Powered By Blogger





Tuesday 18 February 2014

Vodka Nga - 100 gram khổ đau, hạnh phúc










Một lần, khi tôi còn là sinh viên học ở Nga, anh bạn người Nga của tôi nửa đùa nửa thật hỏi tôi có biết vì sao người Nga lúc nào cũng trữ rượu vodka trong nhà không, thậm chí là chai uống dở? Tôi đoán là do trời quá lạnh, họ luôn cần được sưởi ấm. Anh bạn cười cười, bảo: "Đã bao giờ mày cảm thấy thất vọng với mình, với cuộc đời đến độ không muốn sống nữa chưa? Một khoảnh khắc, sẵn sàng chết! Lý trí tê liệt. Cho nên đừng có mắng mỏ người muốn chết rằng Anh ta đang ích kỷ, ngớ ngẩn, không biết nghĩ! Lúc đó còn gì để nghĩ mà cũng đã quá sợ nghĩ ngợi rồi mới đi đến quyết định tiêu cực ấy. Như một sự cứu rỗi. Thế rồi trước khi giã biệt với những gì từng quen thuộc với mình, Anh ta nhìn quanh một lượt và chạm mắt vào chai rượu vodka uống dở để góc nhà. Một tia sáng loé lên: phải rồi, một phút để uống nốt chai rượu - rượu này dành cho tử biệt sinh ly! Uống xong, đầu óc bỗng trở nên sáng rõ. Cái khoảnh khắc muốn chết cao độ nhất đã trôi qua. Anh ta khóc. Vì thương mình. Vì thương những người quanh mình. Và có can đảm sống tiếp..."



Thú thật là khi ấy tôi đã cười vì sự tếu táo của ông bạn mà không hiểu rằng trong đó cũng có phần lớn sự thật. Để hiểu được những triết lý nhân sinh ở đời xung quanh một sự vật, hay dù chỉ là một thứ đồ uống tưởng chừng thông dụng đến độ chẳng cần quá ngẫm ngợi về nó như vodka của người Nga, cũng cần một sự trải nghiệm nhất định bằng tuổi tác, vốn sống.



Những ngày cuối năm này, chúng tôi có dịp lên Đồng Văn, giao lưu với các chiến sĩ biên phòng. Những cái bắt tay thật chặt, những tấm tình ấm áp, những câu chuyện cảm động về đời lính... Và sau cùng là những chén rượu ngô Ha Ía trong vắt được cạn đến đáy cùng, để tỏ lòng thật bụng quý thương giữa chủ và khách. Tôi bỗng chạnh nhớ đến nước Nga với gần 17 mùa đông dằng dặc tôi đã gắn bó và thứ rượu vodka long lanh được rót ra đầy đặn trong những cốc có khía, lạnh toát hơi giá mùa đông. Nếu rượu ngô ở Đồng Văn cho chúng tôi bạn bè thì rượu vodka ở Nga cũng có ý nghĩa tương tự. Nó sưởi ấm lòng người, mỗi một chén cùng cạn mang một ý nghĩa riêng, không chén nào giống chén nào, như tâm tình đau khổ, sướng vui luôn rất khác nhau được trút cho nhau trọn vẹn vậy. Người nâng ly, rót cho tràn trề, trịnh trọng nói những lời đẹp mà không kém phần chân thành: "Ly rượu này tôi muốn uống vì tình bạn..." "ly này ta uống để chúc sức khoẻ mẹ già ta..." "Ly này uống vì tất cả những người phụ nữ quanh ta...". Nếu bạn uống rượu với người Nga, cũng hãy chuẩn bị sẵn cho mình một lời chúc tụng. Những lời chúc tụng được nói ra nhiều, chớ tưởng là sáo rỗng, chúng mang hơi ấm của sự thật lòng, gom góp năng lượng tốt để trao nhau, những năng lượng giúp con người đối mặt được với mọi khó khăn của đời sống. Tại sao chúng được nói lên khi trên tay là ly rượu vodka, hẳn cũng có lý do. Vodka không chỉ là thức uống kèm đồ ăn, vodka tạo mối giao cảm thần thánh giữa những tâm hồn đang tìm tiếng nói chung, một nốt nhạc chùng để giây phút sau cùng ngân nga ca hát.

Đêm dài, ngoài trời tuyết trắng, tiếng thở dài não ruột của bà vú nuôi đã khiến thi hào Nga Pushkin từng thốt lên:

"Hỡi bạn lòng tri kỷ
Những ngày thơ cơ hàn
Rượu đâu? Ta nâng cốc
Rượu vào - nỗi buồn tan!"

(Buổi tối mùa đông - Thúy Toàn dịch)

Rượu uống để đánh tan sầu khổ, để chia sẻ niềm vui, để chúc nhau sức khoẻ, để im lặng cùng ngồi bên nhau trong sự đồng cảm không lời. Rượu vodka Nga còn không thể thiếu trong nỗi niềm tưởng nhớ người xưa khuất. Lúc ấy, dù nam hay nữ, thân hay sơ, cũng cùng nhau nâng chén. Chén rượu trong veo bốc hơi giá bấy giờ có giá trị kết nối tâm linh, xoá nhoà ranh giới âm dương, sống chết. Tôi nhớ hình ảnh người lính trở về sau trận chiến trong bài Thơ của Isakovsky, có đoạn anh đứng trước mộ vợ mà tâm sự thế này:

Thở dài, dây lưng sửa lại
Mở tay nải đeo bên người
Chai rượu đắng cay anh để
Lên tảng đá xám giữa trời:

"Đừng trách anh, Praskovia,
Bên em trong bộ dạng này
Lẽ ra uống vì sức khỏe
Mà vì tử biệt phải say

Bạn bè rồi đây gặp lại
Mà ta mãi mãi xa lìa…"
Cầm chiếc ca đồng anh uống
Rượu sầu một nửa anh chia ...

(Giặc đã đốt nhà - Thụy Anh dịch)

Ca rượu ấy, người lính cùng chia với người vợ đã khuất, chấp nhận sự thật đau lòng, là sự giao biệt giữa hai cõi âm dương. Mới hiểu vì sao anh lính của Simonov trong bài Thơ "Đợi anh về" nổi tiếng đã dặn vợ chớ cạn chén rượu sầu chia biệt trước mộ, chớ tin vào cái chết của mình.

Rượu vodka Nga vì thế, đối với người Nga, hơn cả một thứ đồ uống có cồn. Cũng bởi vậy mà dùng nó, cần trân trọng Văn Hoá mà ta có thể nôm na gọi là Văn Hoá vodka! Người Nga giờ quen tính vodka theo đơn vị độc đáo: 100 gram. Ai đó rủ bạn "làm 100 gram đi", hãy hiểu rằng họ đang muốn chia sẻ với bạn 100 gram khổ đau, hạnh phúc của đời mình đấy.



Trước khi vào bữa độ một hoặc nửa tiếng, chủ nhà để chai vodka vào ngăn đá. Đồng thời những ly cốc nhỏ, bằng thuỷ tinh trong, dùng để uống vodka cũng được làm lạnh. Khi khách đến, trên chiếc bàn gỗ phủ khăn ren đã được dọn chút đồ nguội. Dưa chuột muối chua xanh xám, dưa chuột muối xổi xanh đậm lẫn vài cọng thìa là tươi, ăn ngai ngái mặn, mơ hồ chua, rất thú. Các loại xa-lát trộn mai-ô-ne ngầy ngậy. Một chút cà chua, táo giòn, cọng tỏi và cả tỏi muối đã được bóc từng tép trắng muốt, bắp cải muối cả cây thái lát, những cọng nấm nhỏ xíu tròn trịa ngâm chua ngọt - trăng trắng, xanh xanh, đo đỏ, vàng vàng, xam xám -hài hoà giản dị như bức vẽ cổ xưa, lại phảng phất hương chua thanh thoát... Cạnh đó là một đĩa thịt nguội thát lát mỏng. Đĩa giò mịn. Đĩa mỡ muối trắng rắc ít bột tiêu đen, cũng để kèm vài tép tỏi. Trứng cá đỏ đặt cạnh những viên bơ vàng và những lát pho-mai. Vài lát bánh mì đen bánh mì trắng được xếp vào giỏ mây. Thế thôi đã, nhưng đủ sức gợi khiến ta hiểu sắp được dự một buổi tiệc chu đáo, ngon miệng.

Khi khách khứa đã đủ mặt, chủ nhà mở tủ lạnh lấy chai vodka cùng bộ ly tách nhỏ đặt trên chiếc khay tròn nền đen hoa văn sặc sỡ bưng ra. Chủ nhà trịnh trọng đặt khay vào giữa bàn, khách ngắm làn hơi giá mờ mờ đang bốc lên, để lại những giọt nước trong bám vào vỏ chai, cho cảm giác mát lạnh. Bấy giờ, vodka đã xuống đến 8-10 độ C, một ngụm đầu tiên cho vị tê buốt bất ngờ, như báo hiệu một điều bất thường đang đến. Và đúng thế, ngay lập tức, ngực ấm sực lên, tim khe khẽ đập nhịp khác hơn, chuẩn bị đón nhận mọi cảm xúc.

Đó cũng là lúc bạn nhận thấy trên bàn đã đầy ắp thức ăn từ lúc nào. Âu khoai tây luộc đang kiên nhẫn bốc khói. Đĩa cá trích được dọn lên cùng những khoanh hành trắng mờ. Những đĩa sâu lòng đựng thịt cuốn bắp cải, cà tím nhồi thịt, bánh crape nhân thịt, thịt băm nhồi khoai tây xếp lớp. Âu đất đựng bánh bọc thịt nhóng nhánh mỡ...

Những món ăn Nga, nhà nghèo thì vài ba món, nhà khá giả hơn thì hàng chục món - có bao nhiêu mang ra bằng hết - nhưng không có vodka là mất đi nửa vị, mất đi cả sự đồng cảm, gắn kết. Và vodka cũng được người Nga nghĩ ra vì thế. Không phải để uống thùng uống vại. Không phải để say xỉn mà quên hết đời hết bạn. Không phải để uống một hơi cháy họng mà gây sự với nhau... Tất cả những sự đó nếu có xảy ra, người Nga nói, đó là con quỷ có sẵn trong mình đang thức dậy. Uống vodka sành điệu là uống từng ngụm khoan thai, lắng nghe cái lạnh của rượu trong chảy chầm chậm trong huyết quản, lắng nghe lòng ấm lên và thấy mình bay trên đôi cánh đại bàng. Vodka dành cho những tấm lòng quả cảm và phóng khoáng. Vodka dành cho những người nồng nhiệt ưa những lời nồng nhiệt.

Cũng vì lẽ đó, khi đã ngà ngà, người Nga thường cất tiếng hát. Già trẻ nam nữ... ai cũng sẵn sàng cất giọng. Về tình bạn. Về tình yêu. Về sự đợi chờ. Về những câu chuyện lính... Cũng phải thôi, vì mảnh đất này đã trải qua cái khốc liệt của chiến tranh. Và cũng chỉ có vodka mới khiến họ kể được hết cho nhau nghe tất cả "những điều trông thấy..." vẫn luôn nằm đâu đó đáy tim mình:

"Đồng chí quý mến ơi
Cùng hát với chúng tôi

Hát lên bài ca chiến thắng để biệt ly..." 


Thụy Anh




Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên