Cách đây vài tuần, vài phóng viên hỏi tôi về việc ông David Dương, CEO của một công ty thu nhặt rác trúng gói thầu 2.7 tỷ đô la của thành phố Oakland, California. Tôi không biết gì về ông David Dương và về ngành quản lý rác nên từ chối trả lời.
Theo chủ quan, bất cứ một công ty Việt kiều nào sống được trong môi trường cạnh tranh của Mỹ đều có sự kính nể của tôi. Doanh nghiệp CWS của ông David Dương thành công quá hay đẹp thì sự thán phục của tôi là đương nhiên và tuyệt đối.
Tuy nhiên, tuần rồi khi ghé Saigon, tôi được một người bạn học cũ mời xuống vùng đồng bằng Cửu Long dã ngoại và thư giãn trên sông nước Tiền Giang. Một đứa cháu của ông đang làm Bí Thư một quận nhỏ là “chủ xị” (host) và theo phong tục, chuyện “nhậu” suốt ngày là một truyền thống của cả dân tộc Việt, chứ không riêng gì vùng này. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là trong ngày thứ sáu, cả bộ quản lý hành chánh của quận đều say xỉn thế này thì ai lo phục vụ các “ông bà chủ của đất nước”. Ồ, chuyện nhỏ mà bác. Ngày nào không nhậu thì đời mất đi mất phần. Nghe tụi nhỏ hát nè…em ơi, có bao nhiêu năm….
Rồi họ nhắc đến ông David Dương và con số 2 tỷ 7 khế ước. Tôi giải thích. Hợp đồng là cho 20 năm đồng nghĩa với 135 triệu đô mỗi năm. Để phục vụ nhu cầu rác cho số dân 400 ngàn người của Oakland, công ty CWS phải đầu tư vào hơn 100 xe rác mới, 250 nhân viên…và nhiều cơ sở phụ thuộc khác, có thể lên đến cả trăm triệu đô. Ai đã từng làm dịch vụ chăm sóc khách hàng ở Mỹ đều hiểu cái khó tính và thích kiện thưa của dân Mỹ. Tóm lại, để thu về 135 triệu đô mỗi năm, ông Dương sẽ bạc tóc rất nhanh vì như luật Murphy,” if anything could go wrong, it will…”.
Rồi nói đến chuyện tiền bạc. Ngoài việc chạy quanh các ngân hàng để lấy tài trợ cho dự án, ông Dương còn phải trách nhiệm hàng ngày cho hệ thống điều hành, lương và phúc lợi cho hơn vài trăm nhân viên (rất nhiêu khê với lao động Mỹ) và ngàn thứ việc ly ty khác. Tất cả đều cần tiền ứng trước. Bù lại, nếu mọi chuyện trôi chảy êm thắm (cần hiệu năng tối đa cộng vài phép lạ) và không bị một sự cố hay tai nạn gì (Murphy’s law), cổ đông của CWS có thể kiếm khoảng 4 triệu đô lợi nhuận mỗi năm (tôi dùng con số tốt nhất từ các công ty cho ngành nghề này là 3% theo S&P).
\
Nếu ông Dương làm chủ 50% tổng cổ phiếu thì thu nhập hàng năm từ khế ước này là 2 triệu đô. Sau khi trừ thuế, ông có thể đem về nhà hơn 1.5 triệu đô. Đây là con số đáng trân trọng vì thu nhập trung bình của dân Mỹ chỉ hơn 50 ngàn đô. Đây là công lao xứng đáng vì ông Dương đã phải vất vả xây dựng doanh nghiệp mình suốt 20 năm qua trước nhiều thử thách và nghịch cảnh.
Trên đường về lại Saigon hôm đó, người bạn cười với những chi tiết này. Ông nói thằng cháu bí thư của ông cũng có thu nhập khoảng đó mỗi năm, mà không “tóc bạc” như ông Dương. Ngoài việc nhậu với thủ hạ và đối tác “làm ăn” mỗi ngày, cháu ông chỉ cần có mặt với đầy đủ “phong bì’ trong các tiệc cưới, đám ma, đám giỗ, tiệc sinh nhật, tiệc thượng thọ …của gia đình các “xếp”. Nỗi lo duy nhất của anh ta là gan thận xuống cấp, máu nhiễm mỡ, đái đường…vì ăn nhậu.
Ông bạn làm tôi thêm “guilty” vì những lời khuyên các bạn trẻ Việt về việc khởi nghiệp và tìm cho mình một con đường độc lập. Đứa con ông bạn đi trên xe bình luận,” chú rất có lý, nhưng nghĩ cho cùng, gia nhập đàng Cộng Sản để làm quan…vẫn là một lựa chọn khôn ngoan hơn. Chú cứ đợi, trong 20 năm, cháu sẽ kiếm tiền gấp trăm lần ông David Dương và bảo đảm là sẽ không có sợi tóc bạc nào”.
Alan Phan
Theo: blog Alan
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!