Có rất nhiều quan điểm khác nhau đánh giá về cuộc sống của người Hà Nội và cuộc sống của người Sài Gòn.
Có người cho rằng người Sài Gòn sống cởi mở hơn, thoáng hơn, đơn giản và khoáng đạt, muôn mặt và đa dạng, thiên về “thú vui vô tư” chỉ làm những gì họ muốn, trong khi đó người Hà Nội sống cực đoan hơn và thiên về chính trị hơn.
Nhưng cũng có người lại cho rằng sống ở Hà Nội an ninh hơn, cảm thấy an toàn, ít xô bồ hơn, văn hóa đặc sắc hơn, quyến rũ vì màu sắc riêng với nét văn hóa Việt Nam mang tính truyền thống hơn Sài Gòn. Trong khi đó Sài Gòn không khác các thành phố khác như Bangkok, Manila. Thật ra các ý kiến trên đều xuất phát từ góc nhìn chủ quan của cá nhân và chúng ta nên tôn trọng các ý kiến đó như một sự tham khảo cần thiết. Để hiểu kỹ và thật khoa học về cuộc sống của người Hà Nội và cuộc sống của người Sài Gòn từ đó có những đúc kết tinh tế về phẩm chất, tính cách vùng miền đòi hỏi cả một quá trình nghiên cứu khách quan không đơn giản và cảm tính được. Mỗi người đều có quyền đưa ra ý thích, chọn lựa của mình nhưng sẽ là quá vội vàng nếu đóng khung, kết luận một tính cách hoặc phẩm chất mang tính đặc thù vùng miền nào đó.
Đồng thời cuộc sống luôn xê dịch, du nhập và phát triển nên tính cách, phẩm chất vùng miền sẽ khác nhau theo thời gian, và không gian sống. Chúng ta không khó nhận ra rằng, tính cách, phẩm chất đặc trưng của người Việt bao gồm người Hà Nội, người Sài Gòn theo thời gian và không gian sinh tồn đã liên tục bị biến đổi theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Trước, có những giai đoạn người Việt có bản tính chung là rất cần cù lao động, hiền lành, chất phác, chân thật, giờ đây những tính cách và phẩm chất ấy bị lu mờ đi không ít thậm chí là bị tàn phai.Vậy thì những tính cách, phẩm chất và lối sống của người Hà Nội và người Sài gòn ngày hôm nay có thể nói đã khác xa với những gì mang tính truyền thống được ấn định bấy lâu. Và chúng ta đã đến lúc không nên ru ngủ mình bởi những huyền thoại của quá khứ nữa mà cần nhìn thẳng vào những sự thật dù rất dễ mếch lòng, rất dễ cảm như bị xúc phạm.
Tiến sĩ Alan Phan đã thẳng thừng phát biểu :Thực tình mà nói về văn hóa hay về bất cứ điều gì khác của hai thành phố này, tôi thấy nó rất là xấu xí, từ vấn đề kiến trúc, cho tới vấn đề con người, cho đến vấn đề hạ tầng cơ sở. Nghĩa là môi trường sống có thể nói rất tệ hại. Một trong những nơi tệ hại so sánh như những quốc gia mà tôi từng đi qua, mà tệ hại nhất là Nigeria hay là Bangladesh, còn tất cả nơi khác đều có môi trường sống tốt hơn Sài Gòn hay Hà Nội .
Tôi nhớ một lần có một nhà báo khi đến tỉnh Quảng Nam đã thẳng thừng phê phán những gì còn rất yếu kém của tỉnh Quảng Nam làm cho các vị lãnh đạo của tỉnh nóng máu lên đòi phản công lại, thì ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó là lãnh đạo UBND tỉnh đã đưa hai cánh tay dang ra làm dấu “bình tĩnh” và ông nghiêm nghị nói : Đã đến lúc chúng ta phải tập làm quen nghe những lời như thế.
Vâng chúng ta những người Hà Nội và Sài Gòn dù yêu thành phố của mình đến đâu cũng đã đến lúc phải tập nghe những lời có phần “cay độc” và cứ cho là quá khích đi chăng nữa của ông tiến sĩ nổi tiếng ưa châm chọc kia. Bởi vì sự xấu xí về đô thị, sự lơi lỏng về lối sống văn hóa ở hai đô thị lớn nhất nước này rõ ràng là một sự thật dù nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Và, trước hết nó chính là sản phẩm do người Hà Nội và người Sài Gòn chúng ta góp phần tạo ra.
Ở đây không còn là vấn đề "Sài Gòn hay Hà Nội - ở đâu đáng sống hơn" nữa, mà chỉ còn nỗi đau đáu trăn trở cho cả người Hà Nội và người Sài Gòn là đã đến lúc chúng ta phải cùng hành động trả lại, bồi đắp thêm các giá trị tinh thần, văn hóa, phẩm chất đích thực mà bao đời nay bản thân Hà Nội và Sài Gòn tạo dựng nên với niềm tự hào chính đáng để chúng là không gian “đáng sống” cho bất cứ ai sống ở đó.
Lưu Trọng Văn
Theo Một thế giới
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!