Thu chưa qua một nửa
Lá tình vẫn còn xanh
Đông sao về vội vã
Xao xuyến cả thân cành.
Gặp em nơi hè phố
Lá tình vẫn còn xanh
Đông sao về vội vã
Xao xuyến cả thân cành.
Gặp em nơi hè phố
Mùa đông vắt qua vai
Chiếc khăn treo trễ nải
Như muốn quàng cho ai.
Chiếc khăn treo trễ nải
Như muốn quàng cho ai.
Mùa thu dưới chân dài
Bước đi cùng váy ngắn
Thu không còn vạt nắng
Chỉ còn ánh gót hồng.
Bước đi cùng váy ngắn
Thu không còn vạt nắng
Chỉ còn ánh gót hồng.
Lòng anh cứ mông lung
Giữa bộn bề cơn gió
Em chuyển mùa cho phố
Phố chuyển mùa cho anh…
Nguyễn Thanh Vân
Lời bình:
Bài thơ với 80 từ, được viết theo thể ngũ ngôn gồm các cặp thơ đối nhau, song hành, với 2 câu kết mở... Qua phép ẩn dụ, tác giả đã vẽ nên bức tranh “giao mùa” với rất nhiều cảm xúc đan xen, đồng thời cũng cho tôi thưởng thức một bản nhạc hay với những tiết tấu nhẹ nhàng, những thanh âm khi trầm, khi bổng, khi dìu dặt, khi bâng khuâng...
Thông thường tên bài thơ thường thâu tóm cái thần, cái cốt lõi của bài thơ ấy. “Em chuyển mùa cho phố” với 4 khổ thơ tác giả đã gợi lên sự liên tưởng trong buổi chuyển giao của tiết trời Thu sang Đông, khoảnh khắc đẹp nhất trong tất cả các mùa trong năm. Một bức tranh với gam màu tươi tắn, có gió lao xao, có nắng thu nhè nhẹ, có cây cành xao xuyến… mà điểm nhấn của nó dồn cả về phía cô gái qua sự quan sát tinh tế của tác giả.
Đông đã về thật đấy ư trong khi “thu chưa qua một nửa”, thu vẫn còn nồng nàn lắm?! Một sự bất bình thường của thiên nhiên hay từ khi cô gái xuất hiện với “chiếc khăn treo trễ nải” gợi cảm ấy đã làm cho tác giả "ngộ nhận" là đông đã về vội vã? Tác giả sử dụng phép ẩn dụ, ví chiếc khăn cô gái quàng như "mùa đông vắt qua vai" thật hóm hỉnh và anh đã “nhầm” mà ngỡ rằng “đông sao về vội vã” hay chăng?
Mạch cảm xúc của tác giả tăng dần theo cùng với sự quan sát có chủ ý từ những điều “mắt thấy, tai nghe” đến những dự cảm mơ hồ khi anh nhìn ánh nắng thu “bước đi cùng váy ngắn” của cô gái "chân dài" - nét đẹp tạo hóa ưu ái ban cho người con gái. Và khi những xúc cảm ùa về, anh đã thốt lên “Lòng anh cứ mông lung/ Trước bộn bề cơn gió”... Thật khéo léo khi anh thừa nhận "nỗi lòng" cũng xao xuyến trong thời khắc chuyển giao mùa, nhưng lại không phải trước em, mà "trước bộn bề cơn gió".
Nét đẹp đặc trưng của mùa thu là con nắng hanh vàng thế mà mùa thu nay đã không còn vạt nắng… Thu đã nhạt nắng thật rồi hay "ánh gót hồng" của em đã làm cho thu cũng phải nhường ngôi? Tôi tự hỏi, có phải “em” chính là "tác nhân" gây nên cuộc chuyển mùa này chứ không phải là mùa đã chuyển? Tôi không dám chắc, nhưng có lẽ chính cô gái là cầu nối bởi em mang trên mình “mùa đông vắt qua vai” và “mùa thu dưới chân”... Em đã chuyển mùa cho phố xá bằng nét đẹp dịu dàng, quyến rũ; với khăn quàng duyên dáng, với váy ngắn trẻ trung, cuốn hút, gợi cảm và phố đã "chuyển mùa" cho anh. Một cuộc chuyển mùa mang dấu ấn rất riêng của thi ca.
Đọc lại bài thơ một lần nữa, tôi thấy như vọng về từ những con chữ anh gửi vào trong thơ là những thanh âm thánh thót, dịu nhẹ, du dương trong khoảnh khắc chuyển giao của đất trời. Những tiếng lá lao xao gọi về trên từng góc phố trong một buổi chiều tà với nắng hanh vàng, với những cơn gió thì thầm trên những hàng cây. Tôi mường tượng tác giả đang lưỡng lự trước những hộp màu để pha chế, để vẽ nên chiếc “lá tình” vừa thể hiện nét trẻ trung, tươi mới của chút tình còn tươi xanh trong "chiếc lá thu phai"*, vừa thể hiện chút xao xuyến, bâng khuâng khi anh nhận ra thu thì “chưa qua một nửa” mà sao đông đã “vội vã” về như thế?! Có lẽ anh cũng như tôi, như đa số các bạn đang ở độ tuổi “chiều tím loang vỉa hè”**, sẽ rất lúng túng nếu phải chọn lựa gam màu trong hoàn cảnh này. Bởi quy luật hỗn mang của đất trời thì chẳng dừng lại được, mà vòng quay của bánh xe đời thì cứ thế lăn đi, lăn đi những vòng tròn, lăn mãi…
Tôi ấn tượng với khổ thơ đầu tiên khi anh khẳng định “Thu chưa qua một nửa…" một sự bất quy tắc của thời tiết, sự bất tuân theo quy luật của vòng quay luân hồi. Nhưng không hẳn thế, thu ở đây không chỉ là Thu của đất trời mà còn là Thu của lòng người, Thu của đời người nữa. Mùa Thu thật đẹp và bao giờ cũng làm cho lòng người xao xuyến, nao nao, chẳng thế mà nó đã là đề tài cho thơ, ca, nhạc họa thăng hoa.
Thu của đất trời thì đẹp như vậy, còn thu của đời người thì sao? “Nó” có đẹp trong nét trầm tư, lắng đọng nơi tâm hồn thi sĩ vốn rất nhạy cảm với những gì diễn ra xung quanh? Có lẽ anh đã nhận ra Thu đời mình cũng đẹp lắm nhưng nó đã dần qua đi để nhường chỗ cho mùa đông đến vội: “Đông sao về vội vã”. Một sự tiếc nuối nên anh trách cứ con tạo… Một chút dỗi hờn khi nhìn lại màu tóc đã điểm những hạt sương mai nên anh bâng khuâng… Vậy, anh sẽ vẽ nó với gam màu gì đây? Xám lạnh lùng hay màu xanh rêu cũ kỹ để mô tả khoảng trời đông giá rét đang về? Không phải thế, chỉ là một chút xao xuyến trước sự trêu ngươi của tạo hóa để rồi anh đón nhận nó một cách thật nhẹ nhàng và lạc quan như thể mỗi độ tuổi đều có nét đẹp riêng của nó vậy. Và tôi nghĩ, anh đã vẽ nó bằng một màu lạc quan, không tuổi.
Cuộc gặp gỡ tình cờ hay hẹn trước nơi hè phố chiều ấy để anh viết nên “em chuyển mùa cho phố” hay chỉ là sự tưởng tượng về một “bóng hồng” thướt tha với chiếc khăn quàng hờ hững trên bờ vai thon, mềm mại, một nét duyên thầm của người con gái kiêu sa? Cô gái ấy mặc áo màu xanh thiên thanh hay màu vàng mơ mộng? Cô quàng chiếc khăn màu trắng tinh khôi hay màu tím hồng gợi cảm?... Tất cả là tùy thuộc vào sự tưởng tượng của mỗi người để “vẽ” nên cho mình một “nàng thơ” để mà mơ tưởng, để mà nghĩ về.
Khăn để giữ ấm, hẳn là vậy rồi. Nhưng hình như với phụ nữ thì không chỉ có thế, họ quàng khăn không chỉ vì bảo vệ sức khoẻ, mà còn bởi nét duyên dáng được tạo nên từ chiếc khăn ấy. Khi quàng khăn lên vai hay khi thả dài xuống đến tận đầu gối tôi đều thấy họ xinh xắn, tràn đầy nữ tính, đôi khi còn rất sang trọng nữa.
Cô gái trong thơ với chiếc khăn quàng là vì đông lạnh hay vì lý do gì khác? Có lẽ đó vẫn là một ẩn số… Nhưng tôi sẽ không tò mò mà cứ để mặc "ẩn số" ấy còn tôi “ngắm nghía” bức tranh tác giả đã “vẽ” với “chiếc khăn treo trễ nải” trên thân thể cô gái duyên dáng và gợi cảm! Chiếc khăn hờ hững như “mùa đông vắt qua vai”, phép ẩn dụ mà tác giả đã rất khéo léo lồng vào khổ thơ này. Chiếc khăn như vòng tay ôm nhẹ đôi bờ vai mảnh mai, vừa như muốn che chở, vừa như ve vuốt mà cũng như buông chùng, muốn quàng cho “ai đó” cùng ấm nữa. Tôi hình dung chính “chiếc khăn treo trễ nải” trên vai cô gái đã "đánh lừa" tác giả, hay chính tác giả đã “đánh lừa” người đọc “Đông sao về vội vã” trong khi Thu thì vẫn chưa qua hết một nửa?
Có phải sự bất quy tắc ở trên đến đây đã được giải mã? Chính chiếc khăn đã làm cho tác giả nghĩ “đông về vội vã” trong khi Thu thì vẫn còn nồng nàn? Một sự “chuyển mùa” thật sự đang diễn ra hay là ước muốn cuộc chuyển đổi mùa cũ bằng một mùa mới tràn đầy hy vọng?
Sở dĩ tôi nói bài thơ trên là tác phẩm hội họa đẹp bởi qua lời thơ, tôi đã “nhìn” thấy "bức tranh" sống động, có bố cục rõ ràng, với những gam màu hài hòa và tương phản. Những nét vẽ uyển chuyển, lúc thể hiện sự hưng phấn, thăng hoa, có lúc lại như là sự tiếc nuối, rụt rè, bất mãn với sự trớ trêu của quy luật tự nhiên. Và tôi nhận thấy ở bài thơ này, tác giả đã dẫn dắt người xem đến với những thông điệp khác nhau mà anh muốn gửi gắm qua xúc cảm hòa vào từng con chữ bằng trí tưởng tượng về một “bóng hồng” là chủ điểm của "bức tranh" trẻ trung, sinh động.
Thơ hay là sự thăng hoa của tâm hồn, là hình ảnh, là nhạc điệu, là sự đồng cảm của người đọc chứ không hẳn là ý nghĩ chủ quan của người viết để cái riêng sẽ trở thành nỗi niềm chung, và ta yêu mến vì nó đã nói hộ lòng ta.
(**): Câu hát trong bài "Nhìn những mùa thu đi" của cố NS Trịnh Công Sơn.
(*): Tên bài hát của cố NS Trịnh Công Sơn
Thơ: Nguyễn Thanh Vân
Lời bình và clip : Hoàng Như Mai
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!