Powered By Blogger





Wednesday, 8 January 2014

Nước Nga dẹp loạn các ông trùm



















Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp báo lớn thường niên ở Moskva với sự tham gia của 1.300 nhà báo trong nước và quốc tế. Đây là lần thứ 9 diễn ra một cuộc họp báo như thế. Các tin tức trước đó đều cho rằng, cuộc họp báo sẽ không có thông tin gì bất ngờ vì vẫn theo những chủ đề quen thuộc từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo, đứng giữa các vệ sĩ, Tổng thống Putin đã khiến cho dư luận nóng lên bởi tuyên bố: ông sẽ ký lệnh ân xá đối với nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, đã bị giam giữ từ nhiều năm nay vì những lý do kinh tế… Cần phải nhớ rằng, vụ án Khodorkovsky được coi là sự kiện tư pháp ầm ĩ nhất trong giai đoạn làm chủ Điện Kremli của ông Putin.


Mạnh gì gạo, bạo vì tiền

Ai cũng biết rằng, khi ông Boris Yeltsin còn ngồi trong Điện Kremli, các ông trùm kinh tế (oligarkh), mau lẹ làm giàu trong giai đoạn tư nhân hóa chớp nhoáng và nhiều bí ẩn cuối những năm 90 của thế kỷ XX, đã có ảnh hưởng rất lớn đến chính trường Nga. Thậm chí một số nhà tài phiệt còn được coi là thành viên trong “Gia đình” của Tổng thống Yeltsin. Và điều này làm hoen ố hình ảnh trong sạch của bộ máy cầm quyền và cũng là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới những bùng nổ rối ren trên chính trường…

Chính vì thế nên ngay sau khi trở thành người lãnh đạo cao nhất nước Nga, khẩu hiệu của Tổng thống Vladimir Putin là ủng hộ “một chế độ pháp trị” (chuyên chính luật pháp) và ông nhằm vào những oligarkh, các “ông trùm”  vốn có những mối quan hệ thân mật với những nhà chức trách trong cái gọi là “kỷ nguyên Yeltsin”. Tổng thống Nga không ngần ngại “dằn mặt” với cả những nhân vật rất có thế lực như “ông chủ” của Gasprom như Rem Vyachirev (1924-2013). Gasprom suốt cả thập niên này được coi như là một đế chế kinh tế trong lòng đế chế chính trị Nga, giữ tới một phần ba số mỏ khí đốt đã phát hiện ra được trên thế giới.

Quyền lợi của Gasprom được bảo vệ và ủng hộ ở những nấc thang chính quyền cao nhất. Lượng tài sản khổng lồ của Gasprom đã giúp Rem Vyachirev trở nên quá tự tin dưới thời Boris Yeltsin. Theo tạp chí Ngọn lửa nhỏ, năm 1995, trong một cuộc họp báo tại London, khi được nghe câu hỏi: “Ông sẽ làm gì nếu trong cuộc bầu cử 1996, Yeltsin thất cử?” Rem Vyachirev  thẳng thừng tuyên bố: “Dù ai lên nắm quyền thì cũng buộc phải tìm cách chung sống hòa bình với Gasprom”.

Boris Nemtxov, khi còn là Phó Thủ tướng Nga, đã gọi Rem Vyachirev là oligarkh gộc tới mức mọi oligarkh khác ở Nga chỉ là “những chú lùn” nếu so với ông ta. Tất nhiên, khi lên gân lên cốt trước mặt thiên hạ, Rem Vyachirev còn chưa được biết, có một ngày nào đó nước Nga sẽ có một vị Tổng thống tên là Vladimir Putin...  Chỉ cần sau vài sự vụ “nho nhỏ”, Vladimir Putin đã lập tức làm cho các oligarkh như Rem Vyachirev  phải cảm thấy chờn...

Sau đây là một thí dụ. Do không nhận đủ khí đốt nên những vị “tai to mặt lớn” của ngành năng lượng Nga đã phải ngồi lại cùng nhau để nghe nhân vật đang là số 1 của Gasprom lý giải nguyên nhân đã dẫn tới khủng hoảng. Rem Vyachirev nói “vòng vo tam quốc” chủ yếu để biện minh cho mình mà chẳng làm sáng rõ thêm vấn đề gì cả. Tổng thống Liên bang Nga kiên nhẫn ngồi nghe mọi sự rồi thủng thẳng buông từng từ một: “Tốt thôi, nhưng nếu vậy quân đội sẽ đảm nhận các đường ống dẫn khí đốt, FSB sẽ chiếm lĩnh các vị trí có máy nén khí, còn ban giám đốc Gasprom sẽ bị chúng tôi đưa vào nhà đá”. Chỉ vậy thôi nhưng cũng đủ để Gasprom tham gia tích cực hơn vào tiến trình cải thiện kinh tế Nga mà chính phủ của ông Putin đang muốn thực thi.

Với các “ông trùm” thì Tổng thống Nga có vẻ như mạnh tay hơn. Suốt một thời gian dài khi Boris Yeltsin còn nắm quyền, chính trường Nga đã bị lũng đoạn bởi một tập đoàn oligarkh, vừa lắm mưu mẹo vừa giàu có của cải. Theo Chrystia Freeland, nữ phóng viên tờ Thời báo tài chính của Anh, từng thường trú tại Moskva, đó là “bảy kẻ cắp” từng thao túng những tài nguyên chủ yếu của nước Nga bằng cách “bán linh hồn của họ cho quỷ”: Boris Berezovsky, Vladimir Potanin, Vladimir Gusinsky, Mikhail Priedman, Aleksandr Smolensky, Piotr Aven và Mikhail Khodorkovsky...

Một đội ngũ rất “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, mặc dù thành phần xuất thân không hẳn đã giống nhau nhưng đều từng có vị trí hoặc vị thế trong bộ máy chính quyền ở thời hậu Xôviết hỗn độn... Chẳng hạn như Mikhail Khodorkovsky, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám đốc hãng IUKOS, vốn là một cán bộ Đoàn. Từ năm 1986 tới 1987, Mikhail Khodorovsky làm phó bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản của trường kỹ nghệ hóa học mang tên D. I. Mendeleyev ở Moskva (MKHTI).

Năm 1987, ông đứng đầu Trung tâm sáng tạo khoa học kỹ thuật của thanh niên, được thành lập dưới sự bảo trợ của Đoàn. Trung tâm này mang tên Quỹ sáng kiến trẻ. Về sau, Trung tâm chuyển đổi thành ngân hàng thương mại tiến bộ khoa học kỹ thuật và Liên hiệp ngân hàng Menatep... Chính từ điểm tự này, cộng với trí thông minh xuất chúng, Khodorkovsky đã tận dụng được những kẽ hở của “thời chuyển tiếp” và gây dựng được một cơ nghiệp khổng lồ trong thời nước Nga “hậu Xôviết” tư hữu hóa  tài sản công...

Còn Vladimir Potanin từng là Phó Thủ tướng thứ nhất... Họ làm giàu được chính trong giai đoạn nước Nga tư hữu hóa tài sản công cộng một cách bừa bãi theo luật rừng của chủ nghĩa tư bản sơ khai....

Năm 1997, có 6 người Nga lần đầu tiên lọt được vào danh sách các cự phú quốc tế do tạp chí Mỹ Forbes đưa ra, phần lớn những đại gia này đều nằm trong danh sách “7 kẻ cắp” trên... Theo đó, nhà tài phiệt Boris Berezovsky, tiến sĩ toán cơ, sở hữu lượng gia sản trị giá 3 tỉ USD. Mikhail Khodorkovsky, chủ hãng Rosprom có 2,4 tỉ USD. Tiếp theo: Rem Vyachirev, chủ Gasprom (1,1  tỉ USD); chủ nhà băng ONEKSIM, Vladimir Potanin, (700 triệu USD); Vladimir Gusinsky (400 triệu USD),..

Trong số này chỉ có một mình Boris Berezovsky (sinh năm 1946), lúc đó đang ngồi trên ghế Thư ký Hội đồng an ninh liên bang Nga,  công khai lên tiếng bác bỏ số liệu mà Forbes đưa ra. Trong bản kê khai thuế chính thức, Boris Berezovsky chỉ ghi con số “khiêm tốn” 233 triệu USD ở phần gia sản. Theo tạp chí Thời mới, thực ra không ai có thể xác định rõ ràng được cái gì thuộc về Boris Berezovsky và giá trị của chúng là bao nhiêu... Có nguồn tin cho là, trong thế giới truyền thông, Boris Berezovsky từng sở hữu 49% cổ phần của kênh truyền hình ORT, kênh truyền hình TV - 6, tạp chí Ngọn lửa nhỏ, nhà xuất bản Thương nhân,  các tờ báo Tin tức mới, Báo Độc lập, đài phát thanh Radio của chúng ta...

Boris Berezovsky từng có câu nói nổi tiếng: “Cái gì cũng có thể mua được, quan trọng là phải biết giá”. Xuất thân vốn là một nhà khoa học, Boris Berezovsky được giới kinh doanh bắt đầu biết tới với tư cách chủ hãng LogoVAZ, đại lý chính của nhà máy sản xuất ô tô AvtoVAZ ở Toliachi, từng bán được hàng chục nghìn xe trong những năm 1992 - 1993. Năm 1995, các chuyên gia của báo Tin tức Moskva ước tính giá trị của LogoVAZ ở mức một nghìn tỉ USD. Đề án làm ăn khổng lồ tiếp theo của Boris Berezovsky cũng gắn bó với xe hơi: tổ hợp ABBA (liên kết LogoVAZ với AvtoVAZ).

Tiếp theo, Boris Berezovsky  tham gia Quỹ tài sản quốc gia Nga, “Dầu lửa Kuibysheb”, một số ngân hàng và công ty tài chính... Ông ta cũng là người tham dự vào nhiều đề án liên quan tới dầu mỏ. Cứ thế theo luật “Nước chảy chỗ trũng”, Boris Berezovsky đã giàu lên với tốc độ nhanh tới chóng mặt. Tiền của đã giúp ông ta trở thành “người đàng mình” đối với Điện Kremli dưới thời Boris Yeltsin. Có dạo, tài phiệt Berezovsky đã đi rêu rao  trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước là chính ông ta đã giữ hầu bao cho chiến dịch vận động tranh cử thắng lợi của Boris Yeltsin năm 1996... Theo nhiều nguồn tin, Berezovsky vừa có công trong việc đưa Vladimir Putin lên những vị trí cao, vừa có tội trong những mưu toan thay ngựa giữa dòng.


Abramovich, Mikhail Khodorkovsky, Berezovky.

Vào cuối năm 1999, khi thấy mình đã bị hớ trong việc “phù” ông Putin, một người không dễ bị mua chuộc hay dọa nạt, lại gần Điện Kremli, chính Berezovsky thông qua các đồng minh của mình đã muốn đưa Vladimir Rushailo (lúc đó đang là Bộ trưởng Nội vụ) vào làm “Thế tử” thay cho Vladimir Putin. Theo tạp chí Thời mới số 7 năm 2000, tay trong của nhà tài phiệt trong Phủ Tổng thống Nga lúc đó đã chuẩn bị sẵn văn bản về việc này. Có điều, lúc đó, vị “trưởng lão” - phải đánh giá cao ông ta về việc này - bỏ ngoài tai mọi sự vận động, lại đưa ra quyết định khác nghiêng về phía Vladimir Putin...

Mạnh tay mới hiệu quả

Xuất thân là một cán bộ an ninh, lại có thực tế sâu rộng về đời sống xã hội Nga thời “hậu Xôviết” với tư cách “ở trong chăn”, Tổng thống Putin hiểu rất rõ bản chất và quá trình làm giàu của những “người Nga mới”.

Ông nói, trong những năm 90 của thế kỷ XX, “một số băng đảng đã lợi dụng sự yếu kém trong khâu tổ chức của Nhà nước” để phất lên như diều gặp gió. Và khi tích lũy được vốn do điều khiển được các cơ quan Nhà nước rồi, “họ muốn bảo vệ thế độc quyền của họ đối với các phương tiện thông tin đại chúng  để hù dọa chính quyền chính trị một cách có hiệu quả hơn”. Vladimir Putin, chậm rãi một cách có bài bản, đã tổ chức những đòn tấn công hữu hiệu vào những nhà tài phiệt từng núp bóng Boris Yeltsin và chủ trương tư nhân hóa đáng ngờ để làm giàu bất chính...

Thông qua hàng loạt cuộc điều tra và tấn công của cơ quan thuế vụ đi đôi với các cuộc gặp gỡ trực tiếp nhiều bên diễn ra ngay trong Điện Kremli, “vừa đấm vừa xoa”, theo kiểu mới chỉ giơ cây gậy ra thôi chứ chưa giáng xuống đầu đương sự, Tổng thống Nga cũng đã chế ngự được những tập đoàn kinh doanh đầu sỏ. Các nhà tư bản hàng đầu của nước Nga, từng gây dựng được gia sản khổng lồ của mình trong những năm “tư nhân hóa hoang dã” nền kinh tế dưới thời Boris Yeltsin, phải tỏ ra “biết điều” hơn đối với Điện Kremli và cam kết đứng ngoài chính trị, hay nói một cách đúng hơn, sẽ chỉ tham gia vào đời sống chính trị quốc gia theo phương thức và mức độ mà nhà nước cần.



Với những vụ thẳng tay trấn áp những trùm tài phiệt cứng đầu cứng cổ như  Boris Berezovsky hay Vladimir Gusinsky, buộc họ đang từ những kẻ có quyền lực “bao trùm thiên hạ”, từng như cơm bữa ra vào Điện Kremli thời Boris Yeltsin còn ở đó, phải rơi vào cảnh lưu vong ở nước ngoài và bị các tòa án hình sự của Nga phát lệnh truy nã quốc tế, Tổng thống Nga muốn gửi tới các “ông trùm” một thông điệp ngắn gọn và dễ hiểu: các ông đã được “ăn” miếng bánh ngọt to nhất rồi, nhưng thôi, đó là việc của quá khứ, tôi không định đào bới lên nhưng từ nay trở đi, các ông hãy chăm lo sản xuất làm giàu đi cho lợi nhà ích nước và đừng nhúng mũi vào chuyện chính trị!

Các “ông trùm” ở Nga không thể làm ra vẻ không hiểu lời cảnh cáo này vì Vladimir Putin đã không buồn úp mở và tuyên bố ngay trên tờ Le Figaro của Pháp: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại gì mà không sử dụng cây gậy, bắt bí Nhà nước là điều không thể chấp nhận được. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ phá bỏ toàn bộ những công cụ cho phép bắt bí Nhà nước!” (trích bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hồi đầu tháng 11/2000).

Trước đây, Boris Yeltsin, khi còn ngồi trong Điện Kremli, cũng đã có lần trong cơn bột phát tuyên bố trước các nhà báo tại CHLB Đức rằng: “Tôi ấy á, nếu có oligarkh nào mà không đầu tư tiền vào nền kinh tế Nga thì tôi sẽ vặn cổ ngay”. Nhưng vị “trưởng lão” nói vậy mà không làm vậy vì ông có những sự “tế nhị” khiến cho há miệng mắc quai. Với Vladimir Putin thì khác...

Kết cục là từ ngày 20/9/2001, Berezovsky, Lúc đó còn đang ở trên lãnh thổ Nga, đã bị truy nã liên bang về tội lừa đảo, rửa tiền và mưu toan cướp chính quyền bằng bạo lực. Rồi từ tháng 9/2003, ông ta đã phải “ù té quyền” ra khỏi nước Nga và phải rao bán cổ phần của mình trong hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng.  Cho tới cuối đời, Berezovsky đã phải sống đầy uất hận ở London và chết bất đắc kỳ tử trong tình huống còn nhiều điểm không rõ ràng ngày 23/3/2013. Mặc dù năm 2008, tài sản của  Berezovsky được định giá ở mức 1,3 tỉ USD nhưng khi chết, ông ta đã lâm vào tình trạng nợ nần như chúa Chổm...

Còn Vladimir Gusinsky, sinh năm 1952, chủ nhân của tập đoàn truyền thông lừng danh Media - Most,  thì gặp tai nạn pháp đình ở Tây Ban Nha và suýt nữa thì bị dẫn độ về Nga. Kênh truyền hình NTV và hàng loạt cơ quan báo chí cũng như nhà xuất bản của ông này, nổi tiếng về thái độ chống đối lại Điện Kremli, bị dồn vào những cuộc xáo trộn lớn...

Ngày 13/4/2001, các nhà quản lý mới do Gazprom, một trong những cổ đông lớn ở đây, chỉ định đã lên cai quản NTV, chấm dứt ảnh hưởng của lực lượng tay trong thân với nhà tài phiệt Vladimir Gusinsky, người giữ  tới 49% cổ phần của kênh truyền hình này... Đội quân thất thế của “ông trùm” đành phải đi hành nghề ở nơi khác với những dịch vụ nhỏ hơn trên kênh truyền hình vệ tinh TNT, cũng do Vladimir Gusinsky sở hữu nhưng có lượng khán giả ít hơn nhiều so với NTV.

Tuy nhiên, giải quyết xong vụ NTV, chắc hẳn Điện Kremli sẽ không để cho TNT làm mưa làm gió như cũ vì cũng như đối với mọi doanh nghiệp tương tự ở nước Nga hiện nay, các cơ quan chức năng nếu rất muốn thì thể nào cũng sẽ tìm ra những tì vết của TNT  trong lĩnh vực thuế má...

Chiếc gậy trong tay người chủ mới của nước Nga là một chiếc gậy thông minh, không đánh vào những oligarkh nhanh trí biết tránh đòn mà chỉ nã vào những kẻ hung hăng nhất để chúng “một lần là tởn đến già”.  Đương kim Tổng thống Nga không chỉ biết  giơ ra “bàn tay sắt” mà còn rất khéo léo chìa “bàn tay nhung” cho những nhà tài phiệt nào thực tâm muốn phục vụ cho chế độ mới. 

Vladimir Putin không phải không hiểu điều mà Boris Berezovsky từng nhắn nhủ ông: “Giới đại tư bản luôn luôn đứng cạnh quyền lực. Một xã hội hiện đại được vận hành như vậy. Nếu như ông xoá bỏ một nhân vật đại tư bản này thì một nhân vật khác sẽ nổi lên ngay thôi”.

Dưới ánh đèn xanh sáng lên từ Điện Kremli, một số tập đoàn tài phiệt từ thủ đô đã tìm cách bắt rễ được xuống các địa phương để vừa thể hiện được sự hữu ích của những cái đầu có khả năng làm giàu siêu hạng đối với việc cải thiện cơ cấu  kinh tế và phong cách làm ăn nơi “thâm sơn cùng cốc”, đồng thời vẫn được tiếp tục duy trì gia sản khổng lồ đã có.

Oligarkh lừng danh, Roman Abramovich, người ngay từ những năm 1994 - 1995 đã bị báo chí Nga gọi là “cái túi đựng tiền” của “Gia đình”, “ông trùm” số 1 dưới thời Boris Yeltsin. Chẳng hạn, đầu năm 2001, đã nhậm chức Thống đốc Chukotka, và tuyên bố là sẽ mang tài trí ăn nên làm ra của mình tới giúp cho vùng heo hút này của nước Nga khởi sắc.

Roman Abramovich là người gốc Do Thái, sinh năm 1966 tại Saratov, nơi có nhà máy sản xuất những cái tủ lạnh một thời rất được người Việt Nam ta ưa chuộng. Khi còn bé, “ông trùm” tương lai này cũng có cách nghĩ như Yoseph Brodsky, nhà thơ sinh ra ở Leningrad và về sau được nhận giải thưởng Nobel về văn học: không học kiến thức ở nhà trường chính quy mà ở chính trong cuộc đời. Vì thế, Abramovich chỉ qua cái gọi là “nhà trường nhân dân”.

Phi vụ lớn đầu tiên của Abramovich là mua được cổ phần của công ty Sibneft lúc đó bị mang ra tư nhân hóa. Ngay từ khi mới ngoài ba mươi tuổi, Abramovich đã một mình độc quyền cai quản công ty dầu mỏ lớn này sau khi hất được cẳng của một chiến hữu cũ là Boris Berezovsky, sở hữu tới 1,5 tỉ tấn dầu thuộc kho dự trữ “vàng đen” của Nga  và còn làm chủ một nửa thị phần về nhôm ở Liên bang Nga. Chính Berezovsky lúc đầu đã “cưu mang” Abramovich trong những cố gắng gây dựng ảnh hưởng đối với Điện Kremli của vị “trưởng lão”. Nhưng rồi, “hậu sinh khả uý”, tiểu đệ dần dà đã đẩy được đại ca sang sân khấu chính trị đơn thuần mà giành lấy phần sân béo bở hơn là trực tiếp nắm  quyền phân phối lại đồng tiền bát gạo của “Gia đình”.

Là một cự phú, lại sinh hoạt rất ngẫu hứng và tự do, Abramovich hay bị báo chí tung tin thất thiệt. Trước mọi đồn đại, Abramovich không bao giờ buồn “thanh minh thanh nga” gì cả mà vẫn cứ tiếp tục điềm nhiên làm những việc mà mình cho là “phải đạo”. Về quan điểm chính trị cá nhân, Abramovich chỉ nói một cách chung chung: “Tôi ủng hộ tự do và sự phồn vinh chung cho tất cả!”.

Chính với quan điểm dân tuý không có gì là cụ thể đó, Abramovich đã đắc cử vào ghế nghị sĩ đại diện cho vùng Chukotka trong cuộc bầu cử tháng 12/1999 rồi tới cuối năm 2000, trở thành thống đốc khu vực này. Và nhà tài phiệt này đã làm được rất nhiều việc cho khu vực “khỉ ho cò gáy” đó, đến mức dân chúng ở đó rất yêu anh ta. Tuy nhiên, xem ra Abramovich còn “chơi” CLB bóng đá Chelsea và các mỹ nhân hơn là với những người dân ở Chukotka…

 Tổng thống Vladimir Putin đánh giá tích cực về những hoạt động của các oligarkh như Roman Abramovich đang làm. Đã làm lợi cho nước rồi thì làm lợi thêm cho nhà cũng chẳng sao. Ông hiểu đó là luật chơi thực tế của cuộc đời này ở khắp mọi nơi, không chấp nhận nó thì dễ trở thành hoặc là vô dụng hoặc là đạo đức giả.

Chính sách an ninh thông tin mới được thông qua cũng góp phần củng cố ở mức độ nhất định trật tự trên thị trường các phương tiện thông tin đại chúng. Đương kim Tổng thống Nga không cho phép bất cứ một oligarkh nào sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng mà họ đã lũng đoạn được vào mục đích củng cố địa vị “thủ lĩnh ngầm” của mình.

Trường hợp Khodorkovsky

Mikhail Khodorkovsky sinh ngày 26/6/1963. Năm 2003, trong khi đang làm đồng sở hữu và lãnh đạo Yukos  và cũng là một trong những người giàu nhất nước Nga và thế giới thì bị bắt. Năm 2005, ông bị tòa án Nga kết tội biển thủ và nhiều lầm lỗi khác. Công ty Yukos của ông bị buộc phải làm thủ tục phá sản. Năm 2010 - 2011, Khodorkovsky lại bị kết án thêm bởi những tình tiết mới...

Có nguồn tư liệu cho rằng, Khodorkovsky bị bắt giam vì đã bộc lộ tham vọng muốn can dự vào chính trường với nguồn tài sản khổng lồ. Không như nhiều nhà tài phiệt khác, Khodorkovsky đã tưởng rằng, một khi đã đủ trí thông minh để gây dựng nên cơ nghiệp lớn thì cũng có thể đảm đương công việc quốc gia. Trong một lần vào Điện Kremli dự một cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Putin với các đại gia kinh tế, do không đồng tình với quan điểm chính thức của lãnh đạo quốc gia, Khodorkovsky đã buột miệng nói với một đồng đội thân tín rằng, cần phải tự mình cầm quyền... Và thế là vận hạn đen đủi của ông bắt đầu...

Vụ án Khodorrkovsky đã tạo nên nhiều dư luận khác nhau trong xã hội Nga và cả trên trường quốc tế. Có người cho rằng đưa Khodorkovsky vào tù là đúng tội, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhà tài phiệt này là nạn nhân của những trò chơi chính trị...

Sau khi Tổng thống Putin kết thúc cuộc họp báo khổng lồ ngày 19/12, đứng giữa những người lính bảo vệ, ông đã nói thêm với các nhà báo về Khodorkovsky: “Anh ấy đã ở trong tù hơn 10 năm, đó là một hạn thời gian nghiêm trọng.  Tôi nghĩ rằng cần phải đưa ra một quyết định...”. Điều này chứng tỏ chính quyền Nga đã cảm thấy mình mạnh hơn trước. Và ngay ngày 20/12, Tổng thống Putin đã ký sác lệnh trả tự do cho Khodorkovsky. Sau khi rời khỏi nhà giam, nhà tài phiệt này đã bay sang Berlin...

Theo lời của Thư ký báo chí Điện Kremli  Peskov, Khodorkovsky đã có đơn xin ân xá và trên cơ sở này, Tổng thống Nga mới quyết định ân xá cho ông. Theo ông Peskov, một khi đã có đơn xin ân xá tức là đã công nhận lầm lỗi của mình


Minh Thành
(theo cand.com.vn)






Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên