Powered By Blogger





Monday, 7 July 2014

Có một ngày tôi buồn cho ngành giáo duc









Chuyện thi đại học ở VN như một vở tuồng mà lắm kẻ thích diễn, ai cũng quan tâm mà chẳng ai vỗ tay cả. Cứ năm nào cũng vậy, mấy ngày thi là làm như quốc gia hữu sự vậy. Báo chí bỏ qua các vụ cướp giết hiếp hở hang... Chỉ để tôn vinh các em học sinh đi thi, âu cũng là một sự an ủi cho mấy đứa, nhưng cứ làm quá lại đẩy cái xã hội vào cái vấn nạn trọng bằng cấp và thành tích càng trầm trọng hơn. Cả xã hội cứ nhao nhao lên, một đứa con đi thi thì làm xáo trộn cả gia đình, cả đường phố, cả làng xóm, thế mới biết tính hiếu học của dân Việt mình. 

Tôi lại có cảm giác khác, giáo dục Việt Nam chẳng có gì đáng phải mừng rỡ như thế, tất cả những sinh viên ngoan ngoãn theo sát chương trình học đều là kẻ theo sau ngoài xã hội, tôi không phủ nhận sự giáo dục ở một số trường, nhưng tôi đã phải hệ thống lại tất cả kiến thức của mình bằng việc hằng đêm phải úp cuốn sách vào mặt, bỏ cả bia rượu gái gú thì may ra mới có được lượng kiến thức cho công việc và cuộc sống, mặc dù tôi xuất thân từ các trường không phải tệ là mấy không muốn nói là rất danh giá ở cái saigon này. Tôi đã phải ngốn cả thập kỷ mọi loại tài liệu về chuyên môn của mình, thế mà vẫn hụt về tri thức. Tất cả bạn bè tôi, ai học hành ngoan ngoãn đều có một mức lương khiêm tốn đủ cho cuộc sống với phạm vi khá hẹp của mình. Những kẻ bỏ học hoặc là quá giàu có, hoặc là quá nghèo đói, giàu có là họ tiếp tục học ở cuộc sống, nghèo đói là họ tiếp tục lười biếng. 

Tôi sẽ bỏ qua sự may mắn và thủ đoạn đê hèn để tìm đến sự sung túc của cuộc sống, vì nó là một yếu tố tuy có nhưng không thể tính đến cho đại cục. Tôi cũng từng chứng kiến bạn học cùng lớp đi xe hơi, mua nhà to có vợ đẹp khi bọn tôi chỉ có cái quần đùi rách khi ra trường, mọi người thần tượng cậu ấy một cách cuồng tín, một ngày đẹp trời, cậu ấy có trên tờ báo điện tử nhiều người đọc nhất với tựa đề bị bắt khẩn cấp vì sai phạm nghiêm trọng trong công tác. Và nghe đâu cũng 1/4 đời người trong trại. 

Trở lại chuyện đào tạo đại học hay phổ thông, thật sự đến giờ tôi vẫn phải đi tìm lại các cuốn sách về văn học, vật lý, sinh học để bổ sung cho kiến thức phổ thông của mình, tôi chẳng hiểu quái là làm sao tôi có thể là một học sinh giỏi trong suốt mười mấy năm phổ thông mà đến giờ chưa biết vị trí của các bộ phận nội tạng trong cơ thể, cơ chế hoạt động của chúng và các kiến thức trang bị sức khoẻ cho bản thân. Tôi cũng phải tìm về các tài liệu văn học xuất bản thời miền nam trước đây để hệ thống lại văn học của nước mình, từ các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại...mặc dù ngày học phổ thông tôi có thể đọc thuộc lòng các bài thơ nhanh hơn cả cô giáo, thế mà giờ tôi vẫn dốt đặc cán mai. Nói thế để mọi người đừng hy vọng quá nhiều vào sự thần kỳ của giáo dục hiện thời. Tôi đọc lại các tài liệu giáo khoa của trường luật sài gòn trước mới thấy rằng có khi năm nhất của họ còn hơn cả những kẻ tốt nghiệp bây giờ. 

Đã lâu lắm rồi, có đến gần cả 40 năm, thế mà cứ mỗi lần thi đại học, lại có người cha dẫn con đi thi với rất nhiều giấy vay mượn của hàng xóm họ hàng, vẫn có những người mẹ ăn cám cho con học đại học, vẫn có nhứng người cha không có tiền trả xe để đám lơ xe đẩy xuống đường bơ vơ, vẫn có người cha bán chim bán cò cho con bữa trưa đi thi. Ba Tôi cũng từng vác cả chục bao lúa đi bán để tôi vào saigon dự thi, tôi biết sau ngày đó cả nhà tôi mỗi ngày sẽ ăn bớt một lon gạo để trừ vào khoản ấy.

Rồi trường học sẽ đẩy những đứa con của họ vào những con đường mòn, có sẵn những lối đi, đến những toà lâu đài ở phía trước, tuy không bế tắc nhưng có rất ít ánh sáng... Ngày bán bao lúa cuối cùng, tôi nghĩ mình sẽ có tấm bằng thạc sĩ tiến sĩ, nhưng giờ tôi nghĩ nó chẳng khác nào bó rau muống mà mẹ tôi vẫn bán ngoài chợ mỗi sáng. Nếu tôi nói tôi chờ một lời xin lỗi và thay đổi từ ngành giáo dục thì hơi quá, nhưng có lẽ không xin lỗi lại là một quá đáng hơn. Bạn tôi rất nhiều người theo học nghiên cứu sinh và cuối cùng bỏ giữa chừng vì nó thật sự không có ích và quá rẻ tiền. Tôi có dịp nói chuyện học thuật với nhiều người có học vị đến ấy, thế mà như cơm nguội trộn khoai có khi chẳng thú vị bằng cái anh thợ hồ nói về chuyên môn của họ.

Có một ngày tôi buồn cho ngành giáo dục, và vẫn hằng đêm tôi phải bật đèn học như một thằng học sinh, chỉ để theo kịp với nhu cầu xã hội và bịt lại những lỗ hổng mà ngành giáo dục đã không làm. Có khi bạn vẫn đang oán trách hoặc tự bằng lòng nhưng bạn vẫn phải tự xấu hổ với chính mình vậy. Có thể thầy tôi, cô tôi đọc những lời này và bảo tôi phản giáo dục, nhưng biết thế nào đây thưa thày thưa cô, dù sao một thằng người nó khác với một cái máy hoặc những con vật trong gánh xiếc.

Mr.john
Viết cho mấy đứa đi thi, về một mặt khác của đại học.
Chỉ là phản ánh quan điểm của tác giả, không nhằm xuyên tạc thứ gì cả.






Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên