Kể cũng lạ, chưa thấy có môn học nào được quan tâm như môn tiếng Anh. Phụ huynh nào cũng sẵn lòng cho con đi học thêm, rèn tiếng Anh ngay từ tiểu học; Nhà nước có hẳn một đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 rất đồ sộ; các trung tâm dạy tiếng Anh mọc khắp mọi thành phố.
Và kể cũng lạ, rất hiếm thấy những công trình nghiên cứu được phổ biến rộng rãi về thế nào là một phương pháp tối ưu dạy và học tiếng Anh trong môi trường Việt Nam, kể cả đề án nói trên.
Tạm thời gạt sang một bên các lý thuyết về phương pháp vì nó xa lạ với đa phần người học, chỉ muốn nắm được một số kỹ năng tiếng Anh để thuận lợi cho công việc, dù đó là giao tiếp với khách nước ngoài, để theo học một chương trình dạy bằng tiếng Anh hay để đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Quan sát đặc thù của nước ta, kết hợp với những thay đổi chóng mặt trong lối sống hiện đang xảy ra và thực tế sử dụng tiếng Anh như một công cụ, có thể nói bí quyết học và dạy tiếng Anh nằm ở ba điểm: “đừng quá ham”, “tận dụng cái có sẵn” và “luyện chứ đừng học”.
Nếu hỏi ai từng học tiếng Anh theo một giáo trình nào đó, điều họ ngại nhất là không theo kịp tiến độ của lớp. Chưa nắm được điểm ngữ pháp này đã thấy lớp nhảy qua điểm ngữ pháp mới; chưa xong mẫu câu này đã phải học mẫu câu mới; từ vựng cần học xuất hiện dồn dập. Chớp mắt một cái đã thấy lớp tiến đến gần hết cuốn giáo khoa dày cộp mà lòng cứ vương vấn những bài cũ, chưa học kỹ, chưa nắm được hết. Cuối cùng là không học được gì hết. Kết thúc khóa học, chúng ta trở về con số không.
Ở bậc phổ thông cũng vậy. Giáo viên chạy theo giáo án; học sinh bận chạy theo các môn khác, cứ gần đến giờ học nhìn qua sách giáo khoa, nhớ mài mại vài từ mới, vài điểm ngữ pháp mới để đối phó. Cuối cùng kết thúc năm học, chữ nghĩa trả lại hết cho thầy.
Cho nên bí quyết đầu tiên với người muốn học thật sự là “đứng quá ham”. Hãy vất bỏ hết mọi kế hoạch vĩ đại thanh toán chương trình này trong năm này, đống từ vựng kia trong năm tới. Hãy đặt mục tiêu kiêm tốn, học các câu đơn giản, rèn đi luyện lại cho đến khi nào sử dụng được trong thực tế thì mới chuyển qua cái mới. Cái này sẽ tạo cho người học sự tự tin, để làm đòn bẩy học tiếp.
Với ngành giáo dục, xin soạn lại sách giáo khoa thật đơn giản, giảm bớt nhịp độ chương trình. Mà thật ra ngữ pháp tiếng Anh đâu có khó, học tập trung chỉ một năm là hết cho nên đừng cố gắng giới thiệu các điểm ngữ pháp vào bài học theo kiểu tuần tự cho chóng hết làm gì. Từ vựng cũng vậy, chỉ cần 750 từ là đủ để một người giao tiếp khá thoải mái cho mọi nhu cầu bình thường trong cuộc sống. Làm sao để một em học sinh tốt nghiệp phổ thông đọc được các truyện loại viết lại theo văn tiếng Anh đơn giản, nói chuyện bâng quơ với người nước ngoài là đã một bước tiếp vĩ đại so với bây giờ rồi. Bảy năm học từ lớp 6 đến lớp 12 để làm chuyện đó – có được chăng? Chắc chắn là được nếu chúng ta đừng ham hố và cứ rèn thật nhiều vào chứ đừng câu nệ theo giáo án. Hãy bỏ những kỹ năng mà chúng ta đang mất thì giờ bắt học sinh học như chuyển đổi câu chủ động sang câu bị động, chuyển câu để dùng danh từ thay vì động từ. Học cái đó để làm gì? Hãy để cho học sinh nói sai, đừng vội sửa ngay – mục tiêu là giao tiếp chứ mục tiêu không phải là ngôn ngữ.
Bí quyết thứ nhì là “tận dụng cái có sẵn”. Với bất kỳ một học sinh bình thường nào, cuộc sống hiện nay buộc các em tự dưng có sẵn trong người một vốn từ tiếng Anh kha khá. Khi dùng máy tính, chắc chắn các em phải hiểu file là gì, delete là gì. Các em tự động hiểu save bắt các em làm gì, print là sao... Với các em từng sử dụng Facebook (mà học sinh nào không từng chơi Facebook) các em không muốn cũng phải thuộc các từ status, friend, feed, group, messages... Còn nhiều thứ khác như điện thoại di động, các trò chơi, các ứng dụng đủ kiểu – tất cả hiện đã trang bị cho các em một vốn từ tiếng Anh kha khá.
Vấn đề là người thầy giỏi sẽ tận dụng vốn từ này để chuyển chúng thành vốn từ tiếng Anh cho các em, bắt các em dùng chúng trong câu hoàn chỉnh, nói thành câu hẳn hoi. Đoan chắc là trong một thời gian ngắn thôi, ngay lập tức các em tự nhiên sẽ thấy tự tin hẳn ra và dùng tiếng Anh thành thạo đến độ chính các em cũng phải ngạc nhiên.
Cái cuối cùng là sai lầm phổ biến mà chúng tôi quan sát được ở người học tiếng Anh: đó là xem tiếng Anh như một môn học và tiếp cận nó như một loại kiến thức mà họ phải có bằng cách học. Họ học tiếng Anh như học Toán, Lý Hóa. Tức là ngồi nghiên cứu từng điểm ngữ pháp, lý giải rồi hiểu nó và học quy luật. Tức là ngồi học từng từ, cả họ hàng tông chi từ đó. Tức là học cách ghép từ thành câu...
Các bạn thử tự hỏi các bà tiểu thương ở chợ Bến Thành, do nhu cầu cần giao tiếp với khách nói tiếng Anh, họ có học tiếng Anh theo cách đó không? Không hề. Họ sẽ xuất phát từ nhu cầu, chuyển nhu cầu thành câu rồi học thuộc lòng. Đơn giản vậy thôi.
Dĩ nhiên người học tiếng Anh bình thường sẽ chưa có nhu cầu như thế và cũng không đến nỗi học theo kiểu “đi ngang về tắt” như thế. Nhưng phương pháp học cũng phải theo tinh thần đó mới mong thành công: học tiếng Anh là rèn luyện như tập võ cứ đi quyền thật nhiều đến khi đánh nhau sẽ bật ra cú đánh trúng đích. Học tiếng Anh là cứ thuộc lòng cho nhiều câu nhiều đoạn chừng nào tốt chừng đó – đến khi cần nó sẽ bật ra cho bạn sử dụng.
Ai học tiếng Anh mà cứ thắc mắc tại sao là xem như thất bại ngay từ đầu. Cứ chấp nhận người ta nói sao mình học thuộc lòng như vậy để bắt chước. Người nào thuộc lòng được nhiều câu nhiều đoạn nhất, người đó vừa sử dụng tiếng Anh thành thạo lại vừa dễ dàng vượt qua mọi kỳ thi được biên soạn đúng đắn như IELTS hay TOEFL (chứ không phải loại đề thi của nhà trường hiện nay). Như thế cuối cùng cả hai mục tiêu – học để thi hay học vì kỹ năng – đều đạt được chứ không hề mâu thuẫn nhau.
Xê Nho NVP
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!