Powered By Blogger





Sunday 4 November 2012

Mây trôi về đâu?






Bầu trời... ở đây xanh ngăn ngắt, không một gợn mây, khiến tôi buộc miệng hỏi ngớ ngẩn: Mây trôi về đâu cả rồi? Những ngày mây âm u thì trông cho trời nắng để đi chơi, đến hôm trời nắng bỗng nhiên mắc đủ thứ công việc, cứ hì hụi làm xong việc này lại đẻ ra việc khác. Thỉnh thoảng ngừng để thở, chợt thấy trời xanh phát thèm. Nhớ trời Sài Gòn ngày trước có những trưa trong veo như vậy, nhưng buổi chiều từng đàn mây lũ lượt kéo qua bầu trời, có khi mưa có khi không. Những buổi chiều không mưa, hoặc mưa đã tạnh, gió thổi lồng lộng và mây trên trời biến đổi liên tục. 
Trong một hẻm cụt có một căn nhà nhỏ. Căn nhà nhỏ...có một ô cửa sổ trổ ra nóc nhà bên cạnh. Từ ô cửa sổ không rèm không kính ấy, nắng gió tự do ra vào. Và nằm cạnh cửa sổ có thể nhìn thấy một mảnh trời xanh triền miên mây trắng bay.
Nếu mưa thì hơi cực.  Nhiều khi không thèm bít ô cửa sổ, nếu cơn mưa không dữ dằn như bão. Mưa nhẹ, khoảng sàn gác ướt lem nhem, tôi nằm xích vô trong một chút, chỗ không bị dột. Sướng nhứt là trùm mền nhìn mưa. Và tưởng tượng.

Mười ba mười bốn tuổi, nhìn mưa xiên xiên ngoài cửa sổ tôi tưởng tượng những gì, bây giờ không còn nhớ. Mười lăm mười sáu tuổi nhìn mây tan mây tựu tôi mơ mộng những gì, bây giờ không muốn nhắc lại. Nhưng mười tám đôi mươi tôi bắt đầu biết mình muốn cái gì. Vả lại con đường lúc đó đã vạch ra, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Tôi biết mình muốn đi học nữa (Hoàng tử của tuổi mười sáu khoác áo choàng đỏ thắm cỡi con ngựa trắng như tuyết phi vào xóm lá tồi tàn đưa tôi về lâu đài nơi hoang đảo… đã không xuất hiện, và ngày càng rõ rằng chàng sẽ không bao giờ xuất hiện).
Nhưng mười tám đôi mươi tôi vẫn là một cô gái mơ mộng. Tôi vẫn ngồi hàng giờ bên cửa sổ nhìn mây bay và tưởng tượng. Có khi chỉ là một trò chơi, chơi từ thu niên thiếu đến khi trưởng thành (và già chác) vẫn không chán: Tôi nhìn cụm mây trắng trên trời từ từ biến dạng, hình dung chúng thành cảnh vật, đồ vật, thú vật, hay người ta. Có những bớt mây giống những đàn cò, có đám mây tựa như tấm thảm bay, có những vệt mây dài và dày nối nhau trùng điệp trông như thành quách đền đài, có cụm mây lẻ loi lùng nhùng như tấm chăn đắp hai người đang ngọ nguậy…

Cái rủi lớn của đời người là mồ côi mẹ , tôi lại không có anh chị hay người lớn ở trong nhà để răn đe rèn cặp, nên không ai can thiệp vào những giờ phút mộng mơ của tôi. Cha tôi phải bươn chải suốt ngày ngoài đường, hai em tôi có thể tưởng là tôi bị điên, nhưng là em chúng đâu có quyền ngăn cấm tôi làm một điều gì. Huống chi cái điều tôi “làm” chỉ là nằm dài hay ngồi bên cửa sổ, mặt mày mơ màng, có khi lặng lẽ rơi nước mắt, có khi cười một mình, có khi tự dưng đỏ mặt. (Bạn bè trang lứa thú nhận với tôi là tụi nó cũng có những lúc mơ mộng, cũng thích mơ mộng, nhưng mới lơ tơ mơ là bị anh chị cốc đầu, hoặc bị mẹ mắng cho, lôi về thực tế.)
Tôi biết câu chuyện ngụ ngôn về cô bé đội bình sữa ra chợ bán, mơ đến bầy gà con mua bằng tiền bán sữa sẽ nhanh chóng lớn lên thành một số vốn kha khá để cô bé tậu một ả heo con, rồi heo lớn lên đẻ một bầy con, trở thành đàn heo đông đúc đủ để đổi thành một con bò, rồi một đàn bò… Và khi cô bé chưa tới chợ thì vấp cục gạch, làm rớt bình sữa. Bình vỡ, sữa đổ hết, giấc mơ tan tành. Lời răn của chuyện là chớ mơ mộng xa vời. Nhưng bao nhiêu ước mơ của tôi đã tan tành, từ thời thiếu nữ đến giờ, tôi vẫn còn mộng mơ.

Tôi cũng biết mình sa đà trong mơ mộng, bỏ lỡ nhiều cơ hội trong đời vì những lúc đó cần xông xáo chụp giựt thì mình lại thả hồn lên những đám mây, mơ cái điều không bao giờ có, trốn một thực tế mình không thể nào tránh được. Nhật ký của tôi có vô số trang ghi lại nỗi dằn vặt hối tiếc thời gian tôi đã lãng phí cho những mơ mộng viễn vông, vô số cam kết, quyết chí, thề nguyền là sẽ không bao giờ thả hồn lang thang, thả trí tưởng tượng. Thâm tâm tôi cảm thấy đó như một tật kín của mình, không muốn ai biết, thậm chí cố chối cãi với cả chính mình. Bao nhiêu năm sống là bấy nhiêu năm tôi tự đánh vật với bản thân, lôi mình ra khỏi thế giới ảo, quăng mình vào thực tế, rồi thỉnh thoảng lại dội ra, lảng trốn trong cõi mộng mơ.
Tôi hiểu sâu sắc rằng lậm một chút xíu nữa là tôi bị coi như người điên. Sống trong mộng ảo bị coi là một dạng bệnh tâm thần. Cho đến hôm nay, một nghiên cứu khoa học kéo dài nhiều năm kết luận rằng… mộng mơ không xấu, cũng không hẳng uổng phí thời gian, vì hoạt động đó có ích cho bộ não, nó giúp não phát huy tính sáng tạo. A! Bài báo về kết quả nghiên cứu này cất gánh nặng ngàn cân khỏi vai tôi. Tự nhiên tôi thấy lòng nhẹ nhõm, dừng tay giữa lúc công việc túi bụi, ngước nhìn trời xanh tìm một áng mây bay…
                                                                              
                                                                                Lý Lan
                                                                        (Bài đăng có cắt xén)
                                                                                                
                                                                                              









Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài và nhận xét!




Bài mới đăng

Bài ngẫu nhiên