Powered By Blogger





Monday 14 October 2013

Nhật ký những ngày tiễn Cụ Đại Tướng






Với Bác


Con tắt TV rồi, để mình con với Bác.
Dân tiễn Bác không sầu thảm.
Dân tiễn Bác tê tái suy tư.
Suy tư chào biệt thế kỷ 20, thế kỷ của những Bi Tráng Việt khổng lồ. Thế kỷ của những Người Việt khổng lồ.
Suy tư khi vườn hết đại thụ, chỉ còn chói chang nắng từ mặt trời thu. Đó là khởi đầu mới mẻ. Hãy tự mình lớn nhé, cây non !
Và con hằng tin
Rằng đất nước này kỳ diệu
Những cô cậu non tơ mặc áo xanh trong những đêm tang lễ. Những người Việt rất trẻ dắt những đứa con lẫm chẫm đi trên các ngách phố Hà Nội đêm viếng Bác thăm thẳm sâu
Những người Việt trẻ khác trên khắp non nước này
Họ có sứ mệnh để đất nước này tràn sắc nắng của yêu thương, khẳng khái.
Bác đã có một Điện Biên Phủ nữa.
Điện Biên Phủ của lòng Nhân Ái Việt.
Điện Biên Phủ của lòng Tự Tôn Việt.
Dẫu thế nào, thì con vẫn hằng tin-dẫu trăng có khi mờ khi tỏ
Rằng: Nước Việt là Nước của những Người Việt áo vải khổng lồ – Thời cần gươm ngàn cân hay thời cần một phần mềm lỗi lạc thì vẫn đã và sẽ là như thế.
Vĩnh biệt Bác
Để mở lòng đối diện với hôm


Vườn Nước từ nay không còn đại thụ


Dòng người viếng Cụ là minh chứng : Cuối cùng, Cụ lại thắng.
Nếu cuộc đời công bằng với Cụ, có thể dòng người vẫn đông nhưng những giọt nước mắt thanh lọc hồn người và (hy vọng) thanh lọc một phần xã hội sẽ ít hơn.
Nếu cuộc đời công bằng, dòng đời sẽ không còn lý do chảy tiếp. Nhưng lòng người xét đến cùng, thì luôn công bằng. Xét đến cùng. Không có điều ấy thì khó tìm được lý do gì để gửi gắm niềm tin vào dòng đời.
Cụ lại thắng. Những lần trước cho tất cả, có Cụ trong đó. Lần này thì Cụ chẳng cần gì cho mình. Con dân đang sống mới cần.
Vấn đề là chiến thắng ấy, được Cụ giao cho, người sống giữ được không? Giữ được bao lâu.
Khi dân tộc này đang rất cần phải thắng.

Ngày 8.10.2013

.......

Đến viếng người lính già là những người lính không còn trẻ nữa. Đường hành quân lần này chỉ từ góc phố này tới góc phố kia. Một sáng thu Hà Nội nắng vàng và hoa cúc vàng. Nỗi xúc động khó nói lên lời bởi sự giao hoà hiếm hoi nơi nhân thế.

........

Tất cả những điều ấy giản dị. Mọi cái hiếm hoi đều giản dị. Bạn hãy đến đây, để nhìn, để cảm nhận những điều tưởng đã không còn có nữa.


9-10-2013

........

Trước cổng nhà số 30, sáng nay 9.10
Người tràn xuống lòng đường, chỗ xe cộ vẫn chạy qua. Những chiếc xe bus kềnh càng mà im lặng khẽ khàng lách người đi qua, như thể xe cũng đi nhẹ nói khẽ. Đám đông và sắc phục cảnh sát- có cả hai mà không gây âu lo, chỉ đầm ấm. Hàng rào an ninh là những cánh tay mềm mại nữ sinh. Dọc hè phố là các bình nước miễn phí. Mọi người tự rẽ ra nhường lối cho trẻ em và người già. Xung quanh, cách vài dãy phố, nhiều tốp người nhìn biết chắc mới xuống bến tàu xe, vừa đi vừa hỏi thăm nhà Ông Giáp. Anh Công an rảnh rỗi, xoa đầu bé mầm non vừa được cô giáo dắt vào viếng Cụ. nhiều thanh niên cầm quạt giấy che và quạt cho các bậc sinh thành trong hàng người dài hàng cây số.

........

Không phải một lần, tại các buổi gặp hàng ngàn cựu chiến binh, trong binh phục chỉnh tề của bậc Đại Tướng, Cụ nói như thể đang cùng với nhóm bạn già quanh bàn nước:
” Chúng ta hôm nay nhìn thấy nhau thế này là quý rồi ! ! !”
Viết đến đây, tôi lại bật cười nhớ chuyện vài người viết rằng Cụ không phải người hùng biện. Cụ có thể nói rất sắc sảo, khi cần ( có tư liệu để ta thấy điều này ). Nhưng Cụ đâu có cần thành người hùng biện. Các vị Đại Tướng thực thụ trong lịch sử ít khi giỏi khoa hùng biện. Họ nhường cho người khác cái tài này.
Đằng sau và bên trong câu nói ” Hôm nay nhìn thấy nhau là quý rồi !” là những năm, những thập kỷ chinh chiến Cụ có bằng cả mấy đời Tướng cộng lại, là không kể được bao máu và cái chết, là bao khuôn mặt đồng đội già, trẻ. Dẫu có gắng giữ gìn dè sẻn đến bao nhiêu, khó mà có chiến thắng bằng giá rẻ. Rồi thời bình, cũng dằng dặc những lúc nhục vinh, sống hay chết về tinh thần cách nhau gang tấc. Bạn hãy lặng yên nếu gặp Vị Tướng ngồi thiền.
Không có câu nói nào trĩu nặng hơn câu nói đó, câu nói thốt lên từ đôi môi run run của Người Lính Già tóc bạc hơn tuyết, và chỉ thốt lên mỗi khi gặp những người đồng đội còn lại sau chiến tranh và nay nguyên vẹn hình hài vào thời bình.
Có thể ít phút nữa thôi, đoàn chiến binh tóc bạc này khi bước vào nhà số 30, đứng trước Cụ, lại nghe thấy câu nói quen thuộc ấy :

“CHÚNG TA HÔM NAY NHÌN THẤY NHAU THẾ NÀY LÀ QUÝ RỒI !”

Ngày 10.10.2013
.........

Đứng trong hàng, có lúc sụt sùi với nhau ” Thương Cụ ấy quá, rõ khổ !”, có lúc lại rôm rả chuyện con chuyện cháu; Có lúc kêu nắng quá, than sáng đi không cầm theo quạt. Có lúc rì rầm nghi ngờ : Nước miễn phí uống có đau bụng không?. Có lúc nhấp nhổm muốn gửi chỗ xếp hàng để đi mua bó hoa cúc vàng mới tươi hơn viếng Cụ. Có lúc bực bội: Hay trên kia có chen ngang nên mình lâu chẳng nhích được tẹo nào ? .

Dân mà.                                                                                              

Dậy từ đêm rời nhà đến đợi, hay đi về Hà Nội vượt năm bảy trăm cây số , chân đi dép đen tổ ong , tay xách nải hỏi đường về nhà Đại Tướng ; Kiên tâm lấy ô, lấy quạt, lấy tờ báo che nắng, nén nhịn ( Huyết áp cao? Thoái hoá cột sống ? Đau thần kinh toạ ? Hạ đường huyết…) hàng giờ không rời hàng một phút. Để được vài mươi giây vái người cả đời chưa được gặp…
Dân đấy.

” Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin “
( Trích từ bài thơ “Thường Dân ” của Nguyễn Long )


Khi chúng ta- người Việt- cùng vào một việc gì do thôi thúc tự tâm can, chúng ta bộc lộ một tính kỷ luật, chu đáo, sáng tạo và đoàn kết đến kỳ lạ. Một bàn tay vô hình của tình yêu và lý trí sắp xếp , hơn bất cứ một bộ óc tổ chức nào.

Tôi đã thấy ánh mắt nhiều khách nước ngoài nhìn dòng người hôm nay. Lạ kỳ trong ngày tang, mà ta nghẹn nỗi niềm hạnh phúc.
Dân là biển.
“Biển ấy, chỉ ai tin thì mới hiểu”
(Chế Lan Viên)

Dân lặng lẽ, thân tình bên nhau trong một vòng tròn vĩ đại dài theo bốn đường phố, quây trọn Hoàng Thành xưa.

Dân không khóc, không cố bộc lộ điều gì cho đúng lễ tang. Họ cười với trẻ con, họ hỏi han nhau khi người bên cạnh mệt, họ đọc báo để kiên nhẫn đợi. Đa phần họ im lặng và suy tư.
Dân- thức suốt đêm dán hình Đại tướng, rồi mang đến, kể lạc cả giọng cho thanh niên biết về những ngày khói lửa đã xa.
Dân – lo cho nhau những bình nước uống miễn phí, chạy xe máy chở bánh mỳ đến mời nhau, đem đến cho nhau những bó hoa.

Dân- không một vỏ bao bánh vất lên hè, lo để mọi thứ gọn gàng, chu tất trong ngày thế này.
Dân- tất tả gọi cứu thương khi người già ốm mệt. Dân – chia cho nhau dải băng tang để phủ lên tấm ảnh. Dân – đang đứng xếp hàng, cả tiếng đồng hồ nhích lên được đoạn ngắn, chỉ cho cô bảo mẫu dắt các cháu lối “vào cửa sau” để viếng.
Dân – xe đông hơn ngày thường, người đông hơn ngày thường, mà chẳng cần nhiều công điều khiển của công an, chẳng có ùn tắc.

.........

Hình ảnh cuối cùng lưu lại trong mình từ ngày cuối của Cuộc Dân Viếng Vĩ Đại này là cảnh những em bé vừa từ nhà Cụ Đại Tướng đi ra.

Dân tộc đã có những lúc tưởng như cạn máu, cạn nước mắt, và lúc tưởng chừng no ấm lại cạn niềm tin vô tư …Nhưng bên hương trầm thờ triệu sinh linh vì nước vong thân, những mầm non vẫn nhú. Thái bĩ, tỏ mờ, lên xuống …là vận. Nhưng thời nào, thịnh hay suy thì cũng ” Còn da lông còn mọc, còn chồi còn nảy cây”.

Dân là gốc cho chồi nở lại. Dân là da để thay lông đổi cánh Phụng Hoàng.

                                                                                                                                                                                                        
trandangtuan.com
(Viết trên FB trong những ngày tiễn Cụ Đại Tướng )
(tiêu để do chủ blog đặt)




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên