Powered By Blogger





Monday, 27 January 2014

Người  nông dân “biến” dưa hấu thành… thỏi vàng







Ông Trần Thanh Liêm,  và tác giả bài viết



Sau nhiều năm thử nghiệm, ông Trần Thanh Liêm đã rất thành công trong việc biến một trái dưa hấu bình thường thành dưa hấu có hình dáng đặc trưng là “một thỏi vàng”.

Ông Liêm cho biết, ngày Tết phải tạo ra một sản phẩm đặc trưng, mang ý nghĩa đem niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà. Do vậy, ông đã ấp ủ mong muốn biến trái dưa hấu có hình dáng bình thường thành thỏi vàng phục vụ cho bà con trong dịp Tết. 

Nghĩ là làm, vào năm 2007, ông bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo khuôn hình thỏi vàng nhưng kết quả thu được trong năm đó vẫn không như mong đợi. Không nản lòng, những năm tiếp theo ông tiếp tục cải tiến chiếc khuôn cho phù hợp với trọng lượng của trái dưa và ngay lập tức gặt hái được thành công ban đầu.

“Làm thành sản phẩm đẹp thì phải làm từ từ, chậm thôi mới đạt và để lâu được. Làm sản phẩm này không đơn giản và đầu tư nhiều tiền. Suốt năm chỗ miếng đất làm thử nghiệm, để thay đổi mẫu mã tôi làm sản phẩm cả năm. Cứ sau 2 tháng là làm tiếp cho đến thời điểm Tết”, ông Liêm cho biết thêm.

Để có những khuôn dưa thỏi vàng ưng ý, theo ông Liêm, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc là cực kỳ quan trọng. Đối với phân và nước, nếu dư thì dưa sẽ gẫy vỡ khuôn. Còn thiếu thì không thành hình. Riêng ánh nắng phải chiếu đều và vừa đủ, bởi dư thì nám vỏ, thiếu thì dưa bị xanh, không có màu vàng nguyên khối. Khó vậy, nên cho tới nay, dưa hấu thỏi vàng của ông Trần Thanh Liêm ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ vẫn là có một không hai ở Việt Nam. Dưa hấu thỏi vàng có thể giữ màu sắc, hình dáng gần cả tháng.
Với quan niệm dưa hấu hình vuông là bắt chước ý tưởng của nước ngoài, chỉ có dưa hình thỏi vàng là do mình nghĩ ra nên ông Liêm chỉ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp dưa hấu hình thỏi vàng. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp cho dưa hấu hình thỏi vàng của ông Trần Thanh Liêm...

Ông Liêm cho rằng: “Năm trước, tôi dùng chữ thường trên trái dưa hấu thỏi vàng. Tết này, tôi làm khuôn chữ thư pháp, nhiều người tưởng là hình bằng mũ, lại cầm thấy nặng mới giật mình vì nặng gần 2 kg”. 

Muốn mua được cặp dưa hình thỏi vàng, khách hàng phải đặt trước đó vài tháng. Còn với thương lái thu mua với số lượng lớn phải đặt cọc trước Tết khoảng 1 tháng. Những năm hút hàng, nhất là vào những ngày giáp Tết, mỗi ngày ông Liêm phải tiếp hàng trăm cuộc gọi của khách hàng trong Nam, ngoài Bắc. Là hàng “độc”, trên mỗi trái dưa thỏi vàng đều được dán logo thương hiệu Thanh Liêm như một sự bảo chứng.

Theo ông Liêm, Tết Giáp Ngọ này, gia đình ông đã chuẩn bị khoảng 100 cặp dưa hấu hình vuông và 500 cặp dưa hấu thỏi vàng. Tuy nhiên, do không khí lạnh kết hợp sương muối rồi sau đó chuyển sang nắng nóng khiến dưa hấu mới trồng đã bị héo lá, chết dần. Vì vậy, trong 150 cặp dưa hấu hình thỏi vàng thu hoạch, chỉ có 35 cặp đạt yêu cầu; dưa hấu tạo hình vuông số lượng đạt tiêu chuẩn cũng ở mức như thế.

Giá bán dưa hấu thỏi vàng tại vườn đối với loại 1,7 kg là 3 triệu đồng/cặp. Loại dưa hấu hình thỏi vàng có chữ “Tài - Lộc” bằng lối viết thư pháp nổi lên bề mặt trái dưa có giá 3,5 triệu đồng/cặp. Riêng đối với dưa hấu vuông giá rẻ hơn với loại 1,7 kg, khoảng 1.300.000 đồng/cặp; loại trên 2 kg là 1.700.000/cặp. Tuy giá tại vườn như thế nhưng khi thương lái mua hàng đi bán ở những thành phố lớn thì giá còn đẩy lên rất cao. 

Anh Nguyễn Thanh Long, một thương lái ở TPHCM cho biết: “Hàng của ông Liêm làm rất uy tín, vì cũng có chỗ làm nhái theo nhưng chất lượng không tốt, dễ vỡ. Khách hàng đặt nhiều nhưng không có để giao. Mẫu mới khách hàng rất chuộng, đưa giá cao vẫn mua chứ không thắc mắc về giá. Loại dưa hấu thỏi vàng tôi bán 6 triệu đồng/cặp, và nhiều giá lắm”.

Tuy sản phẩm làm ra với giá cao, được nhiều người ưa thích nhưng nhìn những thỏi dưa hấu vàng không đạt chuẩn phải bỏ đi, ông rất trăn trở. Chính vì vậy, những ngày tới khi công việc ruộng đồng tạm gác lại để vui xuân, đón Tết, ông Liêm sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm cách làm chủ động đối phó với thời tiết bất lợi, để tỷ lệ sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu ở mức cao hơn.

Với trình độ, tiến bộ kỹ thuật hiện nay, nông dân ĐBSCL không chỉ cần cù, chịu khó mà còn sáng tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, có giá trị rất cao để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng trong ngày Tết. Nhờ những ý tưởng sáng tạo này mà những nông dân trong đó có ông Trần Thanh Liêm đã làm ra được sản phẩm mang tính cạnh tranh, độc đáo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên