Mr.Bull (theo GHC)
Bạn đừng khinh chê hoàn cảnh của bạn - Nơi đó là chỗ cho bạn hành động, đau khổ và chiến thắng..
Monday, 31 March 2014
Tháp Eiffel - Nhân chứng về tình yêu và những cuộc đời khác
Eiffel trong một ngày mưa ở Paris năm 1889. Ảnh: CNN.
Hôm nay ở Paris đang là một ngày ít mây và nắng. Bầu trời có thể không giống như trong bức ảnh mà tôi với bạn thấy trên đây, nhưng đó là bức hình đẹp nhất về Eiffel mà tôi biết.
Bức ảnh chụp Eiffel trong một ngày mưa rào năm 1889 được CNN đăng tải. Tòa tháp trong mưa như những tất yếu của tự nhiên không thể tránh khỏi, nhưng ở bên dưới con người vẫn vô cùng lạc quan say sưa trong tình yêu đôi lứa và cả tình yêu cho Eiffel nữa. Với nhiều người, Effel đã là một tình yêu!
Đúng 13 giờ 30 phút ngày Chủ nhật 31 tháng 3 năm 1889, dưới chân tháp là Gustave Eiffel - vị kiến trúc sư, người khai sinh ra Eiffel đang tiếp đón khách mời. Còn trên cao là một lá cờ, phấp phơi trong những tiếng hoan hô, rượu sâm panh,...
Thế là Eiffel đã vắt mình qua một phần tư thời gian đầu tiên của thế kỷ thứ hai tồn tại.
Một người yêu Paris!
Đã 125 năm trôi qua mà tháp Eiffel vẫn là tình yêu lớn giữa lòng Paris hoa lệ. Và khi đã yêu thì ai chẳng muốn giữ là của riêng mình!
Nhiều người cất giữ Eiffel của riêng họ trong những tấm ảnh. Nhiều người khác gửi tình yêu trong những tấm bưu thiếp mà tiếng Pháp gọi là Carte Postale. Nhưng có lẽ chẳng ai như ông thầy của tôi - đã mang cả mô hình tháp Eiffel đặt lên nóc nhà, để ngày ngày đi dạy học chỉ cần ngoái nhìn sang phía bên cửa sổ là có thể nhận ra cái nóc nhà đặc biệt của mình.
Bạn có quyền hoài nghi về điều tôi vừa kể, nhưng nếu muốn bạn có thể kiểm chứng bằng cách đến khu nhà B trường đại học của tôi (đại học Ngoại thương Hà Nội), vào một lớp học bất kỳ phía hành lang phải (từ tầng 3 trở lên) để đảm bảo bạn có thể nhìn thấy tháp Eiffel thu nhỏ mà tôi vừa kể.
Hoặc có cách khác đỡ tốn công hơn, hãy hỏi bất kỳ ai từng học tiếng Pháp tại trường tôi, họ sẽ kể cho bạn nghe về người thầy tuyệt vời đó - chắc chắn sẽ nhiều và kỹ hơn những gì tôi có thể kể trong bài viết này. Bởi hôm nay, tôi muốn dành thời gian cho một điều tuyệt vời khác - La tour Eiffel.
Eiffel: Yêu và ghét
Với một người yêu mến nước Pháp và trân trọng Eiffel đến tận cùng, chắc hẳn thầy tôi sẽ không ưa gì nhà văn Guy de Maupassant và cũng phải "ngán ngẩm" vì một thời đã có nhiều người không hề thích Eiffel.
Guy de Maupassant là một trong những người nổi tiếng ghét công trình này, đến mức ông thường lui tới ăn trưa ở nhà hàng ngày bên trong tòa tháp vì cho rằng đây là nơi duy nhất ở Paris giúp ông không phải nhìn thấy tháp Eiffel. Ý nghĩ đó thật là lạ, ít nhất với những ai yêu Eiffel. Nhưng chính ý nghĩ có phần điên rồ ấy lại hé lộ một sự thật, đó là ở bất kỳ nơi nào tại Paris, bạn đều có thể nhìn thấy Eiffel.
Bỏ lại mọi tiếng cười chê như cách thời gian bỏ lại những gì là quá khứ, Eiffel hiên ngang đứng giữa trời thủ đô, sống giữa đời thường bận rộn của những người Paris và dần dần cũng trở thành trái tim của Paris, bên cạnh những Bảo tàng Louvre, Khải hoàn môn, đồi Montmartre,... Để rồi từ hiện tại, người ta nhìn lại và thấy rằng, đó còn là một biểu tượng của cách mạng công nghiệp, như những đường ray xe lửa được xây dựng khắp nước Pháp và nhiều nơi khác trên thế giới.
Vậy Eiffel đã bao nhiêu năm tuổi mà vĩ đại đến thế? Sẽ không khó để tìm ra câu trả lời nếu chịu khó lướt qua những tờ báo lớn của Pháp trong ngày hôm nay 31/3/2014 - đúng 125 năm sau ngày ra đời của tòa tháp cao nhất thế giới (cho đến tận ngày bị soán ngôi bởi tháp Burj Dubai tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất).
Chuyện về tòa tháp nổi tiếng nhất thế giới - biểu tượng của các "Parisiens" (dân Paris) - nhiều đến nỗi, dẫu có không được đặt ở vị trí bắt mắt nhất của một tờ báo nhưng những gì viết về nó, cả về số lượng lẫn sức nặng gửi gắm trong từng con chữ, vẫn có thể dư sức làm cho độc giả phải choáng ngợp.
Trong sự say sưa của những niềm tự hào và cả những hoài niệm về những câu chuyện sử mà cuối cùng đã đến lúc được kể, thi thoảng vẫn bắt gặp những mẩu chuyện nhỏ đầy thú vị xung quanh những lầm tưởng của không ít người rằng, Eiffel chỉ đẹp ở bề ngoài hay nhờ những khung hình ánh sáng lộng lẫy mà ai cũng có thể cảm nhận bằng mắt thường.
Đo độ cao bằng... bước chân!
Ai cũng biết tháp Eiffel cao 324 mét nếu tính cả ăng-ten trên đỉnh, nhưng trong buổi khánh thành hôm đó, người ta đã nghĩ ra một cách đo chiều cao mới. Không cần máy móc và cũng chẳng cần phải là kỹ sư công trường, một khách mời được bịt mắt và bước đi từng bậc từ chân tháp cho tới đỉnh. Tổng cộng 1792 bước chân. Quả là một kiểu đo đạc kỳ công để tương xứng với một công trình vĩ đại. Kể từ đó về sau, cái tiền lệ tốn công ấy được duy trì cho đến hiện tại khi phần lớn những ai đến tháp Eiffel rồi cũng sẽ trèo lên tới đỉnh tháp mới chịu quay về (theo Le Monde).
Từ khi đi vào hoạt động, Eiffel đã đón 250 triệu khách tham quan, kể từ 10 năm nay trung bình có từ 6 đến 7 triệu khách tham quan mỗi năm.
Sống hơn một cuộc đời
Cùng với lượng khách đến càng đông, năm tháng cũng dần nhiều thêm, khiến cho tôi tự hỏi liệu Eiffel có đang ổn hay không bởi dẫu sao đó cũng chỉ là một công trình. Thật bất ngờ, hóa ra tòa tháp được Gustave Eiffel thiết kế chỉ để tồn tại trong vòng 20 năm, mà tính đến nay đã 125 năm trôi qua.
Đến đây có hai câu hỏi mấu chốt cần đặt ra: thứ nhất, chính quyền Paris đang làm gì để Eiffel có thể tiếp tục tồn tại và thứ hai, điều gì khiến cho Eiffel đứng vững lâu đến vậy, ít nhất đối với khả năng tồn tại 20 năm của nó?
Eiffel còn là chốn của những người thích "riêng tư"
(Ảnh: Bảo Thanh).
Trả lời cho câu hỏi đầu tiên, có thể thấy Paris hiện vẫn duy trì việc sơn lại định kỳ 7 năm một lần cho tòa tháp nhằm chống rỉ và trang trí lại màu với khoảng 60 triệu tấn sơn được sử dùng mỗi lần.
Hiện tại, nhiều công trình bên trong vẫn đang được tu sửa và nâng cấp để việc tham quan trở nên thuận lợi hơn. Chẳng hạn như xây thang máy bên trong, nhưng đây lại là công việc tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn người ta tưởng.
Năm 2008, khi quyết định nâng cấp thang máy phía Tây tòa tháp được quyết định, kế hoạch dự kiến chỉ mất 2 năm và 12 triệu euro nhưng cho đến hiện tại công trình này vẫn chưa thể đi vào hoạt động, dự kiến sẽ phải mất 6 năm và 36 triệu euro để hoàn thành.
Với chi phí như vậy, đây có thể sẽ trở thành chiếc thang máy đắt nhất thế giới. Vì thế mà nhà báo của tờ Le Monde, Denis Cosnard trong bài viết gần đây đã gọi đó là một "công trường thảm họa". Trước đó, cũng có nhiều ý kiến chỉ trích số tiền để sơn cũng như trùng tu lại công trình tháp Eiffel là rất tốn kém. Nhưng chính từ những phê phán đó, mà câu hỏi thứ hai được đặt ra ở trên cũng tìm ra câu trả lời.
Dẫu khoản chi phí bỏ ra không nhỏ, nhưng Paris vẫn luôn làm mọi cách để Eiffel tiếp tục tồn tại. Đó là vì Eiffel đã trở thành biểu tượng không thể thiếu và quan trọng là vì tình yêu, sự tôn kính mọi người dành cho nó.
Người ta tin rằng, vì tình yêu và sẽ bằng tình yêu mà Eiffel tiếp tục tồn tại!
Cách để Eiffel, từ một công trình được thiết kế để tồn tại trong 20 năm nhưng được giữ gìn suốt 125 năm chính là tình yêu. Paris không thể không tu sửa Eiffel bởi hàng triệu người vẫn đến mỗi năm. Chẳng phải vì tình yêu và sẽ bằng tình yêu của cả thế giới mà Eiffel tiếp tục tồn tại sao?
Vậy mỗi người đều có thể là "người hùng" giúp cho Eiffel tiếp tục sống 125 năm và lâu hơn. Nếu coi 20 năm đầu là một cuộc đời trên bản vẽ, thì việc Eiffel đã sống 115 năm nữa là nhờ tình yêu của tất cả. Eiffel đã tồn tại nhờ tình yêu lớn của mọi người. Vì vậy, 20 năm có trở thành vĩnh cửu hay không còn phụ thuộc vào tình yêu mọi người dành cho Eiffel những năm về sau.
Quay trở lại câu chuyện đầu tiên. Thực ra, tôi không rõ ông thầy kính mến của tôi còn có ngụ ý gì sâu xa nữa không khi đặt mô hình tháp Eiffel thu nhỏ trên nóc nhà, nhưng với nhiều sinh viên Francophone, nó đã trở thành thứ nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Pháp và cả nước Pháp nữa.
Đã là người yêu cuộc sống, thì ai cũng sẽ muốn sống nhiều hơn một cuộc đời. Và hãy để tình yêu đó lan tỏa như mối tình với tháp Eiffel mà người thầy đã truyền cho thế hệ học trò.
Theo: Gafin.vn
Hoa gạo tuổi thơ
Cho tôi về lại tuổi thơ tôi
Về với miền xưa, thưở xa xôi
Xiết tay bạn cũ trên đường cũ
Nghe kỷ niệm xưa dâng chơi vơi ...
Hoa gạo Thành Nam tuổi thơ tôi
Tháng ba thắp lửa cháy ngang trời
Từng chùm bông nhỏ trôi trong gió
Như ước mơ đầu - ôi tinh khôi!
Nhớ những đêm đông rét nứt môi
Cha nhường chăn ấm đắp cho tôi
Thầm mong gạo nở như tin báo:
Đã sắp tàn đông, nắng ấm rồi
Nhớ chiều tháng ba hoa gạo rơi
Hoa rơi đỏ đất, cánh tả tơi
Chị tôi thơ thẩn gom hoa rụng
Chợt nhớ: nhà ta gạo hết rồi!
Nam Định tháng ba hoa gạo ơi
Cháy hết lòng đi, cháy đỏ ngời
Tháng ba rồi sẽ quay trở lại
Nhưng tuổi thơ thì đã mãi trôi...
30.03.2014
Lưu Minh Phương
Tình yêu anh là sau, là muộn nhưng sẽ là mãi mãi!
Nhận được tin nhắn của em vui đấy, nhưng rồi lại buồn ngay được. Em ốm mấy hôm rồi chưa khỏi, giờ lại còn sốt thêm. Sắp đến ngày đi rồi, em ráng khọi bệnh nghe! Thương anh , em hãy tự biết thương lấy mình em nhé!
Ngày thứ sáu sắp qua rồi. Mai là thứ bảy, mốt là chủ nhất. Từng ngày nghỉ cuối tuần chậm qua, nhưng rồi cũng sẽ phải qua để một tuần mới đến. Những ngày xa em hai ngày nghỉ cuối tuần đến là anh buồn. Những ngày em ở đây, những ngày đó là những ngày hạnh phúc. Lúc nào chúng ta cũng ở bên nhau cả. Chúng ta cùng đi chơi, đến làm khách bạn bè. Đôi khi chúng ta làm một chuyến đi xa về vùng ngoại ô và chúng ta quấn lấy nhau trong thế giới riêng của hai đứa. Mặc cho bài vở còn nhiều, mặc cho mưa nắng, tuyết rơi ngoài phố chúng ta cứ đam mê ân ái. Thế giới lúc đó đâu cần ai khác nữa, thế giới lúc đó chỉ cần có anh và em là đủ....
Những ngày mới xa em anh nhớ lắm những ngày nghỉ cuối tuần ấy. Nhưng bây giờ anh không muốn nhớ nhiều nữa, vì du sao chúng cũng đã qua rồi, chúng đã thành kỷ niệm. Từ bây giờ anh sẽ nghĩ về những ngày sắp tới. Chỉ còn một tuần nữa là em sang với anh rồi. Chúng ta sẽ lại ở bên nhau hạnh phúc phải không em. Chúng ta sẽ lại dành tặng cho nhau những ngày tình ại đẹp như mơ phải không em?!
Anh còn nhớ những ngày đầu mùa hạ. Khi đó cả anh và em đều bước vào mùa thi. Quả thật có qua nhiều việc phải làm, nhiều bài phải học. Nhưng rồi kỳ thi cũng qua, lại lo tới chuyện em về. Bận thật đấy nhưng anh cũng không quên viết nốt cho em cuốn nhật ký, và em cũng vậy, viết cho anh thật nhiều. Những gì em viết trong đầu anh cứ lưu giữ mãi:
" ....Hai tháng hè dài lắm anh ơi. Em biết ở nơi đây anh sẽ nhớ em, và em ở Sài Gòn cũng sẽ nhớ anh. Anh ở lại đi làm chắc sẽ rất vất vả, nhưng đừng qua vùi đầu vào công việc mà không nhớ em anh nhé. Em đi chơi sẽ không quên anh đâu
Chúc anh ở lại vui vẻ như có em ở bên cạnh vậy. Em về, qua em sẽ bù lại cho anh những ngày hè xa cách. Hôn anh thật nhiều..."
Hai tháng hè dài sắp qua rồi em ạ. Anh chỉ hiếu kỳ là em sẽ bù đắp cho những ngày khổ sở của anh như thế nào đây. Liệu có đủ đầy, có toại nguyện cho anh không em. Em có biết anh tham lam tình cảm của em lắm không?!
......
Đêm. Anh nhớ em. Em nhớ anh. Em gửi tin nhắn cho anh lúc 1h 07 phút...
.......
......Em không ngủ được. Em khóc nè anh ơi. Em dỗ cho anh đừng khóc đi. Thứ bảy buồn, em buồn và nhớ anh lắm. Anh ngủ rồi ư? Dậy tí đi anh...
Anh đâu có ngủ được. Anh đàng ngồi nhớ em nè, em yêu của anh! Viết nhật ký cho em đã dài mà nào có vơi đi nỗi nhớ. Em đỡ sốt chưa? Em ôm mà tim anh đau. Cứ như em là máu thịt trong anh vậy.
Đã bao lần anh gọi tên em trong đềm buồn xa vắng, dù biết mình chẳng thể được gì. Đôi khi anh còn tự lừa dối mình là em đang ở đây trước mặt anh, đang tâm sự với anh. Yêu em thật nhiều và nhớ em biết bao khi không gặp được em. Sài Gòn có gì vui không em? Dù có vui, dù có nhiều đam mề thì cũng đừng quên anh, mà hay yêu anh như những ngày em ở bên anh, hay nhiều hơn thế nữa..Anh sẽ hạnh phúc khi cuộc đời này luôn có em bên cạnh. Anh hứa sẽ yêu em trọn đời.
Tâm ạ! Anh thực sự cần có em trong cuộc đời này. Tuy tình yêu của anh đến với em là sau, là muộn nhưng anh tin và hy vọng nó sẽ là mãi mãi. Anh yêu em, anh yêu em nhiều lắm, nhưng không biết tình yêu này có đủ lớn để làm bờ cho thuyền tình em đỗ bến. Một ngày gận nhất em hãy nói với anh rặng sẽ ở mãi ở bên anh em nhé. Hãy cho mình sớm ở bên nhau.
Thôi khuya rồi anh ngủ nhé em yêu. Em cũng nhắm mắt lại ngủ đi. Nụ hôn anh sẽ hôn khô những giọt nước mắt của em. Muốn được nhìn em ngủ. Muốn được giang tay ra để làm gối cho em kê mái đầu. Anh sẽ ghì sát em vào ngực anh. Muốn ghì thật chặt cho mùi hương tóc em sẽ cho anh giấc ngủ thơm tho nồng nàn.
Kalomna 19-20/8/2005
T. Hải
Sunday, 30 March 2014
Bài phát biểu về Ukraine khiến nước Đức dậy sóng
Ông Gregor Gysi, Chủ tịch Khối nghị sỹ Đảng Cánh tả Đức, đảng đối lập lớn nhất của Nghị viện Liên bang Đức trong nhiệm kỳ hiện tại, đã có một bài phát biểu bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về cách ứng xử của Nga, Đức, EU trong vấn đề này. Ông Gysi đã mạnh mẽ lên án sự can thiệp vào vấn đề ở Ukraine của cả Nga và Liên minh châu Âu.Bài phát biểu đáng chú ý của ông Gysi được đưa ra sau Tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel về tình hình Ukraine tại Phiên họp toàn thể của Nghị viện nước này ngày 13/3 và vài ngày trước khi cuộc Trưng cầu dân ý diễn ra ở Crimea. Trong phiên họp, bà Merkel lên án Nga thiệp quân sự vào Ukraine, vi phạm trật tự châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đồng thời cảnh báo sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga. Bài phát biểu của Gregor Gysi đã dành được sự chú ý rộng rãi của công luận Đức trong những ngày này và được không ít người coi như là một “bài giảng xuất sắc về công pháp quốc tế”.Ông Gysi từng là một luật sư gốc Do Thái, xuất thân từ và được coi là một trong những nhà chính trị Đức có khả năng hùng biện nhất.
Thưa ông Chủ tịch! Thưa các quý ông, quý bà! Putin muốn giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp quân sự. Ông ta không hiểu rằng các vấn đề của nhân loại không thể giải quyết bằng binh lính hay súng đạn, mà hoàn toàn ngược lại. Kể cả các vấn đề của nước Nga cũng không thể giải quyết bằng cách đó.
Tư duy và hành động của ông ta là sai và chúng tôi kịch liệt lên án điều này.
Tuy nhiên, lối tư duy này từng đây cũng từng thống trị và vẫn đang thống trị ở Phương Tây: Trong các trường hợp ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Libya.
Sự đối đầu giữa các chế độ trước đây đã được thay thế bằng những xung đột về lợi ích giữa Mỹ và Nga. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, tuy nhiên các xung đột về quyền lợi như vậy vẫn hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ quả tương tự.
Mỹ muốn tăng cường tầm ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có, Nga cũng muốn tăng cường tầm ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có. Liên quan đến Nga tôi chỉ nêu ra các từ khóa: Gruzia, Syria, Ukraine.
Cho dù lên án hành động của Putin, chúng ta vẫn phải nhìn nhận nguyên do đã dẫn tới toàn bộ tình trạng tình trạng căng thẳng và xung đột hiện tại. Tôi xin nói một cách hoàn toàn rõ ràng rằng: NATO và EU đã phạm phải tất cả mọi sai lầm mà họ có thể.
Tôi sẽ bắt đầu với Gorbachev (cựu lãnh đạo Xô Viết) vào năm 1990. Ông đã đề xuất thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsaw, xây dựng khái niệm “An ninh chung” với Nga. NATO đã bác bỏ đề xuất này và nói rằng: Giải thể Khối hiệp ước Warsaw thì được, nhưng NATO vẫn tiếp tục tồn tại. Và NATO, từ một liên minh phòng thủ, trở thành một liên minh can thiệp.
Sai lầm thứ hai: Để chuẩn bị cho việc nước Đức, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc đó là Genscher và các Bộ trưởng Ngoại giao khác đã tuyên bố với Gorbachev rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa hẹn này đã không được thực hiện. NATO đã được mở rộng một cách quyết liệt về hướng của Nga.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã đánh giá việc kết nạp một cách vội vàng các nước Đông Âu vào NATO là một sai lầm lớn và cố gắng của Phương Tây nhằm mời Ukraine vào NATO là một sự khiêu khích nghiêm trọng. Không phải tôi, mà là Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố như vậy.
Sai lầm thứ ba, đó là quyết định đặt tên lửa ở Ba Lan và Séc. Chính phủ Nga đã nói rằng: "Việc này ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của chúng tôi; chúng tôi không muốn điều đó". Thế nhưng phương Tây đã tuyệt nhiên không hề quan tâm. Quyết định đặt tên lửa vẫn được thực hiện.
Ngoài ra, trong cuộc chiến ở Nam Tư, Phương Tây đã nhiều lần vi phạm một cách nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Giờ đây cựu Thủ tướng Gerhard Schröder cũng đã thừa nhận việc này. Serbia không tấn công quốc gia khác, và cũng không có bất cứ một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thế nhưng nó đã bị ném bom, với sự tham chiến lần đầu tiên của Đức từ năm 1945. Và người dân của Kosovo đã được đưa ra quyết định li khai khỏi Serbia bằng một cuộc trưng cầu dân ý.
Lúc đó tôi đã kịch liệt phê phán sự vi phạm công pháp quốc tế này và đã nói với các quý vị: Các quý vị đang mở nắp chiếc hộp của Pandora ở Kosovo; bởi vì nếu việc này được cho phép ở Kosovo thì các quý vị cũng sẽ phải cho phép nó xảy ra ở những nơi khác. Các vị đã mắng chửi tôi. Các vị đã không đếm xỉa đến điều này, đơn giản bởi vì các vị cho rằng với tư cách là những người thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh thì tất cả các ràng buộc cũ không còn hiệu lực với các vị nữa. Tôi xin nói với các quý vị rằng: Người Basque hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc liệu họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Người Catalan hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc liệu họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Và tất nhiên bây giờ người dân của Crimea cũng sẽ hỏi như vậy.
Thông qua việc vi phạm luật pháp quốc tế và qua phương thức luật tục người ta cũng có thể tạo ra một luật pháp quốc tế mới - các quý vị đều biết điều đó. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng việc Crimea ly khai đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như trường hợp của Kosovo.
Tuy nhiên tôi đã biết trước Putin sẽ dựa vào tiền lệ của Kosovo, và ông ta thực tế đã làm như vậy. Và bây giờ, thưa bà Thủ tướng Liên bang, bà lại nói rằng: Tình hình khi đó hoàn toàn khác. Cũng có thể như vậy. Nhưng quý vị bỏ qua một điều rằng: Vi phạm luật pháp quốc tế vẫn là vi phạm luật pháp quốc tế.
Thưa bà Roth thân mến, bà hãy thử hỏi một vị thẩm phán xem, so với ăn cắp vì động cơ không cao cả, thì liệu việc ăn cắp vì động cơ cao cả có còn là hành vi ăn cắp nữa không. Vị thẩm phán sẽ nói với bà rằng: Vẫn là ăn cắp. Đây chính là vấn đề.
Khi đó, ông Struck (Bộ trưởng Quốc phòng Đức dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder) đã tuyên bố rằng: Cộng hòa Liên bang Đức phải bảo vệ an ninh của mình ở dãy Hindu Kush. Và bây giờ ông Putin tuyên bố: Nước Nga phải bảo vệ an ninh của mình trên bán đảo Crimea. Phải nói thêm là Đức không có hạm đội đóng ở dãy Hindu Kush và cũng nằm cách khá xa nơi này. Mặc dù vậy tôi nói rằng: Cả hai câu nói này đều đã, và đang sai.
Nhưng vấn đề còn lại là: Một khi nhiều bên vi phạm luật pháp quốc tế trách cứ một bên vi phạm luật pháp quốc tế là nước Nga, rằng nước này đang vi phạm luật pháp quốc tế, thì điều này không mang tới một hiệu quả và độ tin cậy đặc biệt nào. Đây là thực tế mà chúng ta phải đương đầu.
Obama cũng nói y như bà, thưa Thủ tướng Liên bang, về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Thế nhưng các nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Serbia, Irag và Libya. Phương Tây cho rằng mình có thể vi phạm luật pháp quốc tế bởi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Chúng ta đã coi thường một cách thô bạo các quyền lợi của Trung Quốc và Nga. Các quý vị không còn một sự nể vì nào với nước Nga dưới thời ông Yeltsin, một vị Tổng thống thường say xỉn. Thế nhưng tình thế đã thay đổi. Một cách rất muộn màng, các quý vị đã lại dựa vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế được hình thành vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tôi rất ủng hộ cho việc tái lập hiệu lực của chúng - nhưng mà là cho tất cả mọi bên! Chẳng thể nào khác được.
Tiếp theo đó lại có sự giành giật giữa EU và Nga về Ukraine. Cả hai đều suy nghĩ và hành động như nhau. Barroso, Chủ tịch Ủy ban EU, đã nói: "Hoặc là Liên minh thuế quan với Nga, hoặc là có các hiệp định với chúng tôi!" – Ông ta không nói: “Cả hai”, mà là “Hoặc thế này – Hoặc thế kia!”. Còn Putin thì nói: "Hoặc là có các hiệp định với EU, hoặc là với chúng tôi! – Cả hai đều cùng tư duy và hành động như nhau. Đây là một sai lầm đầy tai họa của cả hai bên.
Không hề có một Bộ trưởng Ngoại giao nào của EU tìm cách nói chuyện với chính phủ Nga và ghi nhận các quyền lợi an ninh chính đáng của Nga.
Nhưng Nga e sợ rằng sau khi có quan hệ chặt chẽ hơn với EU thì NATO sẽ vào Ukraine. Nga cảm thấy càng ngày càng bị bao vây. Nhưng thứ duy nhất xảy ra là sự giành giật Ukraine.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU và NATO đã hoàn toàn không đếm xỉa đến lịch sử Nga và Ukraine. Họ chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của Crimea đối với nước Nga. Bản thân xã hội Ukraine bị phân hóa một cách sâu sắc.
Kể cả điều này cũng không được lưu ý đến. Sự phân hóa sâu sắc này đã bộc lộ từ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai và vẫn còn hiển hiện tới tận ngày hôm nay. Phía Đông Ukraine có thiên hướng nghiêng về Nga. Phía Tây Ukraine có thiên hướng nghiêng về Tây Âu. Hiện tại không có bất cứ một nhân vật chính trị nào ở Ukraine có thể đại diện cho cả hai phần của đất nước. Một sự thật đáng buồn.
Tiếp theo đó còn có Hội đồng châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Thưa bà Thủ tướng Liên bang và ông Bộ trưởng Ngoại giao, các quý vị đã quá sao nhãng các tổ chức này trong thời gian gần đây. Tiền cho các tổ chức này ngày càng bị cắt giảm, bởi vì các quý vị cho rằng chúng không quan trọng. Thế nhưng đây là những tổ chức châu Âu duy nhất mà cả Nga và Ukraine đều là thành viên. Vì vậy chúng ta phải củng cố lại những tổ chức này – cả trên phương diện tài chính, chúng ta không được phép lảm nhảm về việc khai trừ Nga; đây là một chuyện hoàn toàn chẳng ăn nhập gì.
Tiếp theo đó chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng gia tăng một cách nghiêm trọng ở Maidan. Chúng ta đã chứng kiến những kẻ bắn tỉa và nhiều người chết. Có nhiều lời đồn đại về việc này. Trong những tình huống như vậy sẽ có nhiều điều dối trá. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị thiết lập một Ủy ban điều tra quốc tế. Chúng ta, nhưng trước hết là người dân Ukraine, có quyền biết những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm điều gì. Tôi vui mừng là bà, thưa Thủ tướng Liên bang, đã ủng hộ việc này.
Ở Maidan có nhiều lực lượng dân chủ, nhưng cũng có nhiều kẻ phát xít. Phương Tây đã trực tiếp và gián tiếp đồng lõa.
Bộ trưởng ngoại giao Steinmeier, Bộ trưởng ngoại giao Pháp và Ba Lan đã ký kết một hiệp định với Yanukovych và phe đối lập. Bây giờ, thưa Bộ trưởng Ngoại giao, ông lại nói rằng, Yanukovych đã vô hiệu hóa thỏa thuận này thông qua việc bỏ trốn. Điều này sai. Người dân ở Maidan đã bác bỏ thỏa thuận này với một số lượng áp đảo, còn ông, Bộ trưởng Ngoại giao, đã không tranh thủ sự ủng hộ cho thỏa thuận này trên quảng trường Maidan.
Chỉ sau khi bị bác bỏ, Yanukovych mới rời khỏi Kiev.
Sau đó Nghị viện đã họp và bỏ phiếu phế truất ông ta với 72,88% phiếu thuận. Tuy nhiên, Hiến pháp quy định tỷ lệ số phiếu thuận là 75 phần trăm. Bây giờ ông Röttgen (Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Nghị viện Liên bang Đức) và những người khác nói rằng: "Ừ thì trong một cuộc cách mạng người ta không thể tuân thủ chặt chẽ hiến pháp được. Chỉ vài phần trăm ít hay nhiều hơn thì cũng có sao đâu". Chỉ có điều là bây giờ Putin dựa vào đó và nói rằng: “Không có đa số ủng hộ để phế truất theo quy định của Hiến pháp”, và đã căn cứ vào bức thư mà Yanukovych gửi cho ông ta.
Ngoài ra, trong cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện có rất nhiều người trang bị vũ khí đứng ở đó. Điều này đặc biệt không dân chủ. Và trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cũng sẽ có nhiều binh lính có trang bị vũ khí có mặt ở đó. Cả điều này cũng đặc biệt không dân chủ.
Điều thú vị là, thưa Thủ tướng Liên bang, bà có nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý như vậy không được Hiến pháp Ukraine cho phép. Vậy thì lúc nào nó có hiệu lực và lúc nào thì không? Khi bỏ phiếu phế truất Tổng thống thì nó không có hiệu lực, và khi tiến hành trưng cầu dân ý ở Crimea thì bỗng nhiên nó lại có hiệu lực. Các quý vị phải quyết định xem: Các vị chấp nhận toàn bộ Hiến pháp Ukraine hay chỉ là một số phần nhất định của nó, những phần có lợi cho các quý vị? Đây là một kiểu cách mà tôi biết và không thích.
Tiếp theo đó một chính phủ mới đã được thành lập và ngay lập tức được công nhận bởi Tổng thống Obama, bởi cả EU và cả chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức. Thưa bà Merkel! Thưa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Môi trường, Viện trưởng Viện Công tố tối cao – tất cả họ đều là những kẻ phát xít. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là người đồng sáng lập Đảng phát xít Svoboda. Những kẻ phát xít chiếm giữ những vị trí quan trọng và áp đảo, chẳng hạn trong lĩnh vực an ninh. Chưa bao giờ những kẻ phát xít tự nguyện từ bỏ quyền lực, một khi chúng đã chiếm được thậm chí là một phần của nó.
Ít nhất thì chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cũng phải vạch rõ giới hạn ở đây, đặc biệt là vì lịch sử của chúng ta.
Khi mà đảng Tự do (Đảng cánh hữu ở Áo) của Haider tham gia chính phủ Áo, đã có việc đóng băng quan hệ ngoại giao và các biện pháp tương tự. Vậy mà đối với những kẻ phát xít ở Ukraine chúng ta lại án binh bất động? Svoboda có những mối quan hệ vô cùng mật thiết với NPD (Đảng phát xít mới ở Đức) và với các đảng Nazi khác ở châu Âu. Chủ tịch của Đảng này, Oleg Tjagnibok, đã tuyên bố nguyên văn như sau. Bây giờ tôi sẽ trích dẫn; các quý vị phải nghe những gì ông ta đã nói, nguyên văn như sau:
“Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”
Tôi sẽ nhắc lại. Người đàn ông này đã nói:
“Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”
Đang có những sự tấn công nhằm vào người Do Thái và Cánh tả. Vậy mà các quý vị không hề nói một điều gì về việc này? Vậy mà các quý vị vẫn nói chuyện với những người của Svoboda? Tôi cho đây là một vụ tai tiếng. Tôi phải nói thẳng với các quý vị như vậy.
Bây giờ thì, như đã tuyên bố, các quý vị muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt, nếu như không còn có cách nào khác. Nhưng mà việc này sẽ không gây ấn tượng đối với Putin. Nó sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm. Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, có lý. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt không thể hiện một chiến lược, mà thể hiện việc thiếu chiến lược. Điều này cũng đúng với các chuyến bay quân sự đang diễn ra tới tấp ở Ba Lan và các nước Cộng hòa vùng Baltic. Làm như vậy là vì mục đích gì?
Các tài khoản của Yanukovych và thuộc hạ của ông ta bị đóng băng, vì đây là chúng được cho là tiền ăn cắp của quốc gia. Câu hỏi của tôi là: Các quý vị không biết điều này từ trước đó à? Câu hỏi thứ hai: Tại sao lại chỉ là tài khoản của những người này? Thế còn tài khoản hàng tỉ bạc của các trùm tài phiệt ủng hộ cho những lực lượng khác thì sao? Tại sao ở đây các vị lại không làm gì cả? Tại sao mọi việc lại diễn ra một chiều như vậy?
Ngoại giao là con đường duy nhất.
Thứ nhất. Phương Tây phải công nhận quyền lợi an ninh chính đáng của Nga ở Crimea, điều mà Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng đã thừa nhận. Phải tìm ra một quy chế cho Crimea mà Ukraine, Nga và chúng ta có thể chấp nhận.
Nga phải được đảm bảo rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO.
Thứ hai. Tương lai của Ukraine sẽ là cầu nối giữa EU và Nga.
Thứ ba. Ở Ukraine phải triển khai một quá trình trao đổi và hòa giải giữa miền Đông và miền Tây, có thể là bằng cách thông qua một vị thế liên bang hay là một liên minh quốc gia, cũng có thể bằng cách có hai chức danh Tổng thống.
Điều mà tôi trách cứ EU và NATO là cho đến hiện tại, chưa có một mối quan hệ nào với Nga được tìm kiếm và thiết lập. Bây giờ điều này phải thay đổi một cách triệt để.
An ninh ở châu Âu không thể có được nếu không có Nga hoặc chống lại Nga, mà chỉ có thể có được cùng với Nga. Nếu như cuộc khủng hoảng này vào một ngày đó được giải quyết thì một lợi thế có thể có được là luật pháp quốc tế cuối cùng sẽ được mọi bên cùng tôn trọng.
Xin cám ơn.
Theo: Sohanews
Saturday, 29 March 2014
Một mùa Xoan không hương
Anh vẫn nhớ
một "mùa xoan tháng ba"
trong tiềm thức,
nở tím chiều tháng sáu
có một " Tháng tư về"
Con tim anh
rớm máu
yêu
giận
xoáy trào
chạnh hết mọi niềm đau.
Có người con gái chung tình nào ôm nhánh 'sầu đâu' đâu?
hay là có?
mà anh không hề biết
Hương xoan nào đây?
vẫn còn bay mải miết
vào hồn thơ
chết lịm
giữa mưa xuân.
TQtrung
Cam tác về một bài thơ của Tác giả NT (fb)
Thursday, 27 March 2014
Diện mạo thành phố của tương lai
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ , thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi từng ngày, không chỉ là những biến đổi bên ngoài mà cùng với nó là sự tăng lên nhanh chóng về chất lượng đời sống.
Sự ra đời của điện thoại, máy tính, Internet đã giúp cho con người có thể liên lạc với nhau một cách dễ dàng hơn. Các phương tiện giao thông cũng trở nên vô cùng phong phú và tiện lợi, phục vụ nhu cầu đi lại càng ngày càng gia tăng của con người.
Cùng với những hỗ trợ từ máy móc, hiệu suất làm việc của con người càng ngày càng tăng. Sự phát triển của con người cho đến ngày hôm nay đã là quá thần kỳ. Tuy nhiên, những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong tương lai còn hứa hẹn mang đến diện mạo mới cho cuộc sống. Hãy cùng theo dõi những dự đoán cho thành phố tương lai trong Infographic dưới đây.
Nguồn: visual.ly
Subscribe to:
Posts (Atom)