Powered By Blogger





Monday 22 April 2013

Công chức " ăn cắp giờ công " , lỗi ở chính phủ?







Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã thực thi nhiều biện pháp mạnh để chống lại tệ ăn cắp giờ công của cán bộ, công chức các tổ chức Đảng, Chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Ông bí thư tỉnh nọ nổ phát súng bất ngờ bằng cách đích thân vi hành đến các quán cà phê để bắt quả tang công chức của tỉnh mình đang“lai rai” trong giờ làm việc, rồi nêu ra trong cuộc họp để “bêu xấu”. Có tỉnh thì lập hẳn đoàn kiểm tra do Sở nội vụ, Đài TPTH tỉnh , đi các quán ghi hình các công chức ăn cắp giờ công , rồi đưa lên sóng truyền hình tỉnh để bêu danh cho nhân dân biết. Có nơi thì lập “đường dây nóng” để khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức đang ăn cắp giờ công, cho người dân có thể trực tiếp điện phản ánh với cơ quan chức năng và Chủ tịch UBND tỉnh “để xử lý”. Nhiều tỉnh khác cũng đang rục rịch thực thi các biện pháp tương tự để “chỉ mặt gọi tên” những người “ăn cắp giờ công”, hưởng lương mà chẳng làm việc.v.v..Dường như bây giờ “chống ăn cắp giờ công” đang trở thành “mốt” lãnh đạo để tạo uy tín, lấy lòng dân.

Các biện pháp chống “ăn cắp giờ công” nói trên có thể làm cho cán bộ công chức sợ không còn bén mảng đến các quán xá trong giờ làm việc nữa. Cũng làm cho nhân dân “vỗ tay hoan nghênh”, bàn tán về một ông bí thư nghiêm mình, một ông Chủ tịch UBND kiên quyết. Nhưng xét về bản chất, cách chống ăn cắp giờ công nói trên, dù mạnh bạo đến mấy, cũng không thể thay đổi được tình thế, vẫn không chống được chuyện “ăn cắp giờ công”. Tại sao ? Tại nó chỉ là “hớt” phần ngọn, còn phần gốc thì vẫn nguyên xi. Nguyên nhân thật đơn giản :Không có việc thì người ngồi chơi ! Việc này Chính phủ đã bàn, đã ra chỉ thị từ nhiều năm nay nhưng không được thực thi nghiêm túc. Đó là giảm biên chế hành chính !.  


Tại sao biên chế hành chính luôn phình to ? Ông thủ trưởng có cô bồ hay ông anh họ muốn làm “quan” tại công sở, thủ trưởng liền nghĩ ra một “ban”, “phòng” mới để điều bồ mình, anh mình về làm lãnh đạo, nhằm tạo thế tương lai . Nghĩa là vì người mà đẻ ra tổ chức, chứ không phải vì công việc mà huy động người. Thế là biên chế phình ra, người thì nhiều mà việc thì ít, mới có người rỗi việc. Rỗi việc mới đi chơi lai rai. Cho nên người viết bài này nghĩ rằng, việc “ăn cắp giờ công”, không phải lỗi của công chức. Có lần tôi đến công việc tại một văn phòng Sở. Cả dãy phòng tầng một, từng hai phòng nào cũng mở cửa, đèn sáng trưng, quạt chạy vù vù, điều hòa nhiệt độ lạnh toát, nhưng chẳng thấy ai ngồi ở bàn cả. Đi đến phòng cuối cùng , mới hay tất cả mọi người đang tập trung ngồi uống trà tán gẫu chuyện bóng đá quốc tế. Như vậy họ không ra quán cà phê, quán nhậu thì họ “ăn cắp giờ công” ngay trong cơ quan mình. Không thế khác được.

Việc “lãn công” của công chức diễn ra từ hàng mấy chục năm trước. Tôi đi làm báo ở miền Trung đến địa phương nào, cơ quan nào, muốn gặp cán bộ có trách nhiệm để xin tư liệu viết báo, nếu đi đến cơ quan họ đúng giờ nhà nước là 7 giờ sáng ( miền Trung), 8 giờ ( Hà Nội) , thì phải chờ mất hai tiếng buổi sáng, mới có thể gặp được người cần gặp. Vì họ còn bận việc nhà hoặc đi cà phê sáng. Buổi chiều, 3 giờ rưỡi, bốn giờ họ đã đi nhậu. Luôn luôn như vậy. Tôi đã nghỉ hưu từ năm 2005, bây giờ nghe các tỉnh “chống ăn cắp giờ công” mới biết việc lãng phí đó không hề thay đổi, “vũ như cẩn”.

Tôi thường đi xe tuyến Huế- Vinh, Huế- Đồng Hới, thấy anh em lái xe và phụ xe thức dậy từ 4 giờ sáng, đi vòng quanh phố đón khách. Đến khi xuất bến mua ổ mì , ly cà phê đặt trước mặt, vừa lái xe vừa nhấp. 12 giờ trưa đến Vinh, người lo dọn vệ sinh xe, người đi kêu hai suất cơm đĩa, chai nước, ngồi ăn ngay trên xe, 1 giờ chiều xe lại xuất bến về Huế. Đấy nhân dân họ làm việc như thế đấy. Đó là chưa nói đến dẫn biển đi đánh cá ở Hoàng Sa, Trường Sa, cả tháng mới về , bao nguy nan sóng gió, địch họa. Đó là chưa nói đến nông dân ra đồng từ sáng tinh mơ, đến tối mịt mới về .. Tôi là nhà văn nghỉ hưu mà không có thời gian rỗi để ngồi quán cà phê hay nhậu nhẹt, vì phải viết và đọc ngày hơn 10 tiếng để có thêm tháng một vài triệu để trang trải chi tiêu gia đình thời lương lậu đói kém. Nhân dân làm việc như thế đấy, các công chức ơi !


Vậy, làm sao để “chống ăn cắp giờ công” ngay tận gốc ? Dễ thôi. Hiện nay, nhiều đại biểu quốc hội cho biết, hiện cả nước có khoảng 30 – 50 % công chức các công sở không có việc làm. Nếu tính theo tỷ lệ đó thì trong gần 3 triệu công chức ăn lương hiện tại, có tới 900.000 đến 1,5 triệu người thừa. Mỗi năm nếu tính lương bình quân 5 triệu đồng /tháng , thì những người thừa này hưởng không từ 36 ngàn tỷ đến 50.000 tỷ đồng/ năm tiền thuế của dân. Đó là một hình thức tham nhũng rất hợp pháp. Nếu Chính phủ biện pháp kiên quyết giảm biên chế 30- 50% số công chức, thì chắc chắn không còn cảnh rỗi việc đi ra quán la cà. Hiện nay ở các cơ quan Trung ương, các Bộ, các Sở tỉnh rất nhiều phòng ban trùng lặp công việc. Có rất nhiều người làm chung một việc. Đa số việc Trưởng phòng, phó phòng làm, nhân viên ngồi chơi. Sô công chức thừa ra này đếm không hết. Rồi có rất nhiều cán bộ từ 61 tuổi đến 75 tuổi vẫn chưa chịu hưu, vì được “trên” xếp vào diện “cán bộ đầu ngành”, nếu hưu thì cả ngành chết. Vì thế , có người khi về hưu chưa kịp nhận sổ đã rời “cõi tạm”, vì “ham làm” quá. Bộ Nội vụ biết rất rõ Bộ nào, Tỉnh nào, số người quá tuổi chưa về hưu như thế, nhưng tại sao họ vẫn không cho hưu? Bộ Nội vụ qua tổ chức kiểm tra, phỏng vấn minh bạch, cũng dễ dàng xác định được những công chức thiếu năng lực. Vâng, nếu Thủ tướng ra quyết định, Bộ Nội vụ ra tay thì “chẳng cần các tỉnh chống ăn cắp giờ công” một cách hình thức như thế.

Chúng tôi đề nghị, muốn sắp xếp lại bộ máy thật chặt chẽ, người nào cũng đủ việc làm ngày 8 tiếng, mỗi tháng 26 ngày, ngành nội vụ phải áp dụng hệ thống tổ chức bộ máy khác hiện nay. Áp dụng cơ chế chuyên viên, bỏ các phòng của các vụ , các sở, thậm chí bỏ các vụ của một số bộ. Hiện nay bộ máy đã phình to đến mức con đường từ một chuyên viên đến Bộ trưởng trong một bộ xa thăm thẳm. Phải thay đổi cách tổ chưucs bộ máy theo hihnf thức chuyên viên để bộ trưởng, tỉnh trưởng có thể nắm đến từng cán bộ, chuyên viện của mình. Ví dụ mỗi vụ , phòng theo công việc chỉ cần từ 4 đến 5 chuyên viên giỏi là công việc chạy đều. Sau khi tổ chưucs lại v\bộ máy vụ ( Bộ), Sở ( Tỉnh), số cán bộ sẽ thi chọn chuyên viên phụ trách từng việc hoặc hai ba việc một người. Tiêu chí, nội dung công việc do Bộ trưởng hoặc Chủ tịch tỉnh ban hành. Ai không đảm đương được công thì cho nghỉ hưu hoặc chuyển sang các cơ quan sản xuất, hay lập ra một trang trại hoặc một xí nghiệp sản xuất để cho số lao động này tự làm tự trả lương. Hình thức tổ chức phòng theo hướng chuyên viên có lợi nhiều mặt. Các chuyên viên tự chủ công việc, tự mình đề xuất với lãnh đạo công việc, không phải qua khâu trung gian. Họ không có thì giờ rỗi để lai lai ngoài giờ, giảm được việc ăn tiền thuế của dân mà không làm việc.

Việc giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy không thể là một lời hứa suông, mà đây là một công việc cấp bách liên quan đến sự trong sạch và nhanh nhạy của bộ máy nhà nước đối với cuộc sống, liên quan đến uy tín của đảng và chính quyền trước dân, liên quan đến việc tiêu tốn một khoản tiền thuế khổng lồ của dân cho những người ăn bám một cách vô lý. Xót tiền dân lắm.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và Quốc hội về việc bộ máy càng ngày càng phình to, công chức không có việc làm, chứ không thể “kỷ luật”, “bêu rếu” công chức “ăn cắp giờ công” như hiện nay.
Ngô Minh
 
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên