Trong một thế giới đầy bất an và nhiều hiểm họa, chúng sinh ngụp lặn trong bể khổ mênh mông thì chỉ số hạnh phúc của người Việt thực sự là một kì quan đáng ngưỡng mộ. Thứ hạng hạnh phúc cao ngất và ổn định trong nhiều năm qua đẹp như trong những giấc mơ hoa.
Năm 2009, tổ chức News Economics Foundation (NEF) nghiên cứu 143 quốc gia để xếp hạng hạnh phúc . Trong danh sách xếp loại, xứ sở sương mù Anh Cát Lợi ngoi ngóp ở thứ hạng 74, dân xứ Cờ hoa bê bết ở hạng 114 thì Việt Nam đứng thứ 5! Năm 2012, trên đường đua hạnh phúc, người Việt tiếp tục vượt lên, ngoạn mục chiếm bảng á khoa . Chỉ vài ngày trước, bộ Nội vụ kết hợp với Ngân hàng Thế giới trịnh trọng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng 80% dân chúng nước Việt hoàn toàn hài lòng về dịch vụ hành chính công của xứ sở mình.
Những con số khiến bất kỳ con dân nước Việt nào nghe qua cũng toát mồ hôi vì sững sờ. Tôi thành thật tin rằng nếu Goehthe vĩ đại của nước Đức còn sống, cụ phải sửa câu nói bất hủ của mình, rằng “cây đời đang héo rũ nhưng lí thuyết thì vĩnh viễn mướt xanh!”.
Muốn “thưởng lãm” tâm trạng hài lòng của người dân với dịch vụ công thế nào, xin mời đến các bệnh viện công, nhìn đám bệnh nhân và người nhà vật vờ lên xuống tất hiểu rõ. Muốn trãi nghiệm hành trình các loại giấy tờ, xin hãy tự mình đi làm một cái sổ sở hữu nhà đất. Muốn học bài học về các thủ tục xét duyệt, mời theo chân các nhà giáo nghèo dạy học ở vùng sâu vùng xa, trường kì phục vụ sự nghiệp trồng người, tóc đã hoa râm, đang ngóng chờ ngày về lại thành phố.
Xã hội vui đến mức khi bước vào một dịch vụ công, được đón tiếp bằng những nụ cười hay một câu hỏi thân mật, người dân sẽ giật bắn người vì sửng sốt!
Hãy quay lại với chỉ số hạnh phúc cao ngất của người Việt và tìm hiểu xem vì sao có những kì tích vẻ vang như vậy.
Mọi sự xếp hạng đều qua những tính toán khoa học từ các số liệu thực tế của ngành thống kê. Khoa học này đạt đến những thành tựu vĩ đại nhưng khi bước chân vào xứ An Nam đều “phán bảo” những kết luận “trớt quớt” cả. Nói nghiêm túc thì đó là những kết luận hoàn toàn ngớ ngẫn.
Kết luận ngớ ngẫn vì dữ liệu thực tế không chính xác. Sự vô trách nhiệm của những nhân viên lấy thông tin góp phần quan trọng trong thành tích không mong muốn này? Có một yếu tố khác, đó là tính cách và văn hóa của người Việt. Với đa số lao động nghèo thành phố hàng ngày sấp ngửa kiếm ăn thì tinh thần trách nhiệm công dân trong việc trả lời các phỏng vấn là một tố chất phù phiếm. Vậy nên khi hỏi họ các câu hỏi dạng “trắc nghiệm khách quan” kiểu như “Ông bà có hài lòng về vợ/ chồng mình không? Ba sự lựa chọn sau:
a) Chung thủy và có trách nhiệm với gia đình.
b) Bình thường.
c) Hư hỏng, đổ đốn”
Những người có chút am hiểu văn hóa Việt đều biết rằng người được hỏi phần nhiều chọn “phương án a”. Lý do ư? Đây là giấy tờ “văn bản của nhà nước” chứ không phải chuyện giỡn chơi. Chẳng lẽ lại vạch áo cho người xem lưng? Có gì đóng cửa bảo nhau nhé. Nếu người phỏng vấn lại được ông khóm trưởng dẫn đến thì cái sự hài lòng là tột đỉnh. Vì sao ư? Nếu dấu hiệu tiêu cực để lại trên giấy trắng mực đen thì cái bằng “Gia đình văn hóa” cuối năm coi như mất đứt.
Với tầng lớp công chức nhà nước, mỗi năm đều có tổng kết thi đua, chưa kể các cuộc vận động lập thành tích chào mừng ngày này ngày nọ, các đợt học tập và làm theo người nọ người kia. Tất cả phải viết bản thu hoạch. Bản thu hoạch có nhiều mục và mục “thống soái” luôn luôn là “tư tưởng chính trị đạo đức”. Người viết cắm cổ ghi cái câu có sẵn trong tiềm thức: “Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng. Luôn luôn chấp hành đầy đủ mọi chủ trương chính sách nhà nước”. Vậy nên mới có chuyện khi cả cơ quan chuẩn bị nạp thu hoạch là một ai đó xung phong viết một bản, thường là tìm ngay trên mạng, sau đó chỉnh sửa ngày tháng, tên cơ quan, tên cuộc vận động và “se” (share) cho mọi người. Năm qua đi, tháng qua đi, cái sự vô cảm, cái sự lười nhác và vô trách nhiệm ấy trở thành một “hiện thực sống động”.
Và nếu phải chọn phương án nào trong câu hỏi về xã hội, tỉ lệ hài lòng luôn luôn áp đảo. Không hài lòng ư? Đã bắt đầu có dấu hiệu suy thoái đạo đức, mất phương hướng, chậm tiến rồi nhé. Bút sa gà chết, nếu gặp phải một ông sếp quá nhiệt thành và nhạy cảm thì đường công danh coi như từ nay xin vĩnh biệt!
Chút cắn rứt lương tâm với trí thức An Nam được thoa lên bằng thứ dầu cù là của các mỹ từ đạo đức rất hiệu nghiệm.
Dù đạt được thành tựu ngoạn mục trên trường Quốc tế trong bảng xếp hạng hạnh phúc, báo chí An Nam muốn chứng tỏ đức khiêm nhường và tự trọng khi không hề có sự tung hô như vẫn thường thấy. Chỉ có những bài viết thể hiện sự băn khoăn đầy tự ti mặc cảm. Sao vậy cà? Thế giới công nhận, tại sao mình lại không? Tại sao không nhân dịp này tổ chức chiến dịch quảng bá rầm rộ cho thương hiệu “Hạnh Phúc Việt?”
Người Đức lập viện Goethe, dân Trung Hoa có viện Khổng Tử. Người Việt mình nên theo gương đó, lập viện “Hạnh Phúc Việt”, mang hạnh phúc gieo trồng cho mọi quốc gia dân tộc. Đó là sứ mạng cao quý của loài người mà An Nam mình nên mau mau gánh vác!
Nguyễn Hoa Lư
Theo Blog Nguyễn Hoa Lư – tintuchangngayonline.com
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!