Powered By Blogger





Monday 25 June 2012

Tặng ông xã iu iu...




Em à! Nếu em lấy anh! em có biết là em sắp lấy 1 người không hoàn hảo, 1 ông chồng không hoàn hảo không em....
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, cho nên anh sẽ thỉnh thoảng đi uống bia với bạn bè và vẫn bảo em nấu cơm cho anh ăn. Mặc dù có thể no căng bụng nhưng anh sẽ cố bảo em sới anh 2 bát cơm thật đầy và xoa bụng khen - " đi ăn đâu cũng không thấy ngon bằng vợ mình nấu" 
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, cho nên chúng mình có thể có những lúc cãi vã nhau, giận dỗi nhau. Nhưng đến tối anh sẽ ngồi gần bên em, ôm nhẹ em từ đằng sau và nói : " mình ơi bỏ qua cho anh nhé, anh sai rồi mình ạ"
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, Nên khi đi với em ra đường em sẽ phải lườm nguýt anh khi anh ngắm những cô gái ăn mặc sexy ngoài đường, nhưng em đừng lo, anh sẽ quay sang bảo:" cô gái đó mặc cái váy đó xấu quá em à, anh tin em mặc cái váy đó còn đẹp hơn rất nhiều"
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, nên thỉnh thoảng anh sẽ rất lười, nằm ưỡn bụng xem tivi, để em làm việc nhà, Nhưng khi em xong việc, anh sẽ pha cho em 1 cốc nước cam, và mat xa cho em
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, nên sẽ có khi anh phải về trong tình trạng người toàn mùi bia rượu, và em sẽ phải chăm sóc cho anh đấy, nhưng sáng hôm sau anh sẽ dậy thật sớm, nấu đồ ăn sáng cho em và đặt lên môi em 1 nụ hôn khẽ nói " mình ơi tối qua anh say quá, mình dậy đi, anh nấu đồ ăn sáng cho mình này".  
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, nên lâu lâu anh sẽ mời bạn bè đến nhà để bày biện ăn uống tụ tập, em sẽ mệt đấy, nhưng anh sẽ bảo: " vợ mình khéo tay và đảm đang lắm" anh sẽ khen em cả buổi thôi. Và khi các bạn anh ra về anh sẽ dọn dẹp để cho em nằm nghỉ
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo nên anh sẽ ngủ nướng vào thứ 7 chủ nhật em ạ! Nhưng khi thức dậy anh sẽ dẫn em đi chơi, đi dạo, chúng mình sẽ cùng nhau đi đến nơi chúng mình đã từng hẹn hò, với những bữa tối lãng mạn
-Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, Anh rất vụng về khi sửa các đồ điện trong nhà, nhưng anh sẽ cố hết sức hì hục và cặm cụi, rồi anh và em sẽ ở bên nhau ngắm thành quả chúng ta đạt được
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, nên có khi anh sẽ ôm máy tính làm việc mà quên mất em, nhưng khi nào anh rời khỏi màn hình, anh sẽ ngắm em ngủ, đặt lên trán em một nụ hôn, và đắp chăn cẩn thận cho em
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo và anh không biết sửa xe máy T___T! nhưng 2 tuần một lần anh sẽ đưa xe của em đi bảo dưỡng xem có hỏng hóc gì không
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, có thể đôi lúc anh quên không quan tâm đến em, nhưng mong em hiểu, một ngày nào đó em kêu em mệt, anh sẽ bỏ cả công việc anh đang làm, đưa em đi khám, bên em, chăm sóc em, vợ à
-Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, và anh cũng có máu ghen em à. Nhưng nếu 1 ngày em khen 1 người nào đó trước mặt anh, anh cũng sẽ khen cùng em và cười vì anh biết nếu em yêu anh thì dù là ai cũng ko làm em thay lòng được
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, nên đôi lúc cả tuần anh sẽ bận bịu và về muộn nhưng anh sẽ vẫn rành riêng thứ 7 và chủ nhật cho môt mình em thôi
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, nên đôi lúc anh rất yếu đuối, nhưng anh hứa sẽ luôn mạnh mẽ khi ở bên em, làm bờ vai cho em dựa vào, khi em buồn, chia sẻ và tâm sự với em
- Bởi vì anh là người chồng không hoàn hảo, anh không có ngoại hình hấp dẫn cho lắm, nhưng khi chúng ta đến những buổi tiệc, anh sẽ khiến em được hạnh phúc, khi được ng ta nói rằng : " chị thật hạnh phúc khi có 1 người chồng yêu chị nhiều đến vậy" và làm em tự hào về điều đó


Đúng vậy, anh biết anh không hoàn hảo, anh biết anh không hoàn mỹ , nhưng khi ở bên em anh luôn muốn được hoàn thiện mình hơn nữa em ạ
Cuộc sống không thể không mắc những sai lầm, quan trọng là sau sai lầm đó ta thế nào
Anh muốn 1 ngày nào đó khi chúng ta già và da nhăn nheo, ngồi trên ghế đá công viên anh khẽ hỏi: " Trong những năm bên nhau điều gì làm em không hài lòng nhất" Em sẽ trả lời rằng " có nhiều điều anh khiến em không vui, nhưng phần lớn quãng thời gian bên anh là quãng thời gian vui vẻ hạnh phúc của đời em, và em chưa bao giờ hối hận vì chọn anh làm chồng"


                                                                                                     (sưu tầm)
                                                                                        Huỳnh Thị Thanh Tâm






     Blog của ông xã đâu có bị khóa đâu. Bà xã vào ngon ơ nè. Hihi...Chắc tại mạng ở trển dỏm rùi. Mấy bữa nữa ba mẹ lên đó chơi ông xã nhớ dọn dẹp nhà cho tươm tất nhé. Bà xã và 2 con k đi được thăm ông bà nội rồi, buồn ghê.Từ ngày mở nhà thuốc bà xã có đi đâu xa được đâu. Đợi khi nào nhà thuốc mình có người bán phụ bà xã thì may ra. Hihi...
      Quậy thế thôi trên Blog của ông xã. Bà xã out đây. Hàng đống giấy tờ sổ sách đang chờ bà xã kia kìa. Hôn ông xã nồng nàn.....
                                                                 Bà xã  

Thursday 21 June 2012

Ông già ấy là thầy tôi



    Mình viết truyện này từ năm 1991, dựa trên nguyên mẫu có thật một người thầy của mình. Năm sáu năm trước mình gửi cho TC Sông Lam, nhưng họ từ chối đăng, vì sợ ngành giáo dục phản ứng .  Sau đó cũng định gửi đăng ở nơi khác, nhưng lại nghĩ thương thầy. Hôm nay có người gửi cho bác Trần Nhương và đã đăng bên đó, với đầu đề "Người thầy khốn khổ của tôi".
                                  Phạm Xuân Cần
          - Ông ấy "đánh" xong bát mỳ tôm, rồi chuồn à ?  
     Con bé nhà bên ngó vào cửa sổ nhà tôi, hỏi trống không. Nếu trong những trường hợp khác, thì hẳn là tôi đã bực lắm. Còn giờ đây, nhìn theo ông già cũ kỹ khắc khổ đang dắt xe khuất dần ra ngõ, tôi chỉ buồn. Cái buồn giống như một thứ dung dịch kỳ quái, thấm dần khắp cơ thể khiến tôi cảm thẩy mệt mỏi và uể oải. Bởi vì, có một điều mà con bé hàng xóm, cô học sinh lớp 10 ấy không hiểu, là ông già ấy, người vừa "đánh" xong bát mỳ tôm rồi "chuồn" ấy chính là thầy tôi. Ông dạy văn tôi những năm trung học, cách đây đã ngoài 20 năm. Một người mà năm, mười năm sau, khi đọc "Người thầy đầu tiên" của Aimatôv, không hiểu sao bao giờ tôi cũng nghĩ đến ông. Và cứ đinh ninh rằng: nhất định ông già Đuy sen trong truyện phải là như thế! Hai mươi năm trước, ông đã là một ông già, dù tuổi chưa đến năm mươi. Tôi vẫn còn hình dung rất rõ chiếc sơ mi "cháo lòng" cáu bẩn nhét cẩu thả trong chiếc quần ga ba đin màu nước dưa. Hai ống quần, trái lại được buộc túm rất cẩn thận bằng hai vòng dây cao su. Ông dựng chiếc xe "Supe- clốp" có cái ghi đông vểnh ngược vào đầu hè, rồi bước vào lớp. Mấy đứa con gái ngồi dãy bàn đầu cúi xuống che miệng cười. Ông xấu quá! Cái miệng méo như muốn kéo dệch khuôn mặt lưỡi cày đen sạm sang một bên. Đôi chân chữ bát luỳnh khuỳnh, được kết thúc trịnh trọng bằng đôi dép lốp quai to, cong cớn. Ông lững thững bước ra giữa bục, rồi đột ngột hất mạnh mái tóc ngược lên, để lộ ra một vầng trán rộng. Quả thật, tôi và có lẽ chỉ mình tôi thôi phát hiện và cảm nhận đựoc cái cốt cách nghệ sĩ trong ông, qua cái hất đầu quả quyết ấy. Công bằng mà nói, ông giảng không hay, và cũng chưa có ai khen ông dạy giỏi. Nhưng, suốt cả quãng đời làm trò dài dặc, và sau đó cả trên mười năm làm thầy của mình, tôi chưa bao giờ thấy ai có kiểu lên lớp hồn nhiên như ông. Giảng dân ca, ông hát cho chúng tôi nghe đủ các làn điệu Bắc- Trung- Nam. Tôi như vẫn còn thấy cái hàm dưới giật giật, khi cái mồm méo của ông ư ử một điệu ca trù. Học Nguyễn Đình Chiểu, ông thắp lên mấy nén hương. Và thế là bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" vang lên qua giọng đọc của ông, nghẹn ngào, nức nở. Rồi cái bục chưa đầy hai mét vuông trở thành sàn diễn cho ông độc diễn từ nàng Thị Kính đầy đau khổ và oan khuất, cho đến lão Acpagông keo kiệt. Sau này cuộc đời đã cho tôi nhiều dịp được xem kịch Sêcxfia trên màn ảnh và trên sàn diễn. Nhưng, không bao giờ như lần ấy. Tôi xúc động đến sởn gai ốc, khi thầy cầm trên tay hộp phấn thay cho cái đầu lâu, hoá thân thành chàng Hămlét tột cùng hoài nghi và tột cùng đau khổ trong đoạn độc thoại trứ danh "Tồn tại hay không tồn tại ?" Mãi sau này, khi đã là cán bộ giảng dạy trong một trường đại học danh tiếng, tôi mới biết diễn những trò ấy trên bục là thái quá, là "phản sư phạm". Còn hồi ấy, tuyệt nhiên không ai cho là lố bịch. Có lẽ vì thầy làm tất cả những điều đó một cách thật tự nhiên và hồn nhiên.
Nhưng không phải chỉ có thế. Thầy không làm cho tôi bị choáng ngợp bởi vẻ huy hoàng của kiến thức. Trái lại, ông đã chuyển vào tôi nặng nề và khó nhọc cái vẻ đẹp cổ kính, thâm thuý của một chữ, một câu thơ Đường, hay cái phong vị "humuor" nhẹ nhàng trong một trang văn cổ điển. Ông vốn là học sinh của trường Quốc học Huế. Cái vốn Hán- Nôm được thừa kế của một giòng dõi khoa bảng, cộng với những gì thu lượm được qua hàng chục năm "theo đòi Tây học" là niềm ao ước của biết bao nhiêu giáo viên văn học. Nhưng, ông thì có lẽ không có ý đồ khoe khoang cái gia tài kia, dù là trước những cặp mắt ngơ ngác của chúng tôi hồi đó. Sau này trên giảng đường đại học, tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ toả ra từ hình thể và tri thức của các vị giáo sư đáng kính, hay từ các trợ giảng hăng say. Tôi cũng kính phục và biết ơn họ lắm. Nhưng không hiểu vì sao, giống như những viên bi ve của tuổi học trò, họ lăn vào và lăn ra khỏi trí nhớ của tôi dễ dàng đến thế. Còn thầy, thật kỳ lạ cứ đeo đẳng, cứ ám ảnh mãi trong tôi, như một củ ấu gai góc. 
      Cách đây hơn mười năm, căn phòng độc thân của tôi ở Hà Nội được đón ông. Ông hồ hởi báo cho tôi biết ra Hà Nội để thi tuyển giáo viên đi làm chuyên gia ở Châu Phi. Điểm chuyên môn và tiếng Pháp ông đều đã đạt, chỉ còn đợi khám sức khoẻ. Nhưng rồi, hai ngày sau, ông thất thểu đến: "Họ loại mình rồi, ông ạ. Vì lý do hình thể". Ông chỉ nói vậy, rồi quay mặt, ngó lơ đi chỗ khác. Tôi cũng không dám hỏi ông thêm một câu nào nữa. Hai thầy trò im lặng trong bữa cơm từ biệt. Đêm ấy, tôi mua vé đưa ông lên tàu. Cái hình bóng khô khỏng, liêu xiêu trên sân ga khiến tôi rơi nước mắt. Nhìn đoàn tàu nặng nề chuyển bánh, tôi nghĩ đến ông với một toa tàu sáu đứa con thơ... Chưa đầy một năm sau, tôi được tin ông về hưu. Rồi cuộc sống cuốn trôi đi. Quay cuồng trong cuộc mưu sinh, tôi chỉ còn nhớ đến ông mỗi lần về quê, đi qua ngôi trường cũ. Tôi cũng đã lấy vợ, có con. Và dần dà cũng hiểu ra rằng: cuộc đời mình không phải chỉ có khoa học, khám phá và sáng tạo, không phải chỉ có cái xúc cảm nguyên sơ mỗi khi bước lên bục, và từ cái vị trí thiêng liêng ấy mắt mình như đắm chìm trong một biển mắt khác trông lên, trong xanh và thánh thiện. Cuộc đời còn là nửa gian nhà tập thể, chật chội và ẩm thấp ở tít cái thị xã kia. Ở đó có người vợ gầy và hai đứa con thơ. Và thế là, không đợi cho tương lai huy hoàng sẽ đến, tôi đành chia tay Hà Nội, bỏ lại trọn một quãng đời tuổi trẻ đã chết đuối trong cái biển mắt thăm thẳm ấy. Về quê, trút bỏ áo mão người thầy, tôi trở thành một công chức mẫn cán, ngày hai buổi cần cù đạp xe tới sở. Bóp còi sau lưng và vượt lên phía trước, xì khói vào mũi tôi, là rất nhiều cựu sinh viên của cái trường đại học danh tiếng nọ. Đôi khi sau tiếng còi, tôi giật mình nghe tiếng "Chào thầy". Nghĩa là họ còn nhớ đến tôi. Mà lẽ nào lại không nhớ nhỉ ? Thậm chí có người thành thật: "Sao thầy không sắm lấy cái xe máy mà đi cho đỡ cực ?". "Mình lấy đâu ra tiền".Tôi cũng thành thật. "Sao thầy lại không có tiền? Học trò của thầy nhiều người làm to, giàu có lắm". "Thế anh bảo tôi phải đi xin họ sao ? "Thầy không phải xin, mà họ cũng không phải cho, thời buổi bây giờ thiếu gì cách giúp đỡ nhau".
      Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu, thì nghe tiếng gọi tên mình từ bên kia đường.
Chính là ông. Vẫn khuôn mặt ngày xưa, có khác chăng là nó đã được bủa vây bằng rất nhiều nếp nhăn nhằng nhịt. Ông bắt tay tôi với một bàn tay gầy guộc và đen nhẻm.
- Mình nghe nói ông đã chuyển về đây.
Tôi hồ hởi:
- Vâng, em đã về được vài ba tháng. Thầy về nhà em chơi đi. Tôi chợt nghĩ đến mấy đồng tiền thảm hại trong cái ví lép kẹp của mình, và thoáng ái ngại, nhưng ông đã "ừ cũng được", và xăm xắm đạp xe đi trước. Cả thân hình lẳng ngẳng của ông lình xình trong cái áo vét dạ đen sờn bẩn. Hai ổng quần thùng thình như ngày nào, vẫn được buộc túm cẩn thận bằng hai sợi cao su.
Mấy người trong khu tập thể tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi đi cùng ông, và có lẽ còn ngạc nhiên hơn khi thấy tôi thưa gửi với ông rất là cung kính:
- Nhà em đây thầy ạ. Nhà tập thể còn chật chội lắm.
- Thôi, thế này là tốt rồi, còn rộng hơn hồi ở Hà Nội chán.
Tôi mời ông vào nhà, pha nước mời ông và cẩn trọng tiếp chuyện cùng ông.
- Mình vào thăm đứa con gái học Cao đẳng sư phạm, nhân tiện làm mấy cái răng. Nói ra thì tồi, chứ quả là đang thiếu tiền, ông có cho mình vay một ít được không ?
Dĩ nhiên là không thể làm khác, tôi móc ví đếm được mấy chục ngàn đưa cả cho ông.
- Thầy thông cảm, quả là em cũng đang "hoàn cảnh" lắm.
- Không sao, thế này là tốt rồi. Chưa đủ nhưng mình sẽ xoay xở thêm.
Tôi vẫn ái ngại vì số tiền ít ỏi của mình.

- Hay thế này thầy ạ. Tiền thì em không có, nhưng nếu thầy làm răng em sẽ đưa thầy đến Bệnh viện tỉnh, ở đó em có người quen, người ta sẽ không lấy tiền công đâu.
- Được, khoản ấy mình có người giúp rồi. Nói rồi ông cẩn thận cho mấy tờ giấy bạc vào túi trong của chiếc áo vét và không quên cài lại bằng một chiếc kim băng.
    
Đúng lúc ấy vợ tôi về. Cô ta bước qua cửa, thoáng chút ngạc nhiên rồi bỏ nón "chào bác" ! Tôi chưa kịp giới thiệu thì cô ta đã đi thẳng xuống bếp, một lát sau trở ra cô ta không nhìn chúng tôi mà sang nhà bên cạnh. Tôi nghe rõ tiếng chép miệng "tưởng là ai..." Chẳng hiểu ông có nghe thấy không ? Giận lắm, nhưng tôi vẫn xởi lởi
- Mời thầy uống nước đi, trưa mời thầy ở lại ăn cơm với gia đình em.

     
Vợ tôi nói vậy nhưng cũng đã kịp kiếm đâu được mấy quả trứng. Bữa cơm khách của nhà nghèo nhưng cũng có một cút rượu. Mấy chén rượu làm tôi bốc máu văn chương. Nhưng, lạ thay thầy tôi không hưởng ứng. Ông chăm chú ăn. Xong bữa, ông đột ngột hỏi tôi:
- Ông có biết Nguyễn Sĩ Bằng bây giờ ở đâu không ?

- Dạ em biết, tôi đáp. Nó ở bên công an, phó phòng rồi, gia đình cũng khá.
- Có lẽ mình phải đến đó có tý việc
.
       Tôi muốn mời ông ở lại nhưng nghĩ đến thái độ của vợ nên lại thôi, đành chỉ đường cho ông đến nhà Bằng. Định bụng ông đi xong sẽ hỏi tội vợ. Nào ngờ, vợ tôi cũng chỉ đợi có thế:
- Anh lôi đâu ra cái ông già ấy thế ?.
- Này, cô đừng ăn nói bờm xơm, thầy tôi đấy.
- Thầy với bà gì cái lão ăn mày ấy.
Tôi tím mặt, đứng phắt dậy, không biết điều gì sẽ xảy ra nếu lúc ấy không có tiếng anh hàng xóm bước vào và nói to:
- Nhà có khách phải không ? Thầy giáo cũ vào thăm chứ gì?
Tôi nén giận mời anh vào nhà. Không đợi tôi trả lời, anh đã nói một thôi một hồi:
- Thầy vào thăm con gái học cao đẳng sư phạm, nhân tiện chữa răng, thiếu tiền, vay học trò cũ một ít, rồi hỏi nhà học trò cũ khác. Có đúng thế không ? Ông mới về chưa biết đấy thôi, bọn tôi thuộc kịch bản này lắm rồi. Ha ! ha ! Thầy với bà !
Nói rồi, anh ngạo nghễ quay ra, vừa đi vừa cười. Từ ngạc nhiên đến tức giận với thái độ bất nhã của anh, tôi chỉ còn biết đứng như trời trồng. Vợ tôi có lẽ cũng cho là thái quá, cô ta lặng lẽ quay xuống bếp. Tôi tức tốc dắt xe ra khỏi nhà. Phải theo kịp thầy, phải hỏi cho ra nhẽ. Chỉ mấy phút sau tôi đã theo kịp ông ngay trước ngõ rẽ vào nhà Bằng. Nhưng lạ thay, ông không vào mà đạp xe đi thẳng. Thấy lạ, tôi cũng chầm chậm đạp theo sau. Gần nửa tiếng sau chúng tôi đã đến cổng trường Cao đẳng sư phạm. Tôi cẩn thận chọn một gốc cây râm mát dừng xe và dõi theo ông. Một cô bé gầy nhăng từ trong phòng trực cổng trường lao ra. Thầy tôi xuống xe cẩn thận rút từ túi trong chiếc áo véc ra những tờ giấy bạc cũ nhàu, vuốt thẳng, xếp gọn lại và trao cho nó. Họ nói với nhau chỉ vài câu, rồi ông lại quay xe đi. Tôi lặng lẽ nhìn theo. Tấm thân khô khỏng lại gò lưng trên yên xe đạp và gần như kiệt sức vì ngược gió. Trưa, nắng. Những chiếc xe ngược chiều và những chiếc xe cùng chiều vút qua, phả vào mũi, ném vào mắt thầy trò tôi tất cả khói và bụi. Tôi dừng xe nhìn theo ông, một hình nhân chập chờn như được vẽ bằng bụi và khói. Vâng, ông già ấy là thầy tôi... 
                                                           Vinh, 7/1991

Việt Nam hạnh phúc thứ hai thế giới..



Việt Nam đứng thứ hai về chỉ số hạnh phúc toàn cầu năm 2012
      Có đúng thật vậy không nhỉ? Có khi nào họ dịch nhầm hoặc dịch không sát nghĩa. Nếu nói đó là chỉ số lạc quan thì mình còn tin. Vì mình nghĩ người dân của nước mình chịu đựng rất giỏi. Trong đấu tránh, trong lao động và trong đói khổ bao giờ cũng thừa sự lạc quan.
         Nhưng trên thực tế thì đúng như vậy. Đây là chỉ số đo lường mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân so với mứcđộ tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo của hệ sinh thái, mà cốt lõi là mức độ hài lòng của người dân đối với cuộc sống hiên tại. Còn mức độ hài lòng chính là mức độ thỏa mãn nhu cầu. Một người nông dân Việt nam dành dụm cả năm mua được chiếc xe máy như vậy chỉ số hài lòng là 100%. Còn một giáo sư bên Mý có nhu cầu mua một căn biệt thự, hay một chiếc maý bay riêng, nhưng mới chỉ có một nửa tiền, thì chỉ số hài lòng của vị giáo sư chỉ là 50%, kém xa anh nông dân nước mình. Như vậy chúng ta có thể hiểu là mức độ hài lòng của dân ta cao là vì nhu cầu của dân ta thấp. Mà nhu cầu thấp là vì đang nghèo.
       Còn nếu bạn nghĩ một cách đơn giản hạnh phúc là sung sướng, thì bạn đừng " tưởng bở " . Có một người bạn của bạn mình viết trên Facebook:
 
....Việt Nam là nước có chỉ số hạnh phúc thứ 2 thế giới ư ?

-Mịa, hình như nó dịch nhầm-nếu là hài hước thứ 2 thế giới mới đúng chứ ? Chẳng lẽ dân Vn hạnh phúc thứ 2 thế giới vì :
+Bệnh tật, cái chết đe dọa đe dọa chúng ta hàng ngày: tai nạn giao thông hơn 13.000 người chết và gấp vài lần thế què quặt, nằm liệt mỗi năm ?; ngộ độc thực phẩm gần như thường xuyên (ai dám khẳng định mình chưa từng ngộ độc thực phẩm); những công trình thi công cẩu thả, kém chất lượng (thủy điện, các khu chung cư...); cháy nổ diễn ra thường xuyên ...
+Một nền giáo dục chất lượng có thể nói tệ hại nhất thế giới
+Môi trường ô nhiễm thuộc hạng nhất thế giới (cái này cũng có chỉ số được một số tổ chức môi trường quốc tế khảo sát-google mà xem)
+Khó nói năng, viết lách theo đúng suy nghĩ của mình (đố ai dám đứng giữa đường uốn lưỡi cú diều sỉ mắng..triều đình. Hi hi), còn báo chí-tự do ngôn luận thế nào cũng đã được thế giới công nhận...
+Gần như mọi dịch vụ cơ bản đều quá tải: y tế, bể bơi, giao thông, đi lại, nghỉ dưỡng...
        "Hạnh phúc nhất thế giới" có nhẽ nào đi liền với các chỉ số "khổ hạnh" nhất thế giới, Chỉ có thế nói là với mọi thứ như thế, chúng ta vẫn sống, vẫn nhăn nhở cười...thì phải gọi là "hài hước nhất thế giới chứ nhỉ". Còn đứng thứ 2, chắc là sau người Pháp thôi !
     Đó là chưa kể một chỉ số cơ bản nữa là chỉ số lạm phát từ 2007 đến nay toàn nhất thế giới,  Trong khi mọi thứ giá đã gấp đôi, gấp 3, gấp 4...kể từ năm 2007, kể cả "hàng họ" thì dân ta vẫn cười vui. Đúng là humor nhứt thế giới ! Nhin vào 10 nước hạnh phúc nhất thế giới, ko thấy có Bắc Triều tiên. Không khéo chú ủn Kim Jong Un sẽ kiện tổ chức nào đo chỉ số này !

                                                      Hoàng Hải
                        ( có sử dụng ý kiến của Mạnh Quân trên facebook)

Monday 18 June 2012

Đội tuyển Nga từ bỏ cuộc chơi


                                        
        Сứ tưởng răng đội Tuyển Nga của mình sẽ qua được vòng bảng, ai dè họ phải xách va li về nước do luật mới của UEFA, xét hệ số đối đầu. Lên facebook gặp cô bạn Nga hỏi tôi nay câu có xem bóng đá không? Cô bạn trả lời. Tối qua tớ có xem, nhưng tư nay trở đi tớ không xem bóng đã nữa. Một cô bạn khác còn còn gọi 11 cậu thủ của mình là ranh mãnh, khôn lỏi. Họ không biết đá bóng. Chỉ biết tập hợp lại để cứ bốn năm một lần được mời tham dự bóng đá mà không phải mất tiền. Mình hiểu vì sao nên cũng khuyên hai cô bạn đừng buồn và quá thất vọng. Chúng ta cùng chờ đợi Euro 2018 tổ chức tại Nga.
      Đúng, nhứng trái tim kiêu hãnh Nga đã tổn thương trong cuộc đâu trên cơ với người Hy Lạp. Nhưng cậu thủ Nga mà tôi nhớ từng cái tên, nhớ từng khuôn măt, đã đem tới cho tôi và những người bạn của tôi biết bao kỳ vọng qua hai trận đấu đầu tiên, để rồi hôm nay phải thất vọng. Xem trận đấu hôm qua tôi thấy một đội tuyển Nga chậm chạp, thiếu ý chí và thiếu cả sức mạnh.
Chính họ đã mang tới bi kịch cho mình vì sự chủ quan và sự ngộ nhận. Họ ngộ nhận về mình đã khổ, đằng này họ ngộ nhận cả về đối thủ của mình. Có lẽ trong đầu những cậu thủ Nga đã không còn nhớ Hy Lạp đã từng vô địch Euro 2004. Chính Hy Lạp đã thua Nga nắm ấy, và hôm nay họ chỉ có kinh nghiệm làm vốn. Hi Lạp biết mình yếu nên chấp nhận kẻ chiếu dưới. Họ để mặc đội Nga tấn công và bắn phá khung thành, tạo cho người Nga tâm lý chủ quan. Hy Lạp âm thầm chờ đợi. Họ có rất ít cơ hội nhưng lại có thừa sự kiên nhẫn. Cuối cùng cả một đội bóng Nga đã thua chỉ một người. Karagounis - người hùng của tám năm trước và hôm nay chính anh đóng dấu chấm hết cho bi kịch Nga về sự chủ quan và ngộ nhận.
        Euro 2008, người hâm mộ đã được chứng kiến một đội tuyển Nga tuyệt vời như vậy, dưới bàn tay nhào nặn của HLV Guus Hiddink. Nhưng 4 năm sau, vẫn những gương mặt ấy, vẫn một HLV người Hà Lan, đội tuyển Nga lại thể hiện một bước lùi về ý chí khiến hàng triệu người hâm mộ quê nhà thất vọng. Khi nhìn nhưng giọt nước mắt trên gương mặt của các tuyển thủ dưới sân, cùng những cô gái Nga sinh đẹp  và sự bất động của các cổ động viên trên khán đài bất giác tôi lại nhớ đến bộ phim : "Москва - không tin những giọt nước mắt" thật đúng với hoàn cảnh của họ lúc này. Trong bóng đá kẻ mạnh không phải bao giờ cũng thắng và kẻ yếu chưa chắc đã phải rời cuộc chơi.Và tối qua là như vậy, không phải Hy Lạp , mà chính Nga" Một mình làm cả cuộc chia ly"


                                                                          Hoàng Hải

Sunday 17 June 2012

Nươc Nga thu nhỏ


Bạn có thể phải dành cả cuộc đời để đi hết nước Nga rộng lớn, nhưng sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều nếu ghé thăm mô hình thu nhỏ của quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này. 
 






 









Một mô hình nước Nga thu nhỏ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vừa được chính thức khai trương tại thành phố St Petersburg. Rất nhiều những địa điểm của nước Nga, trải dài từ vùng Kamchatka ở Viễn Đông tới cực tây Kaliningrad, được thể hiện trên sa bàn rộng 800 m2.


















Trên sa bàn này, các nhà thiết kế tạo nên các thành phố, cảng biển, sân bay, bến tàu, nhà máy, công trường... Có cả những đường ray và những con đường nhựa. Thậm chí, trong bức ảnh này, người ta còn tạo nên một đoạn cầu gẫy.
 


 












Các nhà thiết kế còn đưa vào sa bàn các công trình lịch sử, những con phố và những quảng trường của các thành phố lớn nhất tại nước Nga. Vùng tây bắc Nga được thể hiện qua những tòa nhà lớn, trong đó có quần thể kiến trúc Kizhi, vốn có tên trong danh sách các di sản văn hóa thế giới của UNESCO. 
 



Một quang cảnh đặc trưng của thành phố St. Petersburg.










Kênh Volga-Baltic với một chiếc du thuyền và những cây cầu bắc ngang đôi bờ.







 






















Các nhà thiết kế không chọn điện Kremlin hay công viên Gorky để thể hiện thủ đô Moscow, mà chọn hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố này để đưa vào sa bàn. Trong ảnh là cảnh các "hành khách" tại khu vực chờ tàu sát đường ray.
 
 


Cảng Sochi hiện lên với những tòa nhà mang kiến trúc đặc trưng. Sochi là niềm tự hào của nước Nga bởi đây là thành phố đăng cai Olympic mùa đông 2014. 
 



 














Những điều bất ngờ nhất trên sa bàn này là các mô hình thể hiện những hoạt động đời thường của người dân. Người xem có thể dành hàng giờ để ngắm nhìn những cảnh này. Có khoảng 100.000 "cư dân tí hon" với chiều cao chưa tới 1 cm trên sa ban và không ai giống ai. 




  













Mùa đông nước Nga với cây thông, tuyết trắng. Những mái nhà bị tuyết phủ dày. Con đường dẫn vào nhà thờ đang được dọn tuyết, trong khi nhiều "người dân" khác hối hả với công việc của họ.


 


 












Một khu trại của những người chăn nuôi tuần lộc. Một vài người đang dựng một cái lều, người khác đang đuổi theo một con hươu, có người lại đứng nhìn một cách thán phục những gì mà các đồng nghiệp của anh ta đang làm.
 






  











Các nhà thiết kế đã mất rất nhiều công sức để làm nên sa bàn này. 11 tấn nhựa đã được sử dụng cho các công trình thu nhỏ, trong khi 250 phương tiện ở trạng thái di chuyển liên tục suốt 2,5 km của các đoạn đường ray và 43 con đường nhựa.

 

Toàn bộ sa bàn rộng 800 m2 được vận hành bởi ba người. Tại trung tâm của phòng điều khiển có 40 máy tính và 6 hàng màn hình khác nhau.


                                                      Nguồn:Vnexpress



Thành công là gì?



Cố giáo sau khi đọc xong bài văn của trò đã viết: Cám ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công đấy, Mong em sẽ tiếp tục thành công......
         Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.
     Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.
     Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
      Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
      Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?
      Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.
     Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
     Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.
    Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!
Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.
                                               
                                      Hà Minh Ngọc. Lớp 10 văn. Hà Nội

                                                           Sưu tầm:
                                                          Hoàng Hải







5 chiếc lá.


Hạnh phúc là một chiếc lá
 Âm thầm nảy lộc đêm đông 

 Buồn đau là một chiếc lá
 Rụng trong nhựa ứa mai hồng

                                   

                                      Nhớ mong là một chiếc lá
                                      Run vô cớ giữa lặng không

                                     
                                      Hờn ghen là một chiếc lá
                                      Vỡ đã tắt gió trong lòng

                                   
                                     
Cô đơn là một chiếc lá
                                      Lay lắt mãi giữa cánh đồng

                        
                                      Tình yêu chỉ 5 chiếc lá
                                      Mà làm thành cả cơn giông

                            
                                                              Khuyết danh

Táo Sơn Đông



   Tết vừa rồi mẹ mình đi chợ mua hoa quả về bày mâm ngũ quả. Trong mân ngũ quả thấy có một quả táo đẹp mình cất trong tủ lạnh. Thực tình cũng đã định ăn mấy lẫn, nhưng thấy đẹp, nên cứ để dành đấy. Mình cứ thắc mắc tại sao đã gần năm tháng rồi mà táo vẫn tươi và đẹp như lúc còn mua vậy. May hôm nay vào đọc báo Vnexprees thắc mắc của mình mới có lời giải đáp: "...Táo của Trung Quốc nổi tiếng màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm, song giới nghiên cứu cảnh báo loại trái này rất có hại cho sức khỏe vì được trồng bằng phương pháp ủ bọc nhựa độc hại..."
    Thì ra những nông dân ở Sơn Đông Trung Quốc đã dùng bọc nhựa bên trong có thuốc trừ sâu để ủ táo. Phương pháp trồng táo độc hại này được áp dụng rộng rãi trong các nông trại ở địa phương này. Các chất bột được dùng trong các bọc nhựa kia
chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsenic, có thể gây ra những triệu chứng ngộ độc như co giật, sốt, bất tỉnh, ói mửa). Bó tay chấm anh hang xóm tốt bụng luôn. Mỗi năm hàng triệu tấn táo Fuji xuất xứ từ Yên Đài, Sơn Đông, được phân phối đi khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc và xuất khẩu. Người Trung hại người Trung Quốc và hại tất cả chúng ta.
      Mong là nông dân Việt Nam mình đừng vì chút lợi ích trước mắt mà học theo cách làm này.
 
    Hỡi những người dân Việt Nam, hãy vì sức khỏe của chính mình. Đừng ham rẻ mà hại minh.Tất cả những bệnh viện ung bướu trên cả nước đã quá tải. Chân thành khuyên mọi người phải cảnh giác các mặt hàng thực phẩm từ Trung Quốc. Hãy nêu cao khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt"- giá cả phải chăng, chất lượng cũng không thua kém gì.            
    Mong sao bộ phận kiểm tra thực phẩm nước ta   phải kiểm tra gắt gao hơn nữa 
    Trách ai đây? Trách người tiêu dung hay trách những người dù biết rằng nó có hại nhưng vì lợi ích của cá nhân mà vẫn cho nhập vào. Mong sao bộ phận kiểm tra thực phẩm nước ta phải kiểm tra gắt gao hơn nữa, sớm có hành động đáp lại tình hình. Cụ thể là có biện pháp kiểm tra và xử lý những quả táo Trung Quốc đang được bày bán khắp nơi ở nước ta, giúp cho người dân ta tránh được những hậu quả nguy hại đến sức khỏe.
                                                                Hoàng Hải



Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên