Vài nhà báo và BCA hỏi thăm về một bài viết về xuân mới cho Tết. Viết nửa chừng cái tựa thì khựng lại, vì năm Dê thì chắc cũng chỉ có chuyện sex. Ở tuổi 69, thú thật là ông già Alan đã không còn ham muốn và đã quên mất là sex vui đến thế nào đến nỗi đã “xài” hơn phân nửa thời gian của đời mình 55 năm qua trên giường. Chỉ có nhóm đỉnh cao trí tuệ với 85 năm trên giường là phá kỷ lục “ngủ bậy” của ông già Alan này.
Người viết có nhiều kỷ niệm với con Dê. Lần đầu gặp nhau Alan vừa đủ 18 tuổi xuân, năm 1964 gì đó. Tôi đi theo bạn cùng phòng, thăm trang trại của gia đình hắn ở Virginia vào một cuối tuần nghỉ lễ dài. Sáng hôm sau, dậy sớm tản bộ , hưởng khí trời trong sạch của vùng quê an bình. Khi đi ngang chuồng dê, ông bố vừa mở cửa để dê ra ăn cỏ cây ngoài đồng. Ông nuôi khoảng 30 con dê gì đó, chính là để vắt sữa bán cho vài siêu thị, nhà hàng quanh đó. Khoảng 30 con dê cái và 1 chú dê đực độc nhất. Ông giải thích là 2 con dê đực sẽ đánh nhau suốt ngày để làm lãnh tụ; và cả bầy dê cái chỉ cấn 1 con có sức để thoả mãn.
Chuồng vừa mở, con dê đực đứng choáng ngay cửa ra, và lần lượt bầy dê cái khoảng 30 con phải “nạp tô” cho ngài dê đực (vài phút thôi); rồi mới được tiếp tục đi ra đồng. Ông bố cười,” sáng nào nó cũng làm đủ 30 cái rồi lại quay vào chuồng ngủ tiếp”. Dù mới 18 tuổi, tuổi của mộng mơ (đôi lúc nhìn khúc gỗ cũng thèm muốn); nhưng tôi không còn bao giờ nghĩ rằng bất cứ một sinh vật nào trên đời có thể “so sánh” với ngài dê đực của tôi. Ngay cả sau này, khi quen biết các quan chức đại gia của XHCN.
Ngoài thiên tài phong phú trên, ngài dê đực còn nhiều tính tốt đáng bậc trượng phu quân tử. Ngài không thích tán tỉnh cù rú như bầy chim hoàng anh hay quấn quít như lũ rắn khi “in heat”. Ngài cứ “be be” vài tiếng rồi “không nói nhiều, hốt liền”. (cũng may ngài không làm chính trị). Tôi chắc chắn là cả vạn danh nhân, lãnh tụ…trên thế giới, có thể để lại cho đời bao nhiêu túi khôn của vũ trụ (hay bao nhiêu xương trắng máu đào), vẫn không thể nào có bữa điểm tâm bằng một góc của ngài dê.
Đôi khi bạn bè tụ họp để bàn về sự suy yếu trì trệ của xã hội Việt. Đủ mọi lý do được phân giải, từ cơ chế chính trị, kinh tế đến tình huống hay sự phá hoại của con ruồi (quên, của các thế lực thù địch). Phần lớn là do lỗi của “thằng Mỹ”. Không ai nhìn vào tấm gương của ngài dê đực của tôi mà kết luận “chỉ vì mình chém gió nhiều quá”. Chuyện thật thì hiếm, nên cứ bịa đặt thoải mái ra chuyện “thần thoại” cho đỡ uẩn ức trong lòng. Xin nói thêm là ông già Alan cũng thuộc loại vô tích sự này. Sáng mở mắt ra, thấy 30 con dê cái đang ngổn ngang đợi chờ, thì cũng phải lo thoát ra cửa sau mà trốn.
Thực ra, tôi không biết dân Việt có hạnh phúc như các anh chị Tây ba lô mô tả không? Nhưng tôi chắc phần lớn nhân loại đều tin rằng ở Việt Nam, cứ ra ngõ là gặp anh hùng. Vào thời chiến thì anh hùng tính này không thể chối cãi. Cả 2 phe Việt tham chiến đều tổn thất nặng nề, lên đến cả triệu sinh mạng. Nếu chúng ta “hiền” như người Lào thì suốt thời đánh đấm này, có lẽ chỉ vạn người hy sinh.
Tính anh hùng không sợ chết còn thể hiện rõ ràng trong thời bình. Không kể chuyện cưa lựu đạn để lấy thuốc súng hay đào bom bán sắt vụn vẫn truyền tụng khắp dân gian; người Việt lái xe quá can đảm nên tử vong do tai nạn giao thông không thua kém gì các thiệt hại thời chiến. Ăn nhậu của dân Việt cũng đâu ra đó: mặc bao nhiêu cảnh báo về sự độc hại của rượu bia, thuốc lá, phụ phẩm từ ông bạn tốt 16 chữ vàng, chúng ta vẫn lăn xả vào cuộc mỗi đêm để lấy danh hiệu “số một về ung thư khắp phổi gan ruột”. Sống ở quê hương nhiều năm qua, tôi và bạn bè thấy người Việt ta gần như “không sợ” bất cứ điều gì, kể cả pháp luật.
Tuy nhiên, sống lâu trong long xã hội, mặc cho cái ngang tang tự hào ngoài mặt, người Việt vẫn tiếm ẩn vài điều sợ hãi.
Trước hết, chúng ta sợ thay đổi vô cùng. Sau hai lần thay đổi đến tận cùng gốc rễ vào 1945 rồi 1975, người dân hai miền Nam-Bắc, già hay trẻ, đã thấm đòn sâu sắc; và nhìn thay đổi quanh thế giới hay ngay cả làng mạc phố xá quanh mình như một “biến thể” thay vì là một trạng thái “tự nhiên” của thời thế. Con đà điểu sẵn sàng chúi đầu vào cát như con chim vừa thoáng thấy cây cong.
Tiếp đó, chúng ta sợ sự thật. Lớn lên, trưởng thành rồi già yếu trong sự dối trá bịa đặt hàng ngày hàng giờ của bộ máy, người dân không còn khả năng phân biệt giữa kiến thức nghiêm túc khoa học và những tuyên truyền thần thoại về mọi vấn đề. Chúng ta không muốn “khôn” ra vì khi nhận thức rằng mình đang bị bịp hàng ngày là khi phải đối diện những con quỷ trong cô đơn và thất vọng. Không ai muốn đeo trên mình nỗi đau cay đắng đó. Thôi thì bịt mắt cho qua.
Cái sợ lớn lao khác là sợ hành động. Chúng ta phải bầy đàn vui chơi ăn nhậu, chứng tỏ mình lạc quan hạnh phúc vì nếu phải “làm” trong hỗn loạn của văn hóa cơ chế này cũng đồng nghĩa với việc bơi ngược dòng thác chảy của con cá hồi nhỏ bé, với hy vọng mỏng manh là vượt qua thử thách để quay về nguồn.
Nhiều nỗi sợ linh tinh khác khá phổ thông giống như nhiều sắc dân toàn cầu, nhưng 3 cái sợ trên đủ để giữ chân một vài thế hệ trong suy thoái và trì trệ. Chúng ta có thể quan sát sự năng động và trí sáng tạo của những người Việt đã thoát khỏi những gông cùm đó và đã tìm cho mình một định mệnh riêng, tự mình thiết kế.
Cũng xin nói thêm là không ai nên hoang tưởng là “thay đổi” hay “sự thật” hay “hành động” sẽ làm đời mình tốt đẹp hơn. Nhiều khi cái giá phải trả còn cay đắng hơn là yên thân định vị. Như ngài dê đực của tôi. Tôi chắc chắn là trong đời ngài, nhiều lần ngài húc bậy, nhẩy bậy và chạy bậy, khiến cái sừng bị gẫy hay bộ râu dê bị cắt (thảm hại hơn nếu cái kia bị nạn). Nhưng mỗi buổi sáng, ngài vẫn là ngài, làm những gì mà Trời đã ban phát và cho tận hưởng. Chắc chắn ngài không muốn “làm người” và sống an phận như các bác, các “trật tự viên” đã khôn ngoan dặn dò.
Theo thông lệ, khi khai bút đầu năm, tôi phải chúc Xuân chúc Tết mừng các Bác mừng các Ông Nội Bà Ngoại. Mừng cả một dân tộc vinh quang vĩ đại ngoài kia. Thôi thì như Tú Xương, xin chúc mọi người sống cho ra kiếp “Dê” năm Ất Mùi này.
Be be….
Alan Phan
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!