Tôi gọi cầu Long Biên là đường về nhà. Giờ đây nó là đường về nhà của hầu hết là những người lao động nghèo, đi làm bằng xe đạp và xe máy. Nó cũng là đường về của nhiều đôi trai gái thành phố, những cụ già, những toán khách du lịch nước ngoài đủ mọi lứa tuổi…, họ đến đây để tìm về một không gian rất khác của Hà Nội, một không gian với những nét rất riêng, xưa cũ, đường như đang chết đi cùng cây cầu rất đẹp này...
Cầu Long Biên là một không gian rất khác của Hà Nội
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, trước khi chia tay Hà Nội về Huế (để nghỉ hưu) cũng đã đạp xe qua cầu Long Biên, và ông đã làm một bài thơ rất xúc động về cây cầu có hơn 110 năm chứng kiến thăng trầm của Thăng Long-Hà Nội:
“…Cầu Long Biên gù lưng người phu già
Sớm chiều cõng chuông qua sông
Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội
Chiếc cầu đi suốt đời ta
Ròng ròng huyết mạch
Đầy vết đao binh lửa
Dạy ta vượt lên sóng gió
Làm người
Ba mươi năm
Ta lại đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ
Trong sớm thu dịu ngọt
Nghe sông Hồng vặn mình trong cát
Gió rít mỗi trụ cầu
Thấy màu mắt những anh hùng trong thép
Thấy những sóng người dào dạt
Trùng trùng lớp lớp đi xa…”
Cầu Long Biên, mỗi lần đi qua đó tôi đều có cảm xúc rất lạ, đặt chân lên cầu từ phía Long Biên là có cảm giác bắt đầu vào Hà Nội, sau lưng là quê nhà, và ngược lại, khi lên cầu từ đường Trần Nhật Duật, thì lại có cảm giác Hà Nội đã ở sau lưng mình rồi. Cây cầu này nối hai vùng đô thị rất khác, cái khác ấy rất khó diễn đạt thành lời, có lẽ chỉ những người sống ở hai đầu cầu mới thấm, cũng là Hà Nội đấy, mà là hai Hà Nội khác nhau…
Mỗi cư dân Hà Nội, dù là dân gốc hay những người nhập cư, đều mang trong mình một hình ảnh ấm áp, thân thuộc hay một kỷ niệm nào đó về cầu Long Biên. Và với rất nhiều người Việt, có khi chưa đặt chân tới Hà Nội bao giờ, thì cây cầu này vẫn là một biểu tượng của Hà Nội, gắn liền với Hà Nội. Cõ lẽ chẳng cần một sắc phong chính thức nào thì cầu Long Biên đã hiển nhiên là một di sản của thủ đô. Cũng có thể bởi vì điều đó quá hiển nhiên, cho nên người ta đã quên đưa cây cầu này vào danh mục di sản cẩn bảo tồn, tôn tạo chăng?
Cầu Long Biên - đường về nhà của những người lao động nghèo
Với hơn 110 năm tồn tại, cây cầu này là chứng nhân lịch sử của Hà Nội từ thời Pháp thuộc, qua hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc trong thế kỷ 20 và ngày nay, thời bình và thời kỳ đổi mới. Nó là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại của Hà Nội. Không những thế, ở tầm vóc quốc tế, đây còn là công trình kiến trúc kỳ vĩ, tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển kỹ nghệ rực rỡ đầu thế kỷ 20. Những điều này, chẳng cần những chuyên gia uyên thâm, người bình thường có chút hiểu biết, đều có thể thấy được…
Tôi ước mơ, một ngày nào đó, sẽ được nhìn ngắm và đi trên cây Câu Long Biên nguyên vẹn như hơn trăm năm trước. Cho đến bây giờ, ngoài cầu Long Biên và có lẽ là cầu Nhật Tân (sắp hoàn thành), chắng có cây cầu nào bắc qua sông Hồng trên địa phận Hà Nội, có giá trị thẩm mỹ và gợi cảm hơn. Những cây cầu khác đơn thuần chỉ để đi qua. Thế nên, cái ý tưởng di rời Cầu Long Biên đi chỗ khác để làm di tích tham quan, nại lý do là để nguyên thì tốn kém tiền đền bù, chi phí cao, không thuận tiện cho giao thông của đô thị hiện đại, hoặc cầu đã quá cũ, hết tuổi sử dụng… là một ý tưởng rất thiếu trách nhiệm. Nếu ý tưởng này được thực hiện, nó có thể tạo xúc tác giúp “đẻ” ra các ý tưởng khác, ví dụ di dời Hoàng Thành Thăng Long ra chỗ khác để xây dựng một công trình mới nào đó phục vụ nhu cầu hiện tại…
Phá Cầu Long Biên hoặc dỡ ra mang đi nơi khác, với một số người, là mất đi đường về nhà gần gũi và thân thuộc nhất, còn với nhiều người, là phá đi một con đường nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai nữa./.
Phạm Kinh Bắc
Theo VOV online
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!