Đừng khinh chê những thứ thuộc về nhà quê, nơi chúng ta có một tuổi thơ đầy cảm xúc, nó gần như định hình tính cách của cuộc đời ta. Dù khó khăn và điều kiện thiếu thốn, nhưng nó là cái nôi của mỗi người khi lớn lên hay tìm một cuộc sống đầy đủ hơn ở tỉnh thành. Cuộc sống ở tỉnh thành hiện đại hơn, điều kiện phát triển hơn nhưng không vì thế mà ta ruồng bỏ cái gọi là "nhà quê", hãy trân trọng những gì ta đã từng có. Ở đó nếu ta có thể quay trở lại sẽ có nhiều cái thú, cái thú mà không phải ai cũng có được. Đôi khi ngay cả ta đang hiện diện ở một resort 5 sao chưa chắc bạn đã có được trải nghiệm như khi bạn về nơi bạn đã từng sống và lớn lên. Chia sẻ cùng bạn để giúp bạn có được trải nghiệm cái mà bạn gọi là nhà quê như tôi...
Mr.john
NẰM NGHE MƯA RƠI ĐẦU MÙA
Một kỳ nghỉ dài, bạn về quê, dưới mái nhà xưa, chỉ là vách ván hoặc mái tôn, mái ngói, cái nóng của tháng tư vẫn hầm hập, bỗng dưng trời chuyển xám, mưa bắt đầu rơi, những âm thanh mang lại cho bạn nhiều thứ cung bậc. Gió rít bên cây cổ thụ, cành tre đong đưa liên tục như mụ phù thuỷ đưa chổi quyét nhà.
Mưa ở nhà quê rất cuồng loạn, mạnh mẽ đầy nam tính, không kiểu yếu ớt và đỏng đảnh như Sài gòn. Những tiếng sấm có vẻ rất uy nghi và những tia sét có thể kiến ta cảm thấy mình như con kiến dưới thác nước. Uy lực của những đợt gió khiến bạn luôn tin và cầu xin vào thượng đế, khi cái nóc nhà ta lung lay như muốn bốc tung lên, có cảm giác sợ chết sau một tia loé sáng, một tiếng sấm vang vọng đùng đùng...
Mưa rơi trên lá nghe như tiếng trống của Kirato, chảy xuống bẹ chuối như tiếng đàn tranh réo rắt, đôi khi những lúc ngớt mưa lại tí tách đều đặn như điệu slow rock của cây guita thùng cũ kỹ treo nơi vách tường.
Mưa đầu mùa ở miền quê có vẻ mênh mang và trống ngoác, nó không chật chội như những khối bê tông chọc trời ở Sài gòn. Mưa ở quê có màu trắng sâu thẳm, mờ đục phảng phất sự tinh khiết của tâm hồn người nông dân, thuần khiết và hư vô.
Nếu bạn tựa ở cửa sổ, có thể nhìn ra cánh đồng xa trắng xoá, những chiếc nón lá thấp thoáng bóng người nông dân còn cặm cụi nốt việc nhà nông lẫn trong mưa mù. Ở resort bạn có thể trông thấy các cô em bikini chân dài qua nách lượn lờ, nó kích thích phần nửa dưới của con người bạn, nhưng nhìn người nông dân khoác tấm vải nhựa thay áo mưa và nón rách thì nó lại kích thích phần trên của bạn, khiến bạn có phần người hơn một chút.
Mưa ở miền quê không có vẻ quá buồn chán, tuy rất sâu lắng nhưng không u uất, ở phía xa là những dãy đồi hùng vĩ giăng ngang chân trời, những vệt mưa theo gió uốn lượn vần vũ theo bản hoà tấu của thiên nhiên. Với óc tưởng tượng ta có thể thấy cả một đạo quân với những chiến binh quyện vào nhau như các vị thần Olympus trong thần thoại Hy lạp. Như một bản anh hùng ca đầy bi tráng.
Nằm dưới mưa quê đầu mùa, ký ức của ta có thể về bất cứ lúc nào, riêng tôi luôn là hình ảnh những lần tắm mưa và vui đùa với các bao lúa sũng nước ở cánh đồng hoặc những bó rau lang cất đầy sau xe đi dưới mưa tầm tã đập vào mặt những hạt mưa như ai ném bốc sỏi đều đặn vào mặt.
Cái thú ấy dù ta có tiền tỷ không phải ai cũng mua được.
NGẮM TRĂNG SAO
Nếu may mắn những ngày nghỉ lễ rơi vào những ngày cận rằm. Lúc đó ta có thể tận hưởng một bữa tiệc đêm thịnh soạn của vũ trụ.
Ta có thể trải chiếu ngay bên thềm nhà, với một bình trà ấm vừa đủ đăng đắng, nhìn lên bầu trời. Nhấm nháp tách trà và tận hưởng, chiêm nghiệm cuộc sống, suy nghĩ về tương quan con người và vũ trụ, con người từ đâu đến và đi về đâu, con người là gì trong vũ trụ, vai trò như thế nào.... Ta có thể thành nhà triết học trong giây phút định mệnh nào đó ở khoảng khắc ấy.
Trăng ở quê rất trong, tròn và sáng huyền ảo. Không ma mị nhưng có cảm giác quyến rũ.
Những ngày trời trong, ánh sáng có thể vàng như mật ong rừng phủ lên cả một không gian vô tận. Chỉ cần ta ôm cây guita đã cũ kỹ mà tuổi thơ ta đã từng mang khắp xóm dạo hát cùng các cô em, giờ ta âm thầm rải từng nốt ca bài "tôi đưa em sang sông" hoặc nhẹ nhàng cùng bản "romance" hay nhão hơn tý nữa thì bản bolero "cô hàng xóm" đúng như lời bài hát, nó da diết và đầy tính nhân văn khi ta đã trải qua rất nhiều năm vật lộn với cuộc sống ở xa. Có thể lúc ta hát, cô em gái nào đó của ngày xưa đã đang cho đứa con thứ ba bú mớm...
Cảm nhận lúc này của ta khác xưa rất nhiều, ngày xưa những lời hát nghe có vẻ trách móc và bi thảm của tuổi mộng mơ nhưng giờ cũng là giai điệu ấy, nhưng nó mang âm hưởng của sự sâu lắng, từng trải và có khi lại mỉm cười đểu khi hát bài "túp lều lý tưởng" đến đoạn. ... " túp lều lý tưởng của anh và của em, đâu đâu nào em ơi..." - Rất thực tế, người phụ nữ luôn hỏi những điều khó trả lời như thế. Hay đến đoạn ..."ban mai mình ngắm màu hoa, đêm đêm mình ngắm chị hằng..." Và đôi khi lại nghĩ đúng là nhạc sĩ ảo tưởng, nhưng hay đấy.... Rồi vỗ thùng đàn cười một mình.
Những ngày trăng sáng thường rất yên ắng, không có gió, những hàng cây đứng im như những người đàn ông can đảm trước một cuộc chiến lớn.
Vào đầu mùa mưa, âm thanh ban đêm luôn là tiếng kêu của côn trùng, ta có thể được nghe bản giao hưởng ở một góc độ khác, nhiều khi hay hơn cả bản sonata dưới ánh trăng của Mozart, ta có thể nhắm mắt và cảm nhận được từng loại côn trùng dế, giun, keng kéch, ếch nhái, ễnh ương... như những loại nhạc cụ khác nhau. Không có một nhạc trưởng, cũng không có một sự tập luyện nào nhưng luôn có một sự hài hoà đến hoàn hảo.
Đêm trăng đầu mùa ở quê rất thánh thiện, ta có thể quên hết cả sự dung tục phàm trần, mọi dục vọng không bao giờ có mầm mống ở không gian ấy. Có truyền thuyết kể rằng, chỉ cần ta chạm vào người ta yêu dưới ánh trăng ấy, thì ta có thể trọn đời bên nhau. Tôi chưa bao giờ được thử cảm giác ấy, hay nói cách khác chưa bao giờ có cơ hội, vả lại tôi vẫn nghi ngờ truyền thuyết ấy vì nhớ đến Chí phèo và Thị Nở trong ánh trăng định mệnh.
Dưới ánh trăng đầu mùa, ta có thể tha thứ mọi lỗi lầm của bản thân ta, của những người xung quanh ta. Ta không còn oán trách hay thù hận. Chỉ có một sự kết nối giữa ta và vũ trụ, bản thân ta phản ánh trong vũ trụ và vũ trụ nằm trong ta. Tuyệt nhiên trăng đầu mùa mưa không có tiếng cú đêm hay tiếng chim lợn như trăng cuối năm, không có dơi bay đêm... đó là sự khác biệt lớn mà chỉ có những người chuyên ngắm trăng mới biết được
Vào những ngày trăng non, bạn có thể không nhìn được trăng tròn vành vạnh nhưng bù lại ta có thể thấy được các chòm sao, lúc ấy như một rừng hoa đủ hình dáng và nhiều câu chuyện thần thoại trên sông ngân lấp lánh, những truyền thuyết được sắp đặt trên dải ngân hà một cách logic và khoa học. Vào mùa này, chòm sao Đại hùng tinh mang đến cho ta cảm giác thân thuộc và tin cậy, chỉ cho ta hướng bắc khi ta nhận thấy 7 ngôi sao hình chiếc ghế xoay ngang lên lưng trời.
Chếch về tây ta có thể thấy được chòm thất nữ với 7 cô gái đồng trinh. Bầu trời đêm đầu mùa mưa, bạn không thấy được chàng dũng sĩ và chòm Orion, Sirius lung linh như vào mùa đông.
Nếu khuya hơn nữa ta có thể nhìn về hướng nam với chòm sao Thần nông, có hình dáng con bọ cạp bò vươn lên dải bạc lấp lánh ôm trọn cả phương nam.
Ta có cảm giác như đối diện với đấng tạo hoá, đối thoại với Ngài về thân phận của loài người, có khi lại có cảm giác thành tiên và như đang dạo chơi dưới trần vậy.
Ngắm sao và trăng là một cái thú không phải ai cũng có thể cảm nhận được.
BỔ CỦI
Mỗi lần tôi về quê, bố tôi hay dành cho tôi những khúc củi thật to, nhiều mắt và cực kỳ săn chắc. Ban đầu tôi có vẻ khá vất vả với công việc như thế, dần dần tôi thấy quen và nó lại là một thú vui vô cùng hữu ích. Ở rất nhiều nhà đã dùng gas để nấu bếp, các cụ nhà tôi vẫn dùng củi. Nên việc chẻ củi là việc cần phải có.
Để bổ củi, ta phải có sức khoẻ khá dẻo dai, những cú ra búa phải chính xác, lực phải phân bổ đều, tư thế phải vững như bàn thạch, đứng tấn thế nào cho hợp, lúc thì trung bình tấn, lúc phải tiến âm dương tấn, khi thì trảo mã tấn, có khi phải dùng cả quy tấn để đặt củi.
Ta vung búa phải thuần thục như việc luyện tập những cú forehand và backhand uy lực của Djokovic hoặc hoa mỹ như Federer.
Nếu chỉ như thế cũng chẳng khác một tay võ biền, bạn còn phải có kỹ năng hít thở, ngưng tụ và vận khí từ đan điền vào lưỡi búa, việc này làm cho những cú ra tay bay bổng nhưng lực khủng khiếp.
Ngoài ra ta phải có kỹ năng quan sát và phân tích khoa học, việc dùng sức để nện xuống không mang lại tác dụng nhiều bằng việc ta dùng thế. Cái này phải có kỹ năng của một nhà vật lý học, ta phải hiểu được xớ gỗ thẳng hay xoắn để biết chọn độ nghiêng của lưỡi búa, đặt củi nằm hay đứng, phân phối lực vào lúc nào...
Bổ củi luyện cho ta tính kiên nhẫn, tồn tại trước mọi thử thách, ta phải tính toán và vật lộn với cái mắt của nó một cách thật bình tĩnh, có thể ta phải dùng đến nhát thứ mười hoặc lâu hơn nữa để giải quyết một cái ngạnh nhỏ, nhưng đó là điều rèn luyện ta đến đỉnh cao của sự chịu đựng.
Khi một nhát búa bổ xuống nghĩa là ta mang cả sức mạnh cơ bắp và trí tuệ, sự tập trung cao độ để vẽ lưỡi búa thành một hành trình từ khởi điểm đến khi kết thúc như một tác phẩm nghệ thuật, khi thì dặt dìu, lúc thì buông lơi, lúc lại siết chặt, ẩn hiện đúng lúc. Tâm là búa, búa là tâm, như một kiếm khách ra tay, ung dung tự tại và hiện hữu, không phải kiểu ngọt ngào và man trá.
Ngoài ra, bạn cần phải có kỹ năng tra cán búa, nêm cán theo chiều nào, vỗ cán búa như thế nào để biết lưỡi búa đã chắc... Sau một vài hiệp, bạn toát hết mồ hôi, lỗ chân lông nở ra, bài tiết các chất cặn bã của cả tinh thần và thể xác. Sau đó bạn xối lên mình những gàu nước mát lạnh múc từ giếng sâu hằng chục mét dưới lòng đất. Trải nghiệm này khiến bạn có được sự mạnh mẽ thể xác và sảng khoái tâm hồn.
Có thể nói việc chẻ củi mang tính chất của Thiền học. Có khả năng nâng tầm thành "chẻ đạo".
Đừng xem thường cái thú ấy, ngay cả khi bạn là đại gia ngồi trên audi chưa chắc bạn đã có được.
Mr.john - Nguyễn Văn Doãn
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!