Powered By Blogger





Sunday 29 December 2013

Nhân quả, quả nhân: Cuộc trường chinh đi tìm lời giải đáp








Trồng dưa ăn dưa, trồng đậu hái đậu là câu nói mà nhiều người thường dùng trong giao tiếp. Thật ra trong câu nói ấy chứa đựng một triết lý uyên thâm đã đúc kết được qua nhiều nghìn năm của lịch sử tiến hóa nhân loại. Có nhân tất có quả. Có quả là vì có nhân. Nhân đẻ ra quả. Quả biến thành nhân. Nhân quả, quả nhân là một quá trình vận động không ngừng của thiên nhiên và xã hội.

Theo học thuyết nhân quả, trong nhân có nhiều nguyên nhân,trong quả có nhiều hệ quả

Vì cuộc sống mưu sinh, vì sự tiến bộ, cuộc trường chinh đi tìm lời giải đáp về các mối liên quan nhân quả thu hút con người thuộc mọi lứa tuổi. Các thí nghiệm khoa học cho thấy rằng kể từ khi em bé đến tuổi biết sử dụng đồ chơi, biết đùa vui với bạn bè, chính là lúc em bé đã có ý thức tìm hiểu mối liên quan nhân quả của các hiện tượng cho dù mãi nhiều năm sau nhận thức ấy mới hình thành ngày càng rõ nét hơn trong đầu óc của em.

Đúng vậy. Quan hệ nhân quả ngày nay đã trở thành học thuyết sinh động và rất hiện thực, rất gần gũi với cuộc sống. Học thuyết quan hệ nhân quả cho rằng về nguyên nhân thì có nguyên nhân: khách quan, chủ quan, trực tiếp, gián tiếp, tổng hợp, đơn lẽ, âm ỉ từ lâu, bột phát. Về quả có hậu quả: tức thời, tạm thời, trước mắt; lâu dài hàng chục năm, trăm năm, nghìn năm sau, nhiều thế hệ sau, trực tiếp, gián tiếp, trong phạm vi hẹp, trong phạm vi rộng. Khi tìm nhân và quả đòi hỏi phải xem xét đầy đủ mọi khía cạnh biểu hiện của các phạm trù ấy mới giúp cho con người có quyết sách và hành động đúng.

Kể từ khi Đảng có chủ trương mở rộng dân chủ, các cuộc chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các cuộc truyền hình dân hỏi, bộ trưởng trả lời trở nên thường xuyên hơn và ngày càng sôi động hơn. Đó không đơn thuần là những cuộc truy cứu trách nhiệm, hoặc những cuộc sát hạch như một số người nghĩ. Thực chất đó là những cuộc cùng nhau đi tìm lời giải đáp về các mối liên quan nhân quả để tìm ra phương pháp tối ưu nhằm đem lại nhiều hiệu quả hơn cho đất nước, cho dân tộc. Người hỏi, người trả lời phải có sự chuẩn bị, nghiền ngẫm rất kỹ trước khi phát ngôn. Chỉ với cách suy nghĩ như vậy mới có sự chuẩn bị chu đáo trong trả lời công luận. Nếu khác đi thì chỉ là sự đối phó.

Tại các kỳ họp Quốc hội đã có những câu chất vấn Chính phủ về sự lợi hại khi cho phép khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên, về xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Bình Thuận, về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, về thu hồi đất bờ xôi ruộng mật để làm sân gôn và v.v…Trong những buổi truyền hình dân hỏi, bộ trưởng trả lời đã có những câu chất vấn như: Tại sao lại xẩy ra lũ kép? Tại sao hàng lậu, hàng giả, hàng cấm tràn lan khắp chợ cùng quê? Tại sao tai nạn giao thông xảy ra nhiều ? Tại sao tình trạng tham nhũng ngày càng tăng? Tại sao án oan sai xảy ra nhiều ? Tại sao khiếu nại đông người, dài ngày, vượt cấp xảy ra nhiều ? và v.v… Có bao nhiêu câu hỏi tại sao và phải làm gì để khắc phục là bấy nhiêu nguyện vọng của dân đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học tìm lời giải đáp về các mối quan hệ nhân quả.

Có những câu trả lời chất vấn làm yên lòng người dân. Đó là những trường hợp người trả lời chất vấn nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, nguyên nhân sâu xa…, dám nói thẳng, nói thật, nói hết, không che giấu hậu quả. Họ thẳng thắn thừa nhận trước Quốc hội, trước Hội đồng nhân dân trách nhiệm của người được dân, được Đảng trao nhiệm vu. Kèm theo những cam kết mạnh mẽ, họ nêu rõ chủ trương biện pháp khắc phục mang tính khả thi cao.

Nhưng cũng có những trả lời chất vấn khiến cử tri cả nước hẫng hụt. Đó là những câu trả lời vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề và nặng về đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cấp dưới.

Vấn đề gây bức xúc nhiều nhất trong nhân dân là nạn tham nhũng. Tham nhũng ngày càng phổ biến, ngày càng lan rộng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải thốt lên rằng họ tham nhũng không bỏ sót thứ gì. Liều vắc-xin tiêm cho trẻ, bát cơm, miếng thịt Nhà nước dành cho trẻ em học sinh miền núi…cũng bị bớt xén. Câu hỏi tại sao tham nhũng xảy ra nhiều và làm gì để bài trừ tham nhũng vẫn chưa được tìm ra và giải đáp một cách thấu đáo. Phải chăng trong đấu tranh chống tham nhũng hiện nay mới chú trọng huy động nhân dân tham gia tố cáo và tăng cường xử phạt. Khơi trong dòng nước phải tự đầu nguồn. Phải tìm cái lỗi xuất phát trước hết từ chính sách, chế độ, từ cơ chế, từ người đứng đầu.

Theo học thuyết nhân quả, như đã trình bày trên, trong nhân có nhiều nguyên nhân, trong quả có nhiều hệ quả. Nhưng vẫn còn có ý nghĩ cho rằng nguyên nhân của tham nhũng là mặt trái của cơ chế thị trường, là sự suy đồi về đạo đức và biện pháp khắc phục tham nhũng là tăng cường giáo dục đạo đức(!). Hành vi bác sĩ thẩm mỹ gây chết người rồi phi tang xác nạn nhân được cho là hiện tượng cá biệt, là lỗi quản lý của cấp quận huyện, xã phường (!). Phải chăng mấu chốt của vấn đề là có sự né tránh phanh phui về nguyên nhân cơ bản, cốt lõi, là sự ngập ngừng khi thổi lên những điệu kèn thúc giục đấu tranh chống tham nhũng. Trong nghiên cứu mối quan hệ nhân quả của tệ tham nhũng chưa nêu rõ, nêu hết các nguyên nhân làm phát sinh, tồn tại và lây lan ngày càng rộng của tệ nạn này. Trong hậu quả của tham nhũng chưa nêu rõ địa chỉ và các mặt tác hại của nó. Biện pháp nêu ra nhưng thiếu kiểm tra thực hiện. Vì vậy nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi.

Đã đến lúc cần nghiên cứu và vận dụng đầy đủ học thuyết quan hệ nhân quả để xem xét mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tìm đúng nhân, biết rõ quả chưa đem lại ngay lợi ích vật chất. Nhưng khi đã tìm đúng và đầy đủ câu trả lời thì có thể đặt chân tiến bước sang một giai đoạn mới, nhất là trong lĩnh vực quản lý. Nếu tìm đúng nhân, biết đúng quả, qua đó mà đổi mới phương thức quản lý, đổi mới chính sách, chế độ, luật pháp sẽ đem lại nhiều kết quả to lớn, toàn diện và tạo ra những bước tiến nhảy vọt.





Luật sư Lê Đức Tiết 
Theo :Đại Đoàn Kết





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên