Powered By Blogger





Sunday 17 November 2013

Lịch sử lời cảnh báo  Miranda






Hầu hết các nước trên thế giới, công dân của họ đều có quyền im lặng và quyền có luật sư. Điều này được qui định cụ thể trong luật và không phân biệt đó là vụ án hình sự bình thường, vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia hay liên quan đến chính trị. Nếu các quyền này không được tôn trọng thì bản án sẽ bị hủy bỏ vì không có giá trị.

Một cảnh rất quen thuộc, trong phim hình sự Mỹ : Khi còng tay nghi phạm, viên cảnh sát luôn có câu cửa miệng : “Anh có quyền im lặng”. Ít người biết để câu nói này xuất phát từ một vụ án nổi tiếng của thập niên 1960 mà hai kiến trúc sư của nó là luật sư John Flynn và John Frank đều đã qua đời.

Ở Mỹ, câu nói trên mà bất cứ cảnh sát viên nào cũng thuộc lòng có tên là lời cảnh báo Miranda. Nó được dùng để thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hay khi đang ở tình trạng giam giữ, trước khi nghi phạm hình sự bị thẩm vấn hoặc lấy cung liên quan đến sự phạm tội, hay trong một tình trạng quyền tự do đi lại của nghi phạm bị cản trở dù người đó không bị bắt giữ.


Luật sư John Flynn (trái) và Ernesto Miranda

Cái tên Miranda xuất phát từ một nghi phạm trong vụ án mà thủ phạm là Ernesto Miranda, sinh năm 1941, là cư dân thị trấn Mensa bang Arizona. Hắn là “người quen” của cảnh sát địa phương với vô số những lần bị bắt từ khi mới 13 tuổi.

Năm 1962 Phoenix bị cảnh sát ở đây cho là thủ phạm của một số vụ bắt cóc và cưỡng dâm các cô gái trẻ.

Sau khi Miranda thừa nhận cáo buộc rằng mình phạm tội bắt cóc và cưỡng dâm, anh ta được đưa đi nhận dạng tiếng nói của nạn nhân. Trước mặt cô gái, các cảnh sát viên hỏi Miranda rằng đó có phải là nạn nhân không. Miranda đáp: “Chính cô ta”.

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu sau đó cô gái tuyên bố rằng giọng nói của Miranda giống tiếng nói của thủ phạm hãm hại cô!

Sau đó, Miranda viết bản tự thú, trên đầu mỗi tờ giấy đều có in sẵn những dòng chữ rằng người viết bản khai này hoàn toàn tự nguyện, không bị đe dọa, lừa dối hay được hứa sẽ được giảm tội … và quan trọng hơn cả là câu : Bản khai được viết “với sự nhận thức hoàn toàn về các quyền hợp pháp của tôi cũng như hiểu rằng bất kỳ lời khai nào tôi làm ra có thể được sử dụng để chống lại tôi”.

Tuy nhiên, Miranda không được thông báo rằng anh ta có quyền mời luật sư đại diện cho mình.

Tháng 6/1963, Miranda ra toà với tội danh cướp và cưỡng dâm và vị luật sư già 73 tuổi Alvin Moore được quan tòa Yale McFate chỉ định biện hộ cho anh ta.

Luật sư Moore phản đối việc sử dụng lời khai của Miranda để chống anh ta. Tuy nhiên, quan tòa McFate bác lời cãi của luật sư và hiển nhiên là sau đó anh ta lãnh án tù.

Tháng 4/1965, Toà án Tối cao bang Arizona tái khẳng định bản án sơ thẩm, tuy nhiên quyết định này đã thu hút được sự chú ý của Robert J. Cocoran, một luật sư nổi tiếng.

Vốn là một cựu công tố viên nên Cocoran thừa biết rằng cảnh sát chỉ dễ dàng có được lời nhận tội ngay ban đầu từ những nghi phạm ít học, không hiểu biết đầy đủ về các quyền lợi hợp pháp của mình.

Cocoran gọi điện cho John J. Flynn, một luật sư chuyên về luật hình sự đề nghị nhận bào chữa tiếp vụ Miranda. Flynn đồng ý và lại nhờ John P. Frank giúp đỡ, cả hai sẽ làm việc trên tinh thần tự nguyện miễn phí.

Trong buổi sáng 28/2/1966 John Flynn có hai nhiệm vụ. Trước tiên, ông phải thuyết phục được cả 9 thẩm phán rút ra một kết luận rằng hầu hết công dân Mỹ đang ở trong tình thế bất lợi về pháp lý nếu họ bị cảnh sát truy xét. Thứ hai, John Flynn muốn các thẩm phán tập trung không phải vào vấn đề công dân có được cảnh báo về quyền của mình hay không mà là họ phải được cảnh báo vào lúc nào. 

Bốn tháng sau, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ Earl Warren viết trong phán quyết rằng một người bị bắt giữ trước khi bị thẩm vấn phải được thông báo một cách rõ ràng rằng họ có quyền giữ im lặng và bất kỳ điều gì người đó nói ra sẽ được sử dụng để chống lại người đó trước Tòa án.

Người đó phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền tư vấn với luật sư và có quyền có luật sư bên cạnh mình trong khi thẩm vấn và rằng nếu người đó là người nghèo, anh ta sẽ được chỉ định một luật sư đại diện.

Phán quyết của toà án Tối cao Mỹ lật ngược bản bán của Tòa án Tối cao bang Arizona, và cho rằng Miranda không phạm tội cưỡng dâm.

Phán quyết cũng khẳng định rằng chỉ khi nghi phạm được thông báo một cách rõ ràng và dứt khoát về những quyền hiến định của họ trước khi thẩm vấn thì những lời khai của họ mới được chấp nhận. Tuy nhiên, có một điều gây nhạc nhiên là phán quyết của Toà án Tối cao lại dựa trên Tu chính án thứ Năm chứ không phải Tu chính án thứ Sáu (nói về quyền được có luật sư) như lập luận của Alvin Moore trước đây.


Theo Quang Hòa (Pháp luật Việt Nam)




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên