Powered By Blogger





Thursday, 8 January 2015

Xích lô






HDVietNam

Trần Anh Hùng đi theo một con đường độc đáo mà chẳng có đạo diễn Việt nào dám đi trước đây, hiện thực tàn khốc. Mỗi câu chuyện trong phim đều được miêu tả bằng một ánh nhìn sắc lạnh, bình thản, dửng dưng nhưng lại cay đắng. Như một bức tranh sơn dầu xám xịt bị những vết chém mạnh và sắc, lạnh toát, đay nghiến và rạch những đường sâu hoắm. Ở đó, mọi thứ phơi bày trần trụi và thô ráp.

Không nhiều lời thoại, có trường đoạn chỉ là những cú lia máy dài thật dài đưa ta đến sự đối lập hoặc sự bỡ ngỡ. Từng ngôi nhà, từng góc phố, từng con người, từng cảnh vật hiện lên, im lặng và đau xót. Không lời thoại nhưng vẫn khiến ta phải thổn thức. 


Và không có tên nhân vật, trong phim không nhân vật nào có tên, chúng ta không thể gọi tên họ với những sắc thái tình cảm yêu thương, thân mật, căm ghét. Người ta chỉ định danh được nhân vật đó qua chính bản chất con người họ, thằng đạp xích lô, gã đại ca “nhà thơ”, đám lâu la, bà chủ, thằng khùng, cô gái điếm … Không tên nhưng có số phận, không tên nhưng có đau thương, mỗi người đều mang một vết xước trong tâm hồn, dài ngắn hay nông sâu, chỉ họ mới biết mới hiểu. 

HDVietNam

Khác với kiểu “tô hồng” và ca ngợi trong thời kỳ này, Trần Anh Hùng cho ta thấy một hiện thực điêu tàn chênh vênh. Một cuộc sống của những con người trong xã hội, thời kì hội nhập thay đổi, 20 năm sau cuộc chiến. Những giá trị bị đảo lộn cùng với những con người quay cuồng trong vòng xoáy của cuộc đời. 

Buồn bã và ngột ngạt chính là cảm xúc chủ đạo trong phim, những góc quay từ trên cao xuyên qua đám dây điện chằng chịt mang lại cảm giác tù túng, những góc nhà đan chéo, xộc xệch, nước nhỏ long tong nằm sâu trong con hẻm. Những con người lạnh lẽo, dường như mọi tình cảm của họ đã bị giấu đi đâu mất, nhường chỗ cho những hành động bản năng, có chủ đích và tàn bạo. 

Chúng ta sẽ lặng người đi khi thấy đám trẻ ngây thơ ngồi vất vướng vô hồn, hay là đánh giày đến mệt nhoài ngủ quên trên bờ hiên. Chúng ta sẽ thương cảm khi thấy bộ lưng gầy trơ xương, chúng ta sẽ mệt mỏi khi thấy những khu nhà loang lổ, những bãi rác dơ dáy. 

Cảnh hai người cụt chân vào một hàng ăn, vừa đứng vừa đệm đàn vừa hát bài Nắng Chiều bên cạnh những con người đang ăn uống khiến lòng người phải nao nao. Và nhiều nhiều những hình ảnh khác, một hiện thực xã hội buồn thảm. Đối lập với đó là hình ảnh những tòa nhà cao tầng, những bữa tiệc chơi bời xa hoa, những quán bar với gái điếm … Giống như những cái tát khi ta ngơ ngác, sự đối lập khiến ta ngỡ ngàng, choáng váng và xót xa. Cuộc đời chưa bao giờ thiếu những bất công và bất hạnh. 

Thằng đạp xích lô, thân hình ốm, gương mặt khắc khổ, một gương mặt như gánh trên đó những vết sẹo thời gian, nặng nề và mệt mỏi. Có lẽ, đạo diễn đã chọn rất lâu và rất kỹ mới có được một gương mặt tâm đắc đến như thế, một người không phải là diễn viên nhưng lại rất hợp vai. Lê Văn Lộc, sau phim này được người ta gọi là “người đạp xích lô ra thế giới”. 

Tại sao đạo diễn lại muốn chọn hình ảnh người đạp xích lô? Xích lô, một phương tiện di chuyển độc đáo, chở hàng và chở người, một nét đặc trưng khó có thể lẫn được ở những thành phố lớn. Và nó cũng là một biểu tượng không thể tách rời với những con người lam lũ, cực khổ, bán sức lao động của mình để kiếm từng đồng bạc lẻ. Đơn giản nó là một nghề, đơn giản là sẽ phải có ai đó làm cái công việc này, dù muốn hay không. Chiếc xích lô đã được hình tượng hóa, biểu tượng hóa lên như thế. 

Thằng đạp xích lô, nghèo khổ như bao người khác, đôi lúc muốn thay đổi, đi xin vay vốn của chính quyền nhằm thoát nghèo nhưng cuộc sống ít khi nào chờ đợi. Thằng đạp xích lô không phải người tốt, cũng chẳng phải người xấu, trong linh hồn nó xù xì sỏi đá, bộc phát khi có chuyện, dứt khoác khi trả thù và dữ dội khi bị tổn thương. Hơi có chút “bệnh hoạn” khi thích mặc quần lót nữ. Chọn con đường không lối thoát nhưng bản chất lại luôn hướng thiện. Rạng ngời nét hạnh phúc khi mang tiền về cho gia đình. 

Thằng đạp xích lô trong khổ cực đã quyết định chọn con đường đi theo những đại ca, để thoát khỏi số phận. Nhưng đâu đó vẫn là sự giằng xé, giằng co giữa thiện và ác. Qua một cơn mê ảo giác dai dẳng, lại tìm về với ánh sáng ban sơ, với những giá trị cốt lõi, những người thân xung quanh. 

Cô gái điếm, chị của thằng đạp xích lô. Ban đầu gánh nước thuê ở chợ, nhưng sau lại đi làm điếm vì kiếm tiền. Tiếng khóc cay đắng của cô khi trút bỏ xiêm y trước mặt khách làng chơi, vang vọng những tiếng đổ vỡ của linh hồn. Tình yêu mạnh mẽ và nỗi đau khi mất đi người yêu. Trái tim tổn thương được ve vuốt, xoa dịu bởi những cảnh thanh bình, những tình người ấm áp. Ánh sáng cuối đường hầm le lói cho trái tim mệt mỏi. 

Gã đại ca “nhà thơ”, một con người độc đáo, một đại ca lạnh lùng tàn nhẫn nhưng lại đầy chất thơ, đầy lãng mạn. Trong con người này luôn có một khao khát bị kìm nén, kìm nén bởi chính con người hắn. Thâm trầm, ít nói, tàn bạo nhưng lại đầy tình cảm. Yêu cô gái điếm và ngủ với bà chủ. 

Gã đại ca sống với những mơ mộng và hiện thực đan xen, như dòng suối trong trẻo uốn lượn quanh linh hồn tổn thương chất chứa những tâm tư khó biểu lộ. Sự đối lập kỳ lạ của một nhà thơ và một tên đồ tể. Sẵn sàng giết người để trả thù cho cô gái điếm và tự giết chính mình để giải thoát. Cuộc đời con người có hai ngày quan trọng nhất, ngày được sinh ra và ngày hiểu tại sao mình được sinh ra. 

Câu chuyện của gã đại ca giống như một bài hát trữ tình êm dịu trong một không gian đầy những loại nhạc dữ dội với những nốt trầm ngân dài. Điếu thuốc luôn bập trên môi, khuôn mặt phớt đời không cảm xúc nhưng lại luôn để lòng mình hướng về với gia đình, với bố mẹ. Một nhân cách phức tạp mà có lẽ ngoài Lương Triều Vỹ ra, khó có ai có thể diễn xuất đạt hơn một vai nhiều cảm xúc, nhiều góc cạnh, ít lời thoại như vậy. 

Những linh hồn thương tổn khác, mọi nhân vật trong phim đều có một vấn đề riêng biệt. Bà chủ cô đơn nuôi đứa con bệnh tật, yêu thương đứa con đến cuồng si và như điên như dại khi mất đi nó, sự trống rỗng vô nghĩa tràn ngập trong tim người đàn bà tội nghiệp. Những gã khách làng chơi với sở thích bệnh hoạn, thích nhìn phụ nữ tiểu tiện hay là cắt vớ lưới, là bạo dâm. Những linh hồn khiếm khuyết một điểm nào đó, có thể tốt có thể xấu, có thể gây hại hoặc vô hại. Những linh hồn tội nghiệp, cần được chữa lành và lấp đầy. 

Để đến được thiên đường phải đi qua hỏa ngục và luyện ngục. Bạo lực là một thứ không thể thiếu trong quá trình biến đổi. Những thay đổi lớn đều có bóng dáng của bạo lực, dưới hình thái này hay hình thái khác. 

Bạo lực xuyên suốt phim, những kẻ đầu gấu đánh đập thằng đạp xích lô, cướp xe. Thằng đạp xích lô trả thù bằng quả bom xăng thiêu cháy, trả thù bằng cây gậy có đinh đập vào đầu. Cảnh giết người trong lò mổ, bình thản, lạnh lùng, tàn nhẫn, bài hát ru con được kẻ giết người hát chầm chậm và đột ngột kết thúc bằng cú dao vào cổ nhanh gọn, máu phun thành tia và nạn nhân giãy chết, “hãy ngủ, ngủ đi con, con hời con hỡi, hỡi con”. Hay là cảnh gã đại ca trả thù cho cô gái điếm, từng nhát dao dứt khoát, phía trước 2 nhát, nạn nhân khổ sở bước đi, phía sau thêm một nhát, nạn nhân bò lết gục xuống, và vào tim một nhát cuối. Sự trả thù dữ dội trong im lặng, từng nhát dao như rạch sâu thêm vào vết nứt trong linh hồn.

Trong sự bạo lực đến ghê người đó, ta vẫn thấy bật lên tiếng thổn thức của lòng hướng thiện, tiếng đập mạnh của trái tim run rẩy muốn tìm chốn bình yên. Bạo lực như một sự tất yếu, một con đường đệm trong con đường dài tìm kiếm sự thanh thản. 

Trong phim này Trần Anh Hùng rất hay dùng những góc quay dài, chuyển cảnh liên tục chỉ trong một cú máy. Dường như đây là phong cách quay xuyên suốt phim, những cảnh đối lập liên tục lướt qua, những góc nhìn khác biệt từ sáng sang tối, từ thấp xuống cao, từ trái sang phải. Đặc biệt là cú máy ở cảnh gần cuối, một cú long take hoàn hảo biến đổi phải trái liên tục miêu tả sự đối lập giữa điêu tàn và hào nhoáng, một cú máy đắt giá. 

Đạo diễn rất ưa thích góc nhìn ngột ngạt, từ một không gian chật chội như một góc phòng, một cánh cửa sổ, nhìn xuống đường, thấy những chuyện động lặng lẽ của cuộc sống. Chắn giữa góc nhìn đó là những hàng dây điện chằng chịt. Rất nhiều lần hàng dây điện chằng chịt ấy xuất hiện, nó dường như là nỗi ám ảnh bởi cảm giác bị ngăn cách, giữa thời đại cũ và mới, trong thời điểm giao thời, ngăn cách giữa thiện và ác. Một mối ngăn cách nhỏ nhưng khó rời bỏ, khó hòa nhập. 

Góc máy đặc tả, đây có lẽ là cách thức chân xác nhất để truyền đạt đến người xem những hiện thực đau đớn. Đặc tả khuôn mặt những đứa trẻ vô hồn, nằm ngồi vạ vật, đặc tả những góc phố tối tăm nhếch nhác, đặc tả từng con giòi trên khuôn mặt của thằng đạp xích lô, đặc tả từng tia máu phun ra từ cuống họng, đặc tả khuôn mặt bi thương của kẻ bị gã đại ca giết. Người xem sẽ có cảm nhận rõ ràng nhất với những góc máy đặc tả như thế. 

Chỉn chu trong từng khung hình. Mọi bối cảnh, mỗi khung hình đều được đạo diễn chăm chút rất cẩn thận, đồ đạc trong phòng phản ánh điều gì, góc nhìn từ đường phố phản ánh gì, cảnh chiếc máy bay thời chiến ngã giữa đường phản ánh gì. Trang phục, kiểu tóc của mỗi diễn viên đều phản ánh đúng tính cách của họ. Đạo diễn đã cực kỳ tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất để tạo nên những hình ảnh đầy chất nghệ thuật như thế. 

Trong thanh âm vắng lặng, vang lên ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”, Thanh Lam hát, nghe nao nao mà da diết đến lạ, “người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường”. Dường như là tâm tư của đạo diễn, con người đang hoang mang trước những đổi thay nhanh chóng. 

Em ơi Hà Nội phố 

Phần âm nhạc của phim được làm rất kỹ lưỡng, có chủ đích và mang nhiều ý nghĩa, như bài hát “Nắng chiều” do hai người cụt chân thể hiện, như bài “Bắc Kim Thang” vang lên sau một cảnh bạo lực, “chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi”, được thể hiện bằng những khuôn mặt ngây thơ, háo hức nhưng không hiểu sao lại có chút gì đó kỳ lạ, thương cảm. Và ấn tượng nhất vẫn là “bài hát” do súng AK 47 tạo nên, “một đạo cụ để phổ những bài hát rất hay”, “đây là nốt cơ bản, pằng, còn đây là bài hát pằng pằng pằng pằng pằng”, một chi tiết cực kỳ đắt giá, bao hàm những chủ ý sâu xa của Trần Anh Hùng.

Ai xem phim cũng sẽ bị ám ảnh bởi lớp sơn, trong phim, sơn được dùng như là một hình ảnh ẩn dụ để thay đổi bên ngoài, khát vọng “sơn” lại bản thân mình luôn hiển hiện, đứa con của bà chủ thích dùng sơn để trát lên người là vậy. Thằng đạp xích lô trong những cảnh cuối dồn dập cũng dùng sơn để phủ lên người. Cái vỏ được sơn lại nhưng đâu thể thay được cái thực chất bên trong, sơn mấy lần, mấy màu thì cũng chẳng thay đổi được. 

Hình ảnh chiếc máy bay thời chiến ngã xõng xoài giữa đường phố là dự báo về những đổ vỡ, đứt gãy trong một xã hội mới, một thời kỳ hậu chiến nhiều vấn đề. Một thời đại không thiếu những bi kịch và những đối lập, những mâu thuẫn dai dẵng, khó có thể xóa nhòa. 

Thằng đạp xích lô trong cơn ảo giác dùng súng tự bắn vào người mình, như một khát khao “tự chết đi để tái sinh” thành một người khác. Và quả thật là đã thành một người khác, trở về lại đúng bản chất, tìm lại đúng những giá trị thực mà mình đang có, không chạy theo những thứ xa vời nghiệt ngã nữa mà trở lại trong vòng tay ấm áp của tình thân. 

Gã đại ca “nhà thơ” luôn nhắc đi nhắc lại với thằng đạp xích lô là “đừng bao giờ khóa cửa”, tại sao lại đừng khóa cửa? việc khóa cửa như khóa lại linh hồn của mình, không tiếp nhận, không thay đổi và sớm muộn gì cũng lụi tàn. Mở cửa như là mở rộng linh hồn của mình. Ngoài ra, còn rất nhiều hình ảnh ẩn dụ khác. 

Đắm mình trong những trăn trở của Trần Anh Hùng về thực tế cuộc sống của thời đại hậu chiến. Trân mình với những vết dao sắc nhọn vào bức tranh hiện thực không chỉ có màu hồng. Cảm thương trước những số phận, những con người bên lề xã hội và những ước vọng, những khao khát giản đơn. Cyclo là một câu chuyện buồn, vừa dữ dội lại vừa trữ tình, vừa mệt mỏi lại vừa nhẹ nhàng, như một bài hát lên bổng xuống trầm đưa người xem đến những âm vực cảm xúc khác nhau. Một khoảng lặng trong tâm hồn khi chạm đến những bản năng, những linh hồn khiếm khuyết, những hiện thực tàn khốc. 



anbui@hdvietnam.com




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên