Powered By Blogger





Monday, 18 February 2013

Yếm đào






Yếm đào - Trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Yếm thường được dùng kết hợp với áo cánh tứ thân hoặc áo dài, mặc với nón quai thao, khăn nhiễu và khăn mỏ quạ. Không chỉ xuất hiện trong đời sống thôn quê Bắc bộ với vẻ đẹp chân quê, mộc mạc mà trong trang phục Thăng Long xưa, chiếc yếm đào đã góp phần làm nên cái cốt cách trang nhã, tinh tế và thanh lịch của thiếu nữ Việt Nam .

Yếm xuất hiện từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng nó đã có mặt trong cuộc sống của người dân Việt từ rất xa xưa. Yếm không chỉ dành cho những mệnh phụ phu nhân ở chốn cung đình lầu son gác tía, mà yếm còn theo chân những người phụ nữ thôn quê dãi nắng dầm mưa ra đồng gặt hái, ra bưng mò cua, bắt ốc, lam lũ sớm trưa. Và không chỉ dừng lại ở đó, yếm còn cùng áo tứ thân theo những nàng thôn nữ đi dự hội đình, hội đám.Ở một khía cạnh nào đó, yếm đã góp phần làm tôn thêm vẽ đẹp cho bộ trang phục truyền thống của người dân Việt Nam, thể hiện sự độc đáo, mộc mạc với vẻ đẹp dịu dàng và đằm thắm như chính vẻ đẹp trong sáng, hiển dịu của các thiếu nữ Việt xưa


Hàng trăm năm đã trôi qua! Ngày nay, những dây lưng đũi, những áo tứ thân, những váy Kinh Bắc, những áo dài mớ ba, mớ bảy... đã gần như được cất vào bảo tàng dân tộc. Thỉnh thoảng, người ta mới được nhìn thấy nó trong những vở chèo, hay những bài ca, điệu múa dân gian. Thế nhưng, một điều thật kỳ lạ là, có một tấm áo mỏng manh, nhỏ bé, khiêm nhường, vẫn làm say lòng người. Đó chính là chiếc yếm. Vậy điều gì đã tạo cho chiếc yếm mong manh sức sống dị thường đến thế?

Xin bắt đầu câu chuyện về chiếc yếm đào từ nơi nó được sinh ra. Tương truyền, chiếc yếm xuất hiện đầu tiên ở vùng Kinh Bắc, thuộc đất Bắc Ninh ngày nay. Mục đích ban đầu của nó là một tấm áo sinh ra để mặc lót, che cái phần gợi cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ. Và như vậy, chiếc yếm có vai trò như chiếc “áo con” mà các cô gái vẫn mặc ngày nay.

Cái yếm xuất hiện trong cuộc sống của người dân Việt Nam không biết tự lúc nào và mãi tới đời nhà Lý (Thế kỷ 12) cái yếm mới "định hình" về cơ bản. Theo dòng lịch sử, cái yếm không ngừng biến đổi, nâng cao tính thẩm mỹ qua những lần cải tiến.

Ở thế kỷ 17, cái yếm vẫn chưa có sự thay đổi lớn lao về hình thức.

Vào thế kỷ 18-19, chiếc yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét làm cổ, hai đầu đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cỗ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Hai góc hai bên có dây để buộc ra sau lưng

Cuộc cách mạng yếm xảy ra vào thế 20 khi các kiểu áo Tây phương xâm nhập vào Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều ngực mới lạ. Trang phục du nhập vào có tính tiện dụng hơn hẳn nên một thời Yếm không còn được sử dụng rộng rãi nữa, yếm thường chỉ được dùng cùng với các trang phục cổ trong các dịp lễ hội truyền thống..


Trong các loại trang phục truyền thống của phụ nữ Việt nam, có lẽ chiếc yếm để lại khá nhiều ấn tượng và cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang. Họ thiết kế và tạo hình cho các người mẫu trẻ với nhiều mục đích. Điều đầu tiên có lẽ là để làm tư liệu về một loại trang phục của người Việt để con cháu đời sau dễ dàng hình dung ra tổ tiên chúng đã ăn mặc thế nào. Nhưng quan trọng hơn, có lẽ là để giới thiệu với thế giới về một nét văn hóa Việt, những chiếc yếm được cách điệu, trên cơ thể của những người mẫu trẻ trung, xinh đẹp rõ ràng đã đem đến cho bạn bè quốc tế một cái nhìn thiện cảm về một đất nước không chỉ biết đấu tranh chống ngoại xâm, một dân tộc bền bỉ chống lại thiên nhiên khắc nghiệt để giữ gìn cuộc sống mà còn biết sáng tạo những nét văn hóa riêng biệt, mang đậm dấu ấn người Việt.Yếm ngày càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Ngày nay chiếc yếm đã được cải tiến gọi là áo yếm để dùng cho các em gái mới lớn. Áo yếm dùng mặc trong có hai dây đeo lên vai thay vì trước đây chiếc yếm có hai dây buộc quanh cổ và hai dây bên buộc ngang lưng. Một số kiểu áo dạng yếm cải biên cũng được dùng làm trang phục mặc ngoài khi trưng diện, nhưng số người sử dụng hiện nay rất hiếm hoi vì áo loại này không kín đáo phù hợp với gia phong truyền thống của người Việt

Màu sắc yếm nói lên khá nhiều về người chủ của nó: Đối với những ngừơi nông dân lao động bình thường thì yếm thường được dệt bằng vải thô, có màu sắc không tươi, thường dùng những gam màu tối như màu đất, màu xám, màu nâu... Người lớn tuổi như các cụ hay những bà mẹ thì yếm nhuộm thường có màu thẫm. Đó là loại yếm của những người dân lao động chân chất chân lấm tay bùn, còn yếm của những tiểu thư đài các, ở những nơi sang trọng hay lầu son gác tía, con nhà gia giáo học thức thì thường yếm có nhiều màu, nhưng màu sắc trang nhã, kiểu dáng của yếm thì kín đáo. Ngày trước còn thông dụng một lọai yếm có cổ xẻ sâu, có khi còn xẻ sâu đến thềm ngực, loại áo ấy thường có màu sắc sặc sở, những người đàng hoàng, những thiếu nữ khuê các không mặc, loại yếm ấy thường dành cho những cô nàng hay "mắt liếc, mày nheo". Loại yếm "ỡm ờ", "thách thức" này chỉ dân "trời ơi" dạng Thị Mầu mới mặc. . Thời kỳ cách tân yếm đã có sự thay đổi tiến bộ hơn, cổ yếm cách tân được may dằn thêm ba đường chỉ cho vải yếm được chắc chắn, hoặc người ta thường may viền cổ bằng vải, đẹp hơn thì có người thêu hoa cặp trên đường biên của cổ.

Yếm trong thơ văn Việt Nam

Hình ảnh chiếc yếm đã đi sâu vào ca dao Việt Nam. Nó đã trở thành một chủ đề quán xuyến quen thuộc, tạo nên sự lãng mạn và đáng yêu cho những câu thơ ca tình tứ của dân tộc. Hình ảnh thiếu nữ với áo yếm đã đi vào trong thơ ca, hội họa, thể hiện vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo phô ra đường nét rất giản dị, tinh tế, thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam. 


Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ. Chúng ta có câu ca dao:

Đàn bà thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Không chỉ xuất hiện trong đời sống thôn quê Bắc Bộ với vẻ đẹp chân quê, mộc mạc mà trong trang phục Thăng Long xưa, chiếc yếm đào đã góp phần làm nên cái cốt cách trang nhã, tinh tế và thanh lịch của các thiếu nữ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An


Hình ảnh thiếu nữ Hà Nội xưa đã uyển chuyển đi vào thi ca, hội họa, mà đặc trưng nhất là những bức tranh 'Tố nữ' của các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống với hình ảnh các thiếu nữ mang vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo phô ra đường nét rất đài các, tinh tế nơi phồn hoa đô thị. Có ý kiến từng nhận định rằng, ngay trong những bộ quần áo cần lao giản dị, người Tràng An vẫn đượm vẻ phong lưu, bởi lẽ vẻ đẹp thanh lịch của người con gái đất kinh kỳ được tỏa ra từ phong thái điềm tĩnh, đoan trang, nhàn hạ.

Suốt chiều dài lịch sử, cái yếm đã đi vào "giấc mơ" của biết bao thế hệ mày râu. Ví như các câu ca dao đối đáp của các thanh, thiếu nữ ngày xưa như: "

Trời mưa lấy yếm mà che -
Có anh đứng gác còn e nỗi gì ?".

Đáp lại, các nàng cũng chẳng vừa:

Ước gì sông hẹp tày gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi". 


Hình ảnh chiếc yếm đào vừa là hình ảnh trực tiếp, vừa là hình ảnh gián tiếp thể hiện thành công đề tài tình yêu trong ca dao Việt Nam. Dải yếm đã thể hiện đầy đủ, trọn vẹn, sâu sắc những cung bậc phức tạp của tình yêu - nguồn cảm hứng muôn đời của thi ca nhân loại. Từ những câu tỏ tình của các chàng trai trong các cuộc gặp gỡ

Hỡi cô mặc áo yếm hồng
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?...
Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.

Cho đến câu nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê

Mình về mình có nhớ chăng
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình.
Ta về ta cũng nhớ mình
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao

Rồi chiếc yếm lại trở thành vật trao tình của các cô gái trẻ. Yêu anh thì mới trao yếm cho anh. Khi anh hỏi mượn em chiếc yếm là ý anh muốn hỏi em có yêu anh không, có đồng ý theo anh không.

Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang

Dải yếm thì làm sao mà dùng dây kéo thuyền được, làm sao mà bắc cầu được? Nhưng đấy chỉ là ẩn ý thôi, cái anh thực sự muốn là chân tình của em. Em phải dùng "yếm" làm dây bắc cầu thì anh mới sang.

Rồi dải yếm lại trở thành một biểu tượng cho tình yêu giữa đôi trai gái

Trời mưa trời gió kìn kìn
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông


Bên ngoài mưa gió lạnh rét, đôi uyên ương dùng đôi dải yếm để đắp và vẫn thấy ấm áp hơn nằm trong nghìn lớp chăn bông. Đó không phải là vì dải yếm có sức cách lạnh tốt, mà là vì dải yếm là biểu tượng cho tình yêu của lứa đôi, tình yêu ấy có thể làm ấm lòng người giữa tiết trời giá rét.

Đối với những đôi trai gái không được nên duyên nên phận vợ chồng như mong ước, chiếc yếm lại hiện lên trong câu thơ xót thương tiếc nuối của các chàng trai.

Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân

Hay:

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi trả yếm cho anh
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi.

(Ca dao Việt Nam)

Yếm còn trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ thi sĩ Việt. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, dịu dàng và đằm thắm.Tác giả bài "Chùa Hương" khi tả một cô thiếu nữ đẹp đang lên chùa đã viết

"Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao".
Vẫn nguồn cảm hứng từ chiếc áo yếm, nhà thơ Hoàng Cầm đã viết nên khúc "Hội Yếm Bay"

"Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi"

Còn nhà thơ Nguyễn Bính khi bày tỏ sự tiếc nuối đối với cô em thôn nữ của ông đã viết

"Nào đâu chiếc yếm lụa đào.
Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?..."

Cái yếm là thứ trang phục vừa kín đáo, vừa... “ỡm ờ” một cách nghệ thuật và độc đáo. Chả thế mà Thị Mầu nói với chàng nô: "

Gió xuân tốc dải yếm đào
Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương!

Yếm, đã đẹp, lại còn lôi cuốn ở nét vừa kín vừa hở. Xem Hồ Xuân Hương tả cô gái sau thì rõ:

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Ðôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông

Thay lời kết


Sau một thời gian dài bị lãng quên, ngày nay, một số cô gái khi đã 'ngán' những 'mốt' Tây phương thì lại có xu hướng quay về với... yếm. Nhưng lại là mặc yếm thay cho áo và kết hợp với chiếc quần jean hoặc váy một cách 'trơn tru'. Dẫu không cổ hủ thì cũng khó lòng mà chấp nhận được, bởi yếm là 'phụ trang', phần trước được thiết kế kín đáo còn phần lưng và đôi cánh tay hoàn toàn là 'khoảng trống'. Nét duyên thầm do chiếc yếm đào mang lại là ở nét mềm mại kín đáo, tế nhị chứ không phải cứ phô trương một cách 'vô tội vạ'.
Dẫu có sự xuất hiện trở lại thì hình tượng về dải yếm đào xưa và nay vẫn có một khoảng cách lớn. Ðôi khi, trong một lễ hội dân gian nào đó, bất chợt bắt gặp hình ảnh những cô áo yếm eo thon với áo tứ thân, nón quai thao ngọt ngào trong câu hát cổ... mà thấy lòng bâng khuâng, luyến tiếc:

Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa đôi dải yếm buộc lời tình nhân...


Yếm đào và vẻ đẹp thanh cao của người con gái đất kinh kỳ đã yên bề trong ký ức cùng những mái ngói rêu phong, những góc phố cổ thâm trầm, những lời 'dạ thưa' dìu dặt nơi kẻ chợ, còn lại bao nhớ nhung vẫn mải miết đi tìm.

Cuộc hành trình vượt thời gian của chiếc yếm, chính là cuộc hành trình của cái đẹp giản dị luôn luôn tỏa sáng.





Hoàng Thanh Hải
(Sưu tầm và lược chỉnh những ý kiến của nhiều tác giả)


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên