Powered By Blogger





Thursday 28 November 2013

Người ta thường không nói Ok khi chưa đồng ý






Có ở đâu, trong lĩnh vực nào “tham nhũng nhiều nhất” khiến một vào nhóm lợi ích “Giàu lên nhanh nhất”, tình trạng “khiếu kiện nóng bỏng và dai dẳng nhất”, trong khi Nhà nước thì “thất thu nhiều nhất”?

Tuần trước, một khảo sát về “Phát triển kinh tế và hạnh phúc” do ĐH Copenhagen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư công bố đã gây ra không ít ngậm ngùi từ dư luận.


Nhưng chẳng có gì là bất ngờ khi 7, và chỉ 7% dân nông thôn “rất hài lòng” với cuộc sống.

Điều bất ngờ, có chăng là 7% này trả lời họ hài lòng vì có thu nhập cố định khi tìm thấy niềm vui trong lao động nông nghiệp, trên đồng ruộng của mình. Một kiểu hạnh phúc “như anh nông dân cày xong thửa ruộng” rất nên thơ.

Câu trả lời giản dị về hạnh phúc, hóa ra cũng gắn với mơ ước quá đỗi đơn sơ: Có một mảnh đất để vừa trồng trọt cấy hái, vừa là “chỗ cắm dùi”. Nông thôn cả ngàn năm nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn vậy.

Tháng 10 năm ngoái, trong một hội thảo về Luật đất đai được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, xuất hiện một phụ nữ nông dân đến từ Lộc Hà, Hà Tĩnh. Chị đến để chỉ mộc mạc nói rằng: “Người dân chỉ mong được Nhà nước giao đất lâu dài. Và chẳng may có bị thu hồi thì cũng được đền bù theo giá thỏa thuận ngoài thị trường”. Phó Chủ nhiệm UBKT của QH Nguyễn Văn Phúc, người tự giới thiệu từng tham gia vào Luật Đất đai đầu tiên năm 1987 tỏ ra bất ngờ với sự kiện, theo ông, là “lần đầu tiên” một người dân được mời đến dự một cuộc hội thảo bàn về một bộ luật quyết định đến sinh kế của hàng chục triệu người dân.

Chúng ta thường được nghe con số 7 triệu ý kiến đóng góp cho Luật Đất đai. Nhưng thao thiết trong 7 triệu ý kiến đó, chỉ là một ước mơ nho nhỏ: Một mảnh đất không bị thu hồi. Và “chẳng may” có bị thu hồi thì được đền bù theo giá thỏa thuận ngoài thị trường.

Mảnh đất, với mỗi người dân, không chỉ là một mái nhà, một tổ ấm, không chỉ là sinh kế mà mỗi gốc cây ngọn cỏ trên mảnh đất đó chứa đựng bao nhiên niềm vui nỗi buồn, và biết bao nhiêu truyền thống quá khứ cũng như ước vọng tương lai.

Nhưng hôm nay, ước mơ không bị thu hồi thật giản dị, thật chính đáng, hóa ra lại không dễ thực hiện khi Luật Đất đai sửa đổi đang “quá kiên định” với việc thu hồi đất.

Có ĐBQH nhắc lại khẩu hiệu từ những năm 30, khẩu hiệu làm nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc “Người cày có ruộng”, để nói khái niệm “thu hồi đất” là chưa phù hợp.

Có ĐBQH nói quy định thu hồi đất tại Luật Đất đai không thể chung chung như thế. Rằng “Phải quy định rõ các dự án nào phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nếu không rất dễ bị lợi dụng, dẫn đến thu hồi tràn lan…”.

Có ĐBQH bàn đến chữ “thỏa thuận”, hay “trưng mua” thay cho sự thô bạo hành chính.

Và có người thậm chí đã nói đến chữ “tước đoạt” để nói về những bất cập của “ngày hôm qua” cần cấp thiết sửa đổi.

Thực tế luôn khách quan. Bộ mặt của những bất cập chính là những tấm áo khẩu hiệu của người dân kiện. Sai/đúng; Phù hợp/bất cập đang hiển hiện trong tình trạng xã hội nóng bỏng là việc hình thành một tầng lớp dân kiện, những người sống dưới đáy trong sự uất ức xã hội, đang gióng lên những tiếng chuông cảnh báo ở Hải Phòng, ở Thái Bình.

Nói như ĐBQH Bùi Thị An là có ở đâu, trong lĩnh vực nào “tham nhũng nhiều nhất” khiến một vào nhóm lợi ích “Giàu lên nhanh nhất”, tình trạng “khiếu kiện nóng bỏng và dai dẳng nhất”, trong khi Nhà nước thì “thất thu nhiều nhất”.

Những con số không nói dối. 1.571.500 lượt công dân có khiếu tố chỉ trong 4 năm qua và cứ 10 vụ thì có tới 7 vụ khiếu tố liên quan đến đất đai. Mà khiếu tố chỉ chủ yếu xoay quanh hai định chế “thu hồi” và “đền bù” trong luật.

Sao mà người dân không khiếu kiện khi việc thu hồi đất hiện nay, nói như ĐBQH Đồng Hữu Mạo, là “không thỏa đáng”, là “không đúng”, là “lấy lợi ích của người sử dụng đất để chuyển cho các doanh nghiệp”.

“Nếu đền bù thỏa đáng rồi thì người dân cãi cọ làm gì”- ông Mạo nói.

“Nếu Luật đất đai lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải”.

Kỳ này, Quốc hội đã bố trí thêm một buổi ngoài nghị trình dự kiến và trong 24 ý kiến “nói thêm” đó, người dân nhìn thấy rõ sự băn khoăn, thậm chí, có ý kiến đề xuất dừng thông qua tại kỳ họp lần này.
Nhân dân vẫn lắng nghe và chờ đợi trách nhiệm của các vị đại biểu trong phiên họp sáng mai. Hình như người ta thường không OK khi mà người ta còn băn khoăn, khi người ta chưa đồng ý, thậm chí, còn chưa tin tưởng.


Đào Tuấn
Theo blog ĐT 




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên