Powered By Blogger





Thursday, 11 June 2015

Ta không yêu nước Nga





Đêm đi chơi về muộn, tuyết trắng đất, trắng cây. Đông đến thật rồi, tê tái lạnh, ta ghét tuyết bẩn và ta ghét nhất đường trơn. Đi bộ trơn, ta ngã, vó chổng lên trời. Lái xe, trơn, chân đạp phanh mà ta tưởng đạp ga.

Giời ơi, sao ta ghét đông đến thế, bao giờ cho đến tháng tư.

Ta ghét đông, ta càng không yêu được nước Nga.

Tỉ lần muốn bỏ nước Nga mà đi nhưng không làm được, ta đúng nghĩa là đàn bà đa mang, chỉ giỏi buôn chán bán than.

Nhưng, đâu phải mình ta. Nghìn người này, nghìn người kia, có khác gì ta đâu, triệu người như ta, đến đây, đỗ lại đây đâu phải vì tình yêu, mà vì cơm, vì áo, vì gạo, vì tiền, vì ti tỉ tì ti những thứ ngớ ngẩn không có tên để gọi. Có ai không chán? Chắc ko có ai rồi! Vậy sao vẫn ở? Sao vẫn đông thêm? Càng đông càng không vui!

Nói cho cùng thì nước Nga vẫn dễ sống với nhiều người, và dễ thở đối với đàn bà nhiều chuyện, sinh toàn con gái như ta. Ở đây ta trốn tránh được nghĩa vụ với gia đình, không phải nghe trách móc than vãn, không cãi nhau với hàng xóm, chẳng ai quan tâm ta làm gì, nghĩ gì, chơi với ai. 

Ở đây không ai xui ta đẻ thêm thằng con trai. Lão chồng không bị ai xúi rằng nhất định phải có con trai. Ta tha hồ bắt nạt chồng, không lo ai kia bảo chồng ta sợ vợ. 

Ở đây con ta học trường công tiền chẳng mất một xu, ko lo quà biếu cô ngày tết, lễ. Ngoài giờ học chính, chúng ko cần phải học thêm, học nếm. Thời gian rỗi chúng dành học múa, học đàn, học vẽ, học võ, học tiếng Anh, tiếng Tàu, học cái chúng nó thích. Xuân hạ thu đông chúng đều có ngày nghỉ, đi cắm trại, tham quan, đến nhà hát nghe nhạc, xem kịch, vào bảo tàng, xem triển lãm...

Có thể chúng không khôn lanh như bọn trẻ ở Việt Nam nhưng tuổi thơ của chúng không chỉ có toán lý và hóa, không lòi mắt vì chữ, vì số. Hết phổ thông chúng cũng vào đại học. Rồi mươi năm nữa biết đâu chúng cũng thành tiến sĩ. Tương lai không ai nói trước được, nhưng chúng có tuổi thơ thực thụ như ngày xưa của ba mẹ chúng, không áp lực, được chơi và được ngủ.


Với nhiều người, nước Nga vẫn là mỏ vàng. Ở quê, học hành vừa đủ đọc đếm, vốn liếng không nhiều hơn chiếc xe máy, vay hai ngàn đô làm lộ phí, sang đây chăm chỉ cộng một chút may mắn, hai, ba tháng trả được nợ, tháng thứ ba thứ tư đã dư giả, có đồng ra đồng vào gửi về cất làm vốn, giúp đỡ người thân.

Hai mươi năm bên này, chưa thấy ai phải bán nhà Việt Nam sang đây trả nợ, chỉ thấy người mua nhà to, nhà bé bằng tiền khuân về từ nước Nga. Và rất, rất nhiều người mang danh người Hà Nội hay Sài Gòn cũng nhờ nước Nga mà ra.

Nếu so với bão tố, lũ quét ở quê thì một năm, mươi bận Omon (cảnh sát) đuổi chạy vắt chân lên cổ chỉ là muỗi đốt. Đầu trọc nhiều, người nước ngoài cũng không thiếu, ai đen lắm và có lẽ cũng tận số mới gặp. Thi thoảng ai đó bị cảnh sát vặt ít tiền, thôi coi như bố thí, của đi thay người. 

Trời ơi, ta chán nước Nga, ta muốn bỏ đi lắm mà ta đâu có bỏ. Trời ơi, ta yêu quê hương ta lắm, ta muốn về lắm mà ta đâu có về. Ta chỉ muốn về thăm cha thăm mẹ rồi lại đi.

Con người không ngu dại nhưng tham sân si. Người đặt được, đặt mất lên bàn cân. Nếu ở được nhiều hơn mất thì người chọn ở. Nếu đi được nhiều mất ít, người sẽ chào nước Nga quay gót mà chẳng luyến tiếc quá một giây.

Thiên đường khốn khổ vẫn níu giữ chân ta. Ta kêu than, ta khóc lóc, ta trách móc, ta chửi mắng, nhiếc móc rồi tự lau nước mắt, tự cười, tự an ủi và ta vẫn sống, vẫn vượt qua.

Ta tự hào vì ta bất khuất, khó khăn không làm ta gục ngã, chỉ làm ta kiên cường hơn mà thôi. Nhưng ta biết ta là đàn bà, ta ẩm ương như thời tiết.

Rồi ta lờ mờ nghĩ ta là hậu thế của Chí phèo, bạn của AQ.

Ta dùng dằng nửa muốn bước, nửa muốn lùi rồi cũng lại qua mùa mưa tuyết.



Nguyễn Hải Vinh






Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên