Powered By Blogger





Monday 25 February 2013

Qủa báo





gia Lân về hưu để lại một câu nói nổi tiếng: “ Bụp đi!”
Bụp đi có nghĩa là bắt đi, bắt nóng!
Bất kỳ vụ án nào, đối tượng nào được phân công phụ trách, thì câu đầu tiên Lân nói với lính là “Bụp đi!” (bắt ngay, bắt nóng!). Quan điểm cùa Lân, bắt nóng là phương pháp đánh án nhanh, gọn, hiệu quả nhất. Cứ bắt là có tội. Không tội lòi tội! Quy đựo tội là có thành tích (!?).
Không chứng cứ lòi chứng cứ! Ông dạy lính bài học nhớ đời: “Phàm là doanh nhân, cha nào cũng có tội. Người ta nói đằng sau sự giàu sang luôn ẩn dấu tội ác! Muốn moi được của thì phải bụp. Giỏi là tạo ra được cái cớ bụp hợp lý”.
Gần bốn chục năm trước, Lân trong đoàn quân tiếp quản Sài Gòn, ve áo gắn quân hàm thượng sỹ. Cũng như bao người lính xuất thân từ miền quê nghèo miền Bắc, vào Sài Gòn, Lân choáng ngợp trước thành phố lộng lẫy, xa hoa, lớ ngớ như chim chích lạc rừng, chỉ muốn được trở về quê hương sau những năm tháng vảo sống ra chết.
Nhưng Lân không ra quân mà được chọn đi học khóa sĩ quan công an khẩn cấp bổ sung cho thành phố Sài Gòn mới giải phóng. Hết khóa học ấy, Lân được đi phép 10 ngày. Trong thời gian ngắn ngủi, Lân cưới vợ người cùng làng, cô gái xinh xắn, kém mình một tuổi, ngày xưa học sau mình một lớp.
Lân để vợ ở nhà chăm sóc cha mẹ, vào Sài gòn nhận công tác, làm phó công an một phường, nơi có ngành tiểu thủ công nghiệp và giàu có nhất nhì một quận. Đó là thời kỳ cải tạo công thương nghiệp miền Nam, nói gọn là đánh tư sàn. Lân lao vào cơn lốc soáy bụi bặm ấy, trái người lính bị nhuộm đen từ đó.
Một hôm vô tình, Lân ghé vào nhà một người trong khu phố, làm nghề kinh doanh vàng bạc, mới bị kiểm kê mấy hôm trước. Nhìn gương mặt nhợt nhạt thất thần của vợ chồng chủ nhà, Lân định hỏi bệnh gì? Nhưng mới chỉ nói mấy câu “hình như ông bà” thì người vợ chủ nhà đã chắp tay vái Lân, thừa nhận khi kiểm kê còn dấu giếm hơn chục lượng vàng Kim Thành. Rồi không đợi Lân nói gì, bà móc cạp quần lấy ba lượng vàng ra, dúi vào tay Lân.
Đó là lần đầu tiên Lân nhận tiền hối lộ, cũng từ đó Lân rút ra bài học nghề nghiệp: âm lý hốt hoảng khiến đối tượng chưa khảo đã khai! 

Từ một anh lính lớ ngớ ngày nào, Lân hòa nhập vào cuộc sống đô thị rất nhanh. Lân thuộc đường ngang ngõ tắt thành phố, biết mánh ăn chơi của bọn bụi đời, ma cô, giang hồ, đĩ điếm. Đặc biệt Lân nắm lý lịch từng người trong phường từ bà bán sạp hàng tạp hóa nhỏ đến ông chủ một xưởng dệt, từ cô gái điếm tới ông giáo sư.
Lân để mắt tới đâu, ở đó có đối tượng. Con mắt Lân mỗi ngày một nhọn sắc như kim, soi mói vào tận gan ruột người dân. Con mắt sắc bao nhiêu, trái tim chai tình người bấy nhiêu! Và tiền chảy vào túi Lân từ mọi ngả, dễ dàng như nước chảy chỗ trũng
Chỉ một lần đi “thăm” vài hợp tác xã dệt, nhuộm, hoặc ghé vào mấy quán cà phê đèn mờ, là túi Lân đã nặng phong bao. Lân không ăn nhậu xả láng như những “anh hai”, mà kín đáo, bên ngoài vẫn tỏ ra giản dị, khiêm tốn, chí công vô tư. Nhờ khôn ngoan như vậy, lại biết đút lót đúng cửa, Lân được đề bạt rất nhanh .
Lân đưa vợ vào, được cấp căn nhà tám chục mét vuông, một trệt một lầu. Gia đình có hai vợ chồng một đứa con, vậy là rộng rãi chán. Nhưng lòng tham không có điềm dừng. Cách nhà Lân có ngôi biệt thự sang trọng. Gia đình ấy con là lính không quân chế độ cũ,bố mẹ làm nghề kinh doanh tơ sợi, dù đã được cải tạo nhưng vẫn luôn nớp không yên. Lân nhòm ngó ngôi biệt thự như cú nhòm nhà bệnh, nghĩ cách chiếm bằng được.
Nghĩ sao làm vậy, Lân tạo ra mọi cớ kiềm tra hết ngày lại đêm, ép cặp vợ chồng già, cô con dâu cùng ba đứa cháu đến nghẹt thở. Cái tội có con, có chồng là lính Plot di tản thì tày đình còn gì?
Vào một đêm cuối năm 1979, cả gia đình 6 người trong ngôi biệt thự ấy liều mình vượt biên. Ba hôm sau, 6 cái sác già trẻ được vớt lên cùng hơn hai trăm cái sác ở ngã ba sông Cát Lái.
Lấy danh nghĩa bảo quản nhà vắng chủ, Lân dọn sang ở ngôi biệt thự, rồi chiếm luôn. Thanh tra cơ quan rồi chính quyền phường, quận làm tới làm lui, nhưng như viên sỏi ném xuống ao bèo tấm, đâu lại vào đó. Thay đổi duy nhất là Lân không làm trưởng công an phường nữa mà lên quận, làm trưởng bộ phận điều tra tội phạm kinh tế. Chả khác gì chuột chui kho gạo, Lân phất lên như diều gặp gió. Chẳng bao lâu, Lân lên thành phố rồi lên bộ.
Khuôn mặt Lân mỗi ngày một bự ra , vuông vức , hồng hào , cặp mắt gườm gườm dữ dằm nham hiểm. Người ta nói tướng tại tâm, không sai chút nào. Cái ác từ trong tâm hiện lên từ khuôn mặt đến giọng nói và cả dáng đi đứng của Lân. Ông nghênh ngang khệnh khạng, dửng dưng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Lân mỗi ngày một lấn sâu vào cái ác, lấy cái ác tạo nên uy quyền, từ uy quyền tạo ra của cải. Người Lân càng đẫy đà, mặt mũi càng phương phi láng bóng thì tình người càng tóp teo, nhợt nhạt. Con người ông chứa đầy mưu mô thủ đoạn hại người để làm tiền.
Một lần họp đồng hương đầu năm, Luân chìa bàn tay múp míp cho tôi , nhếch mép cười, hỏi trịch thượng:
- Sao không tới chỗ tôi?
- Để làm gỉ anh?
Lân kéo tôi ra một góc , nói nhỏ:
- Tôi muốn ông hợp đồng tác chiến , trị những thằng rắn mặt? Tôi cung cấp tài liệu, ông tương lên báo, tạo sức ép dư luận, hai mũi giáp công bóp lòi ruột nó ra!
- Ác quá?
- Ở đời làm gì có cái thiện? Cái thiện chỉ là một điều mơ ước viển vông, một bến bờ không bao giở đi tới!
- Nhưng cũng không nên để cái ác ngự trị tuyệt đối ông ạ!
- Ông sĩ bỏ mẹ! Tôi muốn tạo điều kiện cho đồng hương vừa nổi tiếng vừa có miếng! Ông biết tay nhà báo HL không ?
Tôi chẳng lạ gì HL và cách làm ăn của anh ta. Tôi làm báo, nhưng cũng là một nhà doanh nghiệp, không hợp tác với Lân như HL được. 

Gần hai mươi năm qua nhanh, tôi không gặp Lân, thỉnh vẫn nghe bạn bè đồng hương kể chuyện về Lân, nói Lân giàu lắm, ba bốn ngôi nhà, tiền bạc như nước, ăn chơi như quý tộc, có những bộ gậy Golf hàng chục ngàn đô la …
Buổi chiều cuối năm vừa rồi, tôi đang ngồi một mình bên ly cà phê đen cạnh công viên Bàu Cát thì tình cờ gặp lại Lân.
Lân mặc quần lửng qua đầu gối, áo thun, đi dép lê , nhìn bệ rạc như ông bán vé số. Khuôn mặt Lân chảy xệ, miệng hơi méo, mắt thâm quầng, da nhợt nhạt , mái tóc lởm chởm, bước xiêu vẹo.
- Ô kìa anh!
Lân nhận ra tôi , vổ vập bắt tay, bàn tay Lận khô và lạnh, không múp míp nóng hổi như ngày nào.
- Sao thay đổi nhều thế này!Tôi hỏi.
Lận nói hơi bị ngọng:
- Năm ngoái bị tai biến hút chết ông anh ạ!
Chúng tôi ngồi bên nhau nói chuyện. Lân run run cầm chiếc thìa quấy ly cà phê. Hai mí mắt chảy xệ , ánh mắt mệt mỏi vô hồn. Những náo động của một thời tuổi trẻ, những háo hức đua chen , những mưu toan tham vọng , cả những thủ đoạn nghề nghiệp , trước kia ngùn ngụt như lửa trên mặt Lân, giờ đã tắt ,để lại sự nham nhở, méo mó như một chiếc mâm thau đồng nát.
Lân cho biết đã ly dị người vợ cùng quê sau khi có ba thằng con trai, lấy người vợ thứ hai có một đứa con gái, nhưng hiên tại sống ly thân.
Một ông già bán vé số đi tới, Lân ngừng nói chuyện, lấy mấy tờ vé số ra so, chả trúng tờ nào. Luân sé vứt xuống gầm bàn, sau đó cẩn thận lựa mua năm tờ khác. Ô hay, sao thế này? Ba bốn căn nhà, tiền như nước mà mới về hưu chưa được 5 năm, giờ tìm may rủi từng tờ vé số? Bị tai biến đâm ra lẩn thẩn mất rồi chăng? Tôi tự hỏi và nhìn Lân, cố hình dung ra một khuôn mặt của quá khứ.
Cạn ly cà phê, Lân hỏi tôi:
- Nhờ đồng hương giúp tôi một việc được không?
- Việc gì? Không phải chuyện hợp đồng tác chiến chứ?
- Quên chuyện ấy đi!
Tôi theo Lân tới ngôi nhà ở đường Trương Định, cách quán cà phê chỉ vài trăm mét. Lân để ngôi biệt thự chiếm được cho người vợ đầu cùng ba đứa con, chuyển về đây với người vợ thứ hai.
Ngôi nhà phố hai tầng, bình thường, nhìn có vẻ xơ xác.
Tôi chưa kịp quan sát căn phòng phách bày biện lộn xộn thì chạm ngay phải ánh mắt dữ tợn của hai gã đàn ông đứng bên bộ salon. Một người khoảng gần bốn chục tuổi, một người trẻ hơn, khuôn mặt giống nhau như đúc, cả hai đều gân guốc.
Người lớn tuổi đầu trọc, mặc quần Jean đen , áo thun màu cà phê, cổ đeo sợi dây Inox có chiếc răng hổ nhọn hoắt. Người nhỏ tuổi tóc nhuộm nửa đỏ nừa vàng, tai đeo khuyên, lỗ mũi đeo vòng, mặc quần bò áo sơ mi. Trên ngực hai người đều xăm hình trái tim có mũi tên xuyên qua như hình xăm của những tên cướp biển.
Lân nói với tôi:
- Hai ông con tôi đấy!
Tôi mỉm cười làm quen với hai người đàn ông Lân giới thiệu là con, nhưng lạnh người vì ánh mắt hằn học của họ.
Người lớn tuổi hỏi tôi, dằn từng tiếng:
- Ông là ai, tới đây làm gì?
Tôi đáp:
- Tôi là đồng hương với ông Lân, tình cờ ghé thăm thôi!
Ông Lân nói thêm:
- Ông ấy là nhà báo nổi tiếng đấy!
Người lớn tuổi nhe răng cười gằn:
- Hết đưa đồng nghiệp về dọa, lại đưa nhà báo về dọa! He he ! Một trăm nhà báo thằng này cũng đéo sợ!
Thì ra ông Lân kéo tôi về nhà dọa hai đứa con? Gần hết cuộc đời ông ấy vẫn lợi dụng người khác!
Ông Lân nói với tôi:
- Anh xem con cái mất dạy thế đấy!
Thằng con lớn cướp lời bố:
- Nói sai rồi, không mất dạy mà thực hiện đúng lời dạy của ông đấy. Đã thế nói cho nhà báo biết luôn ! Ông ta bỏ vợ già lấy vợ trẻ, rồi lại ly thân, theo bồ nhí. Không bị tai biến thì bây giờ đang hú hí với bồ nhí !
- Câm miệng đi!
Ông Lân thét lên, lào đảo ngồi xuống chiếc ghế salon. Ông cầm ly nước lạnh uống ực rồi nói với tôi:
- Chúng nó lao vào con đường ăn chơi, nghiện ngập, cờ bạc phá hết mấy ngôi nhà của tôi, giờ ngày nào cũng nã tiền có khổ tôi không? Tôi làm gì có tiền ?
Hai đứa con trai ông Lân tiến lại trước mặt ông. Một chân chúng đặt lên bàn Salon, một chân dưới đất. Hai khuôn mặt nổi gân, rắn đanh, bốn con mắt gườm gườm dữ dằn soi mói. Đây chính là gương mặt, ánh mắt của Lân trong dĩ vãng, nó hiển hiện như tấm gương soi vào quá khứ.
Thằng con lớn trợn mắt hỏi bố:
- Có chịu chi 40 mươi chai sài tết không?
Ông Lân ú ớ:
- Tao lấy đâu ra 40 triệu?
Thằng anh liền ra lệnh cho thằng em:
- Bụp đi!
Tôi giật thót người. Hai tiếng “Bụp đi” Lân thường ra lệnh cho thuộc hạ đánh án, giờ con Lân dùng để tống tiền ông. Một kịch bản đời thường được lặp lại và hình như tàn nhẩn hơn nhiều.
- Phập !
Thằng con thứ hai từ đầu lặng im, gườm gườm nhìn bố, giờ rút con dao găm nhọn hoắt cắm phập xuống mặt bàn Salon .
Ánh mắt nó long lanh, thỏa mãn khi ông Lân bước trệu trạo đến tủ, run rẩy mở khóa.
Hai thằng con ôm tiền bỏ đi.
Lân nói với tôi:
- Chỉ còn mỗi ngôi nhà này, phài bán chia cho mẹ con bà vợ sau! Hết nhẵn rồi ông ạ!
Tôi muốn nói với Lân, một thiên đường xây bằng những thứ không phải của mình, nó tan đi nhanh là phải. Nhưng tôi im lặng, bởi nhìn ông đã khổ sở lắm rồi!


Minh Diện
 (Coppy từ blog quechoa.vn )

Một hôm năm cạnh bên người





 







 


Một hôm nằm cạnh bên người
Hồn tôi co, xác tôi xuôi, lạ lùng
Có buồn riêng giữa vui chung
Ơn nghìn lá biếc giăng mùng chở che


Lời yêu trộm nói nhau nghe
Chìm lăn theo tiếng bánh xe ngoài đường
Ta lìa xa những nhiễu nhương
Quỳ hôn một chỗ vô – thường – nhân – sinh

 
 








Một hôm tình ở cạnh tình
Mắt soi mắt với môi tìm trên môi
Tay trong tay, thở trong hơi
Thân trong thân vẫn…sợ rời chiêm bao
 
Hỡi nghìn lá biếc xôn xao
Nhìn anh có giống thưở nào Adam
Và khi lá trải đệm vàng
Nhìn em có giống như nàng Eva
 
Chúng ta không trẻ không già
Chúng ta mặc áo thịt da chính mình
Em không cho, anh không xin
Chúng ta đổ bóng vào hình của nhau
 
Làm ơn ôm lấy anh lâu
Để anh đừng thấy bể dâu bên ngoài
Làm ơn ôm giữ anh hoài
Để anh che tiếng thở dài bên trong

Một hôm tình ở cạnh tình
Mắt soi mắt với môi tìm trên môi



Đoàn Vị Thượng

Thư một cô gái gửi con rắn







Rắn thân yêu và tội nghiệp của chị!



Mới đọc câu đầu tiên chắc em đã giật mình. Xưa nay, phụ nữ luôn luôn sợ rắn, các cô gái trẻ còn sợ hơn, còn cô nào vừa trẻ vừa đẹp sẽ sợ nhất. Mà chị không những đẹp, còn tuyệt đẹp nữa kìa.
Chắc em ngạc nhiên vì chưa gặp chị lần nào. Thực ra, chị đã nhìn thấy em rất nhiều lần, trong một hoàn cảnh mà em không lấy làm vinh dự, đó là khi em ở trong chai.
Là một con rắn kiêu hãnh, đẹp đẽ, trưởng thành và có trí tuệ, rõ ràng em không thích chui vào chai, cũng giống như chị không thích chui vào thùng, nhưng chúng ta không thể chối bỏ một thực tế là em đã ở trong chai, thường ở trong chai và sẽ còn ở trong chai.
Điều bi kịch nằm ở chỗ em không tự chui vào. Mặc dù tất cả các loại rắn trên đời đều nổi tiếng về chui hay bò thì chị cũng chưa khi nào thấy một con rắn tự động chui vào chai, nhất là khi chai đó có sẵn rượu. Nói tóm lại, em đã bị ngâm vào trong ấy. Nhưng ai ngâm, tại sao ngâm và ngâm với mục đích gì? Đó là thứ chị muốn phân tích với em trong lá thư này.

Đầu tiên, rõ ràng đàn ông đã ngâm em. Không phải tất cả đàn ông, nhưng rất nhiều kẻ trong số họ đã làm việc này. Tiếc thay, trong đó không thiếu gì kẻ học thức đầy mình hoặc ăn mặc bảnh bao hay có cả hai thứ đấy.
Em hãy công nhận một chân lý hiển nhiên là chưa có cô gái nào ngâm rượu rắn cả. Dù có cô gái béo, dù có cô gái gầy, dù có cô gái xinh đẹp như thiên thần hay gian ác như phù thủy, việc ngâm rắn vào rượu chả phải chuyện họ thích làm. Mà trên đời này, như em đã biết, cái gì không do phụ nữ gây ra, sẽ do đàn ông gây ra. Em bị ngâm rượu bởi đàn ông. Không còn nghi ngờ gì nữa.
Rắn thân yêu, tại sao đàn ông làm thế?
Đó là một câu hỏi mang tính thời đại, khiến cả loài người tiến bộ thắc mắc.
Bởi ai cũng hiểu đàn ông rất bận, có quá nhiều việc phải làm.
Đàn ông cần lên rừng xuống biển, cần xẻ núi ngăn sông, cần xây nhà cao, cần làm cầu lớn hay nhanh trí một chút thì làm người mẫu, làm ca sĩ hay diễn viên chứ làm rượu rắn để làm gì?
Chả lẽ đàn ông còn chưa đủ rượu uống hay sao? Từ rượu ta tới rượu Tây, từ rượu xanh tới rượu đỏ, từ rượu thật tới rượu giả, đàn ông hàng ngày đã cho bao nhiêu thứ vào miệng, cần thêm chút rượu rắn để làm gì?
Đó là chưa kể những sự thật trớ trêu: nhiều anh cả đời không uống rượu nhưng vẫn cố uống rượu rắn. Nhiều ông già tay chân run rẩy, đi còn chưa vững vẫn ráng sức nâng ly rượu rắn như nâng quả tạ, cố uống và hy vọng tràn trề.
Tại sao như thế?
Tất cả các loài rắn đều thắc mắc điều này, kể cả những loài chưa bị ngâm như rắn giun hoặc rắn mối. Và sự thắc mắc ấy thật ra rất chính đáng, đòi hỏi phải được trả lời một cách công khai và khẩn thiết.
Tại vì, rắn ơi, em đã khiến cho đàn ông hy vọng.


Chị xin nói ngay rằng sở dĩ loài người trở nên cao quý vì họ có nhiều hy vọng. Kẻ hy vọng được hiến thân cho hòa bình, kẻ hy vọng tìm ra những phát minh thay đổi lịch sử. Đa số kẻ hy vọng một cách tuyệt vọng được tăng lương. Và có những kẻ hy vọng vào rượu rắn, hay nói cách khác, hy vọng vào rắn ngâm rượu.
Theo quan niệm của các chàng trai này (một số khá đông trong đó chị quen), rượu rắn mang lại sinh lực, mang lại sức khỏe, mang lại “khả năng” (đừng hỏi khả năng gì) và mang lại hạnh phúc!
Đọc tới đây chắc em vô cùng bực dọc. Bất kỳ sinh vật nào trên trái đất này, kể cả rắn, chuồn chuồn hay thỏ con đều hiểu muốn hạnh phúc phải lao động, phải học tập, phải vùi thân vào khoa học chứ đâu phải vùi mồm vào chai rượu rắn.
Nhưng than ôi, rất nhiều gã trai không chịu hiểu như thế. Các gã đó tin tưởng một cách tội nghiệp, mãnh liệt và ngây thơ rằng, chỉ cần nhấp vài ly rượu đen sì có vài con rắn còng queo bên trong là hạnh phúc ập đến.
Đó là niềm đau xót nhất, khôi hài nhất và kỳ lạ nhất mà chị nhìn thấy. Chỉ cần làm một bài toán đơn giản, nếu ngâm con rắn là trở nên mạnh mẽ, thì tại sao không ngâm nốt con sư tử, con cá voi, con hà mã hoặc gần gũi nhất, con trăn?
Rõ ràng rượu rắn chỉ là một ảo tưởng, một thứ thuốc mê không hơn không kém. Rượu rắn đã làm cho biết bao chàng trai, biết bao đàn ông khỏe mạnh quên đi những điều đúng đắn phải làm, để tự đắm chìm trong ảo tưởng triền miên.


Cá nhân chị, mỗi lần đến nhà chàng trai nào có bình rượu rắn, bình càng to, chị thấy chàng đó càng nhỏ. Khi bình là vô tận,chị thấy chàng đó bằng không.
Chị thấy tội nghiệp cho em. Chị tự hỏi, tại sao em lại là nạn nhân lớn nhất của thói xấu này? Tại sao bọn châu chấu, chuồn chuồn hay bọn sâu róm không bị ngâm? Rồi chị rút ra kết luận: cái bề ngoài của em, cái sự dài của em đã gây ra cho đàn ông một số hy vọng đặc biệt. Nói một cách văn vẻ, em là nạn nhân của chính nhan sắc mình.
Giá em tròn như quả bóng hoặc mong manh như lá vàng, em đã không bị ngâm. Chị không thay đổi được đàn ông. Chị cũng không thay đổi được niềm hy vọng và khát vọng hão huyền của họ. Vậy để tự cứu mình, em hãy cố gắng khác đi. Hãy làm sao để đừng dài và đừng nhanh như thế nữa.
Chị chúc em thành công.


Lê Thị Liên Hoan



Thở đi ! Thở đi con.......











Thở đi,
Thở đi con...
Những bức tranh thư pháp viết vỏn vẹn hai dòng chữ ấy được treo ở nhiều nơi trong Chùa: trong phòng học kinh Phật, ngoài hiên... Sư thầy cho đặt những bức tranh ấy ở những chỗ dễ nhìn, dễ thấy nhất.

Thở đi,
Thở đi con...
Thở ư? Đơn giản mà! Không thở thì làm sao sống? Ai chả thở hàng vạn lần mỗi ngày. Sao sư thầy lại quan trọng cái sự thở ấy thế nhỉ? Thắc mắc đấy, nhưng mình chưa dám hỏi sư thầy tường tận. Nhất định mình sẽ vấn an sư thầy khi có dịp.

Thở đi,
Thở đi con...
Nếu cả đời chả có biến cố gì, mình sẽ không thắc mắc về cái sự thở. Vì khi ấy, trái tim mình nó như mặt hồ không có gió, phẳng lặng, êm ru, nhẹ nhàng từ giây này qua giây khác, từ phút này qua phút khác, rồi ngày qua ngày, tháng tháng, năm năm cũng trôi qua... Mình vẫn thở đều, thở đều... như cái mặt hồ không có gió kia, êm ru... êm ru...

Thở đi,
Thở đi con...
Nhưng rồi cũng có lúc, mình sợ. Sợ mai này, người thân yêu bỏ mình đi mãi. Mình sợ chính mình vì những lời hứa chưa thực hiện được. Trái tim mình buồn, nửa muốn yên bình như mọi ngày, nhưng không được, nửa sợ hãi kia lại trỗi dậy. Những giây phút sợ hãi, nó cứ đập thật nhanh, thật mạnh, nó tức tưởi cùng mình. Hơi thở cũng ngắt quãng, hẫng hụt.

Thở đi,
Thở đi con...
Cũng có lúc mình vui. Ngày còn nhỏ, vui vì bố mẹ may cho bộ quần áo mới mỗi khi Xuân về. Lớn chút nữa, vui vì những trò quậy phá nghịch ngợm của lũ tiểu quỷ... Nhiều lắm, nhiều điều làm mình vui lắm. Bây giờ, trong cái bộn bề của cuộc sống, tự mình phải bươn chải để tồn tại, mình lại càng tranh thủ kiếm tìm từng giây, từng phút để được vui. Lúc vui, con tim nó hân hoan lắm. Nó đập thế nào lúc ấy, mình nào hay đâu. Niềm vui nó lấn át tất cả rồi mà. Hơi thở vì thế cũng thăng hoa theo.

Thở đi,
Thở đi con...
Và có lúc mình yêu, mình hạnh phúc. Trái tim yêu nó bao la, chứ nó không hẹp hòi như bộ não lý trí của mình đâu. Chả thế mà Cụ Hồ đã dạy: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đấy là gì. Khi yêu, con tim nó như muốn nổi loạn, nó bất chấp tất cả những định kiến, những luật lệ, nó chỉ nghe theo nhịp đập tự nó tạo ra mà thôi. Hơi thở khi ấy sẽ ra sao? Nó như không trọng lượng thì phải. Hơi thở không còn là hơi thở nữa. Nó đang tồn tại cùng với chính tình yêu trong tim mình mà! Nổi loạn đấy, nhưng mình thích! Mình thích tim mình, tim mọi người lúc nào cũng loạn nhịp như thế. Thế có tham quá không nhỉ?
Có lẽ là không sao. Tham gì chứ tham yêu: yêu người, yêu đời thì chả pháp luật nào cấm cả. Khi yêu, người ta thấy cái gì cũng đẹp, cũng tốt và chỉ muốn làm điều tốt mà thôi!


Trừ phi,
Trừ phi thôi nhé!
Mọi thứ sẽ xấu biết nhường nào, khi trái tim không còn yêu được nữa!
Thở đi,
Thở đi con...


  
Hoa Hồng Lan




Sunday 24 February 2013

Người Sài Gòn




Khi có ý đi tìm người Sài Gòn, không hiểu sao chưa ra khỏi nhà, tôi đã biết có đi phỏng vấn đến Tết Congo cũng không người nào tự nhận mình là người Sài Gòn gốc ba đời hoặc mấy chục đời cả. Chắc rằng mọi người sẽ hỏi lại tôi: "Sao hỏi chi cái chuyện tào lao, tầm phào hết sức vậy cha nội, kiếm sống được ở Sài Gòn, là người Sài Gòn rồi?".

Thật ra trên khắp thế giới, phần căn cước của một người ít ai phân biệt dân tỉnh lẻ hay dân thủ đô và đó là văn minh căn bản nhất. Riêng ở Việt Nam thì khác. Việc phân biệt dân thủ đô, dân thành phố lớn hay dân tỉnh lẻ, nông thôn, dân kinh tế mới... là chuyện căn bản. Ai cũng biết sự phân biệt đối xử của chế độ hộ khẩu là khắc nghiệt, vấn nạn đó lâu ngày tạo nên cả một gói "tự hào" về địa vị chính trị, kinh tế, văn hóa... dành cho dân có hộ khẩu thủ đô, thành phố trước phần dân cư còn lại của cả nước.


Khi nền kinh tế mở cửa, dù chế độ hộ khẩu vẫn không thay đổi nhưng những yếu tố kinh tế thị trường đã phá vỡ toàn bộ những công dụng chuyên chế của chế độ hộ khẩu. Theo nhu cầu mưu sinh và nhân lực của kinh tế thị trường, dân tỉnh lẻ, nông thôn tràn về đô thị bất chấp chuyện họ sống đời không hộ khẩu hoặc chỉ có cái gọi là chứng nhận tạm trú. Theo thời gian, "đội quân" nhập cư tăng theo cấp số nhân và cả người nhập cư thành đạt, người kiếm sống qua ngày trở thành nguồn dân số bá chủ. Chính nguồn dân số và chất lượng dân số bùng nổ này đã dồn những ai tự huyễn hoặc cho mình dân thủ đô gốc, dân thành phố cố cựu vào hội chứng yếu đề kháng, trở thành những kẻ thất bại.

Nếu ai còn tự cho mình là dân Hà Nội gốc, thật ra đó là lối nghĩ của dân được bảo hộ bởi chế độ hộ khẩu. Họ có thể trưng ra lý do là ông bà, cha mẹ sống ở Hà Nội và họ thừa kế cái gốc người Hà Nội. Cơ sở lý lẽ này là không minh bạch vì trong lịch sử cận đại Việt Nam, theo tìm hiểu, thời Hà Nội cổ, không có chuyện độc đoán, khoanh tròn mực đỏ dân Hà Nội điểm tối ưu và phần dân còn lại chỉ có điểm trung bình kém.

Người Hà Nội trước đây đủ khỏe mạnh, tinh thần và trí thức để rộng tay đón nhận tất cả các nguồn dân cư như đón nhận dòng máu mới, cũng như đủ ứng xử văn minh để biết rằng cực đoan địa phương là ngớ ngẩn. Chuyện dân thủ đô được tôn trọng kính nể, đó là do phẩm chất người, chất lượng từ những công việc phục vụ cộng đồng, quốc gia và được cộng đồng xác nhận trong chuẩn giá trị văn hóa chung, chứ không phải một dạng đặc quyền, đặc lợi.

Người Hà Nội đủ văn hóa để nhìn thấu rằng hiện trạng hư hỏng của xã hội có nguyên nhân. Cả dân tộc, không phân biệt bất kỳ ai, vùng miền nào đều phải gánh chịu hiện trạng hư hỏng tệ hại này. Một giáo sư sinh ra ở Hà Nội di cư vào Nam muốn giấu tên đã nói thật với chúng tôi rằng: "Chỉ thời đại này mới có kiểu tự tôn bệnh hoạn địa phương thượng đẳng".


Mỗi tháng tôi đều đến một tiệm hớt tóc của một ông chủ trẻ trên đường Hồ Bá Kiện. Tuổi chưa đến bốn mươi, anh có tổng cộng ba tiệm hớt tóc. Lần này anh mời tôi hớt tóc, lấy ráy tai ở một tiệm mới khai trương. Cô gái lấy ráy tai cho tôi nói: 'Ổng vài bữa nữa là sắm thêm xe hơi". Tôi hỏi thẳng ông chủ tiệm là anh có mấy chiếc xe hơi rồi, anh chàng nói giọng miền Nam lơ lớ: "Tính mua thêm một chiếc nữa là bốn. Xe tôi mua cho cơ quan, công ty thuê, hợp đồng tính theo năm".

Rồi anh kể: Năm 1980, anh từ Huế vào Sài Gòn làm phụ hồ, khổ "trơ xương", ba năm không biết mùi bún bò, mỳ Quảng là gì". Tôi hỏi anh: "Anh thấy người Sài Gòn thế nào?". Mặt anh ngạc nhiên như người từ sao hỏa xuống: "Rứa, lúc mới vào tôi cũng có nghĩ người trong này ăn ngon, chơi bạo khác người quê tôi nhưng ở vài tháng là tôi thấy chỉ người có tiền là khác". Cái anh chàng chủ tiệm hớt tóc này cũng như hàng triệu người từ nhiều thế hệ đã nhìn thấy Sài Gòn là một nơi kiếm sống, kiềm tiền, làm giàu. Đối với mọi người Việt, tính cả dân thủ đô, Sài Gòn là vùng đất hứa, là một kiểu giấc mơ Mỹ của người Việt Nam.

Một trí thức người Bắc di cư kết luận: "Sài Gòn là đất Phật". Nhiều người bạn ông bàn thêm: "Giá trị rõ nhất của đất Phật, trước tiên, đây là nơi chốn bình yên, bình yên cả trong chiến tranh, thiên tai và những vấn nạn đáng sợ khác có nguyên nhân từ con người. Sài Gòn không có chuyện phân biệt đối xử vùng miền, văn hóa và chủng tộc...".

Nhà báo TG. có lần nói: "Chỉ cần vô Sài Gòn, có một cái bơm xe, ngồi ở vỉa hè Sài Gòn cũng sống được, cũng thoát khổ mà tính chuyện khởi nghiệp". Mỗi người, trong hàng triệu người từ nhiều thế hệ đều có riêng cho mình những kỷ niệm sâu sắc về sự rộng lòng của đất và người Sài Gòn. Có người còn nói nửa đùa nửa thật rằng: "Nếu ai có chí, dám đứng lè lưỡi cho người ta dán tem ở bưu điện thành phố, chắc chắn không thiếu khách hàng".


Tuy nhiên, Sài Gòn cũng có bất công. Điều bất công này không phải do Sài Gòn gây ra mà chính là do không ít người đến với Sài Gòn gây ra. Có thể thông cảm hiện trạng lúc nào họ cũng thương nhớ, ca ngợi nguyên quán xuất thân của họ. Và Sài Gòn cũng dễ quên, không chấp khi có những người nhập cư thành đạt, nên cơ nghiệp, chỉ nhận họ là người thành phố này, tỉnh nọ. Sài Gòn không hề chỉ là Sài Gòn của nơi kiếm tiền, chỉ là một nơi tạm trú bởi đa phần người nhập cư đã hoặc sẽ có khoảng đời sống ở thành phố này dài hơn so với lúc họ sống ở nguyên quán sinh ra. Hãy đến các nghĩa trang, các chùa có để cốt mà xem, hàng triệu người tứ xứ thuộc nhiều dân tộc, nhiều thế hệ đã chọn gởi lại cho Sài Gòn nắm xương tàn.

Một cô bạn của chúng tôi sinh ra ở một nhà bảo sanh trên đường Gò Công, quận 6, có ông bà nội là người Hoa Minh Hương, ông bà ngoại là dân sinh ra ở bến Mễ Cốc, quận 8. Cô nói: "Nếu muốn biết ai là người Sài Gòn thì chỉ cần nhìn cách họ đón tiếp, đối xử với bà con cô bác ở quê lên thăm hoặc lên kiếm việc làm. Bà ngoại tôi mỗi lần gặp bà con là mừng lắm, tấm lòng của người tha hương mà. Ai cũng có họ hàng dây mơ rễ má, chớ có phải ở đất nẻ chui lên đâu".

Theo một ông già chạy xe ôm ở quận Tân Bình, "đất Sài Gòn trước tiên là đất của những tay hảo hớn, bởi chỉ có những người mạnh mẽ từ tâm hồn đến thể xác mới quyết định bỏ xứ ra đi đến đất mới, cũng chính họ mở đường cho con cháu mưu cầu sự sống mới và tự do. Tánh hảo hớn và phóng khoáng là máu huyết căn cơ của người Sài Gòn".

Ở góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản cũ (nay là Điện Biên Phủ) có một cái miếu lớn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh. Nơi đây hàng ngày hàng đêm vẫn nghi ngút hương khói tưởng nhớ những vong linh của tướng quân Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) và các nghĩa binh bị xử chém, vùi xác ở quanh khu Kỳ Hòa, thành Gia Định dưới thời vua Minh Mạng. Một nhà nghiên cứu lịch sử miền Nam có lần nói với tôi: "Không rõ lắm những nghĩa quân này có phải là người Sài Gòn không nhưng tôi tin chắc khi họ chết, họ là người Sài Gòn".



Gia đình bên ngoại tôi có một người anh họ, anh tên là Ba V. Sài Gòn với anh là một thiên đường tại thế, có lần anh nói với tôi: "Tao phục mày quá, sống được ở Sài Gòn". Lời anh đơn giản nhưng chí lý, người Sài Gòn thời nào cũng rất bảnh trong cách nhìn của người địa phương khác. Có người sẽ phản bác tôi rằng: "Người Sài Gòn ngày nay không còn sang trọng nữa". Nhưng trường hợp gia đình anh họ tôi thì lại đồng ý với tôi. Sau 1975 cả bảy đứa con của anh họ tôi đều không đủ ăn đến xanh mặt. Khi Sài Gòn vào thời kinh tế thị trường, cả năm đứa con trai, con gái của anh đều trở thành người Sài Gòn, anh chỉ giữ lại được đứa con gái và đứa con trai út làm người Gò Công cày cấy trên nửa mẫu ruộng hương hỏa. Điều đáng nói là những người con Sài Gòn của anh, dù chỉ làm thợ hồ và nấu bếp ở Sài Gòn nhưng đã đem lại một cuộc cách mạng kinh tế, lối sống văn minh cho cả gia đình anh. Chất nông dân cố cựu của anh không còn như trước, ở anh ngày càng rõ ra cái chất thị dân Sài Gòn do con anh truyền bá.

Tôi có dịp nói chuyện với cô gái người Hà Nội, cô vào Sài Gòn làm nghề báo. Tôi không biết cô có phải là người Hà Nội gốc hay không, cô nói: "Khi mắng cái dân thiếu văn minh ngoài đấy, em có Sài Gòn để chứng minh là trong này người ta không ai làm việc xấu hổ thế". Tất nhiên, không có vùng rộng của lối sống văn minh nào lại không có mặt tệ nạn nhưng cộng đồng thị dân Sài Gòn không có kiểu hí hởn cả tập thể hùa nhau hái hoa Anh Đào của Nhật Bản triển lãm về làm của riêng, cũng không có những vấn nạn không thể tưởng tượng được như chiếm thang máy chung cư, cho thang máy chạy lên chạy xuống liên tục để dỗ con và đút cơm cho con mình ăn ngon miệng.

Không có cái kiểu nghĩ và hành xử như một cô ca sĩ trẻ mà tôi quen. Cô này từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cơ hội thành "sao". Trong thời điểm Hà Đông có quyết định sáp nhập vào Hà Nội, cô luôn miệng tục tằn, gay gắt với những người "đời đời kiếp kiếp" cô không nhận là người Hà Nội dù hàng ngày đang cùng thở, cùng sống ở không gian Hà Nội mở rộng với cô. Chính từ những cách nhìn kỳ thị kiểu này đã xác lập một thứ ranh giới mà ở đó, người ta tự cho Hà Nội như mình đây là tốt đẹp, phần còn lại là tệ hại vì không phải là Hà Nội. Có gì đáng buồn cười và xấu hổ cho bằng kiểu kỳ thị "địa phương thượng đẳng" đó. Và chính đó mới là mầm mống, là nguyên nhân của vô số vấn nạn xã hội.


Vấn đề không phải Sài Gòn không có người nhập cư quê mùa, kém cỏi nhưng cái chính là văn minh Sài Gòn đủ mạnh để hướng mọi người đến phẩm chất tôn trọng lợi ích cộng đồng và tự trọng trong lối sống cá nhân. Hơn 30 năm qua, những ai công tâm sẽ nhìn thấy những dòng người không thể thống kê hết từ miền Bắc vào Sài Gòn để mưu cầu cuộc sống tốt hơn, qua từng cá nhân, họ hàng, thôn làng vào Sài Gòn, vào miền Nam rồi về thăm quê đã đưa về, đã truyền bá lối sống văn minh, vật chất và tinh thần Sài Gòn.

Bạn tôi - nhà thơ, là một người Hà Nội sang trọng, anh vào và chọn Sài Gòn để sống, cũng có thể coi anh là người tị nạn văn hóa ở Sài Gòn. Anh có những kỷ niệm vui buồn sâu sắc dành cho Hà Nội nên mỗi lần về quê trở vào là anh nói: "Mình đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất là thấy nhẹ người".

                                                                                                       Sưu tầm 









 

Saturday 23 February 2013

Yếm thắm hoa vàng và thơ





Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím 
Em có chồng rồi trả yếm cho anh 
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh 
Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi





Mình về mình có nhớ chăng.
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình.
Ta về ta cũng nhớ mình.
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.


                                                                                         Sưu tầm


 

Love Story - Bản tình ca bất tử








Theo lời kể của chính tác giả thì ông tìm được khúc nhạc Love Story vào lúc nửa khuya, ban đầu sáng tác trên 4 nốt nhạc căn bản, nhưng làm như vậy thì lại gần giống với cấu trúc của một giai điệu vô cùng ăn khách hai năm về trước là nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Romeo & Juliette (A Time For Us của Nino Rota). Do vậy trong câu mở đầu của mỗi đoạn ông cho thêm một nốt nhạc, biến thành 5 trong khi các câu kế tiếp chỉ có 4, nhưng có lẽ cũng vì thế mà giai điệu trở nên lâm ly hơn. Hàng thập niên sau, bản nhạc này vẫn không có một vết nhăn, phần lớn cũng vì giai điệu tự nó đã đứng vững, không lời mà vẫn lôi cuốn. Nhìn lại, mỗi bài hát thường có một giai thoại. Trong trường hợp của Love Story, bản tình ca này đã đi vào huyền thoại. Nhiều nhà phê bình cho rằng “Love Story” là một bản nhạc xuất sắc, xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác. Theo bình chọn của Viện Phim ảnh Hoa Kỳ tác phẩm này nằm trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại.



Khi được hãng phim Paramount chuyển thể lên màn ảnh lớn, bộ phim Love Story làm thổn thức rung động hàng triệu con tim trên thế giới với câu chuyện thương tâm của đôi tình nhân trẻ, yêu nhau ở trường đại học, nhưng lại bị gia đình cấm cản ngăn cách. Mối tình dang dở ngang trái giữa Jenny một nữ sinh nhà nghèo với Oliver, chàng trai con nhà giàu trở thành tấn bi kịch đẫm lệ, khi căn bệnh ung thư máu cướp đi sinh mạng của cô gái hiền lành. ......Oli yêu Jenny không tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nào. Với anh, Jenny là tất cả. Một lần Oli quát Jenny… Jenny chạy ra khỏi nhà. Một lúc sau, Oli hối hận và chạy đi tìm vợ, khắp nơi, cho đến tối mịt. Về nhà, thấy Jenny ngồi co ro trước cửa, nói: “Em quên chìa khóa nhà...”. Oli tiến lại gần vợ và thủ thỉ: “I'm sorry...” (Anh xin lỗi). Với giọng run run, vừa vì lạnh, vừa vì xúc dộng, tràn trề tình yêu vói Oli, cô trả lời: “Love means never having to say you're sorry…”. Họ sống khá vất vả cho đến khi cả hai tốt nghiệp trường luật thì cuộc sống đã có phần sung túc hơn. Lúc này, Oli muốn có con nên đưa Jenny đi khám. Hôm gặp bác sĩ để hỏi kết quả, Oli đi một mình, và câu “Jenny is very sick... She is dying” (Cô ấy bệnh… Cô ấy có thể chết) đã làm cả thế giới của Oli sụp đổ. Từ chỗ thầy thuốc về nhà, lặp đi lặp lại, nhạc chỉ chơi đúng 5 nốt đầu của bài Love Story rồi lại bị tiếng còi ô tô chèn vào…

Ở đây điểm ấn tượng của Love Story còn là ở giai điệu nhạc nền. Hình ảnh đầu phim và hình ảnh lúc bộ phim kết thúc là cùng một hình ảnh: một người đàn ông ngồi quay lưng lại hàng rào thép, trong công viên tuyết phủ trắng. Anh muốn kể với mọi người và với chính mình rằng: “Có một người yêu tôi nhiều hơn ban nhạc Beatles và cả Bach...”. Người đàn ông đó vừa mất đi một người yêu anh nhiều hơn bản thân người đó, và anh cũng yêu người đó hơn chính bản thân mình. Nhưng, anh vẫn nói với mình: “Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc”. 

Tác giả Francis Lai quan niệm rằng âm nhạc là một ngôn ngữ không biên giới, chẳng cần đến ca từ mà vẫn có thể ăn sâu vào lòng người. Love Story - Một giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn, miên man dịu dàng, gieo vào hồn người một chút cảm giác bâng khuâng, một thời xao xuyến rung động. Những nốt nhạc trầm khiến cho tâm hồn thoáng buồn, trong lòng khoảnh khắc tơ vương. Giai điệu của tình khúc Love Story vang lên cho những hình ảnh khép lại một câu chuyện tình đẹp và đẩm nước mắt người xem; để đâu đó dưới hàng ghế khán giả, không ít khán giả độ tuổi trung niên ở hôm nay bất chợt hát theo lời Việt mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết cho ca khúc bất tử này: 
Biết dùng lời rất khó
Để mà nói rõ... 
ôi biết nói gì
Cuộc tình lớn quá! - 
Chuyện tình đáng nhớ 
tuy cũ nhưng là biển già trắng xóa 
Cuộc tình quý giá – như những ngọc ngà người giành cho ta - ôi biết nói gì?...


Hoàng Thanh Hải
  (Sưu tầm và lược chỉnh)

P/s: Xin mời các bạn nghe phân  lời Việt mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết cho ca khúc bất tử này qua tiếng hát Lâm Nhật Tiên và Bản tiếng Anh có phđề tiếng Việt:



Biết dùng lời rất khó -
Để mà nói rõ... ôi biết nói gì -
Cuộc tình lớn quá!
Chuyện tình đáng nhớ - tuy cũ nhưng là biển già trắng xóa
Cuộc tình quý giá - như những ngọc già người giành cho ta
Ôi biết nói gì?

Với một lời quý mến - mà người nói đến khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt... Cuôc tình thứ nhất, Muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn...
Vì người đã khiến đôi cánh tay này nghìn đời quyến luyến... Lòng ta đầy kín!

Lòng ta đầy kín! Là muôn ngàn chuyện yêu đương!
Câu hát thần tiên là những mộng huyền mênh mang
Đầy kín hồn hoang - Man mác tình duyên Thôi hết cuộc đời im tiếng -
Đời lẻ loi đã tan... Ta đã được người Làm gì còn tiếng yêu!
Nắm đôi tay thiên thần
Đi suốt muà xuân...

Sẽ còn được biết mấy
Một đời luyến ai!!
Yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn?
Thật là khó đoán - Nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết
Loài người có chết - Sao sáng trên trời ngày nào sẽ tắt... Người vẫn gần ta!









Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên