Powered By Blogger





Sunday 21 April 2013

Răng sinh học - Sự thách thức của ngành nha khoa phục hồi









Tạo ra những cái răng sinh học từ các tế bào gốc, quả thật là một thách thức đối với ngành y học phục hồi. Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đã tiến hành thử nghiệm trên chuột. Và các cuộc thử nghiệm sẽ sớm tiến hành trên người.......

Trong một thời gian không xa, những thủ thuật nha khoa như mão răng, cấy ghép răng hay hàm răng giả sẽ bị “xếp vào xó bếp”, nhường chỗ cho các răng sinh học đang trên đường trở thành hiện thực.

Đây không phải là lần đầu tiên mà kỹ thuật mới đã gây ra cuộc cách mạng trong ngành nha khoa. Vào thập niên 1990, kỹ thuật cấy ghép răng (được gọi là implant) ra đời. Bước đầu cũng chưa mấy ai tin tưởng nhưng bây giờ thì đã quá phổ biến. Tuy nhiên, cấy ghép răng thực ra chỉ là một con vít, thường làm bằng chất titan, được gắn chặc vào trong xương mà việc này cần có sự tương thích sinh học. Vì vậy, kỹ thuật cấy ghép chưa thực sự hoàn hảo. Kỹ thuật nhân tạo này chỉ tái tạo được chức năng nhai mà không phục hồi được chút gì về chức năng sinh học. Bởi vì cấy ghép răng không bù đắp được sự thiếu hụt của tuỷ răng. Chính tuỷ răng đã tạo sinh khí cho răng vì không có tuỷ thì không có dây chằng nha chu, đây là một yếu tố thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong lực nhai. Như vậy, rõ ràng là việc phục hồi chức năng của răng cần chú trọng đến sinh lý của răng hơn. Nhờ sự tiến bộ vượt bực về công nghệ tế bào và kỹ thuật sinh học, trong tương lai không xa việc tái tạo răng sẽ hoàn hảo hơn.


Ở thành phố Strasbourg, Pháp, nhóm nghiên cứu của TS Hervé Lesot thuộc Viện nghiên cứu khoa học Inserm UMR977, đã thành công trong việc tái tạo một cái răng từ tế bào gốc của chuột. Còn ở Nhật, các nhà nghiên cứu còn tiến xa hơn. Nhóm nghiên cứu của GS Etsuko Ikeda thuộc Viện đại học khoa học Tokyo, đã thành công trong việc tạo ra một mầm răng rồi cấy ghép vào trong xương hàm của chuột. 35 ngày sau, một cái răng thực sự đã mọc lên! Phân tích về mô học cho thấy tất cả các tổ chức mô của răng (ngà răng, men răng, xê măng và tuỷ răng) đều hiện diện đầy đủ trong cấu trúc mới này cả. Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy răng này hoàn toàn hoà nhập vào vị trí của răng, cũng nhạy cảm với nóng, lạnh, đau và thực hiện đầy đủ chức năng. Cũng ở Tokyo, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một “mánh” có thể làm cho răng mọc chỉ trong vòng 10 ngày. Các nhà khoa học đã nhân bản tế bào gốc phôi thai, rồi đặt chúng ở trên một cái giá đỡ bằng chất dẽo, bằng cách sử dụng vài loại khung rồi cấy ghép vào thận của chuột. Vùng thận có rất nhiều mạch máu giúp cho tế bào phôi tăng trưởng nhanh. Một khi đã phát triển, răng sẽ được đặt vào trong xương hàm của chuột. Và như vậy, răng sẽ có được chức năng của một cái răng thực thụ. Đây sẽ là một chiến lược tái tạo các răng tân tạo đầy triển vọng của tương lai để lấp vào chỗ răng bị mất đi.Trở về nước Pháp, ở Paris, một công trình nghiên cứu, không phải tạo mới mà là phục hồi lại, được thực hiện tại Khoa Nha thuộc Viện đại học Paris-Descartes vào năm 2011. Nhóm nghiên cứu do các GS Anne Poliard và Michel Godlberg đã thành công trong việc tạo ra ngà răng, tổ chức mô canxi-hoá và các nguyên bào tạo ngà nhờ cấy ghép các tế bào gốc tuỷ răng. 


Đây thực sự là một kỹ thuật hoàn toàn mới la, sẽ được ứng dụng trong tương lai để chữa trị các chứng sâu răng giúp tránh được khỏi bị nhổ răng (60%) và bệnh nha chu (40%).Xin nhắc lại cơ chế gây sâu răng: sâu răng trước tiên là do men răng bị mất khoáng chất rồi sau đó đến ngà răng bị tấn công mà nguyên nhân là do cáu răng và các mảng bám vào răng. Cơ chế gây bệnh rất đơn giản: các ống răng bị vi khuẩn bám vào, sẽ gây ra phản ứng viêm khá nặng ở tuỷ răng kèm theo việc phá huỷ ngà răng. Hiện nay, trong trường hợp viêm tuỷ, việc điều trị sẽ được tiến hành theo quy trình: bác sĩ lấy toàn bộ tuỷ ra rồi đổ vào đó một chất trung tính (mà độc hại hay không vẫn còn tranh cãi). Liệu pháp này sẽ trở thành lỗi thời. Cũng ví như mới sưng ngón tay đã vội cắt luôn ngón tay! Hơn nữa, theo GS Magloire, một cái răng đã mất sự sống (mất tuỷ) sẽ rất dễ gãy, cũng có nghĩa là sâu răng sẽ tái phát nặng sau khoảng 10 năm. Ưu việt nhất là đưa vào vùng bị sâu một tổ chức mô sống thì sẽ phục hồi lại tuỷ răng. Theo công trình nghiên cứu mới, trước tiên các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra các dòng tế bào từ tuỷ của răng hàm của phôi chuột, ưu tiên là các tế bào týp A4, có khả năng biệt hoá mạnh để tạo thành ngà răng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ đào một lỗ nhỏ trong răng hàm của chuột và lấp đầy tế bào A4 vào đó. Khoảng 3 tuần sau, ta sẽ có được sự tân tạo ngà răng. Việc chọn lựa liệu pháp phục hồi phụ thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu. Nếu mức độ tổn thương vừa và nếu tuỷ răng vẫn còn tốt thì sẽ dùng liệu pháp kích thích tế bào gốc để tăng trưởng. Ngược lại, nếu tổn thương nặng, tuỷ răng bị hư hoại hoàn toàn thì phải sử dụng một chất thay thế tuỷ, nghĩa là dùng một vật liệu sinh học mà trong đó người ta sẽ nuôi cấy các tế bào gốc để tái tạo tổ chức mô. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đang theo đuổi hướng đi này như công trình của GS catherine Chaussain thuộc Viện đại học Paris-Descartes, Pháp.


BS NGUYỄN VĂN THÔNG
DrThong007@gmail.com



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên