Tiếng Anh có từ “minister” dịch tiếng Việt là “Bộ trưởng” như là Minister of Justice là Bộ trưởng Tư Pháp. Nhưng… mình đang nói đến minister khác
Động từ “to minister to” là chăm lo, săn sóc, làm cho bớt đau khổ, làm cho thoải mái… 
Ví dụ: To minister to the poor là chăm sóc người nghèo 
           To minister to the sick là chăm sóc người đau ốm.
“To minister” có nghĩa rộng hơn là chỉ chăm sóc về vật chất và cơ thể, mà còn là chăm sóc về tinh thần và tâm linh–ai ủi, động viên, đỡ đần, cầu nguyện, khai mở cách cửa tâm linh…
Vì thế mà ở các nước nói tiếng Anh, danh từ “minister” còn có nghĩa là mục sư hay linh mục, là các người làm việc chăm sóc người khác. Mình rất chắc chắn là từ “minister” có thể dùng chính xác cho các tăng ni Phật giáo, dù là vẫn khá ít người dùng, vì Phật giáo vẫn còn mới lạ với văn hóa Anh ngữ.
Các công việc của các linh mục, mục sư, nữ tu, tăng ni, thường được gọi là “ministry”. 
Ví dụ: 
  • Ministry for the Handicapped là Chương trình Phục vụ  Người khuyết tật 
  • Ministry for the Alcoholic là Chương trình Phục vụ Các ma men
Trở lại hệ thống công quyền: Minister là Bộ trưởng, Ministry là Bộ, và “Minister of Justice ministers the Ministry of Justice” (Bộ trưởng Tư pháp chăm sóc/chủ trì Bộ tư pháp) (động từ minister ở đây không có chữ “to” đi theo, có nghĩa là chủ trì).
Mình rất thích cách dùng từ có chiều sâu như thế này trong hệ thống công quyền. 
  • Ministry of Justice, Bộ tư pháp, còn có thể dịch là Chương trình Phục vụ Công lý 
  • Ministry of Education and Training là Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, hay Chương trình Phục vụ Giáo dục và Đào Tạo…
“Chương trình Phục vụ” cho ta khái niệm chính xác về công việc “phục vụ” của ta. Chữ “Bộ” hầu như chẳng nói được gì cả, ngoại trừ gợi lên hình ảnh một tòa công thự vĩ đại với hàng tá nhân viên an ninh súng ống canh gác. Chán phèo! Hy vọng là các quan của ta luôn nhớ đến ý nghĩa nguyên thủy của các từ Ministry và Minister.  
 
Vấn đề cho mỗi người chúng ta là ta minister cho ai?—To whom am I ministering?
Chúng ta nói yêu người—yêu từ người trong nhà ra đến người ngoài chợ.
Nhưng “yêu” đôi khi vẫn là trừu tượng, trong khi “minister” hay “ministry” thì rất cụ thể.
Ministry là:
  • Người thiếu ăn thì ta cho ăn
  • Người thiếu mặc thì ta cho mặc.
  • Người khóc lóc thì ta ủi an.
  • Người tuyệt vọng thì ta mang hy vọng.
  • Người đang đi tìm Chúa thì ta đưa đến cửa nhà Chúa.
  • Người đang đi tìm Phật thì ta đưa đến Phật môn.

Ministry là chăm sóc từ thể xác đến linh hồn của người khác, trong khả năng tốt nhất ta có thể làm.
Đôi khi đối với những người ta yêu—bố mẹ, anh chị em, bạn bè, thân nhân, người trong làng xã… ta nói là “ta yêu”, nhưng ta không hành động như người yêu.
Cho nên, các bạn, chúng ta nên cụ thể hóa vấn đề bằng cách hỏi “Tôi đang ministering cho ai?”  
Để mình cho các bạn một ví dụ ministering xảy ra hàng ngày trước mắt các bạn: Mình đang ministering cho các bạn đọc mỗi ngày. Mình chăm sóc cho tư duy tích cực của các bạn, cho đời sống nội tâm vững chắc của các bạn, cho trái tim sâu thẳm của các bạn, cho kỹ năng thành công của các bạn ở nơi chợ búa cũng như chốn thiền lâm.
Các bạn cũng nên tự hỏi câu đó: “Tôi đang ministering cho ai?”
Mỗi chúng ta cần làm những hành động cụ thể mỗi ngày cho ai đó, bắt nguồn từ những người gần ta nhất—vợ chồng, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp…
Sự thật là mọi người trong thế giới này đều cần được ministered rất nhiều, nhưng nếu ta không quan tâm đủ thì ta không thấy được nhu cầu đó, cũng như không thấy được khả năng của chính ta có thể giúp người khác trong các nhu cầu đó.
Đại đa số mọi người quanh ta, kể cả những người có vẻ thành công rất lớn, đều cần được ministered. Nếu ta quan tâm đủ thì ta sẽ thấy.
“Ôi, tôi cũng đang đau khổ, đang lo lắng, đang chới với, đang lạc đường, đang tìm đường… làm sao mà minister cho ai được?”
Được. Trước hết bạn hãy tìm cách minister cho chính bạn, rồi minister cho ai đó gần bạn đang cần được minister.
Cách học hay nhất là làm thầy môn mình học, vì chỉ làm thầy thì ta mới tự ép ta phải thông thuộc vấn đề, để giúp được những người ta dạy.
Chúc các bạn được làm minister (bộ trưởng ) mỗi ngày.

                                                   Mến!
                                                   Trần Đình Hoành