Powered By Blogger





Wednesday, 10 July 2013

CSGT là nghề hạnh phúc nhất Việt Nam?

 
 
 


Hưởng ứng “Ngày Hạnh phúc 20/3” của Liên Hiệp Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã ra quyết định lấy ngày 20/3/2014 là “Ngày Hạnh phúc” Việt Nam.

Được biết, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Tuy nhiên, có vẻ những ý nghĩa ấy là chưa đủ và không có gì đặc biệt với cái ngày gọi là "Ngày hạnh phúc". Ở một đất nước có chỉ số hạnh phúc hàng đầu thế giới như Việt Nam, nếu chỉ bắt chước theo thế giới thì quả thật rất nhàm chán mà lại không tạo được dấu ấn riêng. Vì vậy, nên chăng trong dịp đặc biệt mà ai cũng muốn vui vẻ ấy có lẽ người ta nên giành một phần quan trọng để tôn vinh nghề hạnh phúc nhất ở Việt Nam, tôn vinh những con người không chỉ vui với lý tưởng của công việc mà còn rất hạnh phúc khi được thực hiện công việc của mình, đồng thời mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác.

Vậy theo bạn, nghề nào là hạnh phúc nhất hiện nay?  
 
 
Có lẽ sẽ còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Bác sĩ, giáo viên, kinh doanh, hay chính trị gia... ? Bởi chúng ta có rất nhiều nghề danh giá, có ý nghĩa để lựa chọn và xứng đáng được tôn vinh trong ngày trọng đại ấy nên những tranh cãi có lẽ sẽ tiếp tục kéo dài nữa. Tuy nhiên, theo ý kiến của cá nhân tôi, ở Việt Nam, Cảnh sát giao thông (CSGT) mới là nghề hạnh phúc nhất. Hẳn ai cũng có thể nhận thấy, tầm quan trọng và vai trò to lớn của CSGT cuộc sống hiện nay. Là lực lượng trực tiếp chiến đấu chống lại các hành vi vi phạm luật giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn khi di chuyển cho người dân, có lẽ không ai dám tưởng tượng nếu một ngày nước ta thiếu vắng lực lượng này, mọi chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng nào.
Tuy nhiên, cũng sẽ có người đặt ngay câu hỏi liệu công việc mà suốt ngày "múa gậy", phơi nắng mưa trên đường, luôn bận rộn đến mức "tối tăm mặt mũi" vào những dịp lễ tết, những khu vực tập trung đông người thì có gì mà hạnh phúc?

Vấn đề là nếu bạn chỉ nhìn nhận được như thế về CSGT thì rõ ràng là quá ít ỏi và thiển cận.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã rơi vào khủng hoảng, suy thoái, thậm chí là liên tiếp rớt đáy, lao vực ... chính vì vậy mà mức đóng góp cho Nhà nước ngày càng giảm mạnh, thu nhập của những người trong ngành cũng liên tục bị cắt giảm. Duy chỉ có một vài ngành trong đó có lực lượng CSGT là luôn đảm bảo nguồn thu, số tiền phạt vi phạm giao thông được lực lượng này thu về không những là khoản đóng góp lớn mà còn liên tục tăng trưởng nhanh và ổn định.  
 
 
Người ta hay nhắc đến việc CSGT bị giao chỉ tiêu khoán phạt, mỗi năm một tăng lên và dường như năm nào các anh, chị cũng đã không quản thời tiết khắc nghiệt, tận tình thực hiện nhiệm vụ để đảm báo đủ định mức. Báo cáo của bộ Tài chính cho biết chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đạt 2.540 tỉ đồng, đây quả là con số không nhỏ và đáng tuyên dương trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Năm 2012, Công an Hà Nội được Bộ Công an giao chỉ tiêu phải xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông gần 500 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2011 và con số này cũng được các chiến sĩ xuất sắc hoàn thành.

Không chỉ vui vì đảm bảo công việc Nhà nước giao phó, CSGT còn có niềm hạnh phúc bởi tính chất công việc có sự linh hoạt mang lại hạnh phúc cho người dân và cả các anh, các chị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây có lẽ cũng là lực lượng dễ mềm lòng nhất trong số các lực lượng của ngành Công an bởi sự thường xuyên biết lắng nghe, thấu hiểu và tạo điều kiện cho những người vi phạm.

Vi phạm an toàn giao thông là điều mà không ai mong muốn, bởi vậy người dân luôn có vô vàn lý do để trình bày cho những vi phạm của mình. Nếu không phải là những người nhân ái, biết lắng nghe và có lòng thương người thì có lẽ không bao giờ CSGT chịu nghe người dân trình bày kể lể hoàn cảnh dưới sự khắc nghiệt của thời tiết nước ta. Tuy nhiên mặc mưa to, nắng gắt, mặc đường bẩn bụi mù...CSGT luôn tạo ra những sự linh động nhất định trong công việc của mình, đưa ra hình thức chung chia với người dân để hai bên cùng có thể hạnh phúc. 
 
 
 
Một CSGT, nếu cứ theo đúng nguyên tắc lập biên bản, xử phạt mọi trường hợp vi phạm, chắc chắn cuối năm chiến sĩ ấy sẽ được xướng tên trong danh sách cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua... Tuy nhiên, rất nhiều CSGT do cảm thông với hoàn cảnh của người vi phạm đã sẵn sàng bỏ qua những danh hiệu bản thân có thể đạt được, tạo điều kiện để giảm mức phạt cho, giảm những rắc rối của thủ tục hành chính cho người dân. Hành động không màng lợi ích riêng vì niềm vui của người dân ấy rõ ràng đã đem lại hạnh phúc rất lớn cho người bị phạt mà cũng không hề khiến CSGT phải buồn bã. Có lẽ cũng chỉ mình CSGT là lực lượng chức năng có đủ bản lĩnh và khả năng để khiến những người bị xử phạt phải hạnh phúc, cảm ơn rối rít. Và những điều này chỉ có nghề hạnh phúc nhất mới có thể đạt được.

Gần đây, trong dư luận xuất hiện ngày càng nhiều những định kiến và chưa thật hài lòng với cung cách phục vụ, cũng như tư thế, tác phong và văn hóa ứng xử của CSGT. Có rất nhiều hành vi chưa đẹp mắt về CSGT khi làm nhiệm vụ, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân. Một số CSGT đứng ở chỗ khuất tầm nhìn, vị trí bị che chắn để bắt xe vi phạm, nghe điện thoại di động, đút tay túi quần, ngồi quán nước khi làm nhiệm vụ; trong khi xử lý vi phạm có thái độ, lời nói gây căng thẳng, ức chế với người vi phạm. Không ít CSGT chỉ tập trung bắt lỗi, xử phạt người vi phạm, hoặc tư lợi cá nhân...  
 
 
 
 
Chính vì vậy mà vào tháng 4/2013 các khóa tập huấn "Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ cảnh sát" do Công an TP.HCM tổ chức đã được người dân cũng như chính lực lượng CSGT hưởng ứng và ủng hộ rất nhiệt tình. Mục tiêu của khóa học là chấn chỉnh tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của CSGT với người dân khi thực hiện nhiệm vụ. Nhiều người gọi vui, đây là khóa “học cười với dân” nhằm nâng cao uy tín, giữ gìn hình ảnh đẹp của CSGT trong mắt người dân. Thử tưởng tượng, trong mỗi lần bị xử phạt, người vi phạm nhận được nụ cười của CSGT thì những lo sợ sẽ theo nụ cười ấy vơi đi bao nhiêu? Người dân cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để dũng cảm trình bày hoàn cảnh, những điều không may dẫn đến hành vi vi phạm để rồi mỉm cười hạnh phúc khi được lắng nghe, cảm thông và được gợi ý việc chung chia đem lại thuận lợi cho cả hai bên.

Việc tôn vinh nghề hạnh phúc nhất trong Ngày hạnh phúc không đơn giản chỉ là hành động gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với những đóng góp của lực lượng CSGT trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo trât tự an toàn giao thông trong cả nước, mà còn như những lời động viên chân thành nhất gửi đến các chiến sĩ để họ tiếp tục cố gắng cười nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn, qua đó đem lại hạnh phúc nhiều hơn nữa cho bản thân và người dân Việt Nam.

Thiết nghĩ những hành động như thế đáng làm hơn rất nhiều so với việc học tập Ngày hạnh phúc y hệt của nước ngoài, không có gì nổi trội hay tạo nên ấn tượng riêng của Việt Nam.

Trang Anh
 
 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên