Powered By Blogger





Sunday 2 September 2012

Câu chuyện chiến tranh






Bác tôi về hưu đã lâu. Bác có năm người con trai nhưng hình như các anh không ai biết thời chiến tranh bác tôi huân chương đỏ ngực, giấy chứng nhận dũng sỹ phồng túi áo . Các anh dường như không quan tâm câu chuyện về thời chiến tranh và bác cũng không muốn kể.
Hồi mới ra trường, thỉnh thoảng mệt mỏi về cuộc sống, tôi lại về thăm ông ngoại. Làng ông ngoại tôi cạnh sông La, cuối mỗi buổi chiều, tôi thường ra ngồi đầu làng ngắm nắng tắt trên dải Trường Sơn. Bác tôi thỉnh thoảng xong việc nhà thì ra ngồi cạnh tôi và nhìn lên khu mộ Phan Đình Phùng trên sườn núi. Tôi thích lịch sử nên thường gợi chuyện về những Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, Quảng Trị.
 Bác tôi kể năm 1972, quân đội Sài Gòn bắt đầu phản công từ sông Mỹ Chánh và từng bước đầy lùi quân ta về thị xã Quảng Trị. Vào thời điểm đó, các đơn vị đã bắt đầu cạn lực lượng dự bị. Chiến trường cần lực lượng bổ sung gấp và bác tôi ra nhận tân binh ở Sơn Tây. Tất cả đều trẻ măng, đa phần là người thành phố, tốt nghiệp cấp 3 và rất nhiều sinh viên đại học. . Bác tôi kể rằng trong đời sỹ quan của bác, lứa tân binh năm đó là lứa có học vấn cao nhất. Các cán bộ khung hầu hết là cán bộ chiến đấu lâu năm. Hầu hết trong số họ đều xuất thân từ nông thôn, đã đánh nhiều trận, đã chôn nhiều bè bạn, nên mỗi người trong họ là một kho kinh nghiệm chiến đấu. Điểm yếu của họ là họ không có trình độ văn hoá bằng những người lính mà họ huấn luyện. Những người lính sinh viên, được học hành tử tế, có lý luận và thường xuyên vặn vẹo mọi lời của những người lính cựu. Mâu thuẫn nhiều khi không được giải toả và chỉ có thể được dập tắt bằng kỷ luật quân đội. Những người lính sinh viên nhiều khi có ác cảm với các cán bộ nói giọng miền Trung như bác tôi vì cho rằng họ ít học và giáo điều. Các tân binh không biết rằng bác tôi từng học ở Nga và là giảng viên đại học bách khoa trước khi nhập ngũ. Bác tôi nói, những người lính cựu có trong người phản xạ sinh tồn, đôi khi chỉ cần nghe tiếng nổ đầu nòng của M79 là họ đã lăn tròn khỏi chỗ đang đứng cả mét. Những người lính mới không có phản xạ đó, và nhiều khi vì không nghe những người lính nông dân quê kệch, những tân binh phải trả giá bằng máu cho mỗi bài học.
Bác tôi kể, cuộc chiến trong thành cổ cũng có những quy luật của nó. Cuộc sống của thành cổ phụ thuộc toàn bộ vào bến vượt bên bờ sông Thạch Hãn. Cứ đêm đến là có một dòng chảy thương binh từ thành cổ ra bờ phía Bắc và một dòng chảy tiếp viện và súng đạn ngược lại vào Nam 
Bác tôi không thích bài “đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật. Bác bảo, nhà thơ có cách nhìn của họ, bác là người lính, những con đường ra trận của bác thấy toàn máu, kiệt lực, mồ hôi và nước mắt. Điều khác biệt là dù như thế, chúng ta vẫn cứ đi vì không có con đường nào khác. Bác cũng từ chối khi tôi muốn mua tặng bác một cuốn nhật ký nổi tiếng của một người lính trẻ tuổi hai mươi. Bác tôi từ chối và nói với tôi rằng: “Con ạ, chính bác đã đi trên con đường của cuốn nhật ký đó. Đến giờ, bác chỉ tiếc rằng ngày đó bác không rèn được quân nghiêm hơn nữa. Nếu thế, chắc các bác không phải khóc “ngày ấy chúng mày chết nhiều quá, có oán bố không?” Bác tôi thẫn thờ nhìn dãy núi Trường Sơn xa xa và nói “ông Phạm Tiến Duật là nhà thơ, viết là vũ khí của ông ấy. Tụi lính sinh viên của bác cũng thế, lãng mạn và nhiều hoài bão. Nhưng bác là một người lính, bác chỉ tiếc là ngày đó, giá như mình nghiêm hơn nữa, ‘ác’ hơn nữa. Nếu thế, chắc nhiều đứa giờ này còn sống.”

                                                                        Trích từ:
                                                Blog của Cún ( Mùa thu Hà Nội )




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên