Lâu nay lên mạng thấy ở đâu cũng là lãnh hải. Bội thực! Thôi thì để đổi món mình xin chuyển qua một "lãnh" khác: "lãnh chúa". Đây lại là lĩnh vực thể hiện rất rõ sự lạc hậu của xã hội Việt nam so với thế giới. Nó chẳng khác thời tiền sử. Khi mà những hô hào về một nền "pháp trị" chỉ ở trên giấy thì khái niệm về sự cát cứ của tư duy lãnh chúa là có thực, đã và đang chi phối toàn bộ xã hội Việt Nam.
Thực sự thì Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới đều muốn trở về thăm quê hương mình. Thăm lại những kỷ niệm xưa,thưởng thức các món ăn dân tộc đậm đà, gặp gỡ thân nhân, bạn bè... là những lý do chính đáng khiến họ phải vượt hàng ngàn km để có mặt trên mảnh đất sinh ra và lớn lên. Thế nhưng càng ngày càng có nhiều người không muốn về nữa. Không phải vì họ đã vơi đi nỗi nhớ quê, cũng không phải vì lý do kinh tế mà vì họ đã quá quen với cuộc sống của một nền "pháp trị". Trở về nước họ bắt buộc phải đối diện với những phiền hà không hề có nơi xứ người, buộc phải thích nghi lại là điều khó khăn.
Tôi vẫn thường hay buồn cười khi gặp một số người bạn ở trong nước sang, sau khi quen biết liền đưa tấm card "Về Việt Nam nếu có gì rắc rối, anh gọi cho em" hoặc một số bạn tận tình: "Qua hải quan, nếu mang nhiều đồ anh cứ phone cho em một tiếng". Một số người khác thì tự hào "Tỉnh không nói, trong phạm vi Sài Gòn tôi bao hết". Đây là tư duy chỉ có ở Việt Nam. Kiểu tư duy mà khi gặp chuyện thường móc điện thoại ra, a lô cho anh Ba, anh Tư nào đó. Đến hải quan sân bay, không nhét năm đồng vào hộ chiếu là bị nhìn như một "quái vật "đến từ hành tinh khác:
- Anh mới về Việt Nam lần đầu à?
Không lẽ phải nói thẳng độp là 5 đồng chẳng đáng gì nhưng thấy ghét không móc túi thôi, các anh muốn làm gì thì làm. Lại điền đơn, ký giấy... bị hành đủ trò, rồi những gợi ý sát sườn,trắng trợn. Cứ cho các cậu hành, tớ đủ thời gian "chơi" với các cậu. Nhất quyết không hối lộ.
Một lần khác đang đi qua ngã tư đèn vàng thì bị kẹt cứng vì những xe bên trái, bên phải bất chấp chưa có tín hiệu đã ào vào chặt cứng. Công an giữ xe, đưa về đồn vì cái tội vượt đèn đỏ. Nếu chịu khó a lô thì thoáng cái là xong nhưng cái tật gàn nên bị quay như dế, hết đi xe ôm về nhà dưới trời nắng lại lên kho bạc đóng tiền, dẫu biết rằng đóng cho mấy "ảnh" thì chỉ tốn có nửa tiền.
Chưa kể nửa đêm đang ngủ nghe lục cục, nhìn ra thấy một bóng đen to chần vần đang bám vào tường nhà mình. Tưởng là ăn trộm hóa ra anh CA khu vực đang tìm cách vào kiểm tra hộ khẩu sau khi bấm chuông hoài không ai mở cửa. Thì ra hồi chiều ra trình báo ở CA phường mà không có "ảnh" ở "ngoải". Rồi con cái tháo dạ vì chưa quen thức ăn, lại phải lên bệnh viện chầu chực. Đút lót tiền thì vi phạm những gì mình cam kết với lòng, không đút lót thì con mình bị đối xử như với kẻ ăn mày, đủ thứ quát nạt, hách dịch,coi người bằng nửa con mắt.
Bạn bè đi nhậu thường kháo nhau thằng nọ thằng kia giờ "oách" lắm, gặp CA chỉ cần nói mấy câu là chuyện "hung" hóa "kiết". Làm giấy tờ nhà đất, mua bán chuyển nhượng hoặc có việc xác nhận ở Sở Tư pháp, Xuất nhập cảnh... chỉ cần gọi số này, số kia là xuôi chèo mát mái. Mọi chuyện ơn nghĩa, chung chi để đó từ từ tính. Đứa nào quen biết càng nhiều càng có dịp "lấy le" với bạn bè, người đẹp.
Thế nên câu nói cửa miệng "Có biết tao là ai không?" luôn xuất hiện trong mọi hoàn cảnh,từ ông bụng phệ cho đến thằng nhãi ranh. Ai có dịp chứng minh được cái tôi của mình càng được nhiều người nể trọng. Tư duy ấy mang ra cả nước ngoài và mấy phen bị bẽ mặt. Một tiếp viên hàng không sau khi nhận được câu hỏi đó đã lên loa phóng thanh dõng dạc: "Có một người Việt không biết ông ta là ai, xin mọi người làm ơn giúp giùm".
Nếu ở nước ngoài, đối diện với chiếc đèn đỏ bạn chỉ có hai lựa chọn: phạm luật hay không phạm luật. Nhưng ở Việt nam, bạn lại có thêm hai lựa chọn khác: khôn hay dại. Nếu không có CA mà vẫn dừng xe, tức là dại, bạn sẽ bị chửi như tát nước từ phía sau. Tương tự có bất cứ việc gì dính đến cơ quan công quyền, nếu không biết đi cửa hậu, bạn sẽ bị cho là kẻ khờ khạo, bởi Việt nam không chỉ có một cửa. Nhiều người luôn xa lạ với luật pháp và càng không mong có luật pháp cũng là bởi trong tư duy của họ không hề có chúng. Do đó đòi hỏi Việt Nam đi đến một xã hội pháp trị như Âu, Mỹ chắc hẳn sẽ còn lâu lắm.
Bóng dáng quyền lực vẫn còn ngự trị trong từng cá nhân, gia đình và xã hội. Quyền lực càng cao sự tha hóa càng rộng. Đó chính là nguyên nhân căn bản tạo nên sự băng hoại. Báo chí gần đây đang phanh phui những tập đoàn, nhóm lợi ích... ở các lĩnh vực kinh tế, ngân hàng, tài chính hoặc chỉ ra giang san, lãnh thổ các tỉnh do các ông trùm trong bộ máy quyền lực của Đảng cát cứ là điều có thực. Và nó cũng minh chứng rằng xã hội Việt Nam đang quay ngược về các thế kỷ trước, thời kỳ của loạn 12 sứ quân, của băng đảng mafia... hỗn quân, hỗn quan.
Có lẽ chỉ khi nào người dân đã quá quen với luật sư và tòa án thì "tư duy lãnh chúa" mới không còn đất để tồn tại. Nhưng từ "quen" đến "tin" lại là một chuyện khác trên hành trình đi đến một đất nước văn minh. Xem ra ước vọng về một xã hội công bằng và thịnh vượng vẫn còn xa lắm thay!
Dương Hoài Linh
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!