Powered By Blogger





Sunday, 31 May 2015

Chuyện Cây và Người




Tiền về nơi đâu?

Mấy hôm nay, cư dân mạng xã hội chia sẻ với nhau thông tin "giật mình" về vụ chi 18 tỷ chăm sóc cây xanh tại một quận ở Cần Thơ. Tôi lập tức nhớ lại lại bài nhạc chế "tiền về nơi đâu" bằng cả sự chua chát và thấm thía về một quốc gia vừa thoát ngưỡng nghèo về mặt chỉ số kinh tế, nhưng người dân cần lao vẫn vất vả quanh năm.
cay xanh
Chăm cây xanh hay chăm "chủ" cây xanh?

Nhiều người cho rằng báo chí thích giật tít bẻ tựa để "câu view" hay "câu like". Nhưng vụ 18 tỷ đổ vào việc chăm sóc cây xanh, với tôi không chỉ là một chuyện "giật mình" mà là kinh tởm. Không kinh tởm sao được khi công ty trúng thầu hơn 18 tỷ, trong khi thuê công ty ngoài thực hiện chỉ ngót 5 tỷ đồng cho một năm. Một đứa trẻ con cũng có thể thấy số tiền trúng thầu cao hơn 300% số tiền thực tế, nếu không muốn nói "phô trương" hơn một chút là 400%. Bản thân tôi xin "nhẹ tay" đặt dấu chấm hỏi về luật pháp, quy định chi tiêu và đạo đức nghề nghiệp đối với các vị quản lý số tiền hơn chục tỷ còn lại. Hơn chục tỷ tôi nhẫm tính sẽ đổi lấy được không ít nhà tình nghĩa, tình thương, học bổng cho trẻ em nghèo, công trình phúc lợi công cộng, hay hàng tá thứ khác và tôi chắc mẫm nếu các vị quan chức thực hiện thì không thiếu người dân vỗ tay hoang nghênh, có khi còn "đội" các vị lên đầu như những đấng cứu rỗi cuộc sống nghèo nàn và khốn nạn.

Nhưng tôi tính sao bằng các phép tính của các vị. Khi các ngành chức năng chưa giải thích cho rõ ràng tung tích hơn chục tỷ/năm, chưa tính số tiền "chăm sóc cây" nhiều năm trước đó, tôi thử tưởng tượng nếu "ai đó" sử dụng số tiền đó để phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, thì sẽ có bao nhiêu biệt thự được xây lên, xe hơi sang chảnh, nền nhà rộng tít tắp, cửa hiệu sang trọng được mở, vàng bạc đầy tủ, thậm chí là hàng tá cuộc nhậu nhẹt xa xỉ với những món ăn đắt tiền mà người dân có nằm mơ cũng chẳng dám chạm miệng hoặc sờ môi.

Từ đầu năm 2015, Hà Nội, Sài Gòn rộ chuyện chặt cây cổ thụ, trồng cây "vàng tâm", vốn là những cây mỡ èo uột và yếu ớt. Trong một ngày, con đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) từ màu xanh chuyển sang màu… nắng. Cái không khí ô nhiễm nặng nề tiếng ồn, khói bụi nay mất hẳn cây xanh càng khiến đất trời oi bức và phẫn nộ thay cho dòng người vẫn lũ lượt nhích xe giữa giờ cao điểm để kiếm kế mưu sinh. Trong khi đó, những gả vốn phải nếm trải cái nắng, cái gió thì được ngồi trong những chiếc xe sang trọng được gắn máy lạnh phì phò như tiếng thở nặng nhọc của những người dân cứ mãi cắm đầu cày cấy để đóng thuế "song phẳng" cho nước nhà. Và rồi những hàng cây nằm xuống, chẳng biết số "củi" chất lượng cao ấy sẽ về đâu? Hay lại là những chiếc bàn, chiếc ghế, bộ sofa quý giá được trưng bày trong những ngôi nhà sang trọng mà Tổng thống Obama có đến thăm chắc cũng phải "thèm thuồng".

Và nay đến chuyện bỏ hàng chục tỷ "chăm cây xanh" một cách vô thưởng vô phạt và khó hiểu đến mức người dân có thể tưởng tượng ra bất cứ thứ tiêu cực nào đang âm ĩ phía sau những bộ hồ sơ tuyển nhà thầu và màn "lại quả". Đến chuyện chăm sóc, quản lý cây xanh – tưởng chừng đơn giản – mà các ngành chức năng cũng phải khiến dân đắn đo và lo nghĩ cho số phận đồng tiền xương máu mà họ cực khổ góp lại. Hơn chục tỷ, các vị không chăm sóc cây, thì các vị chăm sóc ai?

Văn hóa "quỹ đen"
lut ngap
Tôi phải "thán phục" nhiều quan chức nhà mình vẫn sống hoài với cái văn hóa "quỹ đen" hay "lại quả". Dẫu biết tính quy chụp không mang đến sự tích cực tuyệt đối, nhưng xin thưa sau hàng loạt vụ "ăn kê" tương tự, như vụ Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ngân hàng Thế giới… tố quan chức Việt Nam tham nhũng, hối lộ, lập quỹ đen trong các công trình lớn, thì bản thân tôi cũng không còn đặt nhiều niềm tin về tính minh bạch phía sau những gói thầu.

Báo chí và chuyên gia nói hết lời, tốn không biết bao nhiêu giấy mực về chuyện minh bạch phía sau những gói thầu trong cơ chế thầu của Việt Nam hiện tại. Cơ chế đấu thầu kiểu gì mà "người mua" lại sẵn sàng chấp nhận một cái giá cao gấp 3 đến 4 lần so với giá thực? Minh bạch ở đâu khi hầu hết các gói thầu "dính nghi án tham nhũng" đều thể hiện rõ sự nhập nhằng trong chi tiêu và chồng chéo về mặt quản lý? Tại sao khi xã hội hiện đại với hàng loạt các hệ thống kế toán, chính phủ điện tử, giám sát công trình tiên tiến… thì nhiều dự án thầu tại Việt Nam vẫn "khó hiểu" về chuyện tài chính lẫn chất lượng? Để rồi dân phải chấp nhận những "ván bài" của các nhà quan, vốn tiền mất tật mang, đất nước mãi chẳng thoát được cảnh đầu tư nhiều mà dân chẳng hưởng được bao nhiêu.

Vào giai đoạn 2010, tôi làm việc tại một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện lớn, trong đó khách hàng là các tỉnh khu vực miền tây Việt Nam. Vốn được phân công quản lý mảng tài chính và báo giá, tôi hiểu thừa cái trò "quỹ đen" và "lại quả" của các quan nhà mình. Các sự kiện do huyện, thành phố, tỉnh đăng cai đều được rao với giá trên trời, có khi trên mức chục tỷ đồng. Và "luật chơi" cũng do các quan đưa ra, với mức 10-15%, thậm chí có khi lên đến 20-25% tổng giá trị chương trình sẽ được chuyển về tay của một vài "ông lớn" vốn có quyền quyết định ai sẽ trúng thầu. Để bù số tiền dôi ra này, doanh nghiệp được quyền "kê giá". Ví dụ, thuê ca sĩ chục triệu đồng, doanh nghiệp nhắm mắt kê gấp ba, gấp bốn. Hệ thống đèn chiếu sáng, trang trí tầm vài chục triệu, thì giá sẽ được báo là hơn trăm triệu. Thế nhưng các quan vẫn nhắm mắt ký lấy ký để, và rồi nhịp tay nhận tiền "lại quả". Sếp tôi thỏ thẻ "phải biết điều với mấy anh quản lý", nhất là trước và sau sự kiện; dịp lễ tết và những ngày "mấy ổng" thấy buồn. Lượng tiền dôi ra mỗi sự kiện để "lại quả" nếu ít thì vài trăm triệu, nhiều thì lên mức tiền tỷ chứ chẳng phải chuyện đùa.

Quyền giám sát của dân ở đâu?

Ở các nước lớn, kính thưa các đồng chí rằng việc giám sát tài chính rất ngặt nghèo. Hãy thử nhìn cảnh Tổng thống Obama phải làm việc không lương khi Hạ viện Mỹ không quyết chi ngân sách. Sẽ không có chuyện nhà nước cứ âm thầm chi rồi âm thầm quyết toán, để rồi khi dân biết thì mọi chuyện đã rồi. Một doanh nghiệp Mỹ lắc đầu ngán ngẫm khi kể về văn hóa "quỹ đen" của quan chức Việt. Tại Mỹ, doanh nghiệp chi bất kỳ thứ gì cũng phải có lý lo và minh chứng, trong khi "đút tiền hối lộ" thì hóa đơn đỏ đâu ra? Nhưng hãy thử không chung chi, thì hàng hóa nhập cảng sẽ cứ ì ạch mãi không ra được. Thế nên doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Nhiều ý kiến đề xuất phải có cơ chế giám sát tài chính được quy định trong Hiến pháp. Nhưng bản thân tôi nghĩ "đường đi ấy còn xa", bởi không phải dễ triệt tiêu các quan điểm của lợi ích nhóm. Nhưng nếu cứ mãi sống trong cái cơ chế chi tiêu quốc gia – vốn lấy tiền mồ hôi nước mắt của dân – thì chẳng biết đến bao giờ dân mới có quyền giám sát?

Wednesday, 27 May 2015

"Kinh Kha tráng sĩ" của Tàu và tư duy của người Việt







Vắn tắt câu chuyện




Tần Thủy Hoàng được xem là một bạo chúa đang trên đà tóm thâu lục quốc (Trung Quốc bấy giờ chia ra làm sáu nước). Thái tử Đan là kẻ kế thừa dòng họ vua chúa của một nước, quyết chống lại Tần Vương nhưng chẳng có binh lực gì, thậm chí là tài năng, mưu lược cũng không. Hắn dụ dỗ, vỗ về một tay thanh niên có tên là Kinh Kha để ám sát Tần Vương. Trong lần chiêu đãi cuối cùng trước khi Kinh Kha vượt sông Dịch tiến hành cuộc mưu sát, Kinh Kha đã thốt lên lời ca ngợi bất ngờ về "bàn tay đẹp" của một người đẹp đang phục vụ cuộc chiêu đãi. Lập tức, bàn tay ấy được chặt đi, gói lại, làm quà tặng cho Kinh Kha. Kinh Kha vô cùng cảm kích Thái tử Đan về hành vi được y cho là cao cả và hết lòng của thái tử Đan đối với hắn, đối với quyết tâm trừ bạo chúa, mà đúng ra là cực kỳ vô nhân tính, để động viên hành vi liều mình của Kinh Kha. Câu chuyện được kết thúc bằng cảnh tượng thê thảm của Kinh Kha. Cuộc hành thích không thành công và Kha bị băm nát thây thành từng mảnh vụn, Tần Vương thì an toàn. Thái Tử Đan thì biến mất trong lịch sử không còn nghe nhắc tới, vì chẳng làm nên trò trống gì.

Kinh Kha tráng sĩ và chuyện nô dịch về tư duy

Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng hôm nay lại đi nói chuyện tráng sĩ Kinh Kha của Tàu, thì e là "lạc điệu". Nhưng không, câu chuyện nói lên tính tư duy lệ thuộc thể hiện qua văn hóa - chính trị của Việt Nam xưa và nay, có thể ít người để ý.
Hẳn là người Việt Nam có học, ai cũng biết chuyện tráng sĩ Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng dưới sự bảo trợ của thái tử Đan. Hình ảnh của Kinh Kha được văn học Trung Quốc xem là tấm gương điển hình cho ngàn đời sau.
Nhưng đấy là chuyện của Trung Quốc.
Điều đáng nói là Việt Nam, cả một dòng văn học qua các triều đại cũng đều ngợi ca Kinh Kha tráng sĩ, xem là một tấm gương để noi theo. Nếu không nhầm thì chưa có một ý kiến nào, dù một câu, để hoài nghi, xem xét Kinh Kha là một con người như thế nào. Một tráng sĩ tuyệt vời dũng cảm, quên thân mình vì nghĩa lớn, một thằng điên, một kẻ tham vọng, một tên ngông cuồng…?
Cũng cần thừa nhận rằng, Kinh Kha là một tay có dũng khí. Hắn nhận trách nhiệm đi hành thích một bạo chúa (Tần Thủy Hoàng) để tôn vinh một bạo chúa khác chưa lên ngôi (Thái Tử Đan) có tính tàn ác không kém gì tên bạo chúa kia.
Nhưng những kẻ ngợi ca cái dũng khí đó thì được hiểu như thế nào? Không phải đó là những xưng tụng của cá nhân, mà của cả một chuỗi dài văn học sử Việt Nam thể hiện qua giới học thức cung đình của các triều đại.
Không ai lạ gì với dòng lịch sử tàn ác của các triều đại của một đất nước gọi là Trung Hoa - Trung Quốc - Tàu - China. Một ông vua quở rằng ta chưa từng "nếm vị thịt người", thế là một tay đầu bếp, tên Dịch Nha, lặng lẽ về "thịt" đứa con trai ba tuổi của mình, hôm sau "kính dâng" lên Chúa Công (1). Lã Hậu, vợ của Hán Vương (Lưu Bang) đã chặt hai tay, hai chân một vương phi, rồi nuôi nhốt trong chuồng heo, để trả thù vì ghen tuông. Một sứ thần của An Nam là Nguyễn Biểu sang đàm phán, được chiêu đãi một món ăn nguyên cái đầu người được luộc chín như cái đầu heo…
Trung Quốc hiện đại không có gì khác về truyền thống giết người man rợ, nhưng càng man rợ hơn, độc ác hơn, và quy mô hơn, kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay, triền miên trong thanh trừng nội bộ, hay tàn sát dân lành, như chiến dịch tàn sát kéo dài hàng chục năm những người theo môn dưỡng sinh Pháp Luân Công để bán nội tạng tươi sống. Quá nhiều không thể kể hết.
Trở lại chuyện Kinh Kha.
Sao lại chặt cái bàn tay ấy đi? Không phải là bàn tay ăn cắp để chịu hình phạt theo truyền thống Hồi Giáo, và như thế đã là dã man lắm rồi. Kinh Kha sẽ làm gì với cái bàn tay bị chặt ấy? Sử viết rằng hắn vô cùng cảm kích. Đan vì sự nghiệp bá vương của mình mà tàn ác là một lẽ, miễn bàn ở đây. Còn Kha, một thằng khùng, một sát thủ chuyên nghiệp?
Với tư cách được mô tả là một trang nghĩa khí, lẽ ra, hắn nên rút trủy thủ mà kết liễu Đan thì mới đáng lưu danh trong sử sách chứ!
Không bức xúc chuyện của Tàu, nhưng thử hỏi sao Việt Nam ta, lại đi ca ngợi? Giới "hủ Nho" đồng nhịp hát: "Tráng sĩ hề, một đi không trở lại!". Hoặc xót xa: "Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê. Tráng sĩ một đi không trở về…".
Đến như Nguyễn Bính, một nhà thơ trữ tình rất được yêu mến, cũng lấy Kinh Kha làm hình tượng, buông lời tán thán Kha: "Kinh Kha quán lạnh sầu ngưng chén. Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay!" (Hành phương Nam).
Lịch sử không nói rõ, rằng người con gái kia tự nguyện chặt tay mình để biếu Kha, hay gia nhân của Đan đã đè ra mà chặt tay cô. Không ai có thể tin vào sự "tự nguyện" của người con gái ấy; đó chỉ là sự gán ghép đến kinh tởm.
Không thể kết án cho toàn dân Việt là có nền tảng tư duy nô lệ Tàu. Cũng không thể cho rằng cả nền văn hóa Việt lúc nào cũng nô lệ Tàu. Nhưng có từng thời kỳ, tư duy nô lệ của lãnh đạo người Việt là không thể chối cãi, không thể biện hộ, và dĩ nhiên nó mang "màu sắc" của mỗi thời đại. Đành rằng, có những giai đoạn tư duy của người Việt bùng lên mạnh mẽ trước sức ép của ngọai bang, nhưng sau đó có vẻ như anh tài đã cạn kiệt, đầu óc kế thừa mụ mị, như con cóc chết quay đầu về núi, lại quay về với tư duy nô lệ. Mỗi lần như thế Việt Nam có hàng loạt Kinh Kha tráng sĩ, thề sống chết với lập trường kiên định cho một lý tưởng, có thể gọi tên là "đại cục", đại cục của Thái tử Đan, ngày nay là đại cục của Tập Cận Bình. Phải chăng, bản thân Kinh Kha tráng sĩ nhìn đại cục của Thái tử Đan qua bàn tay của người đẹp bị trương sình trong máu me, bởi các ảo ảnh Công Hầu Khanh Tướng, dưới cờ của Đan? Trung Quốc thì có quá nhiều Thái tử Đan, mà Việt Nam thì có những thời kỳ Kinh Kha nhiều như nấm. Điển hình là Việt Nam thời Cải Cách Ruộng Đất, bao nhiêu con người bị sát hại bởi tư duy "sáng tạo", hay vì "đại cục" do Mao chủ trì? Ngày nay cũng có những Kinh Kha kiên định vì một "đại cục" có tên gọi khác, bằng ý thức hệ hoành tráng hơn? Có gì khắng khít hơn là 16 chữ vàng?
Trong mọi thứ nô dịch, có nô dịch về tư duy là tai họa thê thảm nhất. Tôi không có ý lạm bàn về chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa ấy ra đời có cái lý của nó. Nó phát triển và tiêu vong cũng có cái lý của nó. Mác đã trở thành Mác của Lênin khi sang đất Nga. Mác - Lênin trở thành Mác và Lê của Mao khi sang Trung Quốc…, và công khai không giấu giếm biến nó thành "màu sắc" của mình. Ấy là Trung Quốc.
Còn Việt Nam?
Cách đây khoảng 20 năm, một tiến sĩ ngành Hóa học – GS Chu Phạm Ngọc Sơn – đã có một ví von, qua câu chuyện tâm tình riêng, sau một đợt học tập về chủ nghĩa xã hội: "Có 5 thứ hóa chất bất kỳ đem trộn vào nhau, rồi dùng các biện pháp quay ly tâm dưới các loại nhiệt độ khác nhau. Kết quả, chúng lẫn lộn quay cuồng vào nhau, nhưng chất nào vẫn là chất ấy, chạy lòng vòng mà không kết dính để hình thành được một sản phẩm mới nào cả".
Hỗn hợp ấy gọi là Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Từ quan tới dân chưa ai hiểu nó là cái gì. Nó quanh co, lòng vòng và ú ớ vô nghĩa, tuy tốn rất nhiều xương máu. Tiếc thay, thế mà đã có biết bao nhiêu con người vô tình theo bóng "Kinh Kha" – không vì món quà bàn tay bị chặt – đã kiên định lập trường, chiến đấu cho nó, hy sinh hết đời cho nó.
Việt Nam có không một tinh thần tự mình dám bước lên phía trước? Bước trước với chính mình. Đó cũng nên là một nghi vấn lịch sử. Tư tưởng "theo đuôi" như là một hình thái phổ biến, và cuối cùng có những lúc không biết cái đuôi nào để bám theo.
Nguồn gốc phải chăng là do cái gen tư duy nô lệ của người Việt, hay do tư duy của giới cung đình, của giới "hủ nho", nay là "hủ Mác" cai trị?
Chắc chắn có những người Việt Nam yêu nước sẽ phê phán: Bạn là ai, có phải là người Việt không, mà lại dám tự sỉ vả dân tộc mình?
Thưa, là người Việt, nhưng không sỉ vả. Chỉ là một câu hỏi mà thôi. K. Marx đã từng nói mỉa mai về nước Đức của ông: "Thần dân nước Phổ xứng đáng có một vua Phổ như vậy!". Ít ra đó là một thời kỳ, mà dân tộc Đức đã từng có câu trả lời xác đáng, để biết họ là ai. Người Việt Nam sao không dám tự hỏi?
Tại sao cả dòng văn học Việt lại ca ngợi Kinh Kha? Cái dũng của Kha có tính chất gì? Bên trong cái dũng ấy là gì, có phải cái dũng của Dịch Nha? Cái chữ "trung" ấy có phản nhân tính hay không? Và đặc biệt, trí tuệ trong tư duy sáng tạo ở đâu? Trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung, ai là Kinh Kha, ai là thái tử Đan trong gần 100 năm qua?
May thay, nhân vật Kinh Kha tráng sĩ, chưa phải là câu chuyện được truyền tụng phổ biến trong dân gian Việt Nam. Phải chăng vì tính triết lý vô lương và man rợ đảo điên của nhân vật giả nhân giả nghĩa này không được người dân ái mộ? Với Việt Nam, thà là một anh Lục Vân Tiên tỉnh lẻ, đui mù nhưng đa tình, có nhân tính. Kinh Kha không khác gì anh hùng "Lôi Phong" vào mà Mao đã dựng lên cho cả nước Trung Quốc học tập.
Lùi lại vào thời kỳ cuối triều Nguyễn, giới lãnh đạo triều đình đã từng bác bỏ tờ trình của sứ thần đi Tây du về, rằng đèn chúc ngọn mà sáng, xe hai bánh mà chạy được là chuyện không thể có trên đời. Vẫn một lòng hướng về Bắc quốc để "cùng nhau/lẫn nhau" (2), kẻ trước người sau cùng lạc hậu và rơi vào vòng nô lệ của phương Tây ngót 100 năm (Việt Nam), hay 150 năm (Trung Quốc). Ngày nay thì cũng "cùng nhau" có chung một "ý thức hệ", mà Việt Nam thì mang màu sắc Kinh Kha tráng sĩ, còn đòn phép thì vẫn là của thái tử Đan, hay là Tập thái tử?
Bàn tay của một con người – dù trai hay gái, đẹp hay không – tượng trưng cho sinh mạng của bao con người, cho sinh mệnh của một đất nước, có đáng là một món quà tặng để ai đó làm "Kinh Kha tráng sĩ"?
"Kinh Kha" sẽ đi Mỹ
Trong chuyến Mỹ du sắp tới đây, không biết "Kinh Kha Việt Nam" có dám mang theo một con "trủy thủ" nào hay không! Bàn tay đẹp bị chặt lìa – mang màu sắc xã hội chủ nghĩa – có còn là nguồn động viên để tráng sĩ liều mình vượt sông Dịch (hay là Biển Đông) và mang theo một bửu bối – đúng ra là chiếc dao cùn – như tráng sĩ đã từng mang đến Cuba dạo nọ?

Sài Gòn 26-5-2015
Hạ Đình Nguyên



Sunday, 24 May 2015

Xin một tràng vỗ tay







           Người ta cũng thấy cảnh rất đông các vị com lê cà vạt xách cái xô có tí tẹo nước rắc vào gốc cây trồng sẵn để rồi gắn biển ngày tháng năm đồng chí A đồng chí B trồng cây này…

          Đi tặng quà thì bao giờ cũng phải cười tươi nhìn vào ống kính cho bằng được, thay vì nhìn vào người được tặng một cách trìu mến và âu yếm...

----------




          Tôi nghe một người bạn có con học ở Nhật kể rằng, ngày khai giảng ở đấy rất nghiêm trang mà lại giản dị. Tất cả các thầy cô giáo ra tận cổng trường đón học sinh. Rồi vào, từng thầy cô một tự giới thiệu mình, bằng cách gì tùy mỗi người miễn làm sao học trò hiểu được thầy tên gì dạy môn nào, qua đó biết sơ qua tính cách của thầy. Rồi thầy hiệu trưởng phát biểu, rồi… hết, học sinh vào lớp học ngay. Còn ở ta, cái lễ khai giảng nó rình rang thế nào mọi người biết cả rồi, có đến 80 phần trăm học sinh ngồi dưới nắng (hoặc mưa) từ sáng sớm không biết trong lễ ấy có đại biểu lãnh đạo nào đến dự, và các bác ấy phát biểu gì?

          Mà đứng về mặt hình thức, ngành giáo dục hình như vẫn còn… khiêm tốn.


          Người ta đã thấy một cái lễ khởi công xây một cái nhà tình nghĩa có mấy chục triệu bạc cho một gia đình chính sách rất nghèo mà một dàn cán bộ áo trắng cà vạt giày đen giăng hàng ngang đội mũ bảo hộ cầm xẻng quấn giấy xanh đỏ chờ hô một hai ba rồi “vẩy” xẻng tượng trưng để… chụp ảnh, ghi hình.

          Người ta cũng thấy cảnh rất đông các vị com lê cà vạt xách cái xô có tí tẹo nước rắc vào gốc cây trồng sẵn để rồi gắn biển ngày tháng năm đồng chí A đồng chí B trồng cây này…

          Đi tặng quà thì bao giờ cũng phải cười tươi nhìn vào ống kính cho bằng được, thay vì nhìn vào người được tặng một cách trìu mến và âu yếm.

          Sự hình thức đang lan tràn trong xã hội khiến cho ai đó có muốn… không hình thức lại trở nên lập dị, khác người.

          Mỗi khi có “ngày” nào đó, mà nước ta thì có vô cùng nhiều “ngày”, hình như ngày nào cũng có “ngày”, thì ngành văn hóa lại lên kế hoạch, dự trù kinh phí… để làm bandron, khẩu hiệu, pano, áp phích… kỷ niệm “ngày” như một việc đương nhiên của ngành mình. Càng xin được nhiều kinh phí để treo được nhiều cờ, bandron, khẩu hiệu… càng thể hiện ngành mình làm được nhiều việc, nhiều khi lãnh đạo cũng không biết có cần nhiều đến thế không, đến lúc thấy phố phường cứ rực cả lên, san sát khiến người đi đường nhiều khi rối mắt, chưa kể cái nọ đè cái kia, câu nọ đè câu kia nhiều khi gây phản cảm, thậm chí vì nhiều quá không duyệt được hết khiến cả chữ lẫn hình sai tè le sửa không kịp như nhiều nơi đã từng bị, có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… thì mới giật mình.

          Sự hình thức ăn cả vào các buổi lễ khi phải giới thiệu đại biểu. Không thiếu ai đã đành, không được thiếu một tí chức nào ông ta đang giữ. Thôi thì cũng được vì có thể có ai đó trong số cử tọa ở dưới chưa biết, nhưng cái nạn cứ lặp đi lặp lại thì nó không còn là thông tin nữa rồi. Có một bác ấy, chức vụ ấy, người giới thiệu đã kính thưa rồi, đã giới thiệu rồi, ông phát biểu kế tiếp lại cũng kính thưa y như thế, rồi ông kế tiếp vẫn vậy, khiến người được kính thưa nhiều lúc thấy ngại. Vậy nên khi các tỉnh thành tổ chức lễ hội gì đấy thì yêu cầu đầu tiên là phải được… truyền hình trực tiếp. VTV1 là số 1, bí thì VTV2, VTV6… nhưng các bác có biết đâu là, người xem ti vi ấy, dân ấy, lại rất ít xem các buổi trực tiếp như thế. Đơn giản bởi vì cái phần kính thưa nó chiếm mất ¼ thời lượng rồi, như thể là nhân dịp “lên ti vi” thì giới thiệu cho bà con hàng xóm biết ta đang làm thế làm thế, trong khi người xem người ta chờ điều khác kia, thì mãi chả tới. Bây giờ người dân phải bỏ tiền để xem ti vi, họ có quyền chọn kênh, chọn chương trình mình thích.

          Rồi còn cái nạn “Xin một tràng vỗ tay”, nó vừa hài hước vừa đầy chất tự kỷ, yếm thế. Ban đầu là từ một vài ca sĩ “thiếu nên phải xin”, giờ đến một số bác lên phát biểu, chưa nói gì đã “xin một tràng vỗ tay”, hoặc vỗ tay mồi để dụ cử tọa vỗ tay…


         Tất nhiên sự hình thức nó đi kèm với sự phát triển của đời sống kinh tế, bởi phải có tiền mới bày vẽ được. Nhưng trong xã hội hiện nay, để “bằng chị bằng em”, nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị… cũng phải giật gấu vá vai để… tăng thêm phần long trọng. Nhiều gia đình đám cưới đám ma xong là phạc phờ với chồng chất nợ. Nhiều đoạn đường vừa khánh thành xong đã… duy tu, nhiều chiếc cầu mới tưng bừng cờ hoa xong đã bảo dưỡng… báo chí vừa phản ánh, công ty Đức Long làm đường 14, vừa làm lễ khởi công đã đòi thu phí…

          Sự hình thức ấy, nó còn là tâm lý “kém miếng”, vậy nên nó sinh ra cái nạn trèo rào để tắm miễn phí, đè nhau để ngắt hoa, cướp hoa, chen nhau xô đẩy để nhận xuất ăn khuyến mãi, dẫu chỉ là một ổ mì…

          Từ lúc nào cái tâm lý ấy xuất hiện ở nước ta, và cách ứng xử với nó như thế nào, có lẽ không thể để xã hội tự điều tiết được, mà phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhưng phải là sự vào cuộc tâm huyết và có trách nhiệm, có chuyên môn chứ không như kiểu ngồi trên mây đề ra cấm ngực lép lái xe, tịch thu ô tô của người say, phải có ô kính trên quan tài, cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học, và mới nhất, nghe nói đang có chủ trương cấp bằng riêng cho người lái xe số tự động…, bởi đấy cũng là một dạng hình thức, nó chả khác gì việc “xin một tràng pháo tay”…

Văn Công Hùng








Đã gửi từ iPad của tôi

Friday, 22 May 2015

Ngồi cùng em












Biết chắc một ngày sẽ gặp lại các em tôi.
như biết chắc..

hận thù không giết chết thương yêu
lịch sử nghìn chương rồi phải đổi
người cùng người sẽ biết sống yêu thương












Nhạc: Trần Bảo Như,
Phổ thơ: Vũ Đông Hà, 
Hòa âm: Nguyên Ca, 
Ca sĩ: Mê Linh 
Clip: Danlambao









Tuesday, 19 May 2015

Saigon : Cái tên của ngày hôm qua







Không biết từ bao giờ, trong phòng lưu niệm trên tầng chót của tháp Eiffel – Paris, đã có tên “Sài Gòn” trên bảng tên khoảng cách từ đây đến những thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, tại đài thiên văn Greenwich, London – nằm ngay trên kinh tuyến gốc số 0, tên “Sài Gòn” được khắc trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ. Tọa độ Sài Gòn là kinh tuyến Đông 106 độ – 43 phút. 

Sau năm 1975, nhiều bản đồ thế giới xuất bản ở nước ngoài có ghi tên địa điểm Ho Chi Minh city với hàng chữ chú thích: “formerly Saigon“ (nguyên là Sài Gòn). Thế nhưng, trong mắt nhiều người Việt và nước ngoài, tên Sài Gòn không chỉ là địa danh, không chỉ là hoài niệm xa vắng mà cao hơn nữa từ lâu rồi, đó còn là một địa chỉ quốc tế, một icon – biểu tượng – đầy sức sống kỳ lạ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ thương đau.


Mở cửa 200 năm trước

Tôi tìm thấy tên Sài Gòn được người Anh viết là “Sai-gong” trong quyển A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 của John Barrow, in năm 1806, cách đây 209 năm! Có lẽ đây là quyển sách xưa nhất bằng tiếng Anh viết về Việt Nam và cũng là quyển sách nước ngoài xưa nhất nhắc đến tên Sài Gòn. Tác giả quyển sách là một nhà nghiên cứu Anh đã từ Batavia (Jakarta-Indonesia) cập bến Sài Gòn vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang xây dựng kinh thành Gia Định trở thành hậu cứ lớn để tiến công Tây Sơn. John Barrow ghi nhận “Sai-gong” là nơi nhà vua xứ Đàng Trong đóng đô, hơn nữa còn là thương cảng nhộn nhịp tàu bè đến mua bán, nhất là xuất khẩu gạo. Mặc dầu còn mới mẻ nhưng Sài Gòn đã thay thế được Hội An và Quy Nhơn – hai cảng thị trở nên tiêu điều vì chiến tranh, để mở cửa Đàng Trong ra với bên ngoài. Rất đáng kể, Sài Gòn còn có xưởng đóng tàu theo kiểu Tây dương (châu Âu) và có quân cảng – hậu cứ của hải quân nhà Nguyễn. Khi tác giả có mặt tại “Sai-gong”, tại cảng đã có 7 thương thuyền của Bồ Đào Nha, một chiến hạm Pháp thuộc đội quân của Giám mục Bá Đa Lộc – người hỗ trợ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn và nhiều thương thuyền khác. Chính chiến hạm Pháp đã đưa Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đi cầu viện vua Napoleon đệ tam…

Và rồi, hơn 50 năm sau cuộc gặp gỡ Việt-Pháp đó, éo le thay, thực dân Pháp đã đến xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Không hạ được Đà Nẵng để tiến chiếm kinh đô Huế, quân Pháp chuyển qua đánh Sài Gòn. Quân nhà Nguyễn gắng sức nhưng rồi thành Gia Định thất thủ ngày 17.2.1859. Cuộc chiếm đóng của người Pháp ở Sài Gòn và đất Nam kỳ sau đó không dễ dàng. Sau bốn năm bình định, đến ngày 15.6.1865, chính quyền Pháp mới chính thức ban hành sắc lệnh lập ra “Ville de Saigon ” – thành phố Sài Gòn. Từ đó, Sài Gòn chuyển qua một quỹ đạo văn minh mới.

Công nghiệp hóa sớm nhất

Người Pháp đã đem văn minh phương Tây đến Sài Gòn trộn với chất phương Đông sẵn có của nó để tạo ra một Sài Gòn mới mẻ và độc đáo. Rất thuận lợi, Sài Gòn đi vào công nghiệp hóa cùng thời những phát minh kỳ vĩ của loài người: xe lửa, máy bay, đèn điện, đường dây thép, điện ảnh… Sau 30 năm xây dựng, người Pháp đã cải biến Sài Gòn thành đô thị hiện đại đầu tiên ở Việt Nam sánh vai cùng nhiều đô thị châu Á đã phát triển trước đó như Singapore, Penang, Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo. Cho đến đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và hoàn chỉnh: bưu điện, nhà máy điện, nhà máy nước, công nghiệp đóng tàu, đường nhựa, đường xe lửa, bến cảng và sân bay… Chính nhờ kinh nghiệm xây dựng Sài Gòn và ngay cả phương tiện và nhân lực của Sài Gòn mà người Pháp đã xây dựng tiếp “Hanoi ville”, “Tourane ville” (Đà Nẵng) và một loạt thành phố khác vẫn tồn tại ở Việt Nam.

Thời cơ và số phận đã bắt Sài Gòn đi trước trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Những nhà máy, công ty, chợ đầu mối, thương xá, ngân hàng, hãng xe đò, xe lửa đầu tiên của Việt Nam đều ra đời từ Sài Gòn. Cũng từ đây, hình thành nên những nghề nghiệp mới: thợ thuyền, kỹ sư, doanh nhân và ngay cả những ngành nghề mới: nhật trình (báo chí), tiểu thuyết, nhà in, nhà sách… Ngay cả về giáo dục, từ Sài Gòn đã “khai sinh” việc giảng dạy chữ quốc ngữ trong trường học và sử dụng chữ quốc ngữ trong công sở và báo chí. Cũng từ Sài Gòn, đã hình thành hệ thống tiểu học – trung học, trường dạy nghề, trường sư phạm, trường cấp tỉnh, trường cấp miền (chỉ riêng đại học, người Pháp mới lập ra trước nhất ở Hà Nội để tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với nền giáo dục Nho học lâu đời).

Dòng sông ra biển lớn

Sông Sài Gòn là dòng sông lớn, dễ dàng ngược xuôi ra biển. Vựa lúa Nam bộ và hàng hóa cả nước theo sông Sài Gòn ra với thế giới. Những tuyến đường viễn dương lần lượt ra đời: Sài Gòn-Singapore-Marseille, Sài Gòn-Hongkong-Thượng Hải-Yokohama và xa hơn nữa đến San Francisco và New York. Chẳng mấy chốc, có thêm đường hàng không Sài Gòn-Paris nối châu Âu, Sài Gòn-Hongkong nối với Đông Bắc Á và Mỹ. Những tuyến đường biển đường không, báo chí và viễn thông xuất phát từ Sài Gòn đã mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn không chỉ cho người Sài Gòn mà còn cho người Việt Nam, người Đông Dương ra với năm châu. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ thanh niên mới được các sĩ phu yêu nước nhóm lửa đã mau chóng từ Sài Gòn “xuất dương”, tìm đến những đất nước tiên tiến cả Đông lẫn Tây để học hỏi, kiếm sống và khám phá những tư tưởng cách mạng.

Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn.

Cho đến trước 1945, Sài Gòn đã rõ nét là một trung tâm giao thương và hàng hải nhộn nhịp, một trung tâm công nghiệp lớn, nhất là sơ chế nông sản, có vị trí quan trọng. Nói như ngôn ngữ bây giờ, Sài Gòn là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng từ Á sang Âu và từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Sài Gòn còn là một thành phố mang phong vị Á-Âu, với gần 500 ngàn dân đến từ tứ xứ và nhiều châu lục. Sài Gòn là “thủ đô kinh tế” của Đông Dương, nơi có dinh Toàn quyền, có các tòa lãnh sự và thương vụ của các cường quốc Anh, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác. Khi chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra năm 1941, người Nhật đã đặt đại bản doanh tại Sài Gòn để điều hành cuộc chiến Đông Nam Á. Sài Gòn đã hứng bom không quân Mỹ nhưng may mắn không bị nhiều tàn phá. Những diễn biến chiến tranh khốc liệt hơn 30 năm sau đó càng làm thế giới biết đến tên Sài Gòn không chỉ liên quan vận mệnh kinh tế mà còn là vận mệnh chính trị của cả Đông Dương và khu vực.

Yêu kiều giữa chiến tranh

Năm 1948, chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại và Pháp dựng lên, đặt thủ đô ở Sài Gòn. Lần đầu tiên trong lịch sử, Sài Gòn trở thành trung tâm đầu não về cả hành chính và quân sự cả nước cho một bên trong cuộc chiến. Kế đến năm 1955, Sài Gòn lại tiếp tục làm thủ đô cho miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong nửa đầu thập niên 1950, phố xá Sài Gòn bắt đầu có biến đổi một ít so với thời kỳ trước 1945. Nhiều công sở trung ương, công sở ngoại giao, nhiều phố phường thương mại mọc lên. Sài Gòn bắt đầu có cấp quận. Người các tỉnh đổ về tỵ nạn chiến tranh và kiếm sống gia tăng làm thành phố từ 500 ngàn dân tăng lên gấp đôi, gấp ba. Nhiều khu ổ chuột, định cư tạm bợ ra đời: Bàn Cờ, Vườn Chuối, quận 4… Những con kênh lớn như kênh Tàu Hũ bị nhà dân lấn chiếm hai bên bờ. Thành phố phát triển trong chiến tranh, không giữ được quy hoạch cũ, mau chóng xộc xệch.

Từ 1955 đến 1965, Sài Gòn có mười năm yên bình để phục hồi lại vẻ yêu kiều trước chiến tranh. Song sau đó, mười năm kế tiếp từ lúc có những xáo trộn chính trị dồn dập, quân Mỹ đổ vào, cường độ chiến tranh gia tăng khốc liệt thì Sài Gòn bước qua một giai đoạn phát triển gấp gáp. Sài Gòn trở nên một thành phố có đủ sự lãng mạn, cái đẹp vốn có từ thời thuộc địa Pháp đến những dấu ấn mới tự do theo kiểu Mỹ. Cùng lúc đó, Sài Gòn lại phải mang vào những tác động thô bạo và tàn bạo của chiến tranh. Song cũng chính vào thời kỳ phát triển với nhiều mâu thuẫn như thế, Sài Gòn vẫn được thế giới biết đến như một thành phố có sức sống đa dạng, mạnh mẽ, năng động. Tất cả các hoạt động và thành tựu kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu quốc tế của Sài Gòn, nhất là con người Sài Gòn, phong cách Sài Gòn có được từ 1865-1975, đã trở thành một tài sản quý giá không thể thiếu, một dấu ấn không thể bác bỏ khi lịch sử sang trang.

Sài Gòn với vốn liếng lịch sử hơn 100 năm đi ra biển lớn, hơn 100 năm đấu tranh và xây dựng đã trở thành một cái tên tự hào chung cho cả nước. Sài Gòn còn là một cái tên quốc tế đã thành danh, một thương hiệu được tin cậy trong và ngoài nước. Những thế hệ Việt Nam đương đại và sau này có hiểu biết được bề dày độc đáo của Sài Gòn mới có thể yêu Sài Gòn sâu hơn nữa. Và không thể không đồng thuận với những thế hệ trước về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị đẹp của Sài Gòn, từ những hàng cây cho đến những kiến trúc và cảnh quan độc đáo, từ những con người cá tính và đóng góp phong phú, từ những ý tưởng và cách nghĩ, cách làm phóng khoáng. Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn. Đừng để Sài Gòn trở thành một đô thị vắng tên trên bản đồ thế giới!

Tác Giả: Phúc Tiến 




Saturday, 16 May 2015

Ba ơi! Con không hiểu?








Buổi chiều, đang tưới mấy giỏ lan trước sân nhà, con gái tôi 17 tuổi học lớp 12 từ trường về nắm tay tôi kéo vào phòng khách vừa mở cặp vừa thuật lại. Trong tiết học văn chiều nay thầy gọi con lên nói nhỏ: "tan trường đợi thầy tại lớp". Cuối giờ chiều, trong lớp chỉ con và thầy, ngồi đối diện nhìn con đôi mắt thầy lung linh lạ lắm, lần đầu tiên trong suốt niên học rất thân ái thầy nhẹ cầm bàn tay trao lại cho con bài kiểm tra môn văn ngập ngừng nói nhỏ đủ cho con nghe:

"Thầy rất muốn cho em điểm 9 bài văn này, nhưng không thể, không có gì là phạm quy nhưng không nên cho ai biết, em về viết lại bằng nội dung khác, ngày mai nộp lại cho thầy" 

Bối rối con cất vội vào cặp cám ơn thầy, bất giác thầy hỏi con: "gợi mở từ đâu em làm bài này?" con nói: từ Lễ duyệt binh Đại Thắng 30 tháng 4 vừa qua, thầy không nói thêm chỉ gật đầu mỉm một nụ cười rất khó tả, mà không thể nào con hiểu nổi, bước ra khỏi lớp con còn nhìn lại thấy thầy vẫn ngồi đó có thêm điếu thuốc trên môi, nhìn ra cửa sổ đôi mắt trầm tư...

Con gái tôi nói, Ba biết không, tuần trước, kiểm tra môn văn học kỳ cuối khóa và cũng để mở rộng thêm kiến thức nghệ thuật phản biện cho học sinh trước hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, một đề bài rất khó cho toàn lớp mà mỗi học sinh phải viết lên ý tưởng của riêng mình, đề tài là một câu hỏi: 

“Xung quanh bạn, những thành tựu đổi mới của xã hội đất nước, có thứ nào có thể sẽ tốt hơn, nếu: (theo suy nghĩ của bạn)...?” 

Con tôi lấy từ trong cặp đưa tôi xem bài làm của nó và cười cười nói: Cái này không phải lỗi tại con mà là tại ngày lễ 30 tháng 4 à nghen, con làm bài theo quan niệm quần chúng, nó xin phép đi thay đồ bỏ lại tôi ngồi một mình với “tác phẩm” của nó như vầy:


Môn Văn Học - Đề bài: “Xung quanh bạn, những thành tựu đổi mới của xã hội đất nước, có thứ nào đôi khi có thể sẽ tốt hơn, nếu: (theo suy nghĩ của bạn)...?” 

Bài Làm 

Sáng ngày 30 tháng 4 - Trôi theo dòng người tấp nập Tôi ngược lên cầu Thị Nghè rẽ trái đường Nguyễn Bỉnh Khiêm định vào đại lộ Lê Duẩn xem lễ duyệt binh chào mừng “Đại Thắng”, nhưng đến trước thảo cầm viên là cảnh sát công an ách lại kiểm ra, chỉ có giấy mời mới vào được khu vực trung tâm hành lễ.

Lỡ đi rồi biết làm sao, đứng bên lề đường trưa nắng như thiêu đốt, một chiếc xe bus quân đội đời mới dừng lại mở cửa hơi lạnh từ trong xe hắt ra mát rượi nhiều người đứng tuổi trên xe bước xuống, quân phục “Giải Phóng Quân” mới tinh một màu xanh lá với huân, huy chương lủng lẳng đầy ngực xếp hàng đủng đỉnh oai vệ đi sau người cầm cờ hướng vào khán đài.

Khát nước, bước qua bên kia đường mua ly nước mía, mắt tôi chợt dừng lại dưới đất cách vài bước chân ngồi bên cột đèn đường hứng cái nắng chói chang gay gắt là một bóng người lớn tuổi đen đúa cụt cả đôi chân cái nón vải sùm sụp trên đầu và chiếc áo rằn ri lá cây rừng bạc màu nắng gió trước mặt là cái lon sắt cũ kỹ đựng tiền lẽ. 

Cầm ly nước mía tự nhiên đôi chân tôi bước lại, ngồi xuống 2 tay bê ly nước tôi ngỏ lời: Thưa, cho cháu mời bác ly nước và cũng không quên bỏ vào cái lon sắt tờ bạc mười ngàn đồng, ngạc nhiên bên trong cái lon sắt nằm chèo queo là cái huy chương bằng kim loại cũ mèm, tôi cầm lên ngắm nghía hỏi khẽ: bác là thương binh? Bác ấy cười móm mém: Thưa cô, tôi là phế binh chế độ cũ QL/VNCH, cái huy chương đó là “Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu” kỷ niệm trận ĐăkTô, Tân Cảnh.

Đứng ở đây xa quá không xem được gì nhiều. Tôi mua vé vào Thảo Cầm Viên kề bên, ngồi trên thảm cỏ xanh dưới bóng cây trốn cái nắng mang theo trong lòng một thứ gì đó nằng nặng, không dưng tự nhiên bỗng thấy vương vấn một thoáng ngậm ngùi...

Rồi tự hỏi: Sao cũng là người Việt Nam cũng chiến binh như nhau nhưng ngày “đại thắng” thống nhất non sông, dân tộc chứng kiến 2 số phận “Vinh Nhục” đôi đường tương phản đến não lòng như vậy?.

Rồi như tự trả lời cho chính mình: Nếu ngày xưa sau khi bị chia đôi 2 miền đất nước vào năm 1954 sao Miền Bắc, Bác Hồ không làm như miền Nam là “tuyên chiến” nhưng tuyên chiến với đói nghèo lạc hậu với nhược tiểu của một quốc gia vừa thoát tròng 100 năm nô lệ, 2 miền Bắc Nam cùng thi đua nhau, Sài Gòn ông Ngô Đình Diệm thì dựa vào viện trợ của Mỹ và các nước tư bản để phát triển cùng nhịp điệu với các quốc gia Đông Nam Á. Hà Nội thì ông Hồ Chí Minh dựa vào Liên Xô, Trung Quốc và khối Đông Âu viện trợ xây dựng lại miền Bắc sau cơn đói tang thương Ất Dậu, chưa cần thiết phải tuyên chiến đánh nhau và với vị trí đắc địa nhìn ra Biển Đông trên “đại lộ” hàng hải quốc tế thì sau hơn 60 năm (kể từ 1954) nếu sáng suốt và khôn khéo thì hôm nay chí ít 2 miền Bắc Nam đã như là Hàn Quốc - Đài Loan hay Singapore, kinh tế phát triển bao nhiêu thì xã hội kiến thức văn minh con người cũng cao theo chừng ấy và lúc này sau bao nhiêu năm, là lúc người dân 2 miền sẽ biết phải làm như thế nào để tương thích với tầm cao trí tuệ, để nhân danh nhân quyền nhất trí bằng một cuộc biểu quyết thống nhất trong êm đềm văn minh như Đông và Tây Đức trước kia và sẽ bầu tổng thống và Quốc Hội mà nhân sự là tổng hợp nhân tài trộn lẫn của cả 3 miền Trung Nam Bắc trong công bằng quang minh chính trực. 

Và như vậy là hoàn toàn không có mấy triệu người, một thế hệ thanh niên rường cột quốc gia nằm xuống, không có biết bao cảnh tang thương đoạn trường do khói lửa chiến tranh bom đạn từ nước ngoài mang vào gây ra và quan trọng là đôi khi qua cuộc bầu cử thống nhất bởi trí tuệ văn minh nhân quyền đích thực của toàn dân phát triển qua 60 năm không bị chiên tranh hôm nay có thể Việt Nam không phải là một nước CS/XHCN mà được toàn dân chọn lựa là một quốc gia đa nguyên tự do dân chủ như đa phần các quốc gia trong LHQ hiện nay và vì vậy chắc chắn không có hình ảnh ngày lễ “Thống Nhất” duyệt binh mà có Bác thương binh QL/VNCH miền Nam ngồi bên vệ đường nắng bụi cùng cái huy “Anh Dũng Bội Tinh” và nhất là sẽ có gần trăm triệu người cùng chung vui chứ chẳng có triêu người nào buồn…

Tóm lại có rất nhiều thứ, nhưng một thứ lớn nhất “có thể sẽ làm cho xã hội tốt hơn rất nhiều so với ngày nay, nếu không có cuộc chiến tranh phát xuất từ miền Bắc vào miền Nam” gây ra.

Lê Trần Thu Nguyệt - Lớp 12/A4 - Trường THCS III - Quận... TP/HCM

Con gái tôi dưới nhà đi lên hỏi: Ba thấy bài viết con ra sao mà Thầy con nói “rất muốn cho em điểm 9 bài văn này, nhưng không thể”? mà con thì không thể nào hiểu nổi? 

Tôi im lặng chỉ cười buồn nhìn con mình cắp cặp lên lầu chuẩn bị làm lại bài mới dù muốn nói với con: Hơn ba triệu đảng viên CSVN trong đó hàng chục ngàn Thạc Sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư mà họ còn không muốn hiểu thì một học sinh 17 tuổi như con thì làm sao hiểu được... Một mai không còn chủ nghĩa CS trên đất nước mình ắt con sẽ hiểu mà không cần đến ai để giải thích.



Hoàng Thanh Trúc



Thursday, 14 May 2015

Жди меня - Đợi anh về









Жди меня
K. Cимонов

Жди меня, и я вернусь.
Только очень жди,
Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Жди, когда снега метут,
Жди, когда жара,
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.
Жди, когда из дальних мест
Писем не придет,
Жди, когда уж надоест
Всем, кто вместе ждет.


Жди меня, и я вернусь,
Не желай добра
Всем, кто знает наизусть,
Что забыть пора.
Пусть поверят сын и мать
В то, что нет меня,
Пусть друзья устанут ждать,
Сядут у огня,
Выпьют горькое вино
На помин души...
Жди. И с ними заодно
Выпить не спеши.


Жди меня, и я вернусь,
Всем смертям назло.
Кто не ждал меня, тот пусть
Скажет: - Повезло.
Не понять, не ждавшим им,
Как среди огня
Ожиданием своим
Ты спасла меня.

Как я выжил, будем знать
Только мы с тобой,-
Просто ты умела ждать,
Как никто другой.
Đợi anh về          
           

Đợi anh, anh sẽ về.
Có điều hãy ráng đợi,
Đợi khi buồn vời vợi
Theo mưa vàng trào dâng
Đợi, khi mưa tuyết giăng
Đợi, khi trời nắng lửa
Chẳng ai chờ ai nữa
Quên rồi ngày hôm qua
Hãy đợi, khi từ  xa
Những cánh thư không đến,
Đợi cả khi mọi người
Cùng đợi chờ đã  nản


Đợi anh, anh về lại
Khỏi cần chúc phúc đâu
Cho những kẻ làu làu:
Rằng phải quên rồi nhé.
Cho dù con và mẹ
Tin rằng anh không còn
Dù bạn chờ mỏi mòn
Tụ ngồi quanh bếp lửa
Cạn ly vang chát chúa
Tưởng nhớ một linh hồn…
Hãy đợi. Đừng vội vàng
Cạn chén cùng với họ.  


Đợi anh, anh về lại
Trêu ngươi mọi tử thần
Để ai không chờ anh
Phải thốt lên: May đấy!
Không chờ, họ sao hiểu
Giữa lửa đạn chiến tranh
Bằng sự chờ mong ấy
Em đã cứu được anh

Làm sao anh sống sót
Riêng mình biết với nhau -
Đơn giản em biết đợi,
Không như người khác đâu




         Lưu Minh Phương dịch









Tuesday, 12 May 2015

Ấn tượng Phạm Ngọc Thái và Thơ





                                                                 Nguyễn Khôi



     Qua tác phảm và gặp con người cụ thể - Nguyễn Khôi có cảm tưởng: như thấy ở Thái một Vladimir Maiakovsky Việt Nam: hiên ngang, luôn đứng trên tầm thời đại, dám tự khẳng định mình bằng những bài thơ, dòng thơ trữ tình (ở Maia là “phản trữ tình”) đều vì tình yêu lớn lao. Ước vọng sâu sắc nhất của anh.

     Phạm Ngọc Thái lớn lên ở cái xã hội mà ở tầng lớp trên thi đàn là các “nhà thơ Quốc Doanh” ngự trị. Họ Hàn lâm đấy (nghĩa là có học thức và được đào tạo cẩn thận) để mặc đồng phục, cùng đeo một thứ huy hiệu, cùng một lối viết, một giọng điệu ngợi ca “tô hồng” của “một nền văn học minh họa” - Nói theo kiểu nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu. Còn lớp dưới thi đàn là các Hợp Tác Xã (câu lạc bộ) sản xuất thơ “nhiều, nhanh, rác, rẻ”… quanh năm ca ngợi mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại ?!  

     Riêng Phạm Ngọc Thái “Nhà thơ của tự do”, không ăn lương và lệ thuộc vào bất cứ một tổ chức thi nhân nào. Bằng một thi tài bẩm sinh (trời cho) cùng với sự khổ luyện (lao tâm khổ tứ) để "Ta khoả lòng ta đằm sương gió" - Để rồi:

                          Nhặt câu thơ rơi, lệ lã chã mùa thu…

     Thơ tình Phạm Ngọc Thái viết với một dung lượng lớn, tới vài trăm bài nhưng đọc không nhàm chán, vì anh luôn tạo được ý mới, tứ lạ, ngôn ngữ thơ tinh luyện, hình tượng thơ ĐẸP và sống động. Cái “thơ” đan trong cái “mộng” - cái “ảo” diệu huyền để hiện lên cái thực thấm vầo tâm can người đọc. Từ trữ tình kiểu Xuân Diệu, thơ Phạm Ngọc Thái đã vượt lên cái tượng trưng, siêu thực của Bích Khê:  

                         Làn da trắng vòm ngực nàng hưng phấn 
                         Tan tành rồi! Ôi, mộng thuở ái ân...

                                                    (cây thầm tiếc bóng) 

                         Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai!
                         Người đàn bà ai mà định nghĩa?

                         …..

                         Khúc thơ tình anh lại viết về em

                         Người đàn bà ngậm cả vầng trăng…

                                                   (người đàn bà trắng)




gần đây, nữ thi sĩ trẻ Nồng Nàn Phố (Phạm Thiện Ý – sinh 1988) viết rất bạo: Anh ngủ thêm đi, em phải dậy lấy chồng/ - Còn anh với Hồ Xuân Hương tái lai - 2012 và tập sách Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại - 2014,  đã viết rất thời sự, rất trẻ, rát đời thường: 

                         Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác
                         Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không?

                        …..

                         Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa...
                         Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?

                                      (dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ)

     Hoặc là:

                        Bóng ngàn than huyền thoại tang trắng phủ

                        Mà miệng còn muốn cắn vú người yêu!

                                               (khóc bên Hồ Núi Cốc)

                        Anh lại có một cô áo trắng

                        Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời

                        Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm

                        Bầu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi.

                                              (cô áo trắng)

     Thơ trữ tình Phạm Ngọc Thái HAY vì anh luôn bám vào cuộc sống đầy máu thịt đang sinh sôi:

                        Trong sân gạch sư già quét lá

                        Bước người đi thầm lặng cõi hư hao…


                        Chiều hồ Tây - Chiều Tây Hồ lộng gió

                        Ta và người cõi mộng khác chi nhau

                        Người quên hết! Còn ta yêu tất cả

                        Trong tiếng lá bay chầm chậm bóng ta theo.

                                             (một góc hồ Tây)

     Chao ôi, “yêu” làm nên động lực cho hồn thơ cất cánh, cho ngọn thần bút ( hay bấm chuột @ ) khởi sắc:

                        Nghe cả biển, tình yêu và đời vỗ

                        Nhúm cỏ lòng xé rách bụi thơ bay

                                           (trước núi Mỹ Nhân)

     “thơ yêu” Phạm Ngọc Thái là tiếng lòng, tiếng con tim luôn ngân vang một giai điệu như “mưa rơi” vào miền ký ức sâu thẳm:

                        Nghe không em lại mưa lên phố

                        Bao năm rồi, chiều ấy cũng mưa rơi

                                          (Em ơi! Thành phố lại mưa)

                        Anh hôn mãi những giọt mưa em thuở ấy

                        Dẫu chỉ thấy còn bong bóng vỡ đầy môi

                                                     (trong mưa)

     Chao ôi, thơ là đời, là tâm huyết máu thịt của thi sĩ. Không có tình yêu lớn lao -  chân thực thì không thể có những vần thơ tuyệt tác là thế.

-   Một tài năng lớn… với những giá trị văn học tuyệt vời!

     Mong rằng “thơ Phạm Ngọc Thái” sẽ được người đời (trong và ngoài nước) thưởng thức, đánh giá một cách trân trọng, đúng mực…

     Gì thì gì, với ấn tượng của Nguyễn Khôi thì: đọc thơ tình Phạm Ngọc Thái làm cháy bỏng con tim, cho ta trẻ lại của một thời “yêu” và “mộng”.


    Phố Vọng, hè 2015

























Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên