Khi rời VN ra nước ngoài sinh sống tôi không hề mang theo hành trang nhân cách cồng kềnh nào cả, không tự tôn cũng không tự ti, và không hề trải nghiệm bất ổn nhân cách. Sang xứ người lập nghiệp, tôi chỉ biết nhớ lấy lời cha mẹ và thầy cô dậy dỗ lúc còn bé: sống lương thiện, làm việc cần mẫn, chịu khó học hỏi, ráng vươn lên bằng nỗ lực cá nhân, noi gương tốt, tránh không làm điều gì xấu xa có thể tổn hại đến thanh danh cá nhân và dân tộc
TM (Gordon Thuý)
Trước kia tôi cũng nghĩ và hành động đơn giản như chị TM. Tuy nhiên, trong khoảng mười lăm năm gần đây, tôi bắt đầu suy nghĩ về khả năng hóa rồng của VN như Hàn Quốc. Cách đây vài năm, tôi dần nhận ra, đó là mong ước hão huyền, rồi VN sẽ thua Campuchia, quốc gia láng giềng mà người Việt thường nhìn từ chiếu trên.
Sống và làm việc ở Nga một thời gian khá dài, tôi cũng nhìn lại diễn biến trong thái độ của người Nga đối với cộng đồng người Việt ở xứ bạch dương, một nơi mà tới 99,99% dân miền Bắc VN đến làm ăn. Tôi cũng thử quan sát về sự biến đổi của người Việt đối với nước Nga, để hiểu thêm về con người Việt. Dường như diễn biến đã trải qua đủ các sắc thái và đến từ cả hai phía.
Cho đến tận những năm đầu thập kỷ 1990, người Việt vẫn được người Nga khá tôn trọng và cảm tình, ít nhất là so với người Trung Quốc, vì người Việt có thu nhập khá cao so với mặt bằng xã hội Nga thời đó.
Sau đảo chính của Elsin (1991), nước Nga đứng trước ngã rẽ của lịch sử, họ lúng túng bước ra với thế giới, chẳng biết buôn bán hay kinh tế thị trường là gì, bởi 70 năm bao cấp quan liêu đã làm mòn ý chí của người muốn vươn lên.
Trong khi đó, người Việt như những con “ếch” có bản năng sinh tồn mạnh nhảy qua chỗ rẽ nhanh hơn trong khi “trâu ngưạ” Nga đứng thẫn thờ. Ngoài ra, người Việt tính cách cởi mở, khá phóng khoáng và sống “hiền lành”. Vì thế sự cảm tình là đương nhiên.
Nhưng với thời gian, tính cách người Nga trỗi dậy, bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, cộng với nền kinh tế thị trường đã làm quốc gia này thay đổi chóng mặt. Không thể theo kịp với thời cuộc, người Việt ở đây bị bắn ra khỏi lề của sự phát triển.
Hiện nay, có thể nói người Việt ở Nga đang đánh đổi tất cả để kiếm tiền, vất vả mưu sinh nhưng vì trình độ có hạn, những gì thuộc về láu cá, buôn bán vặt, không giữ uy tín, nên họ thuộc cộng đồng có thu nhập thấp nhất trong xã hội Nga và thường kinh doanh các lĩnh vực mà các cộng đồng khác ít chịu làm.
Ngày xưa người Việt từng thuê người Nga đứng bán hàng vặt từ áo váy, son rởm, đến cửu vạn máy tính, nhưng nay chuyện đó đã thành dĩ vãng.
Khả năng và ý muốn hội nhập cũng là thấp nhất trong các cộng đồng nhập cư. Các bạn trẻ VN khá hòa đồng với học sinh phổ thông bản xứ, nhưng khi lên đại học thì co cụm lại và hầu như chỉ giao lưu trong cộng đồng VN, kể cá các bạn sinh trưởng ở Nga và có quốc tịch Nga.
Số bạn trẻ VN tốt nghiệp đại học đủ tự tin để đi xin việc ở các Cty thuần Nga có pháp nhân Nga và người Nga làm chủ, có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nhìn chung, cộng đồng người Việt ở Nga đã tụt hậu so với các cộng dồng dân tộc khác và người Nga một cách ghê gớm, ra đường rộng “éch” không thể đua với “trâu ngựa” đươc.
Hơn nữa, trong con mắt của phần đông người bản xứ, người Việt cũng không hề “hiền lành’’, gây gổ, trộm cắp, đánh nhau và tỏ ra ít thân thiện hơn xưa.
Thật đáng buồn, trong các phẩm chất truyền thống của người Việt lẽ ra nhiều điều tốt đẹp, thì người bản xứ chỉ thấy cộng đồng này có phẩm chất chịu đựng nhẫn nhục vô biên
Thật dễ hiểu, khi người bản xứ đã nhìn như vậy thì sự phân biệt đối xử là đương nhiên. Điều đáng buồn, phần đông người Việt không hiểu tại sao lại bị người Nga đối xử như vậy.
Thái độ của người Việt ở Nga đối với người Nga trong hơn hai chục năm qua cũng qua nhiều cung bậc. Đi từ con mắt “ngạo mạn’’ của “ếch Việt tinh khôn” nhìn “trâu ngựa Nga đờ đẫn” của những năm 90, người Việt lúc đó thường gọi người Nga là “ngố và heo” vì lừa dễ, đến cái nhìn ganh tỵ, tự ty và cách biệt đối với người Nga hiện nay.
Lũy tre làng và văn minh lúa nước
Tóm lại, theo tôi câu chuyện về sự tụt hậu của người Việt ở Nga có lẽ cũng tương tự câu chuyện của VN so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân sâu xa theo tôi không hoàn toàn là vấn đề nhân cách như anh NQT nhận định, mà có thể từ sự tụt hậu về tư duy.
Nhìn sâu vào lịch sử, văn hóa VN có xuất xứ từ đồng bằng sông Hồng, hay còn gọi là văn minh lúa nước, nơi có điều kiện thiên nhiên khắc nghiêt, nóng ẩm, lũ lụt thường trực, đất đai không mấy phì nhiêu. Kinh tế nông nghiệp, bờ thửa tiểu nông manh mún, đủ ăn là quí. Hệ thống làng xã với lũy tre là biên giới giúp không bị người Hán đồng hóa trong 1000 năm Bắc thuộc, nhưng tư duy ấy không thuận lợi cho phát triển thương mại và thành thị thời hiện đại.
Người Nga có bề dày về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cả thế giới ngưỡng một. Kể ra còn nhiều quốc gia khác nữa, khi đựợc giải phóng về trí tuệ, bỗng họ thay đổi lạ thường.
Cho đến đầu thế kỷ 20, Thăng Long – Hà Nội chỉ có vài ba chục ngàn dân. Để so sánh thời nhà Đường bên TQ vào thế kỷ 8-9, kinh đô Trường An đã có tới hai triệu dân. Nghĩa là xã hội VN truyền thống chưa có môi trường thuận lợi cho văn học, âm nhạc, hội hoa, kiến trúc và nghệ thuật sân khấu đỉnh cao. Cũng chẵng có tầng lớp thương lưu theo đúng nghĩa, thì làm sao có chỗ cho sự phát triển tư tưởng triết học.
Một ngàn năm Bắc thuộc đã đẫn đến sự ảnh hưởng tư tưởng Trung Hoa, cộng với môi trường văn minh lúa nước đã tạo nên một VN có tư duy CHẮP VÁ, NỬA VỜI, HỜI HỢT, DỂ THỎA HIỆP DUNG HÒA, và có phần DUY NGÃ (chủ quan, cảm tính, lấy mình làm chuẩn).
Cùng trong hệ văn hóa Trung Hoa truyền thống, nhưng thành tựu văn hóa truyền thống VN khó bằng văn hóa truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc.
Kết quả là văn hóa phi vật thể VN hầu như không có khả năng lan tỏa ra ngoài biên giới VN. VN cũng rất ít có sản phẩm hoàn hảo có khả năng làm chuẩn mực cho các dân tộc khác. Người VN cũng ít khi chọn chuẩn cao ngoài biên giới VN để phấn đấu, thường chí cần hơn “ông hàng xóm cách bờ dậu” là đủ.
Chuyên môn hóa sản xuất trong xã hội ở múc thấp và xã hội cũng chưa thực sự tôn vinh ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, đó là làm nghề gì cũng phải có sản phẩm chất lượng được xã hội thừa nhận.
Đôi lời cuối
Hành trang lịch sử của Việt Nam cũng có, nhưng nên đau xót mà nhận rằng, cũng chỉ vài thứ có thể đồng hành vào thế kỷ 21. Thông minh cần cù chưa đủ, mà cần phá cái tư duy lũy tre và ao làng mới mong bằng người.
Để không bị tụt hậu, nên theo tư duy luật pháp, kinh tế, theo kiểu phương Tây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Họ bỏ xa chúng ta là vì biết chọn được những tư duy phát triển tinh hoa của nhân loại.
Một chuyện nhỏ như tôn vinh ĐAO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP là nền tảng của sự đồng thuận và tin cậy trong xã hội. Nhật Bản là một điển hình về chất lượng mang tính tự hào dân tộc rất cao.
Những CHUẨN MỰC PHỔ QUÁT THẾ GIỚI như dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, minh bạch, luật pháp thượng tôn, cần được áp dụng cho mọi xã hội kể cả VN, để từ đó kéo theo nền tảng văn hóa, giáo dục thay đổi.
Hy vọng, mấy chục năm nữa, thế hệ tương lai Việt rong ruổi trên mọi nẻo đường như TamHmong hôm nay, không phải băn khoăn về sự tụt hậu hay nhân cách của chính mình.
Chúc các bác Hang Cua mọi điều tốt lành.
Còm sỹ TamHmong
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!