Powered By Blogger





Wednesday, 21 August 2013

Ngắm trăng Sài Gòn nhớ trăng quê










Saigon mùa trăng Vu Lan 2013

Tối....
Về dọc đường Trường Sa con nước lên cao bàng bạc sóng sánh như giằng xé thứ gì dai dẳng vỗ hai bờ đen trùi trũi. Ngước lên trăng vẫn y như rằm tháng 7 năm ngoái, vẫn âm thầm tròn trịa trên đỉnh toà Bitexco. Dưới quê, chắc mẹ vẫn vậy, vẫn chờ con về ăn quả bắp nướng để sẵn, trăng ở đấy cũng tròn và to lắm, không mọc lên từ những khối bê tông như con thấy mà vin cành tre trĩu xuống như mẹ lúc này vậy. Con vẫn thế, vẫn tha phương đâu đó, cuộc sống đẩy con dần xa mẹ, thỉnh thoảng mới nhớ mà phone cho mẹ chút cho qua chuyện. Rồi con vẫn chưa thực hiện được một điều đơn giản là xây cái hồ bơi cho mẹ để nhà mình cùng nhìn trăng ngâm chân nghịch nước ăn bắp ăn khoai như thời còn cái đống rơm trước nhà. Con thích nhìn trăng ở trên cao ấy, nơi có những đàn chim, những chiếc máy bay lập loè và những áng mây bạc, mẹ lại hay nhìn trăng dưới đáy cái giếng nhỏ ngoài hiên nơi có những cọng rau cọng ngò..., giờ lớn con mới hiểu tại sao....
Con vẫn vậy đến bao giờ đây....

Gã Jonh

Friday, 16 August 2013

Hà Nội và em








Đọc hết 5 bài thơ của Phan Hòa đăng dự thi trên trang “Lời tỏ tình đầu tiên” của mạng xã hội facebook, tôi như lạc vào cả một miền ký ức của tình yêu, ở nơi đó luôn thấm đẫm nỗi nhớ nhung và đôi khi có cả nước mắt. Anh đã cho chúng ta trở lại với những kỷ niệm tình yêu thật đẹp, lúc thì bên bờ dương xanh biển sóng rì rào, khi thì nơi chốn phồn hoa đô thị với dáng liễu rũ bên hồ, hay bên những làng quê ngạt ngào hương đồng nội…nhưng đọc hết cả 5 bài thơ, điều đọng lại trong ta là một nỗi nhớ nhung xa cách, cái nhớ nhung đó nó cứ làm cho ta thấy day dứt, cái day dứt của bao lời thề hẹn rồi cũng phải chia tay…, Nhưng ở bài thơ “HÀ NỘI VÀ EM” thì lại hoàn toàn khác, cảnh chia tay ở đây nhẹ nhàng và sâu lắng, trong đó có sự nhớ nhung nhưng không hề nuối tiếc hay hờn trách…!
Mở đầu bài thơ tác giả đang ở một nơi nào đó thật xa đã đưa ta về với khung cảnh một Hà Nội thật nên thơ, cho ta bắt gặp ở nơi đó những cô gái dịu hiền với mái tóc dài tha thướt…

“Em đang ở nơi đâu? giữa chiều Hà Nội.
Ngắm cảnh Hồ Gươm? hay hóng gió sông Hồng?
Cho anh gửi nụ hôn vào dáng liễu,
Để tóc em dài, xỏa mượt một triền sông…”



Tứ thơ mở ra thật nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng qua, nhưng cũng thật là sâu lắng, “cho anh gửi nụ hôn vào dáng liễu”. Đọc tứ thơ này chúng ta hình dung ngay tới nỗi nhớ nhung, trìu mến của một đôi trai gái đang yêu nhau, họ yêu nhau thiết, mặn nồng nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà phải tạm xa nhau…Nhưng không… chúng ta hãy nghe tác giả nói tiếp:

Em có về thăm lại phố xưa không?
Cái ngõ nhỏ ngày xưa, trường mình sơ tán.
Hai đứa trẻ, chui xuống hầm tránh đạn,
Hổn hển cùng nhau… nhưng không phải là yêu.



Tới đây chúng ta mới vỡ òa… À ! không. Họ không còn là đôi trai gái mới yêu nhau, xét về thời gian, bây giờ chắc họ đã lên tới chức ông, chức bà, nhưng những kỷ niệm một thời thơ ấu vẫn hằn sâu trong trí nhớ…, chàng trai (cho phép tôi được gọi như vậy) bằng một câu hỏi rất nhẹ nhàng “ Em có về thăm lại phố xưa không?…” đã đưa chúng ta trở về với Hà Nội “Một thời đạn bom”, “một thời hào hùng”, nơi tuổi thơ họ đã đi qua dưới mưa bom, bão đạn và những ngày sơ tán, có lúc cả hai phải chiu xuống cùng một căn hầm tránh đạn…
“Hổn hển cùng nhau… nhưng không phải là yêu.”
Một ý thơ rất hay, rất lạ…trong một khung cảnh không gian chật hẹp, yên lặng, có một đôi trai gái bên nhau, cả hai cùng hồi hộp, cùng thở gấp, thậm chí có thể nghe cả nhịp đập con tim của nhau…cái cảm giác mà chắc lẽ trong mỗi chúng ta, ai đã từng yêu cũng đã một lần từng gặp… nhưng ở ý thơ này theo tác giả thì lại… “không phải là yêu”… cái lạ là ở đó…?
Ở hai khổ thơ tiếp theo:


Có phải em đang tha thướt trong chiều?
Cầu Thê Húc, lụa Hà Đông soi bóng
Em còn nhớ , những đêm, mùa trăng sáng:
Chơi trốn tìm… mình vẫn trốn cùng nhau…

Rồi thời gian, vụt bóng vó câu
Em càng lớn, càng xinh như trăng mười sáu
Anh lên đường, chí trai hờn căm nung nấu,
Gửi lại em… Hà Nội của riêng em.






Đọc hết đoạn thơ này ta mới thấy họ đúng là một cặp “thanh mai trúc mã”, tình bạn – tình yêu trong họ đã được nuôi dưỡng từ khi còn tấm bé cho tới lúc bước qua tuổi dậy thì “em càng lớn, càng xinh như trăng mười sáu”…, mối tình ấy sẽ được vun đắp và đẹp biết bao nếu như họ mãi mãi ở bên nhau…. Nhưng rồi… họ phải chia tay bởi chàng trai phải lên đường theo tiếng gọi của non sông, để lại phía sau lưng một người con gái và cả một Hà Nội thân yêu khi mà cả hai chưa kịp nói lời yêu…

Chàng trai đã rời xa Hà Nội… và vì một lý do nào đó anh không còn quay về nơi đó, để rồi cứ mang theo mãi trong mình một ký ức, những kỷ niệm đẹp cứ thế sống mãi với thời gian, ở một nơi xa xôi nào đó, chàng trai vẫn luôn nhớ về Hà Nội, một nỗi nhớ đau đáu, khôn nguôi, nơi có người con gái anh đã từng thầm yêu, trộm nhớ…và cho tới bây giờ anh vẫn giữ mãi tình cảm thiêng liêng ấy, một nỗi nhớ nhung thật nhẹ nhàng, đằm thắm, sâu xa mà không hề oán trách, một sự quan tâm lặng lẽ vượt qua cả không gian và thời gian…vô tận…

Để hôm nay,
Hà Nội, một nghìn năm!
Anh, một nghìn lần yêu em… như thế!
Hà Nội trong anh vẫn vuông tròn nỗi nhớ,
Bởi anh còn: Hà Nội ở trong em…


Thời gian cứ thế trôi mãi mãi và sẽ không bao giờ quay trở lại, có trách chăng, chỉ là anh đã phải vội vã chia tay khi mà…“Lời tỏ tình đầu tiên” chưa kịp ngỏ, Nhưng trong anh nỗi nhớ mãi vuông tròn…Và có lẽ (xin phép nếu là hơi mạo muội) đây là cái ý của tác giả khi tham gia cuộc thi này…???
Phan Hòa đã thành công, thành công khi viết về Hà Nội và tình yêu… chúc cho anh luôn có được những bài thơ hay, đi vào lòng người.
Mời các bạn cùng đọc lại bài thơ này:



Hà Nội và Em 


Em đang ở nơi đâu? giữa chiều Hà Nội.
Ngắm cảnh Hồ Gươm? hay hóng gió sông Hồng?
Cho anh gửi nụ hôn vào dáng liễu,
Để tóc em dài, xỏa mượt một triền sông…


Em có về thăm lại phố xưa không?
Cái ngõ nhỏ ngày xưa, trường mình sơ tán.
Hai đứa trẻ, chui xuống hầm tránh đạn,
Hổn hểnh cùng nhau… nhưng không phải là yêu. 


Có phải em đang tha thướt trong chiều?
Cầu Thê Húc, lụa Hà Đông soi bóng
Em còn nhớ , những đêm, mùa trăng sáng:
Chơi trốn tìm… mình vẫn trốn cùng nhau…


Rồi thời gian, vụt bóng vó câu
Em càng lớn, càng xinh như trăng muời sáu
Anh lên đường, chí trai hờn căm nung nấu,
Gửi lại em… Hà Nội của riêng em. 


Để hôm nay,
Hà Nội, một nghìn năm!
Anh, một nghìn lần yêu em… như thế!
Hà Nội trong anh vẫn vuông tròn nỗi nhớ,
Bởi anh còn: Hà Nội ở trong em…



Thơ: Phan hòa
Lời bình: Hồng Sinh



Bình minh trên bãi biển







 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thành phố này thật tuyệt vời. Tôi đã có những khoảnh khắc rất đẹp khi về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn này.
Giờ này tôi ngồi đây nhìn mọi người tắm biển và tập thể dục, cảm xúc không thể nào tả được. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là xa rồi
 
Xin cám ơn quê hương đã cho tôi những khoảnh khắc không thể nào quên.
 
Quê hương ơi tôi mãi nhớ Người!
 

Trăng Quê

Hà Nội tan vào Hà Lội








1. Hà Nội 



hai mươi năm trước
hồ gươm xanh xanh
cành lá xanh xanh
phố hàng hành
cà phê nhân
anh và em bồng bềnh
chaly trắng
hoa sữa
leng keng leng keng leng keng
anh cười




trong chiếc áo bông
tay cầm hai que kem
mắt em long lanh hương cốm
mùa thu vàng
phố cổ nâu
hồ tây lộng gió




2. Hà Lội
 



hôm nay
những ngày hà nội open
những ngày hà nội giải phóng
cụ rùa bơi từ hồ gươm sang hồ tây
bơi từ hồ tây sang hồ gươm
bơi từ hồ gươm sang hồ tây
rồi lại bơi về
 



em co ro trong chiếc Mẹc ướt đầm
bơ phờ và em chết máy

chiếc áo hàng hiệu mong manh và ướt đẫm
chỉ có chiếc áo mưa 2000 đồng
mới làm ấm lòng em
300 mm
"phố bỗng như dòng sông uốn quanh"
từng đàn xe buýt bơi lội tung tăng
cây lả lướt đổ về đông
cột điện đổ về tây
ta đổ vào nhau

Hà Nội đổ vào Hà Lội


P.s : Tai nghe headphone bài hát của Trịnh Minh Hiền, mắt nhìn hình hà nội lụt. Ôi chao! bài này mình viết cách đây 5 năm - 5 năm cùng một bài thơ không cần sửa 


 Cửa biển Hà Nội
 Đưa em qua sông
 Khách tây đi ghe thăm phố cổ Hà Lội
Bể bơi trên đường phố



Sưu tầm từ Facebook

 

Thursday, 15 August 2013

Đêm buồn đầy tâm sự

 

 

Hải anh,




Đêm buồn lang thang trên mạng và tình cờ đọc được mấy dòng status hay rinh về blog của em. Đọc và suy ngẫm thấy có lý cùng tâm trạng lúc này của mình.

Em hiểu nói ra lời này không tốt nhưng em không thể đề tình trạng này kéo dài. Em và anh cũng đã quá mệt mỏi về những chuyện giận hờn như thế này.Và em cũng không còn đủ sức đề nuôi các con thành tài. Em dần dần kiệt sức vì không một ai thấu hiểu kể cả anh.


Anh cũng quay lưng lại với em. Bỏ mặc em một mình với đàn con thơ dại. Bây giờ đây em muốn mình khờ khạo để nói lên câu nói không phải là của chính mình. "Với em: Tìm một người khác... Để yêu thương,thật sự không khó khăn... Nhưng để: Em yêu đươc họ.... Như cái cách mà em đã yêu thương anh... Xin lỗi: Em làm không được.... Anh chính là người em yêu thương nhất và duy nhất trong cuộc đời em...." "... Em đổi tất cả để có anh... Chứ không bao giờ đánh đổi anh để có tất cả... Anh hiểu không?


Em không muốn là người yêu anh nhất... Em chỉ muốn là người duy nhất được anh yêu.. Thật lòng em chưa bao giờ muốn kết thúc... Vì em cần anh nhất cuộc đời này..." 

Wednesday, 14 August 2013

Thư bác sĩ Hồ Hải gửi giáo sư Nguyễn Minh Thuyết



 
Thưa ông giáo sư,



Vài tuần nay câu chuyện thủ khoa Đại học Y khoa Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến - 29,5 điểm, trong khi những thí sinh khác 27 điểm phải đành gác mộng học y - được báo chí quan tâm quá mức. Tôi không muốn quan tâm vì nhiều lẽ. Nhưng hôm nay đọc báo thấy giáo sư khuyên  Nguyễn Hữu Tiến cần nhập ngũ, tạm gác bút nghiên, nên tôi xin có vài lời tâm sự với ông, vì ông đã từng là đại biểu nhân dân lo cho văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng đất nước này.


Thưa ông giáo sư,


Không biết thời của ông ở tuổi thanh niên, trong khi các bạn ông vào chiến trường để lo cuộc nội chiến nồi da xáo thịt đồng bào của mình, thì ông có cầm súng vào chiến trường như bạn của ông không, mà nay thời bình, ông lại muốn một thủ khoa, mà không phải thủ khoa ngữ văn Việt - và tôi chắc rằng, trong mọi thời đại, mọi quốc gia trên quả địa cầu này điểm tuyển thấp nhất của y khoa luôn cao hơn điểm tuyển cao nhất trong ngành ngữ văn của ông đã từng làm - lại phải lên đường nhập ngũ trong thời bình. Theo như tìm hiểu của tôi thì năm từ 1971 đến 1974 ông đang nghiên cứu tiếng Việt, lúc ấy ông ở lứa tuổi hai mươi.

Cái cách phát biểu của ông làm tôi nghĩ rằng, ông hiểu rằng học y khoa cũng nhẹ nhàng như không cần phải học khi học ngữ văn Việt, thưa ông.


Thưa ông giáo sư,


Hằng ngày ông chắc có đọc báo? Ông có thấy hiện nay nước Việt không thiếu thanh niên đang bị tha hóa đạo đức cướp, trộm, hãm hiếp, giết người? Môi trường quân đội là môi trường kỹ luật tốt nhất để cải hóa con người. Vậy sao không tuyển những thanh niên thất nghiệp, hư hỏng để tòng quân, vừa hợp lý, vừa lại tạo cho những thanh niên hư hỏng có cơ hội trở thành người tốt, trong lúc hòa bình, mà đi gọi nhập ngũ một thanh niên tốt, có khả năng như Nguyễn Hữu Tiến? Dù ông có đem luật ra để lý luận, nhưng liệu lâu nay đất nước chúng ta có được thực thi luật đúng chưa?


Thưa ông giáo sư,


Một số ý kiến cho rằng, nhà Nguyễn Hữu Tiến nghèo không đủ khả năng cho Tiến học y khoa, có thể. Nhưng tôi không rõ là với một thí sinh thủ khoa trường y, liệu có học bổng toàn phần cho Tiến ăn học, nếu Tiến giữ được học lực giỏi trong những năm học y không? Nếu có thì lý do nhà nghèo là không thuyết phục, phải không ông?


Nếu không có học bổng toàn phần cho Tiến học y khoa, thì tại sao, Hoa Kỳ họ sẵn sàng cho học bổng toàn phần cho bất kỳ thí sinh xuất sắc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để học hết những năm đại học, mà nước ta, chỉ lo cho thanh niên ta lại không làm được? Lẽ ra câu hỏi này chính ông phải lo cho thanh, thiếu niên nhi đồng nước Việt đúng hơn là ông khuyên Nguyễn Hữu Tiến nhập ngũ, phải không ông?


Thưa ông giáo sư,


Nếu ông khuyên Nguyễn Hữu Tiến nhập ngũ, vậy tôi xin hỏi ông như thế này, ông thử đặt vị trí ông là cha của Nguyễn Hữu Tiến để xử lý trường hợp này, thì ông có cho Tiến đi nhập ngũ không? Chắc rằng, ông sẽ trả lời là ông sẵn sàng cho Tiến nhập ngũ, nếu ông là cha của Tiến? Nếu vậy, tôi xin hỏi thêm câu nữa, ông có mấy người con, và với tuổi ông chắc chắn con của ông đã nên bề gia thất, và trong số con ông có, có đứa con nào của ông đã từng nhập ngũ không? - nếu con ông toàn con gái thì xem như câu hỏi này không đáng để quan tâm.


Thưa ông giáo sư,


Chúng ta già rồi, đầu chúng ta đầy sạn, vì đã trải qua lắm sóng gió cuộc đời. Một sự kiện bất hạnh lớn trong đời đến với tôi và ông nó không tác động lớn đến chúng ta, không làm tôi và ông khủng hoảng tinh thần, không làm tôi và ông phải suy sụp. Nhưng với một thanh niên trẻ chưa bước vào đời như Nguyễn Hữu Tiến, vừa mới có một hạnh phúc lớn, không chỉ lớn mà vô cùng lớn - đậu thủ khoa trường Y có điểm chuẩn đầu vào cao nhất nước trong hoàn cảnh nghèo - lại rơi vào bi kịch, không được đi học, mà phải gác bút nghiên vào lính. Trong khi bao nhiêu người cùng lứa nhởn nhơ ngoài đời để phá hoại, thì liệu Tiến sẽ khủng hoảng tâm lý đến độ nào, mà ông phải lên tiếng như xát muối vào vết thương lòng của một thanh niên như thế, thưa ông? Làm công tác văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, lo cho quốc gia đại sự bao nhiêu năm, tôi chắc rằng ông hiểu điều này hơn tôi?

Chắc ông đã từng có cảm giác hạnh phúc của bậc sinh thành khi nghe tin con mình đậu đại học? Nếu con ông đậu thủ khoa đại học y thì niềm hạnh phúc ấy sẽ đến đâu thưa giáo sư? Sao ông nỡ lòng cướp đi niềm hạnh phúc ấy của các phụ huynh của Tiến, những người cùng khổ của xã hội đang hy vọng con mình sẽ đổi đời cha ông của nó. Ông đem Tiến ra làm vật tế thần như thế, ông có nên xem lại mình đã đúng chưa?


Tiện đây, tôi cũng xin thưa ông và một số trang báo rằng, đừng đẩy trẻ vào bi kịch bằng sự thiếu hiểu biết của mình bằng những bài báo, và những trả lời phỏng vấn rẻ tiền như bài báo trên. Thiết nghĩ, không có những bài báo và những trả lời phỏng vấn như trên xã hội Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn.


Thưa ông giáo sư và một số trang báo chí,



Tôi viết ngắn, mong ông và báo chí hiểu nhiều - mà tôi chắc rằng ông giáo sư phải có tầm hiểu biết nhiều hơn tôi, vì ông là giáo sư - đừng đẩy xã hội mất cả văn hóa và giáo dục thực sự bằng những phát biểu kiểu dân vận, chạy theo phong trào và vô trách nhiệm với nền văn hóa và giáo dục nước nhà như thế.



Coppy từ blog BS HỒ HẢI
 
 
 

Putin, một Sa Hoàng mới

 
 
 



Lời người dịch: Vladimir Fedorovski là một nhà ngoại giao Liên Xô. Trong những năm 70, ông phụ tá Brejnev trong những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Ả Rập. Từ năm 1985 đến 1990 ông được cử làm cố vấn về ngoại giao cho Gorbatchev trong thời gian perestroika và glasnost. Năm 1990, bất đồng với chính sách tiền hậu bất nhất của Gorbatchev, ông bỏ ngoại giao, làm phát ngôn viên cho ” Phong trào Cải tổ Dân chủ “, chống lại cuộc đảo chính Cộng sản năm 1991. Năm 1995 ông lấy quốc tịch Pháp và trở thành một nhà văn viết tiếng Pháp xuất bản nhiều sách nhất ở Pháp. Sách ông được dịch ra 28 thứ tiếng. Ông mới xuất bản cuốn “Chuyện những Sa hoàng “. Trong cuốn này ông giải mã những bí mật của các vị vua chúa nước Nga thần thánh, bắt đầu từ Ivan người Khủng khiếp (Ivan le Terrible) đến Pie Đại đế, Catơrin đệ Nhị, Nicola đệ Nhị và người cuối cùng là Putin được ông coi là một Sa hoàng mới, người muốn làm sống lại nước Nga hùng cường. Trong cuốn sách này, ông Fedorovski phân tích và chứng minh những động lực bí ẩn của vị chủ nhân điện Cẩm Linh để kết luận là với vị sa hoàng mới này, nhiều bất ngờ đang chờ đợi người Tây phương.  
 
 
Ngày 28 tháng Hai vừa rồi, cuộc gặp gỡ giữa François Hollande và Putin được diễn ra trong một bầu không khí băng giá : vị tổng thống Nga không nhượng bộ một chút nào về sự hỗ trợ của ông đối với chế độ Syri và không một hợp đồng thương mại nào được ký kết. Chuyện đó có gì là lạ khi mà nước Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Bachar el-Assad và cái chuyện lố bịch Depardieu (Lnd: một diễn viên điện ảnh danh tiếng Pháp được Putin trọng vọng và cho lấy quốc tịch Nga) vẫn là hàn thử biểu đo lường chính xác nhất nhiệt độ tâm lý giữa 2 vị tổng thống này ? Lại đúng vào năm 2013 kỷ niệm 400 năm triều đại Nga hoàng Romanov, Mốt Cu thời đại mới chả mong chờ gì những thiện ý đến từ Pari : Putin chả coi ra cái quái gì những lo nghĩ nhân đạo của các người thuộc đảng Xã hội Pháp. Còn những thỏa ước về kinh tế giữa 2 nước : nếu trước những năm 2000, Putin còn có mục đích làm sao cho nước Nga lấy lại được chỗ của mình trên bàn cờ quốc tế bằng cách đổi dầu khí lấy kỹ thuật Tây phương, từ đó đến giờ, Putin trở nên cứng rắn hơn khi suy luận là : “Chúng ta đã cố gắng nghĩ đến lợi lộc Tây phương trong sự đổi chác, nhưng chúng ta đã không được trả lại bằng một trân trọng nào và, đặc biệt là, hệ thống khiên chống tên lửa nhằm chúng ta vẫn được bảo tồn. Vì vậy chúng ta nên coi sự hợp tác chiến lược với Tây phương là hoàn toàn vô tích sự.”

Nhân tâm thời kim tiền



Tụt hậu "nhân tâm"? 
Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi bệnh viện là "nhà thương" (khi Bác về thăm Bệnh viện Vân Đình- 1963). Cái khái niệm "nhà thương" đã gói trọn toàn bộ ý nghĩa của nghề cứu người, thương người.

Thật trân trọng tâm sự say nghề và cũng đầy day dứt của bác sĩ Ngô Đức Hùng đăng trên báo Giadinh.net.vn (ngày 29/7), nếu biết rằng công việc của các BS nói chung, của BS hồi sức cấp cứu nói riêng đang rất quá tải. Mỗi ngày họ phải xử lý khoảng 90-100 bệnh nhân cấp cứu. Mỗi tháng khoảng 3.000 lượt bệnh nhân vào cấp cứu, với 16 BS vừa làm hồi sức bệnh nặng, vừa làm chẩn đoán, tối về, hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức mà vẫn thấy mình dốt.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, và nhiều BS có lương tâm, vẫn lặng lẽ âm thầm với bổn phận cứu người của mình. Bệnh nhân, và xã hội phải cảm ơn họ, vì họ thực sự là những người thầy thuốc có trách nhiệm, có nhân cách.

Sự quá tải của bệnh viện đang là bài toán hóc búa nhất của ngành y chưa có lời giải. Sự quá tải bệnh nhân so với số giường bệnh, số lượng thầy thuốc, điều kiện kỹ thuật, thuốc men, môi trường thiếu vệ sinh, cộng với thói quen sống tùy tiện của người Việt, đã khiến cho bệnh viện có khi thành nơi dễ lây bệnh nhất.



Đã thế, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, xung quanh cái chết của một phụ nữ 43 tuổi (ở Bệnh viện đa khoa Thanh Oai- Hà Nội) do nạo thai "chui" trước đó, bị thủng dạ con không có hướng điều trị kịp thời, lại bị chẩn đoán sai là "ngộ độc thức ăn", ông Đỗ Ngọc Vấn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thanh Oai có một phát ngôn ấn tượng vừa tự nhiên chủ nghĩa, vừa có phần vô cảm giá băng:

Trong cuộc đời làm BS của tôi, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến... vài chục người. Chẳng qua đây là người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới nghi ngờ...

Có thể, đó là sự thật không phải của riêng ông Đỗ Ngọc Vấn. Vì đã là bệnh nhân, phải vào bệnh viện, có người may mắn được cứu sống, cũng có người không may rơi vào lưỡi hái tử thần. Nhưng cũng rất có thể, trước đó, họ đã rơi vào lưỡi hái của sự vô cảm, mà phát ngôn ấn tượng trên liệu có là "chuyện thường ngày" của... cái lưỡi một vị quan chức bệnh viện?

Không BS nào giỏi giang đến mấy tự cho mình có thể chẩn đoán đúng bệnh, chữa khỏi tất cả những bệnh nhân đến với mình. Người Việt chúng ta chưa thể quên, sự nhạy cảm và dấn thân của người thầy thuốc tài giỏi về bệnh truyền nhiễm Carlo Ubarni (người Italia), tại Bệnh viện Việt- Pháp Hà Nội, những năm Hà Nội đương đầu với căn bệnh Sars bí hiểm. Và ông cũng đã nằm xuống bởi chính căn bệnh này. Đến thầy thuốc cũng có thể sinh nghề tử nghiệp là vậy.

Nhưng thái độ người thầy thuốc trước sinh- tử của bệnh nhân, có khi là thuốc chữa bệnh, có khi là... độc dược, thưa ông Đỗ Ngọc Vấn.

Rất đông người Việt cũng chưa thể quên câu chuyện bức ảnh gây sốc cả thế giới "Kền kền chờ đợi" của Kevin Carter, phóng viên ảnh người Nam Phi, mới hơn 30 tuổi, đã đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer. Bức ảnh ghi lại một cảnh tượng kinh hoàng- con kền kền đang rình mò, chờ đợi một bé gái da đen gần như chết khô, đang cố lê mình phía trước.






Tấm ảnh đem lại vinh quang cho Kevin Carter, nhưng mặt sau của giải thưởng danh giá, là sự ám ảnh kinh khủng bởi dư luận xã hội chỉ trích, phẫn nộ lên án anh đã không làm gì để cứu bé gái khỏi con chim kền kền rình mò ăn thịt. Không chịu nổi áp lực, và cả sự dày vò đau đớn, người phóng viên ảnh tài năng đã tự tử.

Đó là cái chết của Lương tâm!

Chợt nhớ tâm sự của BS Ngô Đức Hùng: Tối về, hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức mà vẫn thấy mình dốt. Không biết các BS Bệnh viện huyện Thanh Oai, buổi tối... cày gì nhỉ?

Nhưng trách nhiệm người thầy thuốc, giờ đây còn được...đổ lên đầu phía người dân.

Đó là câu chuyện của Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (Q Phú Nhuận, t/p HCM). Trước hiện tượng trẻ sơ sinh liên tiếp bị tử vong, bệnh viện này đã có "sáng kiến" yêu cầu cha mẹ các bé phải ký giấy cam kết tiêm phòng văc xin viêm gan B cho con, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này. Có nghĩa là nếu có mệnh hệ rủi ro gì cho các bé, thì bệnh viện vẫn vô can?

Cái yêu cầu, nói theo cách nói dân dã của người Việt, là "khôn ranh" ấy, đang bị cả xã hội bất bình.

Xin hỏi, Chương trình TCMR quốc gia là chương trình, chủ trương của ngành y tế, hay của các ông bố bà mẹ đa phần thiếu kiến thức về y học? Nếu sinh- tử đứa trẻ thuộc hoàn toàn trách nhiệm cha mẹ các bé, thì ngành y tế được đầu tư, các bệnh viện từ phụ sản, bệnh viện nhi..., đến các BS được đào tạo ra để làm gì?

Mặt khác, sự quá tải của các bệnh viện, vừa làm giảm chất lượng chữa trị bệnh, vừa là... cây cầu nối tệ hại cho bệnh hối lộ, tham nhũng giữa bệnh nhân với các thầy thuốc. Chính báo Anh mới đây cũng phải có bài bình luận về "bệnh phong bì" trong bệnh viện Việt Nam (VnExpress, ngày 28/7), khi đôn lên thành "văn hóa phong bì". Các BS chữa trị bệnh tật cho bệnh nhân, thế còn phương thuốc nào sẽ chữa trị "bệnh phong bì", không chỉ cho bệnh viện, mà cho cả xã hội chúng ta?

Những vụ việc dồn dập xảy ra, như những tín hiệu S.O.S cho thấy, dứt khoát đã đến lúc, ngành y tế phải nhanh chóng thực sự có một cuộc cải tổ- theo cách gọi thời thượng- là "tái cơ cấu" lại ngành, gắn với sự thay đổi mạnh mẽ cơ chế quản lý kinh tế- chính trị- xã hội. Để VN không chỉ tránh tụt hậu về kinh tế- xã hội, mà còn tránh cả tụt hậu về... "nhân tâm"?

Tầm cao hay thấp?

Chuyện của ngành y chưa lắng xuống, chuyện của giáo dục, của người Việt trẻ lại nổi lên, cho thấy tư duy quản lý ngành GD, của Đoàn TN đều đang có vấn đề.

Sau chủ trương tức cười "cộng 02 điểm cho Bà mẹ VN anh hùng thi đại học", mới đây, lo ngại trước tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các tỉnh cao chót vót, ngành GD& ĐT quyết định sẽ cắt thi đua nếu các tỉnh tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp (?), khiến cả xã hội lại tiếp tục nửa cười nửa mếu.

Về hình thức, có vẻ như chủ trương này cho thấy Bộ GD&ĐT quyết liệt chống lại "bệnh thành tích" trong thi cử.

Nhưng về bản chất, đó cũng là thứ tư duy hình thức.

Ngược dòng lịch sử thi cử, có thể thấy: Sau năm 2007, năm đầu tiên triển khai "Hai không", tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp chỉ 67%, một tỷ lệ khá thực chất nhất từ trước tới nay. Thì tiếp những năm sau đó, các tỉnh cùng "lội ngược dòng" ngoạn mục- phút 89. Trong khi những điều kiện giáo viên, trường sở, phương pháp..., hầu như không thay đổi bao nhiêu. Hiện tượng "lội ngược dòng" đó, sở hiểu, những người am tường GD hiểu. Chỉ ngành GD ngoảnh mặt đứng...làm ngơ. Vì sao?

Vì "màu cờ sắc áo" của các trường, của sở, của chính quyền địa phương, và của chính ngành nữa.

Trước áp lực dư luận xã hội về căn bệnh dối trá trầm kha trong GD, khi chính ngành thú nhận việc chấm ngẫu nhiên 17.000 bài thi của 16 tỉnh cho thấy có sai phạm rất lớn, thì việc cắt thi đua nếu tăng tỷ lệ tốt nghiệp, cũng vẫn chỉ là chữa bệnh đằng ngọn, mang tính đối phó dư luận, bất chấp số phận của hàng vạn học sinh.

Bởi điểm trong tay các thầy. Chấm nới rộng hay hẹp, tăng hay giảm tỷ lệ tốt nghiệp là việc có thể và nhãn tiền.

Nhưng "nhãn tiền" hơn là cái gốc của một nền GD- "học để thi" hoàn toàn không thay đổi: Chương trình, SGK nặng nề, phương pháp khô cứng, lạc hậu..., thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hay thấp, hoàn toàn không phản ánh giá trị thực, hay sự cố gắng của ngành.

Từ tỷ lệ đỗ cao chót vót, đến cắt thi đua nếu cao chót vót- vẫn là hai thái cực của thứ tư duy hình thức, nặng bệnh thành tích mà thôi!

Không chịu thua ngành GD, mới đây, Thành Đoàn Hà Nội huy động tới 1.000 thanh niên tình nguyện chỉ để thi công một đoạn đường giao thông nông thôn 700 m, có tổng giá trị 1,5 tỷ đồng, tại xã Phùng Xá, Thạch Thất- Hà Nội. Trong đó, 1,3 tỷ đồng dành cho nguyên vật liệu, 200 triệu đồng là tiền ăn, ở, đi lại cho các thành viên tham gia làm đường.



Đoạn đường do 1.000 thanh niên tình nguyện thi công do bị cụt nên nhiều người muốn ra đoạn đê cách đó 100m phải... lội bộ.


Nhìn tấm ảnh mật độ người thi công dày đặc, cứ ngỡ đó là một cuộc mít tinh phong trào thời bao cấp.

Trước phản ứng của dư luận xã hội cho rằng cách làm đó nặng tính phô trương, lãng phí, ông Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư thành Đoàn HN lại cho rằng:

Giá trị của con đường không nằm ở các con số đó... Chúng tôi muốn có tiếng vang để hiệu triệu đoàn viên thanh niên hướng tới những hoạt động như vậy.

Đúng là việc làm này của Thành đoàn HN cuối cùng cũng đã gây được tiếng vang, nhưng là tiếng vang sâu sắc... xấu.

Bởi nếu con đường biết nói, nó sẽ nói gì nhỉ: Giá trị của tôi (con đường- KD)... quá đắt so với giá trị thực tế, thưa đồng chí Phó Bí thư thân mến!

Thời cuộc đã thay đổi. Những thang bậc giá trị cũng đã thay đổi rất nhiều. Thế nhưng, nếu Thành Đoàn Hà Nội vẫn giữ tư duy cũ kỹ, cách lãnh đạo ồn ào, hình thức không hiệu quả, thì hoặc các vị đó quá tự tin về năng lực quản lý của mình, hoặc đánh giá quá thấp tư duy và sự đổi thay các thang bậc giá trị xã hội!

Vàng và... bạc

Đã qua rồi, cái thời người viết bài này, khi đến thăm một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia vừa mới xây xong ở một tỉnh đất học cho hàng nghìn học sinh, đã sững sờ khi thấy trường không hề có nhà vệ sinh (do cách phân cấp đầu tư lúc đó). Các cô giáo hoàn toàn phải "nhịn" suốt một ngày dài dạy học. Tận mắt thấy mà rùng mình.

Giờ đây, một số trường học ở ngay những huyện khó khăn như Minh Long, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Hà (Quảng Ngãi), ở Hương Thọ (thị xã Hương Trà- Thừa Thiên- Huế), có thể ngẩng cao đầu sánh vai với nhà vệ sinh của các trường học các quốc gia giầu có, bởi được đầu tư đến mức, được người dân gọi- nhà vệ sinh "dát vàng".

Bởi giá thành của các nhà vệ sinh quá khủng, khi diện tích chỉ trên dưới 30 m 2, nhưng đầu tư tới 500- 600 triệu đồng/ nhà. Còn khi nhìn hình ảnh các thiết bị bên trong được dát bằng loại... rẻ tiền, xộc xệch, cửa nhà vệ sinh nữ cũng không có, người ta có quyền đặt câu hỏi, vàng được dát cho nhà vệ sinh, hay dát vào túi ai?

Được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra các nhà vệ sinh "dát vàng". Nghe mà nể cho "sức ăn" của một số người Việt, từ các Vinakhủng trở đi...

Nhưng có lúc, vàng cũng thành rất... bạc.

Đó là câu chuyện ồn ào của thành phố Đà Nẵng mới đây, xung quanh việc t/p này có khả năng sẽ kiện vài ba "nhân tài" trong số 300 người được nhận học bổng của Đề án 922 của t/p tài trợ (600- 800 triệu đồng/ người), đã và đang du học ở nước ngoài, với điều kiện học xong sẽ trở về t/p phục vụ lâu dài. Nửa đường, một số "nhân tài" này lại tự ý rẽ ngang, bất chấp hợp đồng đã ký.

Đà Nẵng là một t/p có nhiều chính sách mới, táo bạo cho sự phát triển. Thế nên vụ việc một số "nhân tài" chạy làng, khiến cho các t/p đang muốn học tập Đà Nẵng trải thảm đỏ, bỗng trở nên thận trọng, cảnh giác.


Dù muốn biện bạch khôn khéo kiểu gì, phải nói, đó vẫn là hành động thiếu sòng phẳng và không đẹp của vài ba "nhân tài" nào đó. Vì tiền hỗ trợ họ chính là tiền thuế của dân đóng góp để họ có điều kiện thành tài. Tài năng đâu chưa thấy, đã thấy hiện lên cái tài "lách" khôn vặt, mà người Việt vốn hay mắc phải, nhưng đôi khi lại ngụy biện là sự thông minh.

Cũng tiếc thay cho một vài vị GS lên tiếng bênh vực và biện hộ vụ việc này, cho rằng: Đa phần trí thức không thích bị ràng buộc, nếu đối xử thô bạo sẽ ảnh hưởng rất lớn tinh thần của họ. Đặc biệt, các tổ chức tài trợ học bổng nước ngoài sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Thật ngạc nhiên vì sự nhầm lẫn khái niệm và lo xa không đúng chỗ. Đúng là đa phần trí thức không thích bị ràng buộc, vậy vì sao vài ba trí thức tương lai này lại... thích ràng buộc với Đề án 922? Hơn nữa, cái nhìn thiếu thiện cảm của ai đó, nếu có, không phải dành cho t/p Đà Nẵng, mà nên dành cho sự tính toán... bạc bẽo, trước thiện chí của cả cộng đồng t/p, mới là lẽ phải, là đạo lý thông thường.

Chưa biết thành phố Đà Nẵng sẽ xử lý vụ này ra sao. Nhưng bài học "nhân tâm" trong thời kim tiền, ở các vụ việc ấn tượng trong tuần, chắc chắn không của riêng ngành nào...

Kỳ Duyên

Muốn bỏ nghề







Thế là cuối cùng điểm chuẩn của trường y Hà Nội là 27,5. Điều ấy có nghĩa là hàng loạt những học sinh giỏi bị rơi rụng trong kỳ thi nay. Một thông điệp được gửi tới các bạn trẻ đó là: nếu bạn muốn theo học trường ý thì bạn phải tự tin rằng môn nào bạn thi cũng phải đạt điểm mười.

Mình có đứa cháu thi ba môn được 10 điểm vẫn đậu vào cao đẳng y như chơi. Đừng coi thường nhé. Chắc gì một bạn đậu thủ khoa khi ra trường đã tìm được việc làm ngon như cháu mình. Như người ta nói, con người ta may mắn có số cả. Sẽ còn nhiều những bất công khi chúng ta con phải sống và tuân theo những tiêu chí:
 
Nhất quen
Nhì quyền
Tam tiền
Tứ.....
Và tài năng sếp ở phía dưới cùng 
 
 
Bạn Nguyễn Hữu Tiến đậu thủ khoa của trường Y Hà Nội nhưng ông bố đang lo sốt vó vì không có tiền cho con ăn học. Hơn mười năm qua ông phải lên Hà Nội sống tạm bợ khắp vỉa hè, lều bạt,  ống cống làm đủ nghề đề lấy tiền nuôi các con ăn học, giờ đến lượt Tiến Nhà nước hoàn toàn không có trương trình đãi ngộ ưu tiên cho những tài năng trẻ. Chắc lại lại phải trông chờ vào lòng hảo tâm của những mạnh thường quân. Lại có ông đại biểu Quốc Hội khuyên thủ khoa nên nhập ngũ....chẳng lẽ sắp đánh nhau với Trung Quốc rồi sao mà quân đội cần cả những thủ khoa ra trận. Đành rằng đi nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm, là quyền lợi của mỗi thanh niên, ví dụ như Hàn Quốc chẳng hạn . Nhưng nêu vậy thì tất cả mọi người dân phải phải tham gia quân đội. Nhưng trên thực tế mình thấy rất ít những thanh niên con nhà giàu, những cậu ấm của cán bộ lãnh đạo phải đi lính. Thế mới thấy ở Anh thật bất công. Làm hoàng tử cũng phải đi lính.

Hôm qua bác sĩ Vân Anh than thở trên Facebook: Lại thêm một trường hợp đánh y bác sĩ bị thương ở Hà Tĩnh. Chiều nay ngay tại phòng khám bệnh viện có bệnh nhân chửi thẳng vào mặt bác sĩ vì vợ xin thuốc nhưng bác sĩ không cho theo ý bệnh nhân. Riết rồi pháp luật và đạo đức con người ở đâu? Muốn bỏ nghề quá....

Mình nhổ răng cho bệnh nhân, hỏi bệnh nhân làm nghề gì. Anh ấy nói làm lái xe. Hỏi lương mỗi tháng bao nhiêu. Anh nói mỗi tháng tám triệu. Mình giất mình. Quay sang các em sinh viên thực tập mình nói: các em học ngành y gì cho cực. Ngành ý đâu có gì sướng đâu. Học sáu năm ra trường lương không bằng anh lái xe học sáu tháng. Trong xã hội chỉ có ba nghề được tôn vinh gọi là thấy. Đó là thầy giáo, thầy thầy thuốc và thầy bói. Trong đó thầy bói là nhiều tiền nhất. Hai cái thầy còn lại chỉ dành cho những người lãng mán, sống xa rời thực tế.

Chiều qua chuông điện thoại rung báo có tin nhăn quen thuộc. Xem xong tin nhắn buồn muốn chết. Đang mừng là từ tháng bảy sẽ được tăng lương. Ai dè tăng đâu chả thấy, thấy tải khoản lại ít đi. Cứ nghĩ bệnh viện phát triển, lên hạng, thời gian làm trong bệnh viện nhiều hơn thì lương sẽ nhiều hơn, ai dè càng ngày lại càng ít đi. Cõ lẽ tình hình này là tình hình chung, và còn kéo dai, khi mà bức tranh kinh tế nước nhà ngày càng phủ một màu u ám. Muốn bỏ nghề quá bác sĩ Vân Anh ơi. Không biết có nên viết đơn xin thôi việc gửi cho bác sĩ Bình không ta?!..........

Thôi nganh y toàn chuyền buồn, nói nhiều thêm mệt , vào Trang: Yêu lắm nữ sinh Y Dược trên facebook ngăm những khuôn mặt sinh viên y khoa cho lòng nhẹ bớt
 
 



Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên