Powered By Blogger





Monday 22 April 2013

Nước Nga và những kỷ niệm vui buồn






Tại sao bao nhiêu năm qua rồi mà cứ mỗi lần nhắc đến nước Nga là lại thấy nhớ nhung da diết? Người Việt vốn sống nặng tình nặng nghĩa. Ai giúp mình cái gì là nhớ đến suốt đời . Ngược lại, ai gây cho mình đau khổ thì cũng chóng nguôi ngoai, chóng biết quên để sống cho vui vẻ. Thật hồn nhiên và cũng thật bao dung.

Biết bao nhiêu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh ngày ấy đã được hưởng biết bao ân huệ từ nước Nga về học vấn cũng như điều kiện sống thường nhật. Còn nhớ, ở VN ngày ấy còn ăn nay lo mai, cơm hẩm với cá biển mậu dịch là dòng chủ đạo. Sang đến nước Nga, nguyên việc được ăn bát cơm trắng hạt gạo dài dẻo thơm của Thái lan thôi đã thấy sung sướng rồi. Ở nhà mùa đông mỗi lần đi tắm là phải đun siêu nước bằng bếp dầu hoặc bếp than cách rách xách vào nhà tắm cốt pha cho tan giá. Nước máy lúc tắc lúc có nên chỉ được tắm tùng tiệm trong vòng một xô thôi đã là hoang lắm. Sang Nga, lần đầu tiên được tắm gội nước nóng thỏa thích thấy thật sung sướng. Chắc là ở các nước khác cũng thế thôi.Trời Âu trời Mỹ gì điều kiện sống tối thiểu của người ta cũng phải vậy trừ VN những ngày đó. Càng nghĩ càng thấy thương người mình -chịu khổ như là một thói quen " giời sinh ra thế!
 
Đêm chia tay chén rượu quan hà
Em đã ngấm bài thơ bạn đọc
Em đã nhớ và em đã khóc
Mọi vui buồn em đều vắng cố nhân
 



Mình đã viết như thế trong ngày đầu tiên đặt chân đến Matxcơva. 6 năm đằng đẵng ở Liên Xô (1 năm học tiếng ở Kiep) và 5 năm ở Matxcơva ( học chuyên môn) không phải bao giờ cũng đều là vui vẻ phấn khởi . Cũng nhiều cay đắng, ngậm ngùi lắm. Thơ văn thời đó chỉ quen nói về những cái đẹp, cái hay thôi. Ngậm ngùi cay đắng nhất( nhưng ngày đó thì vui mừng) là khi xếp hàng mua nồi hầm, bàn là- toàn là người Việt thôi. Đông ơi là đông. Gọi nhau í éo thế nào mà thoáng cái nhiều người Việt ở Mát đã bảo nhau ở cửa hàng đó có nồi hầm bàn là đấy, đến mua ngay đi kẻo hết. Người Nga nhìn người mình mua mua bán bán toàn những thứ nặng trịch cứ như là người ngoài hành tinh vậy . Ngày ấy 2 thứ này đang có giá ở VN. ( Giải thích rằng do ít tiền nên không đủ mua thịt , mua xương về hầm là chủ yếu. Thế còn bàn là? Quần áo đâu có nhiều để cần bàn là nhiều như thế? Lý giải: nghèo nhưng cần lịch sự khi ra đường-quần áo phải là thẳng thớm- đói cho sạch rách cho thơm.)Ấy là lý sự cùn với nhau vậy chứ có bàn là ( nhất là nút đỏ) mua được lại gửi được về là quí lắm rồi. Con cái sẽ được ăn uống tử tế nửa tháng là ít.Người mình thì bé nhỏ, nồi hầm thì nặng nhưng vẫn cố phải xách đến... 4 cái ( có người khỏe xách tới 6 cái ) oằn cả lưng- mình sinh viên đã khổ rồi nhìn các em sang lao động xuất khẩu, có em bé tí xíu , lại càng thương. Còn nhớ, có một u-nhi-ver-max ( cửa hàng bách hóa tổng hợp , ngôn ngữ bây giờ : siêu thị ) ngay cạnh Quảng trường Đỏ, chỗ này hay có bàn là nồi hầm. Các khách du lịch phương Tây sang trọng đi dạo chơi ngắm ngía và chụp ảnh Quảng trường Đỏ đông đúc, tíu tít, trong khi đó người mình thì tay xách nách mang lôi thôi lếch thếch ngượng đến không dám ngẩng mặt lên nhìn ai nữa . Chao ôi thế mà cũng mang tiếng mình đây cũng là " người nước ngoài!!!" Hu hu...

 
Niềm vui sướng mua được hàng đúng ý không làm nguôi đi, vơi đi nỗi hận đời, buồn đời đến phát khóc lên được. Hận- vì sao cũng là con người mà người Việt mình lại khổ thế. Ra đến nước ngoài rồi mà vẫn khổ. Ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu- bo bo bom bỏm dành dụm cho mình và cho người thân, cho cuộc sống sau khi về nước từng tí một. Hận, vì sao đất nước thống nhất trên dưới 10 năm rồi mà kinh tế lại xuống dốc đến thế, đồng tiền VN mất giá đến như thế. Mỗi lần về phép tha lôi đủ thứ bà rằn, từ cái kim sợi chỉ về biếu bạn bè, người thân ai ai cũng quí. Ngày ấy chỉ mơ ước , chỉ khao khát, chỉ cầu mong có một ngày nào đó đi nước ngoài sẽ chỉ phải xách mỗi cái vali quần áo nhẹ nhõm thôi và có tiền trong túi, mà là tiền đô kia ,( đơn giản là đi đâu, ở nước nào tiền này cũng đổi được ) mang đi mà tiêu, mà mua quà cáp thì thật tuyệt vời! Đầu sẽ không phải cúi xuống nữa. Một số người mình sẽ không phải nhận vơ là " người Nhật"( cho đỡ xấu hổ) nữa.

Nhắc lại những kỷ niệm này là để thấy quí hơn cuộc sống đầy đủ ngày hôm nay chúng ta có. Sự mặc cảm về cái nghèo, sự đau khổ về cái nghèo chắc chắn cũng là đông lực không nhỏ để nhiều người phấn đấu- bằng tài năng, trí tuệ của mình- trở thành " soái" thành " đại gia" hôm nay. Nói một cách văn vẻ thì, kể từ sau ĐỔI MỚI đất nước đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ không ngừng. Những sự sài sang, có chút của trở nên đài các , hợm hĩnh ( rởm) âu cũng là thông cảm được, hiểu được bởi vì " mặn" này chỉ là để bõ " nhạt ngày xưa" mà thôi.

May thay, những hình ảnh ít vui vẻ ở trên chỉ còn trong dĩ vãng, trong trí nhớ về một thời mà thôi.
 
Nguyễn Thị Hồng Ngát



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên