Powered By Blogger





Sunday 21 April 2013

Việt Nam mình có mấy ông tổ ?






Bài nhàn đàm này mình viết từ lần giỗ Tổ đầu năm 2010. Khi các Dự án xây đền thờ, đúc tượng Lạc Long Quân đã hoàn thành. Đền thờ Âu Cơ cũng vừa mới xong. Đây là năm đầu tiên, lễ cúng Lạc Long Quân và Âu Cơ sau đó, được báo chí truyền thông gọi là "Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân". Trong khi đó, đã từ thời phong kiến, các vua chúa và nhân dân coi ngày giỗ các Vua Hùng là giỗ quốc Tổ.

Từ truyền thuyết dân gian, câu chuyện "bọc trăm trứng" cội nguồn các dân tộc Việt đã được chính thức thừa nhận bằng các dự án kinh tế - văn hóa. Mấy năm nay, báo chí cũng đề cập đến việc quản lý tiền công ích do dân cúng ở các di tích văn hóa chùa chiền. Người ta mới biết rằng, cái lợi thu được từ các dự án này cho ngân sách địa phương là không nhỏ. Vì thế nhiều địa phương chạy dự án để xây dựng đền đài và bằng "di tích văn hóa". 
 
Thế mới biết vì sao đến thế kỷ 21, không phải các nhà khoa học sử, khảo cổ, mà là các nhà quản lý hành chánh địa phương mới khẳng định ai là ông Tổ (nguồn gốc người Việt) của Việt Nam?
Nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương, mình post lại lên Facebook để chia sẻ quan điểm với bạn bè. Bài chỉ mang tính thư giản. Các Bố chớ có mà suy diễn à nha! He he…


Chẳng phải tự dưng mình cắc cớ hỏi vậy. Con nít 10 tuổi hỏi đấy.  
 
Tối hôm qua, mình đón cô út từ Nhà văn hoá Thiếu nhi về, nghe “nàng” thông báo: ”Thứ Sáu này con được nghỉ học. Giỗ Tổ Hùng Vương. À, hôm qua ba đọc báo có nói người ta giỗ quốc tổ… Lạc Long Quân. Thế Việt Nam mình có mấy ông tổ hở ba?”. Mình tắc tị!
Ừ nhỉ? Nếu cứ như báo đài đưa tin thì Việt Nam mình có mấy ông Tổ nhỉ? Sở dĩ con mình hỏi như thế là vì mấy hôm liền, các báo đài đồng loạt đưa tin: “Dâng hương Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân”. Thế mới có chuyện con gái hỏi: Việt Nam mình có mấy…ông Tổ?He he...

Mọi người đều biết truyền thuyết Lạc Long Quân & Âu Cơ sinh ra 100 người con từ bọc trăm trứng. Bọc trăm trứng là hình tượng “đồng bào” các dân tộc ngày nay có cùng một cội nguồn. Năm mươi con theo Bố lên rừng. Năm mươi con theo Mẹ xuống biển. Mới hình thành nên trăm tộc người Việt (Bách Việt).

Đó là truyền thuyết. Truyền thuyết thì do dân gian truyền miệng từ đời này sang đời khác mà nên. Không phải được ghi lại bằng văn bản sử sách hay chứng tích để lại. Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ với bọc trăm trứng trăm con là một cách lý giải sự ra đời và hình thành cội nguồn con người các dân tộc Việt. Đó là lý giải bằng tâm linh và trí tưởng tượng của thời cổ đại hay trung cổ, khi chưa có khoa học phát triển.

Những ai có dòng máu Việt, đều biết câu ca dao: 
 
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. 

Mùng Mười tháng Ba là ngày giỗ “các Vua Hùng”. “Các Vua Hùng”, theo truyền thuyết kinh văn, là 18 đời Vua truyền từ Người Con Cả trong số 100 con của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Nơi giỗ là vùng đất cổ Hương Sơn (Phú Thọ), Chùa Hương Tích và đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Đền thờ các Vua Hùng được xây dựng từ thời Đại Cồ Việt của Đinh Bộ Lĩnh (924-979). Đến thời Hậu Lê, thế kỷ 15, thì hoàn chỉnh như trước năm 2000.


Vì sao ngày giỗ các Vua Hùng lâu nay được coi là giỗ Tổ?

 
Các nhà sử học nói rằng, chính thời đại các Vua Hùng mới có sự hình thành NHÀ NƯỚC (VĂNLANG) đầu tiên. Còn trước đó chỉ là các bộ tộc bộ lạc rãi rác khắp vùng lúa nước ven Tây Thái Bình Dương này. Từ đó,người ta coi Nhà nước Văn Lang là cội nguồn của nhà nước Việt Nam ngày nay. Vì thế, ngày giỗ các Vua Hùng, mùng 10 tháng Ba lịch ta được coi là giỗ Tổ. Các đời vua chúa và dân Việt khắp nơi ghi nhận ngày giỗ Tổ đó dễ có đến mấy ngàn năm nay, sau thời kỳ Bắc thuộc.


Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Đền Hạ, ngày 18/9, Bác Hồ căn dặn vệ quốc quân Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ Đô Hà Nội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Đó cũng là cách Nhà nước Việt Nam mới thời Cụ Hồ gián tiếp ghi nhận các Vua Hùng là người lập nước đầu tiên, xứng đáng là ông Tổ của Việt Nam ngày nay.

Đến con cháu các Vua Hùng hôm nay lại lý luận bằng phương pháp luận… suy diễn mà rằng: nếu không có Lạc Long Quân thì làm gì có các Vua Hùng? Tại sao lại không có đền thờ Lạc Long Quân nhỉ? Tại sao không có đền thờ Âu Cơ?

Có lẽ họ không phân biệt được truyền thuyết (huyền sử) khác với lịch sử (sự thật) chăng? Cứ luận theo cách đó thì các Vua Hùng là ông Tổ của Việt Nam. Còn Lạc Long Quân trong truyền thuyết là bố các ông Tổ. Nói nôm na là… Tổ bố ! Thế thì phải tạo ra đền thờ “Tổ bố” và tượng “Tổ bố” để thờ chứ ! He he… 
 
Nói là làm, năm 2007, người ta tạo ra một… dự án rồi dựng nên một ngôi đền mới trong khu vực Chùa Hương. Gọi là đền thờ… cha của các vua Hùng: Lạc Long Quân. Ông Tổ… bố ! (Cái này là vi phạm Luật Di sản à nha (1)). Chẳng biết căn cứ vào hình hài ở đâu để có tượng Tổ bố nhỉ? Sau hai năm xây dựng người ta rùm beng làm lễ khánh thành đền thờ Lạc Long Quân (28/03/2009). Đủ các quan chức đến dự. Trước đó người ta đã cho đúc pho tượng ông Tổ… bố (gọi là “Quốc Tổ Lạc Long Quân”, 07/02/2009) tại khu vực đền Hùng. Đã làm lễ “dâng hương” Tổ bố ngày mùng 6-3 Âm lịch (19/4/2010).

Còn tại sao lại là ngày mùng 6-3 thì chỉ có Trời biết? Từ nay người ta sẽ “ăn giỗ” ôngTổ bố (Lạc Long Quân) vào ngày mùng 6 tháng Ba lịch ta và “ăn giỗ” các ông Tổ con (các Vua Hùng) ngày mùng 10 tháng Ba.

Hợp lý nhỉ? Chả nhẽ cúng Tổ bố lại sau ngày Tổ con? Nếu cứ theo báo đài nhà nước các cấp thì ngày mô, 6-3 hay 10-3, cũng Quốc Tổ cả! Rồi đây, người ta đưa ra Quốc Hội hợp thức hoá và quyết luôn những ngày giỗ các Quốc Tổ. Khi đó bà con ta tha hồ mà được nghỉ lễ cả tuần! Sướng nhé! He he…


*** 
 
Vậy thì có gì là đáng bàn nào? Tốn tiền bạc ư? Không thành vấn đề. Khi đã “phú quý” thì phải “sính lễ nghĩa” thôi. Các cụ dạy thế. Lại thêm có đền có tượng từ nay địa phương có thêm điểm để hốt bạc… lẻ nhé! Làm ăn phải thế chứ! Thì cũng như Tây đó thôi. Cậu Rô-mê-ô và cô Giu-li-ét từ văn học bước ra cuộc sống và mang tiền về cho nước Anh, nước Ý thì đã sao?

Vấn đề ở đây là từ một truyền thuyết dân gian, các nhà sử học mấy chục đời nay chưa có cơ sở để chứng minh hay làm sáng tỏ ông Tố bố là ai. Giờ được “hợp thức hoá”bằng các quyết định “hành chính nhà nước”. Thế mới biết vì sao đến thế kỷ 21, không phải các nhà khoa học sử, khảo cổ, mà là các nhà quản lý hành chánh địa phương mới khẳng định ai là ông Tổ (nguồn gốc người Việt) của Việt Nam? 
 
Rồi đây, các truyền thuyết gắn liền với những huyền sử mơ màng như của chàng Chữ Đồng Tử với nàng Tiên Dung công chúa; hai chàng Sơn Tinh – Thủy Tinh đánh nhau để giành cháu gái ông Tổ bố, trong các trang sách thiếu nhi sẽ bước ra hiển hiện ở đời sống hiện đại sau mấy ngàn năm tại vùng đất Phú Thọ. Thế mới có chuyện con trẻ học lớp 3 lớp 4 lại cắc cớ hỏi bố mẹ. “Việt Nam mình có mấy ông Tổ? Câu hỏi đó đâu phải nêu ra ở giữa cuộc hội thảo khoa học lịch sử để mà lý giải bằng các công trình khảo cứu sử học, trình bày chứng cứ khảo cổ, chứng mình bằng kỷ thuật các bon đồng vị 16, 18 hay 21?

Câu hỏi đó cũng đâu phải nêu ra trên các tạp chí khoa học, các diễn đàn chính thức và không chính thức để mà các chuyên gia quốc tế quốc nội khắp nơi bàn luận mổ xẻ?  Có nhà quản lý văn hoá nào; có nhà sử học nào; có thầy giáo dạy sử nào,… sau khi chứng kiến và tham dự các lễ hội “khánh thành” “dâng hương”, “rước tượng” Tổ bố, rồi tự hỏi: Việt Nam mình có mấy ông Tổ?

Với mình,sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh liên miên. Thoát đựợc chiến tranh đã là may mắn nói chi đến có được học hành bài bản để biết về lịch sử khảo cổ, lý luận học, chính trị học lô gíc học,… để mà trả lời ngay cho đứa trẻ lên 10 bằng một câu đơn giản?

Thôi thì để khỏi “lo bò trắng răng”. Mình xin nợ con mình câu hỏi: Việt Nam mình có mấyông Tổ? Nhưng chắc chắn các nhà sử học, các nhà quản lý cũng nợ các thế hệ trẻ thuộc dòng máu Lạc Hồng câu hỏi: VIỆT NAM ƠI, MÌNH CÓ MẤY ÔNG TỔ ?


Sao Hồng
(Created 20-04-2010 . Edited 30-03-2012)


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên