Powered By Blogger





Wednesday, 22 October 2014

Sự lựa chọn của Trung Quốc









Cuộc đấu tranh đòi dân chủ với quy mô và tính chất của một phong trào trưởng thành đã lan tỏa trên khắp các tuyến phố trung tâm ở Hồng Kông (HK) – một “đặc khu hành chính” thuộc Trung Quốc với lịch sử là vùng lãnh thổ nhiều năm nằm dưới chế độ thuộc địa. Phong trào này đang trở thành nỗi thất vọng to lớn đối với chính quyền Trung Quốc (TQ).

Tuy nhiên vấn đề Hong Kong của TQ có gốc rễ sâu xa ở chính TQ lục địa nhiều hơn là ở HK.

Mô hình quản trị xã hội theo phương cách tập trung - toàn trị đã là một thực tiễn trên 2000 năm ở TQ, mặc dù thi thoảng cũng có những động thái dám thách thức hệ thống đó nhưng đều bị coi là phá hoại sự ổn định và nguy hiểm. Kết cục là những kẻ dám thách thức có thể bằng bạo lực chiếm cứ một vùng đất để lập ra vương quốc riêng hoặc nếu đủ mạnh, họ dám lật đổ ngai vàng của hoàng đế.

Thực tiễn này có ảnh hưởng dai dẳng lên tâm lý giới lãnh đạo TQ. Năm 2012 người đứng đầu tổ chức ĐCS TQ ở Chongqing (Trùng Khánh) là Bạc Hy lai – một nhân vật nổi bật có sức cuốn hút và được công luận dự đoán sẽ gia nhập Bộ Chính trị đột ngột bị cách chức rồi sau đó bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng. Cho dù những cáo buộc chống lại họ Bạc là nghiêm trọng và có cơ sở nhưng có lẽ chính nhân cách vượt trội, ảnh hưởng to lớn và tham vọng kiêu kỳ đã là một thách thức đe dọa hiện trạng khiến họ Bạc bị hạ bệ.

Nền chính trị TQ luôn luôn vận hành theo lối “người thắng cuộc sẽ có tất cả”. Cho tới cuối thế kỷ 19 việc hành quyết cả một bầu đoàn những kẻ thuộc tầng lớp cai trị sau khi thua trong cuộc đấu tranh giành quyền lực vẫn là hiện tượng phổ biến. Kết cục là giới lãnh đạo TQ không biết cách ứng xử với những xung đột trong nội bộ chính quyền và giữa các địa phương hoặc ngay cả với khái niệm “đối lập trung thành”, đặc biệt khi chúng có nguồn gốc địa phương, vùng miền sâu nặng.

Trong đế chế Trung Hoa, các vị quan thường được chọn lựa trên cơ sở kết quả làm bài tại các kỳ thi quốc gia chứ không vì năng lực thể hiện quyền lợi của địa phương mình. Ngày nay, các lãnh đạo cấp quốc gia ví dụ như Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều phải kinh qua thực tiễn ở các tỉnh, thành khác nhau. Nói cách khác, ở TQ lãnh đạo ở các địa phương được kỳ vọng phải phục vụ quyền lợi của chính quyền trung ương nhiều hơn là cộng đồng cấp dưới, do đó việc phân quyền tự chủ nhiều hơn cho lãnh đạo địa phương được hiểu là ắt dẫn đến việc tổn hại cho chính quyền trung ương.

Mối quan hệ của TQ với HK phức tạp bởi di sản của cuộc “chiến tranh nha phiến” năm 1842 mà kết cục là HK trở thành thuộc địa của Anh, đó cũng là thời điểm đánh dấu sự tấn công ồ ạt của các thế lực phương Tây ở TQ. Do vậy mà năm 1997 được coi là cột mốc cho sự hồi sinh của đất nước dưới sự lãnh đạo của ĐCS TQ từ một quá khứ yếu hèn và bị nô dịch.

Trên thực tế, lịch sử nền chính trị Trung Hoa và kinh nghiệm thuộc địa HK cho thấy giới cầm quyền TQ nhìn nhận lời hứa cho phép người dân HK tự quản trị thành phố đã là một sự nhượng bộ lớn, ngay cả khi các nhà quản trị HK do chính quyền trung ương bổ nhiệm. Xin nhớ rằng trước đây tất cả các vị Toàn quyền HK đều là người Anh.

Vậy thì tại sao người dân HK vốn không thể hiện nhu cầu mạnh mẽ đối với việc bầu cử dưới thời thuộc Anh bỗng nhiên lại chống đối quyết liệt việc TQ bổ nhiệm lãnh đạo thay cho họ?

Đối với chính phủ TQ thì câu trả lời là HK vốn không trung thành với TQ lại được nước ngoài ảnh hưởng và tài trợ. Cách đánh giá mang tính cực đoan này có thể sẽ rất nguy hiểm nếu như nó dẫn đến việc cho phép đáp trả những cuộc biểu tình đang diễn ra một cách độc đoán. Cụ thể là chính quyền TQ sẽ khởi sự một cuộc trấn áp tàn bạo – đây là một cách giải quyết vấn đề có thể giúp tăng cường sự kiểm soát của trung ương nhưng cũng sẽ chắc chắn khiến HK rơi vào sự suy thoái lâu dài.

Nếu như TQ lựa chọn con đường này thì hậu quả của nó lại không như những gì đã xảy ra sau vụ đàn áp bằng bạo lực trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cuộc tắm máu ở thủ đô TQ có thể đã ngăn chặn được phong trào ly khai nhưng chỉ một sinh viên HK bị giết ở khu Trung tâm có thể khích lệ những lời kêu gọi vang dội vì một HK độc lập.

Có thể so sánh việc này với sự kiện “cuộc thảm sát 228” khi diễn ra vụ đàn áp ngày 28 tháng 2 năm 1947 dưới thời Trung Hoa Dân quốc. Cuộc biểu tình chống chính phủ tại Đài Loan, cũng giống như HK từng chịu sự cai quản của nước ngoài trước khi tái thống nhất với TQ lục địa vốn mang mầm bệnh tham nhũng và lạm quyền. Cuộc thảm sát cuối cùng đã trở thành điểm tập hợp lực lượng cho phong trào đòi độc lập ở Đài Loan.

Hiện nay các nhà dân chủ HK nhận thức rằng họ thiếu các nền tảng kinh tế và quân sự nên mục đích đặt ra sẽ không phải là đòi độc lập. Tuy nhiên, một sự đàn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra sẽ biến những lời cáo buộc vô căn cứ của phe “đường lối cứng rắn” ở Bắc Kinh cho rằng những người biểu tình đòi hỏi ly khai lại trở thành những lời tiên tri được thực hiện.

Cũng may mà đàn áp bạo loạn không phải là phương án duy nhất của TQ. Còn một giải pháp khác là mà có lẽ là ít đau đớn hơn trong ngắn hạn – đó là cứ để sự chống đối ngáng trở cho tới khi nó tự mất đà. Thế nhưng cho tới khi nào vấn đề dân chủ chưa được giải quyết thì TQ còn phải đối mặt ít nhất 3 cuộc tụ tập hàng năm: mồng 4 tháng 6 kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn, mồng 1 tháng 7 ngày Anh trao trả HK và mồng 1 tháng 10 Quốc khánh TQ. Mỗi một năm trôi qua số người biểu tình trẻ tuổi lại ngày càng gia tăng.

Điều này khiến TQ phải xem xét một giải pháp nữa đó là hoạch định lại hệ thống chính trị HK. Nếu như các nhà lãnh đạo TQ không thể thắng nổi nỗi sợ cho rằng bầu cử tự do vị trí người đứng đầu khu hành chính HK sẽ sinh ra một “người hùng địa phương” thì họ vẫn có thể kiến tạo ở đây một hệ thống nghị viện.

Cứ cho rằng các cuộc bầu cử lập pháp và bầu cử cấp quận đã gây nên sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhà dân chủ HK với những người ủng hộ chính quyền trung ương, đồng thời chế độ đại diện tỷ lệ theo khu vực cũng tạo ra những vấn đề tương tự nhưng có lẽ chỉ qua các cuộc bầu cử lập pháp mới có thể hình thành được một chính quyền liên minh. Sự phụ thuộc sâu sắc về kinh tế của HK vào TQ lục địa cho thấy không thể có một chính quyền địa phương nào có thể có thái độ thù địch đối với chính phủ trung ương.

TQ cần phải chấp nhận một cuộc cải cách chính trị đích thực ở HK và trong quá trình đó sẽ học cách ứng xử với những xung đột mang tính chất nội bộ chính quyền. Thật là không thể tưởng tượng nổi khi mà một siêu cường mới xuất hiện trên trường quốc tế lại có thể phủ nhận mãi mãi hệ thống chính trị đại diện.

Wong Chin-Huat*
Phạm Gia Minh dịch

*Wong Chin Huat hiện là một nhà khoa học chính trị làm việc tại Đại học Penang, Malayxia.







Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên