Powered By Blogger





Tuesday 4 December 2012

Bệnh thành đạt của phụ nữ




Không quá khó để tìm được những gương phụ nữ thành đạt trong xã hội ngày nay. Dù không thừa nhận ra mặt nhưng nỗ lực và thành công của họ đôi khi khiến phe mày râu phải nghiêng mình bái phục và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trong ánh hào quang đó, lực lượng tinh nhuệ này có thể mắc phải những sai lầm. Cái nhìn về cuộc sống của một số người lệch lạc và chuyển sang trạng thái "bệnh".
                                                    ***

Chân dung thứ nhất: Nghiện việc quên chồng con. 
 
Với mong muốn thay đổi suy nghĩ trọng nam khinh nữ, nhiều phụ nữ biến mình thành nô lệ của công việc, bỏ quên gia đình.

Có người từ khi tay trắng đến lúc dựng được cơ đồ, nếp sống chẳng có gì thay đổi. Họ vẫn quần quật với công việc từ sáng đến tối, từ việc lớn đến việc nhỏ, hết chuyện trong công ty đến chuyện ngoài xã hội. Thậm chí, họ còn xem mình là động cơ chính trong cỗ máy vận hành công ty, gia đình. Thiếu vắng họ là máy móc đứng im. Họ mang công việc vào bữa ăn, giấc ngủ và cả những lúc cần sự riêng tư vợ chồng.

Kết cục của những người nghiện việc thường có không ít vị đắng. Chẳng hạn như trường hợp của chị Thu Hoa, Giám đốc một công ty ở Hà Nội.

Trước đây, trong mắt mọi người, chị là một bà sếp rất đỗi dịu dàng và thấu tình đạt lý. Thế nhưng gần đây, mọi người cảm thấy ngạc nhiên vì hễ vào cơ quan là chị lại "đá thúng đụng nia”. Phó giám đốc, người bạn thân thiết từ tấm bé của chị, lại bị lãnh "đạn” nhiều nhất. Đến một ngày, chịu không nổi, phó giám đốc hét lên: "Này đừng đem cái sự bị chồng bỏ mà trút vào đầu chúng tôi chứ. Chán lắm rồi”. Mọi người sững sờ, còn chị Hoa điếng người lại. Lặng đi giây lát, chị bật khóc hu hu như đứa trẻ con trước mắt nhân viên. Mỗi ngày, chị phải quần quật hơn mười tiếng đồng hồ với hàng núi công việc. Nhiều chuyện bé như con kiến nhưng chị cũng không yên tâm khi giao hoàn toàn cho cấp dưới giải quyết. Lúc chị mua thêm căn biệt thự ở giữa trung tâm thủ đô, cũng là ngày chồng chị đưa đơn ly hôn: “Tôi không muốn bị bỏ rơi trong chính căn nhà của mình. Thử hỏi mỗi ngày em dành cho tôi mấy phút?". Chị giật mình. Từ lúc lập công ty, quả thật chưa có ngày nào chị ăn sáng cùng anh. Buổi tối, khi giường đã dọn sẵn, chị vẫn bận gọi điện thoại cho đối tác hoặc chỉ đạo nhân viên. Không những thế, chị còn có chân trong ban chấp hành một hội nữ doanh nghiệp. Ai cũng tín nhiệm vai trò đầu tàu của chị nên dù bận bịu đến đâu, chị cũng phải chu toàn công việc của hội.

"Đâu phải ai muốn làm cũng được. Người ta có tin tưởng mới giao cho mình chứ. Còn trẻ, tại sao mình không thử sức?" chị nói thế mỗi khi chồng góp ý.

Trong suy nghĩ của mình, chị cho rằng anh ganh với sự thành công của vợ. Ngày trước, mỗi lần giận hờn, chị còn xuống nước làm hòa trước. Về sau, chị lờ luôn. Nhiều lúc chị quên là hai vợ chồng đang giận nhau.

Theo các chuyên gia tâm lý, những người phụ nữ nghiện việc thường mắc chung một "căn bệnh”. Họ tự thấy trách nhiệm của mình quá cao và trở nên cầu toàn trong mọi việc. Đồng thời, họ cũng thiếu những kỹ năng thiết kế và quản lý công việc. Thay vì giao bớt trách nhiệm cho người khác để dành thời gian chăm sóc bản thân, cuộc sống gia đình, họ lại ôm hết vào mình
 
Chân dung thứ 2: Tín đồ của phô trương và nổi tiếng. 
 
Hình ảnh một phụ nữ mặc đồ trên triệu bạc, lái xe hơi đi làm không còn là chuyện lạ và hiếm như hồi thập niên 80, 90. Bình thường, xe cộ hay quần áo chỉ là phương tiện giúp phụ nữ xây dựng hình ảnh, thuận lợi hơn trong các mối quan hệ. Thế nhưng, không ít người đã sử dụng những phương tiện này để phô trương sự thành công của mình.

Có người chỉ mới lên chức trưởng phòng đã dùng hết tiền tích cóp để mua sắm xe hơi. Sáng sáng, họ đánh xe vào bãi đậu của công ty rồi trùm chăn lên đó. Hay có trường hợp đi đâu cũng cố tình khoe nhẫn kim cương, chiếc ví LV…

Khi đã thành công, thay vì để “hữu xạ nhiên hương", không ít người lại tìm cách đánh bóng hình ảnh bản thân. Thiên hạ không còn ngạc nhiên khi nghe chị A, chị B bỏ ra mấy chục triệu để tự quảng cáo chân dung, kể thành tích của mình trên TV. "Khiêm tốn" hơn là được nhắc trên báo, website. Nhiều người tận dụng các mối quan hệ để được tung hô ở các hội nghị, hội thảo.

Hiện tượng thích nổi tiếng này là một triệu trứng của bệnh ái kỷ (Narcissism - Tự yêu bản thân mình). Chuyên viên tâm lý giải thích: Những nỗ lực khẳng định mình phần lớn xuất hiện từ sự thiếu thốn về vật chất, sự quan tâm, tình yêu thương và khích lệ từ gia đình ở thời quá khứ. Cũng có thể họ từng bị người khác gây tổn thương. Khi có điều kiện, họ tìm cách để củng cố hình ảnh của mình, mục đích để người khác phải kiêng nể, không lấn lướt, chà đạp họ.

Thực tế, những người này thường không thiết lập được sự tin tưởng với người khác. Họ chỉ được tung hô bởi tình cảm giả tạo của những người xung quanh. Bản thân họ cũng rất mệt mỏi khi phải luôn suy nghĩ, lo lắng từng lời nói, hành động của mình sao cho thật hoàn hảo. Từ đó, họ tạo ra sự căng thẳng và đề phòng nơi người khác.
 
Chân dung thứ ba: Thành đạt bằng mọi giá. 
 
Để được gọi là thành đạt, phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba đàn ông. Thế nhưng, cũng có người không tốn nhiều công sức để leo lên nấc thang thành đạt. Họ chọn cách đi đường tắt.

Những ai quen biết chị Mỹ Chi, đều nhận xét rằng đấy là một phụ nữ khôn khéo. Thời gian đầu, bằng những phóng sự sắc sảo, chị làm cho những doanh nghiệp "có vấn đề” bắt đầu nhúc nhích. Họ mời chị đi ăn uống, tặng phong bì, quà cáp. Chẳng bao lâu, chị xây được ngôi nhà mấy tầng.

Có nhan sắc, lại vừa ly hôn, Mỹ Chi cặp kè với Công Hoàng, một tay trùm địa ốc. Thời gian sau, chị lại tậu thêm căn biệt thự. Bấy nhiêu chưa làm chị thỏa mãn. Thế là chị bỏ nghề báo. Nhờ sự hậu thuẫn của người tình, chị chuyển sang kinh doanh địa ốc. Không biết vì quá say mê hay tin tưởng người yêu, ông này cho chị vay một số vốn và dạy chị những mánh khóe "nâng đất”.

Một năm sau, với sự khôn ngoan, lọc lõi, Mỹ Chi chuyển toàn bộ số vốn vay thành tiền của mình và rời xa người tình. Mất cả chì lẫn chài, ông Hoàng còn chết điếng khi bị cười vào mũi: "Đàn ông luôn có một cái dại hơn đàn bà, đó là dại gái!".

Theo phân tích của các chuyên viên tâm lý, "căn bệnh” muốn thành đạt bằng mọi cách là một quan niệm sống hơn là vấn đề tâm lý.Phụ nữ muốn thành đạt trong cuộc sống, họ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Có lẽ, chính vì những khó khăn ấy mà không ít phụ nữ đã mắc phải căn bệnh thành đạt như trên.

Nguồn: giadinh.com
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên