch nước. Trên con đường cống hiến cho đất nước, ông đã có nhiều cơ hội để học hỏi và khẳng định mình, nhưng ông cần phải hội tụ quanh mình những con chim đủ mạnh để ủng hộ, tiếp sức cho ông trên chặng đường dài đưa dân tộc tiến ra biển lớn.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng




Nếu như người ta nhìn thấy ở Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hình ảnh một lãnh đạo gần dân, thì ở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ta bắt gặp khá nhiều nét tương đồng với ông Putin về dụng binh, bản lĩnh và quyết đoán.


Về đối nội, cũng giống như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng xuất thân là người Nam bộ với bản tính thẳng thắn cộng với tinh thần nhân sĩ Bắc Hà, ông được tích lũy kinh nghiệm từ trong quân đội, công an, và qua hai nhiệm kỳ Thủ tướng, nên ông đã dành được sự ủng hộ của các bộ ngành và cả Quốc hội. Còn nhớ tháng 8/2012, khi Chính phủ mới được thành lập, ngoài các gương mặt nổi danh, người ta đã có thể nhận ra những gương mặt sáng giá, những con chim đầu đàn dám đương đầu với khó khăn thách thức trong danh sách mà ông đề cử như Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Văn Bình, Vương Đình Huệ, Bùi Quang Vinh, Đinh La Thăng và đặc biệt là hai ngôi sao đang lên là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được đông đảo nhân dân ủng hộ.


Ông Nguyễn Tấn Dũng với dáng đi khẳng khái, ánh mắt sáng và thâm sâu qua ngày tháng, ông được xem là một vị lãnh đạo biết dùng người và đối nhân xử thế. Việc dùng người thường có hai chiều hướng trái ngược: hoặc biết sử dụng người tài hơn mình và qua đó chứng tỏ mình là người giỏi, hoặc dùng người kém hơn mình và phải biết nghe lời. Có lẽ ông Nguyễn Tấn Dũng không thuộc trường hợp nào, mà ông biết sử dụng cả hai chiều hướng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tất cả những gì mà ông có được đến ngày hôm nay là một quá trình đấu tranh và bay lên không mệt mỏi, để cuối cùng phần lớn bộ máy nhân sự chính quyền các cấp, từ trung ương đến các địa phương, đều đánh giá cao và ủng hộ ông. Ông có uy tín trong Đảng, được sự ủng hộ của cả Quân đội lẫn Công an những yếu tố cho phép Thủ tướng có uy thế. Như chúng ta đã biết Putin xuất thân từ cơ quan KGB có nhiều kỹ năng nắm bắt, xử lý thông tin, quản lý dân chúng và có những bước đi khôn ngoan. Điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có vì ông đã từng phục vụ trong quân đội và công an, mà theo như giới phân tích an ninh tình báo thì quân đội và công an Việt Nam chỉ thua Nga về công nghệ, còn về bản lĩnh, lòng gan dạ và mưu trí thì không hề thua kém KGB, thậm chí trong quá khứ họ còn cho CIA ăn nhiều trái đắng. Vào tháng 11/2011, lần đầu tiên ông đã khiến cho giới phân tích trong và ngoài nước ngạc nhiên bằng hành động tuyên bố về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước Quốc hội, đồng thời trở thành nhà lãnh đạo cao cấp đầu tiên trong đảng đề xuất đất nước cần có một bộ luật biểu tình. Đây là cú vãy cánh rất hiện đại của ông về vấn đề chủ quyền biển đảo và dân chủ được đông đảo nhân dân ủng hộ. Về việc này, người thận trọng như ông chắc chắn đã suy ngẫm một cách hết sức nghiêm túc.



Là người quyết đoán trước các vấn đề trọng đại, nhưng ông cũng xót xa trước cảnh đàn chim Lạc có những con đuối sức không bay kịp đàn, những vùng quê chưa thoát nghèo đã chìm trong bão lũ, vùng cao đói rét: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”. Và thế là ông đều đặn chỉ đạo cấp xuất gạo miễn phí cho người dân nghèo khắp cả nước. Khi cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới tràn qua cộng với những hậu quả của sự quản lý yếu kém từ nhiều năm dồn lại làm điêu đứng cả nền kinh tế. Ông đã bình tĩnh “vận công trị thương”, chỉnh đốn lại đội hình, loại bỏ những ung nhọt của nền kinh tế, rà soát lại cơ quan công quyền và nắm vững bộ máy chiến lược an ninh quốc phòng để giữ nhịp và tốc độ cho cả đàn chim Lạc đang trên đường hội nhập. Kết quả là “kịch bản” xấu đã không xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam, dù cho vấn đề nợ xấu cuối năm ngoái đã phủ một màu xám xịt phía trước đàn chim Lạc. Nhưng rồi, niềm tin đã kéo các nhà đầu tư trở lại Việt Nam với những tín hiệu sáng sủa. Hình ảnh gần 10 ngàn doanh nghiệp ở xứ Lạc Hồng “sống lại” và sự “gượng dậy” ngoạn mục chính là bằng chứng sống động cho thấy những khả năng tháo gỡ khó khăn, xua đi đám mây đen của những con chim đầu đàn mà chủ yếu là Thủ tướng đang phát huy tác dụng. Ông kiên trì định hướng cho đàn chim Lạc tiến lên phía trước với các chính sách tài khóa cứng rắn để ổn định kinh tế bất chấp sự không hài lòng của giới đầu cơ tài chính và bất động sản. Ông chấp nhận mất đi sự ủng hộ từ các nhóm lợi ích này nhưng chắc chắn được sự ủng hộ của đa số người dân khi nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ và thực hiện thành công chương trình an sinh xã hội. Chính tiếng kêu của cả đàn chim từ đằng sau sẽ động viên, là động lực để những con đi đầu giữ được tốc độ phóng xa tầm mắt để định hướng ra biển lớn.

Trong con mắt đa số nhân dân và giới quan chức, đây là một vị Thủ tướng có đầy đủ sự sáng dạ, cởi mở và quyết đoán. Thậm chí ông đã tỏ ra bản lĩnh khi đối diện với khó khăn, quả cảm trước những vấn đề “ngàn cân treo sợi tóc”. Ông đã giúp vực dậy cả nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. An sinh xã hội được duy trì trong khi an ninh chính trị được giữ nhịp rất tốt dưới thời ông cầm quyền. Ông là vị Thủ tướng có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với công cuộc đổi mới như lời nhận định của tờ The Korea Herald. Ông đã định hướng cho đàn chim Lạc rất rõ ràng trong Thông điệp đầu năm đó là dân chủ, cải cách thể chế và tam nông. Vị thế của Nguyễn Tấn Dũng càng được củng cố không chỉ trong đối nội mà còn trên trường đối ngoại. Khả năng nắm bắt các vấn đề quốc tế đã đưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tầm cao mới, đặc biệt là sau Đối thoại Shangri-la. Tại các sự kiện quan trọng trong khu vực và quốc tế, ông luôn xuất hiện đĩnh đạc, tự tin, cởi mở và nêu cao khát vọng hòa bình của Việt Nam. Ông từng là người lính ra trận, với ông không gì quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền đất nước. Hơn 50 năm qua, từ lúc cầm súng cho tới khi cầm bút ký vào những quyết định quan trọng liên quan tới vận mệnh đất nước, ông chưa bao giờ quên trọng trách đó của mình. Kiên quyết nhưng khôn khéo, mềm dẻo nhưng bản lĩnh, ông trở thành chính trị gia có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói thuyết phục về vấn đề biển Đông.


Giáo sư Carl Thayer nhân định: “Với thông điệp mềm dẻo nhưng trí tuệ và sắc sảo, ông đã tỏa sáng khi bàn về một niềm tin giữa các nước với nhau nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, hòa bình khu vực và thế giới. Cũng niềm tin ấy, ông Dũng đang hướng các nhà đầu tư tới với Việt Nam và nhìn Việt Nam với cái nhìn dài hạn và tin tưởng”. Một bài báo trên tờ báo của Hàn Quốc đã nhận định như sau: Ông đã giải quyết rất tốt bài toán “trong ấm, ngoài êm” trong bối cảnh Việt Nam cần có những quyết định lớn và dứt khoát để đối phó với những thử thách đối nội và đối ngoại, đồng thời không hề bỏ phí thời cơ. Có thể nói vị thế của ông vững như bàn thạch!




Bên cạnh những điểm mạnh, không phải ông không có điểm yếu như chưa xây dựng cho mình một hình ảnh nhà lãnh đạo gần gũi với người dân mặc dù ông đã âm thầm đưa ra rất nhiều quyết định có lợi cho đa số người dân. Chưa kể ông phụ trách cơ quan hành pháp là cơ quan va chạm nhiều nhất với mọi mặt đời sống xã hội của người dân. Mặt khác, ông đứng đầu Chính phủ nhưng không phải lúc nào ông cũng đủ quyền để tự định hướng cho cả đàn chim Lạc bay đi, mà ông phải thực hiện theo đủ mọi loại nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội, của Đảng.



Làm thế nào để Việt Nam có nhiều Putin?



Như đã nói ở phần trên, Việt Nam chúng ta không thiếu nhân tài, vấn đề là chúng ta chưa có cơ chế để cho các nhân tài thể hiện và cống hiến. Đã có không ít các cuộc cách mạng, đổi hướng bay phải trả giá đắt bằng sinh mạng nhân dân trong lịch sử nhân loại. Việt Nam cần phải bay lên bằng con đường hòa bình và được toàn đảng, toàn dân ủng hộ. Tuyệt đối không được đi bằng con đường bạo lực, phản loạn theo kiểu Ukraina. Đó chính là cải cách thể chế mạnh mẽ nhưng có kiểm soát.

Trong bối cảnh xã hội Việt nam hiện nay đang có những nhu cầu bức thiết thực tái cấu trúc nền kinh tế, hạ tầng cơ sở và hệ thống pháp luật. Thì có rất nhiều người thể hiện quan điểm đề nghị ‘nhất thể hoá’ chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước để tạo ra con chim đầu đàn khỏe mạnh nhất kéo cả đàn chim bay đi. Có ý kiến cho rằng quyền lực không nên tập trung vào một người, mà nên dàn hàng ngang. Nếu người có Tâm có Tài là phúc cho dân tộc, nếu chẳng may là kẻ độc tài, lạc hướng là đại họa. Vận mệnh của một quốc gia không thể chông chờ vào một người. Nhưng cũng không ít người cho rằng quyền lực và trách nhiệm nên tập trung vào một con chim đầu đàn cụ thể, chứ quyền lực phân tán, con chim nào cũng muốn làm đầu đàn thì chẳng ai chịu ai, vô trách nhiệm sẽ còn nguy hiểm hơn. Nếu chúng ta có cơ chế bầu cử minh bạch, công bằng và quy trách nhiệm rõ ràng thì sẽ không thể có người xấu làm lãnh đạo được, không những không có lầm đường lạc lối, mà họ còn khơi thông con đường đã chọn. Bằng chứng là ở nhiều nước có cơ chế bầu cử minh bạch luôn chọn ra người tài cống hiến cho đất nước.



Nếu không có Putin, không có Lý Quang Diệu thì lấy đâu có Nước Nga hay nước Singapore ngày hôm nay? Không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lấy đâu ra một rừng nhân tài để rồi sau này chính họ thống nhất đất nước? Tóm lại, Việt Nam cần hơn bao giờ hết là cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, để tạo ra cơ chế hoàn hảo, thì dù ai nắm quyền lãnh đạo, làm con chim đầu đàn thì đều có đủ quyền lực, đủ trách nhiệm, đủ sức mạnh, đủ tâm, đủ tầm để đưa đàn chim Lạc bay xa, đưa đất nước Việt Nam tiến lên hùng cường và thinh vượng.



Chúng ta hãy để ý đàn chim di cư hình chữ V, chúng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi bay từng con một. Và con chim đầu đàn là con chim khỏe nhất, nó xé gió định hướng dẫn cả đàn bay về phía trước, khi một con chim vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẩy cho con chim bay ngay sau nó. Tiếng kêu của bầy chim từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng. Khi con chim đầu đàn mệt mỏi thì ngay lập tức sẽ có con chim khác lên thay. Việt Nam ta có thể học hỏi gì từ học đơn giản nhưng rất ý nghĩa của loài chim?







Nhà nghiên cứu sử học Phúc An

(Theo truongtansang.net)


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên